Chương 2: THẾ GIỚI NHÂN VẬT THIẾU NIÊN TRONG TÁC PHẨM CỦA LÊ VĂN NGHĨA
3.3. Ngôn ngữ và giọng điệu kể chuyện
3.3.2. Ngôn ngữ tuổi teen
Đối tượng chính được tập trung khai thác và xây dựng trong truyện của Lê Văn Nghĩa chính là thế giới nhân vật thiếu niên. Chính vì vậy, việc tác giả sử dụng hệ thống ngôn ngữ tuổi teen là sự lựa chọn hoàn toàn phù hợp và mang lại hiệu ứng nghệ thuật cho tác phẩm. Ngôn ngữ tuổi teen là những lớp từ ngữ, cách diễn đạt riêng mà chỉ các bạn trẻ thiếu niên hiểu và sử dụng trong cộng đồng, xã hội thu nhỏ của mình. Thông qua lớp ngôn từ này, nhân vật thiếu niên xuất hiện một cách tự nhiên, chân thực với đầy đủ những đặc trưng vốn có của lứa tuổi hồn nhiên, vô tư, tinh nghịch.
Ngôn ngữ tuổi teen được thể hiện qua cách gọi tên nhân vật, cách nhân vật xưng hô với nhau. Không phải là cậu – tớ, mình – bạn mà là “mày”, “mầy” – “tao”,
“thằng” A – “con nhỏ” B. Chúng còn đặt biệt danh cho nhau nghe vừa ngộ, vừa dễ thương: “Cường Mông”; “Lý Đen”; “Thái Dúi”, “Mai Văn Mốt”; “Cảnh Hù”;
“Hiệp mập”, “Nghĩa lé”; “Tám hí”; “Hùng Lác”; “Tám Ghẻ”; “Dũng ghiền”;…Không chỉ “chế” tên của nhau, chúng còn “cải biên” tên trường bạn:
trường “Gia Lợn”(Gia Long); trường “Trứng Vữa” (Trưng Vương); trường “Bê-lắc- ký”, “Ba Bốn Ký”(Petrus Ký); trường “Chết Vì Ăn” (Chu Văn An). Thậm chí còn có hẳn những biệt danh cho thầy cô: “nhất Khả nhì Lôi”; “bà Thiên Lôi”; “Tít-chơ”;
“cô gái Đồ Long”.
Dù là học sinh hay trẻ em đường phố, nhân vật đều rất tự nhiên trong việc sử dụng lời ăn tiếng nói hằng ngày, có chút nhát gừng, chút dí dỏm, tinh nghịch nhưng cũng rất giàu hình ảnh và giàu sắc thái biểu cảm: “bạn cái củ loi”; “Ok năm-bờ- oăn”; “sức mấy mà buồn”, “buồn ơi bỏ đi tám”; “bị phạt cái tội không giống con giáp nào”; “O.K sa lem”; “tự ái nổi lên một cục”; “đồ nhà quê ba bốn cục”; “nói láo bà bắn”; “có chơi có chịu”; “ngon tổ sư bồ đề”; “đẹp ác đạn”; “tuyệt vời ông mặt trời”; “lạnh thấy mẹ luôn”; “chết tía tao”;…
Thiếu niên là tuổi bồng bột, thích thể hiện bản thân. Nhiều khi chuyện ăn nói, dùng từ sao cho “ngầu”, sao cho “xịn” và biết nhiều từ trong “giới chịu chơi”
cũng là cách để chúng “lấy le” với bạn bè, chứng minh ta đây không phải là dạng
“gà rù”. Bởi vậy, hệ thống tiếng lóng trong các tác phẩm của Lê Văn Nghĩa cực kì phong phú. Có thể điểm qua một số từ như: “cọp dê” - chép bài nhau; “xóm nhà lá, khu nhà lá” - nhóm học sinh ở cuối lớp; “chơi kiểu trên” – chơi không công bằng;
“tàn chi quái đao” – rất tốt, rất tuyệt; “cùi bắp” – rất tệ; “địch quân, địch thủ” – những người không cùng nhóm; “cúp cua” – trốn học; “học gạo” – học thuộc; “dê rô” – không điểm; “ăn cắp trứng gà” – chơi ăn gian; “dớt” – đánh bại; “gà tồ” – khờ khạo; “tắt đài” – im lặng; “khứa mẫu” – mẹ; “khứa lão” – bố; “lãnh đủ” – chịu hết hậu quả về mình; “ấp chiến lược của nam và nữ” – bộ phận sinh dục của nam và nữ;
“gà chết”, “chíc-cần-đai” - nhát gan, khờ khạo; “ê càng”, “ê càng cua” - mất mặt;
“chém dữ” – khoác lác, nói trạng; “mài dao bén vậy” – ghê gớm; “rờ đứt tay” – sắc sảo, ghê gớm; “trứng ngỗng” – điểm không; “cù lần lửa” – chậm chạp, khờ khạo, không biết gì; “ghệ - cua – gạch” – con gái khó tính, có giá; “đánh ba” - đá banh;
“xì lắc léo” – chết; “thần sầu quỷ khốc” – rất tuyệt vời; “ba-xì-cùn” – ăn gian; “ếm xì bùa” – bỏ bùa; “oa oa xịt” – không chơi với ai đó nữa; “kẹo, kẹo kéo” – keo kiệt;
“tính bí rợ” – tính nhẩm; “bài ca con cá” – than khổ; “đội sổ” – đứng thứ hạng cuối cùng về học tập trong lớp; “cúm” - sợ; “bị hỏi thăm sức khỏe” – bị nhắc nhở; “chậm tiêu” – chậm hiểu; “pháo đại”, “dân nổ mình” – người hay nói khoác; “xi cà que” – xấu, tệ; “bá đạo” – làm một việc gì đó táo bạo, khác người; “đục”, “dợt” - đánh; “cù đinh thiên pháo” – nói dóc, nói xạo; “xe lô ca chân” – đi bộ; “cà nhỏng chống xâm
lăng”.
Người kể chuyện lẫn nhân vật còn có cách diễn đạt, so sánh, ví von, chơi chữ, rất thiếu niên, vừa có chút ngồ ngộ, đáng yêu, vừa có chút nghịch ngợm, bốc đồng, lắm lúc còn có những sáng tạo ngôn từ bất ngờ, “có một không hai”. Chắc hẳn bạn đọc phải “chào thua” mà bật cười với những phát ngôn đậm chất tuổi teen của các nhân vật như:
“Mày ở trong ban dâm ca chứ dân ca cái gì.”
“Dạ ổng là chồng của nghệ sĩ Bạch tuyết bảy chú lùn đó thầy.”
“Y như Alen đờ lá, em của Alen đờ lông tụi bây ơi…”
“Học sinh chính hiệu dầu cù là Miến Điện Mac Phsu.”
“Hippy chính hiệu bà lang trọc.”
“Nó đâu biết rằng thằng Dũng đang vì nó mà lâm đại nạn.”
“Dạ, có phải Trần Văn Trạch té cái ạch lòi cục gạch đó không thầy?”
“Tô hủ tíu, tô hủ tíu muôn năm. Toàn dân Việt Nam, muốn ăn tô hủ tíu. Tô hủ tíu năm đồng...”.
“Nước đá cục.”- “nước Đại Hàn đó.”
“Nó là thần phù hộ của thằng Dũng trong môn Anh văn”
“quáo đồng bì” – quý đồng bào
“Học cho lắm, tắm cũng ở truồng!”
“Ngậm máu… heo… phun người.”
“Xấu xa như con ma cà tưng rồi.”
“Cây ngay không sợ chết đứng chỉ sợ chết nằm.”
“Xứng đáng mặt bầu cua cá cọp.”
“Quê mấy trăm cục luôn chứ đừng nói quê một cục”
“Uy nghi lộng lẫy một cây xanh dờn.”
“Bất hiếu là đánh ba…mà đánh ba là đá banh.”
“Vẽ truyện tranh dễ ẹc, như ăn cơm tấm sà bì chưởng, ủa sườn bì chả vậy.”
“Đẹp và sang trọng thần sầu tiên nữ luôn”.
“Công thành danh chưa toại”; “Chịu đấm ăn xôi, chịu đau được nựng”.
“Chuyện bình thường như cái giường khi ngủ”.
“Nghe nói tuyệt chiêu con nghêu lắm”.
“Lác khô đi trước, lác ướt đi sau thì tàu đụng tàu là số sáu mươi sáu”.
“Chịu chơi là đừng chơi chịu”.
“Chết ngắc hết đường gục gặc”.
“Chọt chọt công phu”.
…
Ngôn ngữ tuổi teen không chỉ có ý nghĩa trong việc xây dựng nhân vật mà còn cho thấy tác giả đã thấu hiểu, đã đi sâu đi sát về đặc điểm tâm lí cũng như những thói quen trong sinh hoạt, lời ăn tiếng nói của đối tượng thẩm mỹ đặc biệt trong tác phẩm. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên thành công cho truyện dài viết về thiếu niên của Lê Văn Nghĩa.