Chương 2: THẾ GIỚI NHÂN VẬT THIẾU NIÊN TRONG TÁC PHẨM CỦA LÊ VĂN NGHĨA
3.3. Ngôn ngữ và giọng điệu kể chuyện
3.3.1. Ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ
Không gian sinh hoạt của các nhân vật trong truyện dài viết về lứa tuổi thiếu niên của nhà văn Lê Văn Nghĩa đều thuộc khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn những năm 60 của thế kỉ XX. Màu sắc Nam Bộ không thể hiện qua phong cách sống, cách sinh hoạt của thế giới nhân vật từ thiếu niên đến người lớn mà còn được tô đậm thông qua ngôn ngữ trần thuật. Từ diễn ngôn của người kể chuyện đến các đoạn đối thoại, độc thoại của đại đa số các nhân vật trong tác phẩm đều sử dụng hệ thống ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ.
Trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, ngoài sự giản dị, gần gũi, người dân Nam Bộ thường có cách diễn đạt rất giàu hình ảnh bằng những lối ví von, so sánh thú vị.
Người đọc có thể bắt gặp cách diễn đạt này xuyên suốt trong các truyện dài của Lê Văn Nghĩa.
Đó có thể là ngôn ngữ đậm chất khẩu ngữ giàu hình ảnh và giàu giá trị biểu cảm: “hết cái vèo”; “chơi thả ga”; “mừng hết biết”; “hay rụng rún luôn”; “mập thù lù”; “ngồi tán gẫu với nhau lia lịa”; “đạp lút ga”; “cắm đầu cắm cổ đạp xe”; “loạn cào cào”; “hát nhão nhẹt”; “mê tít thò lò”; “nhờ có chút xíu xìu xiu”; “trớt huơ, trớt huớt”; “có chữ, có nghĩa”; “nhìn lé con mắt luôn”; “hăng tiết vịt”; “đờn cò, đờn gáo”; “trống hoác, trống huơ”; “giàu nứt vách”; “qua chiều mai là qua phà”; “mệt thấy tía”; “nhiều vô thiên lủng luôn”; “giống nhau y hệt khuôn”; “cũ xì cũ xịt”;
“mày học võ cua, võ còng chứ võ gì”; “lớn bánh kì nái”; “mút chỉ cà tha”; “ôn hoàng hột vịt lộn”; “lạnh rụng rún”; “tui cùi sút móng liền”; “nước mắt ngắn, nước mắt dài”; “tò te tú tí”; “học sói đầu”; “sợ xanh máu mặt”; “ngần tò te”; “cà cọc, cà cạch”; “khôn bà cố”; “mỏng tẻ tè te”; “đẹp quá xá là đẹp”; “giựt tới giựt lui”; “ngon dữ thần ôn”; “khoái bành chí tử”; “ôi cha chả là tức”; “mẹ cha thằng cha Kim Dung viết hay thấy ông bà ông vải”; “ghiền thì bịnh gì mà cữ”; “xa thấy mồ tổ”; “nôn quá
trời quá đất”; “đánh cho te tua, tơi bời hoa lá hẹ”;…
Đó có thể là cách liên tưởng, so sánh thú vị. Những hình ảnh được so sánh đều là những sự vật, hiện tượng gần gũi, xuất hiện xung quanh cuộc sống của người dân Nam Bộ: “ngon như ăn bánh canh giò heo”; “uýnh như điên khùng khí chuột”;
“khoái như mở cờ trong bụng”; “chắc như ăn bắp”; “ốm nhom như cò rỉa”; “bán chạy như tôm tươi”; “ốm nhom ốm nhách như con khô hố”; “nhanh như chớp”;
“nhỏ xíu con như con choi choi”; “khàn khàn như vịt đực”; “hai cái chân như cặp dọc tẩu của những tay hút thuốc phiện”; “đôi kiếng cận thị dầy như đít chai”; “thằng ấy có đạo nghĩa kiểu Lục Vân Tiên”; “ngon như ăn cơm sườn”; “dai như đỉa”; “lâng lâng trong người như đang lên đồng”; “dễ như ăn chè đậu”; “bự như cái thùng phuy”; “khỏe re như con bò kéo xe”; “con trai tui đẹp trai như kép Thành Được”;
“mập như nái xề vậy”; “độc như thịt vịt xiêm la”;…
Hệ thống thành ngữ, tục ngữ, những cụm từ gần như cố định giàu sắc thái gợi hình, gợi cảm cũng xuất hiện trong các tác phẩm, chủ yếu thông qua lời thoại của nhân vật: “năm thì mười họa”; “phàm phu tục tử”; “thời gian như vó câu”;
“thương hải tang điền”, “bãi biển hóa nương dâu”; “tán hươu tán vượn”; “quyết đấu sanh tử”; “công hiệu như thần”; “đáng đồng tiền bát gạo”; “cũng liều con tạo xoay vần đến đâu”; “trời xui đất khiến, ông ứng bà hành”; “cắm đầu cắm cổ”; “chạy trời không khỏi nắng”; “thêm mắm dậm muối”; “ba hoa chích chòe”; “bò lê, bò càng”;
“thừa nước đục thả câu”; “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”; “bánh sáp đi, bánh quy lại”; “nát vỏ vẫn còn bờ tre”; “mặt la mày lét”; “bể cái lu vẫn còn cái khạp”; “tham phú phụ bần, tham tiền bỏ ngãi”; “Cờ bạc là bác thằng bần”; “tiếng lặn, tiếng hụp”; “nói cạnh, nói khóe”; “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”; “rành rẽ sáu câu”; “loạn xạ xì ngầu”; “đã đời vân tiên”; “xui tận cùng bằng số”; “chậm rà chậm rịch”; “toán loạn xà bần”; “cắc ca cắc củm”; “tránh voi chẳng xấu mặt nào”; “nức lòng hởi dạ”;…
Bên cạnh đó, nhà văn Lê Văn Nghĩa còn công phu sử dụng có hiệu quả các lớp từ mang đậm màu sắc Nam Bộ trong những tác phẩm của mình. Thông qua lớp từ ngữ địa phương, nhân vật hiện lên với đầy đủ dấu ấn đặc trưng của con người
Nam Bộ với sự bình dị, mộc mạc, chân chất, nghĩa tình, hào sảng. Không khí thời đại cũng được tái hiện chân thực hơn. Người đọc bước vào thế giới ấy cũng cảm nhận được sâu sắc hơn về đời sống, tính cách, phẩm chất, thói quen của các đối tượng thẩm mỹ.
Có thể kể đến lớp từ chỉ địa danh khu vực Nam Bộ như: “Nam kỳ Lục tỉnh”;
“Mỹ Tho”; “Sài Gòn”; “Cái Răng”, “Ô Môn”, “Cần Thơ”; “Xóm Sáu Lèo”; “Rạch Giá”, “Cần Thơ”; “Miệt vườn”, “Lục tỉnh”; “Bạc Liêu”, “Bắc Mỹ Thuận”; “Gành Hào”;…
Lớp từ chỉ những món ăn, sự vật, điệu hát đậm chất Nam Bộ: “xá xị con cọp”; trà đá; “phá lấu lòng heo”; “sương sa sương sáo”; “đậu đỏ bánh lọt”; “bánh dừa”, “bánh su sê”; “hủ tíu”; “dào cháo quẩy”; “nước mắm kho quẹt”; “cần xé”; “ụ ghe chài”; “gánh hát”; “điệu Bình Bán Chấn”; “cải lương”;…
Lớp từ ngữ xưng hô, gọi tên rất riêng như: “má”; “tía”; “con” (xưng hô với cả những người không trong mối quan hệ cha – con; mẹ - con); “nhỏ” (gọi những đứa bé); “qua”; “tui”; “mấy giả”; “mấy cha”; “mấy bồ”; “thằng Tám”; ‘ông Năm Lương”; “Út Trà Ôn”; “chú Chín”; “bà Năm Sổ”, “bà Tư Móm”; “bà Năm Sa Đéc’;
“bà Hai”; “ông Tám”; “ông Hai Ghiền”; “dì Hai”; “chú Hai Ngon”; “Hai Cụt”; “Sáu Lùn”; “bác Hai”, “chú Bảy”; “bầu Tư”; “anh Tư”, “anh Năm”; “mụ Mười”; “thầy Hai”; “ông Tư xích lô”; “ông Ba Ròm”; “Ba Gà”, “Hai thợ nhuộm”; “má Hai”;
“Chú Tám Địa”, “chú Năm Cũ”; “ông Hai Trộc”; “thằng Tám xạo”; “ông Ba Ngọt”;
“ông Tư Bò”; “chị Năm Mỏ”;…
Nhiều nhất vẫn là những từ ngữ địa phương, tiếng lóng như: “khoái”, “chọc quê”; “ghệ”; “bô giai”; “ghiền”; “kẹt quá”; “cứu bồ lẫn nhau”; “quẹo”; “tay mặt”;
“nổ”; “dễ ẹc”; “thấy ghê”; “sức mấy”; “ớn”; “diện”; “đổ quạo”; “đá banh”; “cặp táp”; “oánh lộn”; “giỡn chơi”; “riết”; “sơ cua”; “bắt địa”; “tiêu”; “hết xẩy”; “ráng”;
“bùng binh”; “bộn bộn”; “dông”; “đái dầm”; “mắc cỡ”; “mắc cười”; “ngon trớn”;
“coi cọp”; “thấy ghê”; “khi dễ”; “khùng”; “làm bộ”; “điệu nghệ”; “xạo ke”; “xấu hoắc”; “hớt tóc”; “bỏ qua đi tám”; “nhớ mại mại”; “nói dóc”; “chút đỉnh”; “cà khịa”; “thó”; “dùm”; “ăn khính”, “coi khính”; “bự”; “làm tàng”; “oánh”; “uýnh”;
“hùn”; “mướn”; “nhẹ hều”; “mừng húm”; “khỏe re”; “bận” (mặc); “cũ xì”; “bắt chước”; “ngộ dễ sợ”; “hôi rình”; “quá giang”, “tỉnh rụi”; “bự xự”; “chơi sộp”;
“bảnh tỏn”; “lấy le”; “xí gạt”; “xí chỗ”; “số dách”; “quỷ kiến sầu” (tốt); “lè lẹ”; “ba lém”; “trật lất”; “giỡn mặt”; “đã điếu”; “mình ên”; “lớn bộn”; “ưa”; “quá xá”; “dụ khị”; “nghe hoài riết quen”; “ở đậu”; “đầy nhóc”; “mánh lới”; “hay” (biết); “ráo trọi”; “rẻ rề”; “mần biếng”; “không có đặng”; “ở dơ”; “mót đái”; “lẹ làng”; “ráo trọi”; “giả bộ”; “ít xịt”;… Lớp từ địa phương khá dày này chủ yếu được tác giả sử dụng trong các cuộc đối thoại giữa các nhân vật giúp cho lời thoại của nhân vật tự nhiên hơn. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra một chút khó khăn cho độc giả không phải là người gốc Nam Bộ. Hiểu được điều đó, tác giả đã rất tinh tế và khéo léo thêm những chú thích, những phần phụ chú để giải nghĩa những từ ngữ không thông dụng.
Lớp từ biến âm cũng là một đặc trưng của ngôn ngữ Nam Bộ, xuất phát từ việc phát âm, việc muốn rút gọn, đơn giản hóa trong lời ăn tiếng nói của người dân miền Nam. Trong các tác phẩm xuất hiện một số từ được dùng phổ biến như: “trển”;
“trỏng”; “ảnh”; “chỉ”; “cổ”; “bả”; ổng”; “mầy”; “mậy”, “nầy”; “vầy”, “ổng”, “tụi bây”; “thằng chả”; “hổng phải”; “xời ơi”; “chịu hôn”; “đen xì”; “giựt”; “chánh thức”; “chánh phủ”; “năm choạc”; “kiếng cận”; “dầy” (dày); “dép nhựt”; “giầy”
(giày); “đờn”; “sanh tử”; “giựt mình”; “có giang” (có duyên); “quới nhơn”; “phẻ”
(khỏe); “biết hông”; “tánh”; “hổng chịu”; “tài chánh”; “tập dợt”; “ca sỡi”; “ịn”; “trị bịnh”; “nhứt hạng”; “dơ dái”; “nhứt quyết”; “binh vực”; “biểu”; “binh bạn”, “sanh nghi”; “giựt mình”; “nhơn chia”; “heo bịnh”; “trực nhựt”; “phiên tò”; “khíu nại”;
“hành chánh”; “hổng lẽ”; “Sì Goòng”; “nhơn nghĩa”; “nghinh chiến”; “Sì Gòn”;
“thơ kí”; “chánh tả”; “cà giựt”; “pha học”; “chánh đạo”; “điện giựt”; “binh” (bênh vực);…
Và cuối cùng là lớp từ mang tính chất tình thái nhằm diễn tả cảm xúc tâm trạng của nhân vật cũng như người trần thuật như: “ủa”; “ừ hé”; “nghen”; “nha”;
“há”; “nè”; “bộ”; “hà”; “dữ”, “nghe”; “à nhen”; “quá xá cỡ”; “ờ hé”; “nhe”; “chớ”;
“coi vậy chớ”; “cà”; “mờ”; “ghê”; “cha”; “chứ bộ”; “dễ sợ”;…Lớp từ này nhà văn
thường đặt ở cuối câu trần thuật hoặc lời thoại của nhân vật, nhờ vậy mà những câu văn đều mang những sắc thái cảm xúc cực kì rõ ràng và riêng biệt.
Ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ có vai trò giúp cho tác phẩm của Lê Văn Nghĩa mang một dấu ấn rất riêng. Người ta sẽ nhớ đến những cô cậu học sinh, những đứa trẻ tinh nghịch, láu cá, thông minh mang trong mình tinh thần của người Sài Gòn nói riêng và người dân Nam Bộ nói chung. Bạn đọc miền Nam sẽ thấy gần gũi, thân thương, thấy lời ăn tiếng nói của mình trong trang văn để rồi yêu mến và tự hào hơn về tiếng nói quê mình. Bạn đọc mọi miền tổ quốc cũng có cơ hội khám phá một nét văn hóa vô cùng thú vị được hiển lộ trên những trang văn.