Chương 2: THẾ GIỚI NHÂN VẬT THIẾU NIÊN TRONG TÁC PHẨM CỦA LÊ VĂN NGHĨA
2.2. Hình ảnh nhân vật thiếu niên
2.2.1. Nhân vật thiếu niên tự hoàn thiện
Trong các tác phẩm của Lê Văn Nghĩa, các nhân vật thiếu niên đa phần đều là học sinh đang ở giai đoạn chuyển giao từ tiểu học sang trung học cơ sở, hoặc từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông. Chính vì vậy, các hoạt động trong sinh hoạt thường ngày của nhân vật chủ yếu xoay quanh việc học tập, vui chơi cùng bạn bè, phụ giúp cha mẹ những công việc trong gia đình. Xuất thân và hoàn cảnh sống của các nhân vật không giống nhau, có những học sinh xuất thân từ tầng lớp thượng lưu hoặc gia đình có truyền thống giáo dục bền vững, điều kiện sống luôn đủ đầy.
Cũng có nhiều nhân vật sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu về vật chất lẫn đời sống tinh thần. Đa số những học sinh có xuất thân từ những xóm nghèo đều được gia đình gửi gắm ước mơ đổi đời thông qua việc đến trường tìm kiếm con chữ. Nhưng khi bước vào ngưỡng cửa trung học, việc các em có tiếp tục con đường theo đuổi tri thức hay không phần lớn tùy thuộc vào chính nỗ lực của các em. Bởi nếu không cố gắng để rèn luyện mình, không cố gắng học hành tử tế thì khó lòng thi đậu vào các trường công. Thi rớt, nhà nghèo, không có tiền học trường tư, buộc các em phải nghỉ học để mưu sinh, rồi đi quân dịch, tương lai không thể nói trước.
Người học sinh trong truyện Lê Văn Nghĩa không được lựa chọn nơi mình sinh ra nhưng chúng hoàn toàn có thể lựa chọn cách mình lớn lên. Những ảnh hưởng từ môi trường sống như gia đình, nhà trường, xã hội phần nào tác động đến quá trình trưởng thành của các em, song đó không phải là yếu tố quyết định các em sẽ trở thành người như thế nào trong tương lai. Ở độ tuổi này, mặc dù chưa hoàn toàn tự chủ nhưng các em đã có thể tự nhận thức và lựa chọn cách ứng xử với môi trường và các mối quan hệ xung quanh, từ đó có thể tự hoàn thiện bản thân về cả tri thức, đạo đức lẫn đời sống tinh thần phong phú, phức tạp.
Đặc biệt, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã chủ ý xây dựng nên môi trường sống và
sinh hoạt khá lành mạnh cho nhân vật học sinh trong các tác phẩm. Dù đâu đó vẫn có những lối suy nghĩ thiển cận của cha mẹ, những tư tưởng phi giáo dục của số ít giáo viên hay sự thiếu văn hóa của thiểu số cá nhân trong xã hội, nhưng nhìn chung nhân vật người lớn trong truyện từ cha mẹ, ông bà, hàng xóm, thầy cô, những người lao động trong xã hội đều là những tấm gương trong mối quan hệ với người học sinh. Họ dành một sự quan tâm đặc biệt và luôn có sự ưu tiên cho đối tượng này.
Đây là điều kiện lí tưởng để học sinh có thể sống đúng với lứa tuổi và vai trò xã hội của mình. Cũng nhờ vậy, hầu hết thiếu niên là học sinh trong truyện của Lê Văn Nghĩa đều mang những nét đặc trưng vốn có của nhóm đối tượng này, trước hết là sự ngây thơ, hồn nhiên, đáng yêu kết hợp với những trò nghịch ngợm, pha chút láu cá, rất đúng với câu nói “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”.
Trong Mùa tiểu học cuối cùng, người đọc không thể không bật cười bởi những suy nghĩ ngây ngô của tụi học trò, đâu đó ngày xưa chúng ta cũng đã có những lo lắng như thằng Cảnh hù: “Tao méc cô thằng Thu là con Thu để sau này nó có bầu cô không nghi tao. Tao ngồi gần nó hàng ngày, từ trước tới nay tao ưa đụng tay đụng chân vào tay chân nó hay lỡ nước miếng của tao có vi trùng bay vô miệng nó, nó có bầu thì chết tía tao. Tao đâu có tiền nuôi nó vô nhà bảo sanh cô Mười Mụ đẻ đâu” (Lê Văn Nghĩa, 2021, trang 74). Tụi nhỏ dễ tin vào những gì chúng nghe được hoặc đọc được, mà đã tin thì muốn thử ngay. Út đẹt lấy nước ngâm sắt với dấm thoa lên người để có “mình đồng da sắt”, uống nước bùa của thằng Hoàng để giỏi võ; thằng Chương bắt chước mấy anh hùng trong phim Ấn Độ lấy khăn tắm bự của má nó choàng vào người, đến nghĩa địa luyện thiên linh cái để tàng hình. Hay thằng Lượm trong Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ, khi đặt tên cho con chó nó mới lượm về từ bãi rác, nó nghĩ ngay đến cô An Khê. Vì nó thương cô giáo quá nên tính đặt tên cho con chó là Khê. Rồi từ việc so sánh hình ảnh ông hớt tóc người Bắc và cô An Khê, nhóm bạn thằng Lượm đưa ra một kết luận “con gái Bắc thì đẹp còn con trai Bắc thì xấu”. Với thằng Dũng trong Mùa hè năm Petrus, nghệ sĩ phải là những người để tóc dài như tứ quái Beatles hoặc ốm nhom ốm nhách như mấy nhà thơ mà nó từng gặp. Sự hạn hẹp trong hiểu biết vô
tình khiến các cô cậu học sinh này trở nên đáng yêu hơn bao giờ hết. Quan trọng là các em vô tư nói ra suy nghĩ của mình, vô tư làm những việc chỉ có trẻ con mới dám làm. Rồi sau này lớn lên, nhớ lại, tự bật cười và cảm thấy trân quý những kỷ niệm hồn nhiên ấy biết chừng nào.
Ông cha ta có câu rằng “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, trẻ em lúc nào cũng chân thật nhưng không có nghĩa là chúng ù lì. Lắm lúc, bọn trẻ cũng đáo để ra phết chứ không đùa được. Đặc biệt là học sinh trong truyện của Lê Văn Nghĩa, thế giới nhân vật ở đây chủ yếu là các cậu bé nên những trò nghịch ngợm, quậy phá với sự láu cá của tụi nhỏ kì thực rất đáng “nể”. Quậy, láu cá nhưng người đọc sẽ không có cảm giác khó chịu hay ghét bỏ chúng bởi đó toàn là những trò nghịch đáng yêu, chẳng gây hại cho ai và quan trọng là tụi nhỏ vẫn rất biết chừng mực. Tụi thằng Há, thằng Hoàng trong Mùa tiểu học cuối cùng mỗi năm hai lần đến dịp “bị” khám răng định kì lại được bọn trong lớp phục lăn bởi chiến tích của tụi nó. Thằng Há, với hàm răng chưa có cơ hội được làm quen với kem đánh răng bao giờ, hết sức láu cá, láu tôm khi vừa bước lên xe bằng cửa trước thì liền dọt lẹ ra cửa sau, một tay ôm miệng như vừa mới khám răng xong. Khi tuyệt chiêu này mất tác dụng bởi sự “bắt bài”
của cô An Khê thì nó chuyển sang tấn công trực diện anh y tá bằng cách hà hơi cái miệng chưa bao giờ đánh răng tử tế vào anh ta. Cũng bởi vậy mà những lần khám sau, các y tá, bác sĩ đã phải hết sức thận trọng với tụi học sinh ngây thơ này. Thằng Thạch trong Mùa hè năm Petrus nổi tiếng là đứa láu cá trong lớp tứ bảy, khi bị phạt đi cấm túc và chép phạt vì tội trốn học, nó đã chép gian bằng cách đánh số thứ tự không đúng, 50 rồi đến 60, cứ thế vì nó biết thầy sẽ không ngồi đếm từng câu. Thầy tổng giám thị hiền từ bị tụi này lừa lần này đến lần khác, khi thầy bắt được một nhóm học sinh đang xem lén vũ công thay đồ. Thằng Thuật nhanh trí: “Không biết cái gì ở trong đó, kỳ lắm thầy…Thầy leo lên thử xem”. Y như rằng, khi thầy vừa leo lên thì nó hô: “Chạy tụi bây” và còn để lại tên lớp: “Em tên Thành, lớp tứ 3”. Thầy giám thị cũng từng là học sinh nên cũng hiểu và thậm chí thấy quen với những trò nghịch ngợm của tụi nhỏ. Cũng có những lúc, nhờ sự láu cá mà tụi nhỏ làm nên chuyện. Như thằng Thạch với sự láu cá của mình đã quyên đủ tiền cứu trợ. Hiểu rõ
tâm lí tụi bạn trong lớp mê các em gái Gia Long, nó đã lấy một cái kẹp tóc của chị nó và nói rằng đây là chiến lợi phẩm thu được từ một cô bé Gia Long dễ thương, và thế là cuộc đấu giá gây quỹ bắt đầu. Công bằng mà nói, muốn láu cá cũng cần sự thông minh chút đỉnh.
Không chỉ trong lớp học, trong ứng xử với bạn bè và thầy cô, tụi học sinh
“lắm chữ nghĩa” trong Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy còn mang sự láu cá, nghịch ngợm ấy xử lí nhiều tình huống xã hội. Như thằng Minh vì sợ dì Hai không nhận đồng năm cắc nên nó vừa ăn vừa cố ý kể chuyện bâng quơ: “Hôm qua, cô giáo con có kể là có một thằng nhỏ ở cái trường gì ở tỉnh Gia Định, đang học giữa chừng thì bị xỉu vì đói, phải đưa đi nhà thương Nguyễn Văn Học…Tại vì, nó mua một đồng xôi bằng hai đồng keng năm cắc, bà bán xôi không chịu lấy tiền keng, bả nói tiền nầy không xài nữa. Bà bán xôi nầy đúng là không có lòng biết thương con nít, phải không dì?” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 16). Câu chuyện của nó nhận được sự đồng cảm của dì Hai, chớp lấy thời nó móc từ trong túi ra tám đồng xu năm cắc đưa cho dì Hai cháo huyết. Dì Hai hay cả người đọc cũng phải lắc đầu và bật cười trước sự ma lanh đáng yêu của tụi nhỏ. Hay trong những trường hợp cần thiết thì sự “dẻo miệng” ấy cũng phát huy được tác dụng:
- Chú thương tụi con. Xe chở nặng quá. Chú cho tụi con hai đồng đi. Hai thằng hai đồng mới dễ chia với nhau…Hôm nay nhà con đang cần tiền, mai mốt con đẩy xe cho chú bù lại nghen chú.
(Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 135) Các em được tin, được thương không phải vì người lớn không biết tụi nó láu cá mà vì dù có láu cá nhưng lúc nào tụi nhỏ cũng nói năng lễ phép, biết dạ biết thưa.
Vậy nên thầy giám thị, dì Hai hay người đạp xe ba bánh vẫn thấy những đứa trẻ này đáng yêu hơn đáng trách, đáng giận.
Sự tinh nghịch, hồn nhiên còn được thể hiện qua những trò chơi mà chỉ có học sinh mới nghĩ ra và dám chơi, đặc biệt là tụi con trai. Trong truyện của Lê Văn Nghĩa, người học sinh đều theo học các lớp hoặc các trường chỉ dành cho nam hoặc
nữ, chính vì vậy mà các nhân vật trong truyện hầu như chẳng cần giữ ý tứ gì với bạn bè cùng lớp – cùng giới. Như thằng Cảnh hù trong Mùa tiểu học cuối cùng là chúa nghĩ ra các trò chơi mất vệ sinh ngay trong nhà vệ sinh: “Tụi bây thi coi thằng nào tè xa nhất nè”. Hay để khám phá ra bí mật của thằng Thu là con Thu, nó đã nghĩ ra cách mua bánh mì chan nhiều nước tương cho Thu ăn để nhỏ này uống nước thiệt nhiều mà đi vào nhà vệ sinh. Thằng Hải (Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ) bày trò lừa thằng Vân vì thằng này là liên toán trưởng nhưng lại xấu tính với bạn bè. Những cậu học sinh trong Mùa hè năm Petrus xem chuyện ăn cắp dây thun ràng, gỡ nắp chuông, xì lốp xe đạp là những trò vui của bọn chúng. Thậm chí chúng còn nghĩ ra và chơi cả trò tuột quần thằng Dũng để trừng phạt vụ thằng này chụp banh hụt ngay giữa sân vận động Lam Sơn. Một tuổi thơ với nhiều kỷ niệm đáng nhớ của những thế hệ học sinh được tái hiện qua ngòi bút có phần trần trụi của nhà văn Lê Văn Nghĩa. Học sinh đâu chỉ có chuyện học, phải có những cuộc chơi mang dấu ấn riêng mà chỉ có tuổi này mới được trải nghiệm. Lê Văn Nghĩa đã cho nhân vật của mình lớn lên một cách tự nhiên, vô tư, vô ưu như vậy.
Song sự hồn nhiên của người học sinh trong truyện Lê Văn Nghĩa không phải theo kiểu ngô nghê của trẻ lên ba. Chúng đều đã bước sang tuổi thiếu niên, đã bắt đầu có suy nghĩ riêng, thậm chí là quan điểm sống riêng. Thông qua cách ứng xử với bạn bè, thầy cô, cha mẹ và các nhân vật người lớn khác ngoài xã hội, người đọc có thể nhận thấy được những nét tính cách, phẩm chất đang dần được hình thành và hoàn thiện ở những cô cậu học sinh này. Trước hết là những tình cảm thuần khiết trong tâm hồn các em với mọi người và với cuộc sống.
Đó có thể là tình yêu thương chân thành dành cho người thân trong gia đình.
Ngoài việc học ở trường, các em đã biết phụ giúp cho mẹ việc nhà. Như chị em cái Tịnh hằng ngày bán bánh mì trước cổng rạp hát; Dũng đi làm thêm ở tiệm in với ba;
Mai đi làm lơ xe đò trong mấy tháng hè (Mùa hè năm Petrus); thằng Hải hằng ngày phụ mẹ đổ bánh bèo xong xuôi mới đi chơi; Thằng Tụi ẵm em cho mẹ; Hiệp mập thì cho heo ăn (Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ),…Những
đứa trẻ nghèo hiểu được nỗi cơ cực của cha mẹ nên chúng cố gắng làm những việc trong khả năng, một phần đỡ đần mẹ cha, một phần chứng tỏ mình đã lớn. Chúng không nói lời yêu thương mật ngọt, tình cảm thuần khiết của chúng được thể hiện qua những hành động hằng ngày. Như chuyện thằng Minh trong truyện Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy:
- Ê, chén cơm của bà ngoại tao đó.
Thằng Long mập ngạc nhiên:
- Ủa bà ngoại mầy còn sống à? Chắc già lắm?
- Không. Bà ngoại tao chết lâu rồi, chết hồi tao chưa đẻ lận. Nhưng mỗi lần ăn cơm má tao đều bới ra một chén nhỏ để bà ngoại về ăn cơm chung cho vui.
(Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 110) Đó có thể là tình cảm gắn bó, sự tin tưởng gần như tuyệt đối dành cho bạn bè. Tuổi thiếu niên thường rất coi trọng tình bạn, thậm chí lí tưởng hóa cả tình bạn.
Chúng có thể tâm sự mọi niềm vui nỗi buồn, những bí mật thầm kín cho đứa bạn của mình thay vì cha mẹ, người thân trong gia đình. Chúng thể hiện tình yêu thương với bạn bè qua những hành động hết sức tự nhiên, chân thành. Trong Mùa hè năm Petrus, mặc dù thằng Thạch được xem là chúa láu cá, hay cúp học nhưng nó lại rất thương thằng Mai. Khi được thằng Lê bao ăn bánh su, nó ăn một cái và gói hai cái bánh bỏ vào túi: “Tao để dành cho thằng Mai. Thằng này thèm bánh su lắm nhưng không có tiền ăn” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 209). Nó cũng rất tinh tế khi thấy thằng Dũng lạc lõng, lẻ loi trong những trận bóng nên khi banh nằm trong chân nó, thay vì đá lên phần sân trên thì nó nhẹ nhàng đá ngược về cho thằng Dũng chụp.
Chính vì vậy, sau mỗi trận banh, thằng Dũng thường bao thằng Thạch ăn đậu đỏ bánh lọt hoặc uống rau má để thầm cảm ơn. Thằng Hoàng, Út đẹt trong Mùa tiểu học cuối cùng hết lòng bảo vệ thắng Ty mỗi khi có đứa đem bạn tụi nó ra làm trò vui. Trong khi đó Út đẹt vì nhỏ con cũng hay bị những đứa khác ức hiếp, Long mập và thằng Há chính là những “anh hùng” chuyên bênh vực, “giải vây” cho nó.
Truyện Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy cũng có những tình bạn đẹp được vun đắp và giữ gìn bằng niềm tin vững
chắc. Khi thằng Chim bị nghi ăn cắp vàng của chị Mùi, thằng Minh đã nói với nhóm bạn nó: “Mình đừng nghi oan cho thằng Chim. Nó không dám ăn trộm cái gì của ai đâu. Đánh bài thì thì nó ham nhưng tao dám cá là nó không lấy vàng của chị Mùi” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 235). Thằng Ti, Út đẹt cũng tin và thấy thương thằng Chim. Và khi thằng này bị bắt vào nhà giam vì tội chơi bầu cua, tụi nhỏ không trách không chê bai bạn, ngược lại còn hết sức lo lắng:
- Mầy... mầy nói ba mầy ráng cứu nó nghe... Tội nghiệp má nó, khóc dữ lắm.
Thằng Minh móc túi lấy ra mấy tờ giấy bạc nhàu nát:
- Tao còn năm đồng, mầy đưa cho thằng Chim, coi nó cần xài cái gì không.
- Tao đưa nó ba đồng, thằng Ti đưa cho thằng Cảnh hù mớ bạc cắc.
(Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 248) Đó còn là tình cảm dành cho những người không phải máu mủ ruột thịt, thậm chí ở một nơi xa xôi mà những cô cậu bé này chưa từng bước chân đến. Cô bé Tịnh trường Gia Long đã cố tình bán vốn ổ bánh mì 5 đồng nhiều thịt cho tụi thằng Thạch trường Petrus Ký khi biết tụi này đi lạc quyên sáng chủ nhật trên đường phố Sài Gòn (Mùa hè năm Petrus). Cũng về chuyện làm thiện nguyện, thằng Thạch cảm thán: “Dân miền trung khổ thiệt. Bão lụt, lại còn chiến tranh nữa. Người chết hai lần thịt da nát tan”, thằng Dũng phụ họa thêm: “Dân nào chẳng khổ mậy, nhất là dân nghèo. Còn chiến tranh là còn khổ” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 443). Những câu nói đậm chất triết lí của tụi nó ấy vậy mà thấm đẫm tình người. Ai bảo tụi nó nhỏ là không biết nghĩ đâu nào. Hay như trong truyện Mùa tiểu học cuối cùng, người đọc phải bất ngờ với hành động của nhóm thằng Hoàng khi chúng tranh thủ trước giờ học đi đám ma bà già bán bánh mì trước cổng trường. Đã thế tụi nhỏ còn biết nhịn ăn sáng để góp tiền đi điếu: “má tao nói đó là tình làng nghĩa xóm, giúp nhà người chết mua hòm, may đồ tang” (Lê Văn Nghĩa, 2021, trang 189). Mặc dù không phải xóm làng, không bà con ruột thịt nhưng…tụi nó đã từng mua bánh mì của bà cụ - suy nghĩ giản đơn ấy cùng những trái tim ấm áp thơ ngây giúp chúng làm được những chuyện mà có thể nhiều người lớn chưa chắc làm được.
Và đó còn là tình yêu thương dành cho những con vật đáng yêu gần gũi với