Lứa tuổi thiếu niên – đối tượng thẩm mỹ đặc biệt

Một phần của tài liệu Văn học viết về lứa tuổi thiếu niên qua một số tác phẩm của lê văn nghĩa (Trang 20 - 24)

Chương 1: VĂN HỌC VIẾT VỀ TUỔI THIẾU NIÊN VÀ TÁC PHẨM CỦA LÊ VĂN NGHĨA

1.1. Văn học viết về lứa tuổi thiếu niên

1.1.1. Lứa tuổi thiếu niên – đối tượng thẩm mỹ đặc biệt

Theo các nhà tâm lí học lứa tuổi, lứa tuổi là một thời kì phát triển nhất định, mang những đặc điểm chung, đặc trưng cho thời kì đó song giai đoạn lứa tuổi chỉ có ý nghĩa tương đối” (Lý Minh Tiên, Nguyễn Thị Tứ, Bùi Hồng Hà, Huỳnh Lâm Anh Chương, 2012). Có thể hiểu, tính tương đối ở đây bao gồm tương đối về số tuổi với sự thay đổi tâm sinh lí của mỗi người, tương đối giữa giới tính nam – nữ, tương đối về các khu vực lãnh thổ trên thế giới và tương đối bởi lịch sử phát triển của nhân loại. Chính vì vậy, các quốc gia cũng như các tổ chức trên thế giới đến nay vẫn có những cách phân chia cũng như những quy định khác nhau giữa các độ tuổi:

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định lứa tuổi 10 - 19 tuổi là độ tuổi vị thành niên. Liên hợp quốc (UN) xác định thanh niên là những người trong độ tuổi từ 15 – 24. Tại Việt Nam, theo Điều 1 Luật Thanh niên 2005 quy định “Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi”.

Một số ý kiến của các nhà nghiên cứu văn học: “Tuổi mới lớn tương ứng với giai đoạn dậy thì của cơ thể người, kéo dài từ khoảng 12 cho đến khoảng 18 tuổi, với những biến đổi trước tiên là về thể chất, sau đó là nhận thức và tinh thần. Về cột mốc tuổi tác, các nhà nghiên cứu ít nhiều có sự tranh cãi nhưng họ đều đồng thuận một điều: Tuổi mới lớn là thời kỳ chuyển tiếp của quá trình từ trẻ con thành người lớn. Những ai đang trong thời kỳ này thì đều được gọi là thanh thiếu niên hay thiếu niên (tiếng Anh: “teenager” hay “adolescent”)” (Võ Văn Nhơn, 2021); “Nhà văn Lê Phương Liên định nghĩa văn học thiếu nhi là một thể loại văn học đặc thù nhằm phục vụ một đối tượng văn học rộng lớn bao gồm: lứa tuổi mầm non (dưới 6 tuổi), lứa tuổi nhi đồng (từ 6 -10 tuổi), lứa tuổi thiếu niên (từ 11 - 13 tuổi), tuổi mới lớn (từ 13, 14 tuổi - 18, 19 tuổi)” (Nguyễn Thị Thanh Hương, 2016)

Một kết quả nghiên cứu khác: “Theo công ước quốc tế từ mới sinh đến 16 tuổi được coi là độ tuổi của trẻ em. Trong độ tuổi này có một mốc quan trọng: 6 tuổi - tuổi bắt đầu đến trường. Vì vậy trước 6 tuổi được coi là trước tuổi học và sau 6 tuổi được coi là tuổi đến trường. Tâm lý học cũng coi 6 đến 16 tuổi là tuổi thiếu nhi, bao gồm tuổi nhi đồng (6- 10 tuổi) và thiếu niên (11 đến 16 tuổi)”. (Trần Thị Minh Nguyệt, 2014)

Các nhà tâm lí học và giáo dục học tại Việt Nam lại có sự phân định rõ: Tuổi thiếu niên là giai đoạn phát triển của trẻ từ 11-15 tuổi, các em được vào học ở trường Trung học cơ sở. Tuổi thanh niên là từ 15 – 25 tuổi - lứa tuổi của học sinh Trung học phổ thông (Nguyễn Thị Bích Hồng, Võ Văn Nam, 2004). Tương ứng với tâm lí học, tuổi thiếu niên gắn với giai đoạn trước dậy thì và dậy thì; tuổi thanh niên gắn với giai đoạn sau dậy thì.

Như vậy, trong đời sống chính trị, văn hóa, giáo dục,… đều có sự phân chia lứa tuổi. Một số khái niệm và cách phân chia theo độ tuổi được đề cập trên đây bao gồm: thiếu nhi, nhi đồng, thiếu niên, thanh niên, thanh thiếu niên, vị thành niên, tuổi mới lớn. Song những cách phân chia ấy lại chưa có sự thống nhất giữa các tổ chức và giới nghiên cứu các ngành. Đặc biệt trong văn học, chúng ta nghe nhiều đến văn học thiếu nhi, văn học tuổi mới lớn song độ tuổi thiếu nhi hay tuổi mới lớn đều mang tính tương đối.

Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi muốn xác định rõ đối tượng thẩm mỹ hướng đến là lứa tuổi thiếu niên, tức giới hạn lại phạm vi đối tượng được khai thác trong tác phẩm văn học. Theo những nghiên cứu trên, thiếu niên là một phần của tuổi vị thành niên, thanh thiếu niên hay tuổi mới lớn; đồng thời thiếu niên cũng là một phần của thiếu nhi. Song đã đến lúc cho lứa tuổi thiếu niên có một chỗ đứng khu biệt trong văn chương (phân biệt với nhi đồng và thanh niên). Chúng tôi đồng tình và dựa vào kết quả nghiên cứu của Tâm lí học lứa tuổi và Giáo dục học để đưa ra khái niệm về lứa tuổi thiếu niên cùng những đặc trưng riêng. Từ đó khẳng định đây chính là đối tượng thẩm mỹ đặc biệt mà văn chương nghệ thuật đã, đang và cần quan tâm nhiều hơn.

Như vậy, lứa tuổi thiếu niên tương ứng với giai đoạn trước dậy thì và dậy thì của cơ thể người, kéo dài từ 11 đến khoảng 15 tuổi (tương ứng với học sinh Trung học cơ sở hiện nay tại Việt Nam). Đây là giai đoạn đặc biệt có bước “nhảy vọt” về thể chất, tình cảm, đạo đức, trí tuệ,… Lứa tuổi thiếu niên có những đặc trưng khu biệt với giai đoạn trước đó là tuổi nhi đồng và giai đoạn sau đó là tuổi thanh niên.

Từ những đặc trưng riêng ấy, lứa tuổi thiếu niên còn có những tên gọi khác như:

“thời kì quá độ”, “tuổi khó bảo”, “tuổi bất trị” hay “tuổi khủng hoảng”.

b. Đặc điểm tâm lý lứa tuổi thiếu niên

Như đã xác định, lứa tuổi thiếu niên ứng với một giai đoạn phát triển cực kỳ đặc biệt của con người. Đây là thời kì phát triển phức tạp và cũng là thời kì chuẩn bị quan trọng cho những bước phát triển sau này: trong thời kì này, những cơ sở, phương hướng chung của sự hình thành quan điểm xã hội và đạo đức của nhân cách được hình thành, chúng sẽ được tiếp tục phát triển trong tuổi thanh niên. Như vậy, trong giai đoạn này, ngoài những thay đổi dễ nhận thấy trên cơ thể, thiếu niên còn có nhiều đặc trưng riêng về vấn đề tinh thần và nhận thức:

Thứ nhất, tuổi thiếu niên vừa có tính trẻ con vừa có khuynh hướng muốn làm người lớn. Các em vẫn còn ngây thơ, hồn nhiên thậm chí vụng về trong hành động, lời nói, suy nghĩ. Bên cạnh đó, chúng bắt đầu muốn thể hiện bản thân nhiều hơn, cái tôi cá nhân cũng dần dần được hình thành.

Thứ hai, đây là giai đoạn mà cảm xúc cá nhân khó kiểm soát. Nói cách khác, thiếu niên thường không làm chủ được cảm xúc của mình. Chúng dễ bị kích động, cáu gắt, mất bình tĩnh và dễ thay đổi trước những tác động xung quanh cuộc sống.

Chính vì vậy, thiếu niên hay có những hành động bồng bột, nói năng nhát gừng, cộc lốc.

Thứ ba, vì tuổi thiếu niên gắn với giai đoạn dậy thì nên các em sẽ có cảm giác mới lạ liên quan đến tình cảm giới tính. Cụ thể, thiếu niên bắt đầu biết quan tâm tới người khác giới. Đặc biệt chúng sẽ thấy tò mò một cách vụng về về những thay đổi kì lạ trên cơ thể mình.

Thứ tư, điều kiện sống và các mối quan hệ xã hội của lứa tuổi thiếu niên

cũng có nhiều thay đổi. Trong gia đình, thiếu niên ý thức được vai trò của mình thông qua những lần được giao việc. Tính độc lập, tự chủ cũng dần được hình thành khi các em bắt đầu biết giúp đỡ bố mẹ những công việc trong gia đình. Trong nhà trường, thiếu niên được mở rộng tri thức và rèn luyện nhân cách. Độ tuổi này dễ chịu ảnh hưởng từ người lớn, đặc biệt là thầy cô giáo. Trong xã hội, như đã trình bày, vì thiếu niên thích thể hiện mình là người lớn và muốn làm những việc có ý nghĩa lớn lao nên các công tác xã hội thường được các em quan tâm. Và cũng nhờ việc tích cực, hăng hái tham gia các hoạt động xã hội mà thiếu niên được bồi đắp kinh nghiệm sống cũng như khả năng giao tiếp.

Về cách ứng xử của thiếu niên trong các mối quan hệ xã hội, đối với người lớn, các em không muốn phụ thuộc và muốn có lập trường, quan điểm riêng ở một mức độ nhất định. Đặc biệt, độ tuổi này muốn người lớn đối xử với mình một cách bình đẳng, các em bắt đầu có những bí mật và không muốn bị can thiệp quá sâu vào một số mặt trong đời sống riêng. Nói cách khác, thiếu niên muốn được mở rộng quyền hạn, được tôn trọng nhân cách, phẩm giá, tin tưởng trong mối quan hệ với người lớn. Nếu người lớn không hiểu và thỏa hiệp, thiếu niên dễ có thái độ bướng bỉnh, bất bình, không vâng lời, xa lánh người lớn, mất niềm tin hay khó chịu một cách có ý thức. Thay vào đó, độ tuổi này rất coi trọng bạn bè, thậm chí lí tưởng hóa tình bạn. Lí tưởng tình bạn của tuổi thiếu niên là “sống chết có nhau”, “chia ngọt sẻ bùi”. Chính vì vậy, các em cũng có những yêu cầu với bạn như cởi mở, hiểu nhau, tế nhị, vị tha, đồng cảm, giữ bí mật cho nhau. Thú vị nhất là cách ứng xử của thiếu niên với bạn khác giới: các bạn nam thường có cách thể hiện ngang nhiên, thậm chí thô bạo với các bạn gái như giật tóc, trêu chọc; các bạn nữ lại kín đáo, có phần thờ ơ, lãnh đạm với các bạn trai. Nhìn chung, những thay thay đổi về điều kiện sống và các mối quan hệ xã hội là tiền đề giúp nhân cách của lứa tuổi thiếu niên được hình thành và phát triển phong phú hơn so với các lứa tuổi trước.

Thứ năm, đây là giai đoạn hình thành sự tự ý thức. Thiếu niên có thể tự ý thức các phẩm chất, nhân cách của mình và người khác. Các em bắt đầu có những suy nghĩ và cách tư duy phức tạp hơn. Môi trường và các mối quan hệ được mở

rộng đồng thời nhận thức được nâng cao, thiếu niên có xu hướng thích tranh luận, xem xét lại vấn đề. Ngoài ra, các em cũng quan tâm đến việc khám phá thế giới nội tâm của chính mình, bắt đầu có những mâu thuẫn về cảm xúc nhưng không thể lý giải và không biết cách giải quyết những xung đột bên trong.

Như vậy, lứa tuổi thiếu niên là một đối tượng cần được quan tâm đặc biệt từ gia đình, nhà trường và xã hội bởi những điểm đặc biệt trong giai đoạn phát triển nhân cách của thiếu niên. Việc nắm bắt tâm lí để ứng xử và giáo dục trẻ trong độ tuổi này chắc hẳn khiến cho đại đa số người lớn phải cực kì thận trọng và khéo léo.

Trong văn chương nghệ thuật, cụ thể là các tác phẩm văn học hư cấu, thiếu niên cũng có thể trở thành đối tượng được khai thác, nói cách khác, nhà văn có thể xây dựng kiểu nhân vật thiếu niên trong những tác phẩm của mình. Dù là hư cấu nhưng nhà văn vẫn cần giữ được tính chân thực và bản chất của đối tượng. Việc khai thác tâm lí, hành động, lời nói, điệu bộ,… của thiếu niên đòi hỏi nhà văn phải có sự am hiểu tường tận, bao gồm kinh nghiệm lẫn tri thức về đối tượng.

Không chỉ là đối tượng nghệ thuật trong quá trình sáng tạo tác phẩm văn học, lứa tuổi thiếu niên còn là đối tượng đặc biệt xét trong quá trình tiếp nhận văn học.

Một tác phẩm hướng đến độc giả thuộc lứa tuổi thiếu niên có thể được xem là thành công khi nó được các em yêu thích và nội dung tác phẩm có tác dụng nhất định đối với sự phát triển nhân cách của các em. Muốn vậy, tác phẩm phải phù hợp với tầm đón đợi của lứa tuổi này. Nói cách khác, sáng tác của nhà văn cần đáp ứng nhu cầu tâm lý, khả năng nhận thức và kinh nghiệm của lứa tuổi như: nhu cầu vui chơi hồn nhiên, trong sáng, nhu cầu khám phá thế giới bên trong tâm hồn mình, nhu cầu mở rộng các mối quan hệ và môi trường sống, nhu cầu bộc lộ cá tính, các xúc cá nhân.

Một lần nữa, đòi hỏi người cầm bút phải đặc biệt thận trọng và khéo léo khi lựa chọn thiếu niên là đối tượng hướng đến trong sáng tác của mình.

Một phần của tài liệu Văn học viết về lứa tuổi thiếu niên qua một số tác phẩm của lê văn nghĩa (Trang 20 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)