Chương 2: THẾ GIỚI NHÂN VẬT THIẾU NIÊN TRONG TÁC PHẨM CỦA LÊ VĂN NGHĨA
3.2. Kết cấu truyện theo dòng ý thức và kết cấu lắp ghép
Các truyện viết về lứa tuổi thiếu niên của Lê Văn Nghĩa đều được chia thành nhiều chương nhỏ, mỗi chương như là một mảnh ghép của một câu chuyện lớn hoàn
chỉnh. Có thể gọi kiểu kết cấu trong sáng tác của Lê Văn Nghĩa là kết cấu lắp ghép kết hợp với kết cấu dòng ý thức bởi trong tác phẩm, các sự kiện không được xếp đặt một cách tuần tự theo thời gian tuyến tính hay không gian cố định. Thay vào đó, thời gian và không gian của các đơn vị sự kiện, biến cố thường không liền mạch mà bị ngắt quãng hoặc đảo lộn theo dòng ý thức nhân vật. Chính vì vậy, các sự kiện trong mỗi truyện đều vừa có tính độc lập, vừa có tính liên kết để tạo nên tính chỉnh thể cho tác phẩm. Tưởng chừng như sự đứt gãy của các mảnh ghép sự kiện sẽ làm câu chuyện rời rạc, nhưng thực tế chúng lại có chung một nhiệm vụ là làm rõ chủ đề của tác phẩm – đây cũng chính là sợi dây liên kết, xâu chuỗi các sự kiện, tình huống truyện lại với nhau.
Dễ hiểu vì sao Lê Văn Nghĩa lại lựa chọn lối viết này, chủ đề trong cả 4 truyện dài của ông đều tập trung khai thác những câu chuyện xoay quanh cuộc sống học tập, sinh hoạt của một thế giới nhân vật thiếu niên. Chuyện trường lớp, bạn bè, mưu sinh, tình cảm gia đình, thầy cô,… ắt hẳn gắn với nhiều kỉ niệm đơn lẻ. Từ những câu chuyện nhỏ ấy mới tạo nên một diện mạo chung về cuộc sống đa sắc màu của đối tượng nhân vật được nói đến. Do đó, đọc truyện Lê Văn Nghĩa, ta sẽ thấy cốt truyện có sự phân tách thành những mảnh, những tuyến, những mẩu truyện nhỏ hơn. Bạn đọc có thể lật dở một chương bất kì, đọc và vẫn có thể thấy được tính độc lập của chương truyện ấy bởi đó thường là một tình huống truyện gần như hoàn chỉnh. Đọc truyện Lê Văn Nghĩa, chúng ta có thể không cần cố gắng khôi phục hay tái hiện thời gian tuyến tính của câu chuyện bởi mỗi mảnh ghép đã là mang một cốt truyện với sự kiện, diễn biến có ý nghĩa.
Cần nhấn mạnh, kiểu kết cấu truyện này là sự lựa chọn thông minh và hợp lí với kiểu người kể chuyện nhập vai, điểm nhìn đa dạng, nhiều chiều. Hơn nữa, khi kể chuyện với góc nhìn trẻ thơ, giọng điệu của nhân vật – mà ở đây chủ yếu là những đứa trẻ khoảng độ 10 đến 15 tuổi thì sự “thiếu chặt chẽ”, “chuyện nọ xọ chuyện kia” mà kết cấu lắp ghép tạo ra trong tác phẩm lại là một nét nghệ thuật cần khám phá. Cảm giác đang đọc truyện do một cậu bé 10, 11 tuổi kể về chính mình xuất hiện rất rõ trong ví dụ sau: “Thằng Tính giựt mình, ngước nhìn lên thấy cô giáo
đang đứng trước mặt nó lắp bắp: “Dạ, cô…cô…”. Hằng ngày nó đã lắp bắp, nói chuyện như ngậm hột thị rồi thì bây giờ còn lắp bắp thuộc loại vô địch đường lên đỉnh Olympic. Tui thường mua tập mà cái bìa in hình thằng cha lực sĩ cầm đuốc đứng sau trái đất có in chữ Olympic. Quyển tập nầy giấy láng viết ngòi lá tre rất êm, chữ rất đẹp nha” (Lê Văn Nghĩa, 2021, trang 6). Đang kể chuyện đứa bạn tên Tính trong lớp bị cô giáo phát hiện làm việc riêng lại chuyển sang chuyện mua tập gần như chẳng liên quan gì. Nhưng điều này lại rất phù hợp với tâm lí của các bạn nhỏ về sự lạc đề, ngẫu hứng, nhớ gì kể đấy trong giao tiếp.
Ngoài ra, việc kể ngắt quãng, đan cài, xen kẽ các tuyến truyện nhỏ theo từng chương còn tạo sự tò mò cho người đọc. Điển hình như trong truyện Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy, chương 1 đến chương 4 xoay quanh chuyện xem chiếu bóng thùng của tụi con nít, thằng Minh và chú Hai Ngon; chương 5, chuyển sang chuyện thằng Ti và nhà ảo thuật Khổng Có; Chương 6 tiếp tục mạch truyện ở chương 4, đến chương 7 thì quay lại chuyện ảo thuật ở chương 5. Cứ như thế, những tuyến truyện khác như chuyện tình bạn của tụi nhỏ trong xóm Ba-ra-dô, chuyện thằng Chim đi theo Mùi chơi bài bạc, đỏ đen cũng được chia nhỏ thành nhiều chương và đan cài vào nhau. Hay trong truyện Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ, tác giả đặt tên hẳn hoi cho từng chương mà mỗi chương lại là sự đan cài luân phiên của ba tuyến truyện nhỏ như tên gọi của tác phẩm: chuyện học hành trường lớp của tụi nhỏ Nhứt hai, chuyện mất tích bí ẩn của cây viết máy và hành trình đi tìm con Mót của thằng Lượm.
Những mẩu chuyện nhỏ tưởng chừng chẳng liên quan gì đến nhau ấy lại có sự liên kết không thể tách rời, cây viết máy lại là cứu tinh của con Mót và thằng Lượm, thậm chí chuyện bầu cử hạ nghị viện của một ông nọ thất bại cũng có mối liên hệ mật thiết đến hành trình chuộc lại con Mót của thằng Lượm. Chính sự không liên quan mà lại rất liên quan đã tạo nên sự thú vị, gợi sự tò mò và khiến người đọc thích thú, đặc biệt là các bạn đọc nhỏ tuổi. Hơn nữa, truyện của Lê Văn Nghĩa không tập trung nói về cuộc đời của một người, một cá nhân nào mà ông đang tái hiện không khí, cuộc sống của nhiều người trong một thời kì lịch sử đặc biệt. Bản chất của cuộc
sống là sự đa dạng và liên tục về sự kiện nên việc ngồn ngộn những mảnh ghép nhỏ được đan cài, kết dính lại trong tác phẩm sẽ giúp tác giả tái hiện được không khí xã hội của một giai đoạn với nhiều kiểu người, nhiều độ tuổi, tầng lớp, giai cấp. Người đọc sẽ có cơ hội khám phá thế giới ấy thông qua bức tranh toàn cảnh mà tác giả vẽ nên bằng ngôn từ.
Ngoài chất liệu kết dính là chủ đề chung của tác phẩm, các mảnh ghép sự kiện trong truyện Lê Văn Nghĩa còn được nối kết bằng thủ pháp dòng ý thức của nhân vật. Dù kể ở ngôi thứ nhất hay ngôi thứ ba, với việc lựa chọn điểm nhìn bên trong đã tạo cơ hội cho các sự kiện của quá khứ và hiện tại được đặt đan xen lẫn nhau thông qua sự hồi tưởng của các nhân vật:
Hiện tại Quá khứ
Mùa hè năm Petrus
Đang bầu ban cán sự lớp. Dũng nhớ chuyện làm báo năm ngoái.
Đang bán báo Xuân ở trường Gia Long. Dũng nhớ chuyện thầy Vũ Ký hỏi về bài thơ đăng báo trong lớp.
Thạch đang nói chuyện với Oanh. Ký ức về lớp học thêm của thầy Đột hiện về.
Tụi nhỏ đang ngồi uống nước và nói chuyện đá banh.
Nhớ lại chuyện Dũng hồi năm đệ thất bị bọn bạn tụt quần vì tội chụp banh hụt.
Dũng đi cấm túc.
Nhớ lại ngày đầu tiên nhập trường, nhớ chuyện tháo nắp xe, bằng xe đạp ở nhà xe.
Thầy giám thị đang canh tụi nhỏ đi cấm túc ngày chủ nhật.
Thầy nhớ lại thời mình còn là một cậu học sinh Petrus Ký như tụi nó.
Dũng thấy mọi người đang tập văn nghệ, chơi nhạc cụ.
Nhớ lại giờ học nhạc của thầy Ba và thầy Hoàng Lang.
Đang xem phim trong rạp. Dũng nhớ tới chuyện xem “phim ngoài trời” ở công viên với thằng Thạch,
chuyện mộng tinh bị bọn bạn lừa năm ngoái.
Khi thấy nhỏ Xuân Chi đi xem phim
với đứa con trai khác. Dũng nhớ về chuyện cua nhỏ này.
Khi Dũng và Mai đến quầy báo Playboy.
Dũng nhớ lại chuyện coi báo trong lớp, Thạch bị thầy Vũ Ký bắt được và thầy răn dạy tụi nó ra sao.
Dũng đang làm việc ở nhà in. Dũng nhớ lại chuyện thằng Hoàng và biệt danh “cậu chó” của nó.
Thằng Mai đi đẩy xe ba gác.
Mai nhớ lại chuyện trước đó đi làm lơ xe với thằng Lúi, gặp thầy Sinh, rồi nhớ lại chuyện thầy Sinh với sữa dê và những cái quần của thầy, chuyện nó làm hư cái dĩa nhạc.
Lớp bàn chuyện tất niên, Dũng đang làm thiệp mời.
Dũng nhớ đến chuyện vẽ sổ tay, gửi và nhận thư với cô bé Danh.
Lớp chuẩn bị đi quyên cứu trợ.
Dũng nhớ lại chuyện năm ngoái thằng Thạch đấu giá kẹp tóc quyên được 117 đồng.
Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy
Minh thấy xe chiếu bóng thùng mới. Kỷ niệm xem chiếu bóng thùng trước đây của chú Hai Ngon.
Minh bị cô giáo hỏi chuyện về lá bùa trù ẻo cô chết.
Minh nhớ chuyện sang nhà Long mập và phát hiện lá bùa ra sao.
Minh bị bọn thằng Chim nghỉ chơi. Nó nhớ lại chuyện đã giúp thằng Chim khi thằng này gặp hoạn nạn ra sao.
Thằng Ti đang đi xem phim bằng vé của thằng Minh nhường.
Nó nhớ lại lần đi xem phim với chị Lài và anh Tài.
Mùa tiểu học cuối cùng
Hoàng bị cô giáo hỏi chuyện viết báo. Hoàng nhớ lại chuyện gặp anh Hưng và quá trình viết báo ra sao.
Cả lớp đi khám răng. Hoàng nhớ lại chuyện bày trò ghẹo anh
“a ti”.
Cảnh hù nói về bí mật của thằng Thu. Hoàng hồi tưởng lại chuyện thấy thằng Thu có nhiều biểu hiện kì lạ.
Út đẹt đòi đánh nhau với thằng Mừng. Hoàng nhớ lại chuyện thấy thằng này ngâm sắt giấm thoa lên người.
Trên đây là một số ví dụ cho thấy tác giả đã sử dụng thủ pháp dòng ý thức để xây dựng kết cấu tác phẩm. Lối viết này đã cho phép tác giả thỏa sức liên kết một khối lượng sự kiện lớn, đa dạng về cả chiều thời gian – hiện tại, quá khứ, hiện tại, lẫn cả chiều không gian – môi trường học đường, gia đình, đường phố Sài Gòn.
Những chiều kích không - thời gian này được đan cài vào nhau gắn với những hoạt động sống của nhân vật, tạo nên một thế giới khá trọn vẹn của nhân vật thiếu niên trong các tác phẩm.