Không gian đường phố Sài Gòn

Một phần của tài liệu Văn học viết về lứa tuổi thiếu niên qua một số tác phẩm của lê văn nghĩa (Trang 70 - 79)

Chương 2: THẾ GIỚI NHÂN VẬT THIẾU NIÊN TRONG TÁC PHẨM CỦA LÊ VĂN NGHĨA

2.1. Không gian sinh hoạt của nhân vật

2.1.3. Không gian đường phố Sài Gòn

Nếu như các nhà văn chuyên sáng tác văn học thanh thiếu niên, nhi đồng như Tô Hoài, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần,…chủ yếu tái hiện không gian làng quê yên bình thì Lê Văn Nghĩa lại chọn xóm nghèo và đô thị Sài Gòn nhộn nhịp là nơi đặt để nhân vật vào. Đọc truyện Lê Văn Nghĩa, chúng ta hiểu thêm về đời sống sinh hoạt của con người Sài Gòn những năm 1960, đồng thời thấy được trong điều kiện xã hội ấy, thiếu niên đã lớn lên, đã phát triển và hoàn thiện bản thân như thế nào.

Nhà trường có thầy cô, gia đình có cha mẹ, còn khi bước ra ngoài xã hội,

thiếu niên sẽ được tiếp xúc với đủ hạng người với đủ kiểu tính cách, nghề nghiệp.

Trên đường phố Sài Gòn, nhân vật thiếu niên có cơ hội tiếp xúc, giao lưu với nhiều người kể cả người lớn lẫn các bạn đồng trang lứa. Đây cũng là “ngôi nhà” của những đứa trẻ đường phố. Các em không còn ở trong không gian khép kín, được chở che, bao bọc nữa mà đã bước ra một thế giới rộng lớn hơn. Cũng từ đây, các em được mở mang kiến thức, được học những bài học không có trong sách giáo khoa hay trên giảng đường. Nếu như lí thuyết trong sách giáo dục công dân dạy rằng người Việt có tinh thần đoàn kết, yêu thương “lá lành đùm lá rách” thì tụi thằng Dũng, Lê, Thạch trong Mùa hè năm Petrus nhìn thấy trực tiếp điều đó trên đường phố Sài Gòn: “Nhiều bà đi lễ mặc áo dài, cổ đeo dây chuyền thánh giá bỏ tiền vào thùng lạc quyên. Những gia đình, những cặp nam thanh nữ tú…đều sẵn sàng móc tiền trong túi ra bỏ vào thùng. Có những bậc cha mẹ đưa tiền cho con bỏ vào thùng cho tụi nó quen với từ thiện” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 446). Giờ đây, tụi nó là người Sài Gòn chứ không chỉ là tụi học sinh lớp đệ tứ trường Petrus Ký nữa. Mà đã là người Sài Gòn thì hay làm việc thiện, làm việc nghĩa mà không cần ai biết đến tên tuổi mình.

Những người bạn, người thầy trên đường phố Sài Gòn cũng đã giúp cho các nhân vật hiểu thêm về thế giới muôn màu, về cách đối nhân xử thế. Trong Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy, thằng Minh có mối quan hệ thân thiết đặc biệt với Hai Ngon – một người đàn ông làm nghề chiếu bóng thùng trên đường phố. Trong mắt thằng Minh, nhiều khi chú Hai còn biết nhiều hơn cả cô giáo, giảng toán dễ hiểu “như ăn cháo”: “Mầy phải học từ từ, hằng ngày, đừng nóng ruột cũng đừng có làm biếng. Học toán trước hết là thuộc công thức, làm bài dễ trước rồi làm khó sau” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 221). Hai Ngon nghèo nhưng sống rất tử tế, thằng Minh được chỉ bảo đủ đường, từ lời ăn tiếng nói cho đến cách hành xử trong cuộc sống. Từ việc gặp đám ma thì phải biết bỏ mũ xuống để tỏ lòng tôn trọng người chết đến chuyện ăn uống phải trả tiền sòng phẳng “đừng để ai khinh mình, có thể để người ta ghét chứ đừng để người ta khinh”. Từ chuyện ăn nói sao cho phải: “Mầy nói chuyện tầm bậy quá. Có ăn, có

học mà cứ nói chuyện như đồ không học…sao mầy cứ gọi là thằng Xuân Phát, con Trương Ánh Loan…Họ lớn tuổi bằng tao mà mầy cứ gọi là thằng này con kia. Phải gọi là nghệ sĩ, tài tử hoặc bằng tên… như vậy mới là người có lễ phép. Mình có thể ăn bậy, uống bậy chứ không được nói bậy” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 74). Đến cả chuyện học hành hay thói quen sinh hoạt: “Cái gì nghiện rồi thì khó bỏ, nhất là những thói xấu. Sau này, lớn lên đừng bày đặt đi theo mấy thằng cao bồi, tóc tai dài thoòng ở xóm mầy phì phèo thuốc lá không có hay đâu nghen mậy. Còn nhỏ phải ráng học. Mầy có tú tài là mầy ngon lành lắm” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 75).

Không chỉ dạy về làm người sao cho tử tế, sao cho “dẫu hèn cũng thể”, Hai Ngon còn để ý để hiểu về ước mơ của nó. Điều này gây sự xúc động lớn và thúc đẩy sự quyết tâm học hành của thằng Minh: “Nó sẽ cố gắng học thật giỏi. Sẽ đậu đệ thất năm nay, sẽ lên trung học, đại học. Nó sẽ làm thầy tuồng, đạo diễn phim cho thật giỏi. Nó sẽ xây rạp chiếu phim và mời chú Hai Ngon làm chủ rạp”. (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 243).

Cũng trên đường phố Sài Gòn, thằng Ti gặp “sư phụ” của nó là nhà ảo thuật Khổng Có. Vì quá mê ảo thuật nên Ti chuyên trốn học ra phố xem, “sư phụ” Khổng Có thấy vậy cũng thương tình dạy cho nhưng với điều kiện: “Đừng trốn học ghé đây xem ảo thuật nữa. Muốn học ảo thuật cứ ghé nhà vào buổi chiều, buổi sáng ở trường đi học…” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 61). Ngoài dạy các trò ảo thuật để nuôi ước mơ cho học trò mình, Khổng Có còn dạy nó những nguyên tắc trong nghề như: không được đạp đổ chén cơm của người khác, không được học ảo thuật với lá bài, phải kiên trì nhẫn nại. Những lời dạy tuy rất nhỏ thôi nhưng đủ sức nặng tác động vào quá trình hoàn thiện nhân cách của những đứa nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn.

Và nhiều hành động, nghĩa cử tử tế khác của các nhân vật người lớn là tấm gương đạo đức cho các nhân vật thiếu niên noi theo: ông thợ nhuộm dạo người Tàu tự giảm giá tiền khi nhuộm cái quần bé xíu cho thằng Ti; ông cắt tóc dạo bảo lãnh cho thằng Lượm chuộc lại con Mót; Ông bố bé Lam thấy tiền thằng Lượm rơi liền gọi trả lại (Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ); Chú Năm tạp hóa không cho con nít mượn truyện người lớn (Mùa tiểu học cuối cùng),…Trong

không gian nào, tình huống nào, nhân vật thiếu niên cũng là trung tâm, là đối tượng được ưu tiên, quan tâm, bảo vệ, giáo dục.

Đường phố Sài Gòn còn là nơi ghi dấu bao kỉ niệm. Ở đó có những tên đường quen thuộc, nơi thằng Dũng thả hồn mình theo nỗi buồn vẩn vơ khi “thất tình”, nó đạp xe từ đường Hồng Thập Tự sang Công Lý, qua Dinh Độc Lập rồi xuống đường Lê Lợi, cứ thế nỗi buồn vơi đi lúc nào không hay. Ở đó có những cây cầu nối hai bờ sông Sài Gòn như Bình Tây, Bình Tiên, nơi tụi nhỏ xóm nghèo thi thoảng ra đẩy xe ba bánh gắn máy để có chút tiền tiêu vặt. Không gian thu hẹp dần từ những tuyến phố tấp nập về với những con hẻm hay ngõ xóm khu nhà nghèo, nơi con bé Lan Chi và Dũng ngày ngày chạm mặt nhau nhưng chỉ liếc nhìn mà không bao giờ cất tiếng chào (Mùa hè năm Petrus). Với những đứa trẻ 10, 11 tuổi, ngõ xóm chính là nơi gieo mầm tuổi thơ, không gian mở nhưng vẫn rất thân thuộc, gần gũi. Trong Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy, khoảng sân trống nơi cây me đầu ngõ chính là nơi diễn ra những cuộc đấu tạt lon bất phân thắng bại, là nơi tập kết ăn nước đá nào, đá nhận, là nơi tụi nó vừa gánh nước vừa kể cho nhau nghe những chuyện vui ở lớp. Hay trong Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ: “con xóm nhỏ sống động trong trời chiều bằng bóng dáng những đứa nhỏ trạc tuổi hoặc nhỏ tuổi hơn nó đang chơi đùa, chạy nhảy. Đám con gái thì chơi đánh đũa, nhảy lò cò, còn mấy thằng con trai thò lò mũi xanh thì chơi đánh khăng, bắn đạn, tạt lon, đánh kiếm” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 71).

Những con hẻm trong xóm nhỏ cũng chính là con đường đi học thân thuộc mà ngày này qua ngày khác tụi nhỏ bông đùa với đủ trò nghịch ngợm, lúc yên bình, lúc bất ổn. Hình ảnh con đường đến trường gợi cho người đọc bao nhiêu suy tưởng, con đường ấy dẫn lối những cô bé cậu bé đến với thế giới mới, đến với muôn nẻo rộng lớn hơn. Mỗi ngày trôi qua, mỗi ngày đi trên con đường ấy là mỗi ngày trưởng thành hơn của các em. Khi mô tả về con đường đi học, nhà văn Lê Văn Nghĩa không chọn không gian nhộn nhịp, đông đúc mà dành riêng những cung đường yên bình, giản dị, có chút đơn sơ nhưng luôn sạch sẽ của những xóm nhà nghèo.

Đường phố Sài Gòn với nhiều gánh hàng rong, với những quán xá sang trọng, với đủ hoạt động buôn bán kinh doanh đa dạng – có chốn quen thân, có chốn xa xỉ đối với những bạn nhỏ đang tuổi cắp sách đến trường. Nhân vật thiếu niên trong Mùa tiểu học cuối cùng đã quá đỗi thân quen với quầy bánh mì thịt nướng của bà già đầu quấn chiếc khăn rằn muôn thuở. Hay quầy cháo lòng của Bà Hai (Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ), quán cháo huyết của dì Hai (Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy) là nơi luôn có bóng dáng tụi học sinh bao quanh trước khi chúng bước vào trường. Có những người bán hàng các em chưa từng biết tên mà chỉ nhớ bằng những món ăn họ bán hay trang phục họ thường mặc, nhưng họ là một phần không thể thiếu trong quãng đời học sinh của chúng: “Bắt đầu gần giờ học các lớp buổi chiều, trên đường Cộng Hòa chỉ toàn là những chiếc quần xanh áo trắng bu quanh xe cháo huyết, hay xe bán nước rau má của ông già Tàu, xe trái cây của chị người Tàu. Phía ngoài góc đường là những xe thuốc lá, không chỉ bán cho người đi đường mà còn bán cho những thằng học sinh đang tập tành phì phèo hay là ghiền thật sự

(Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 56). Ngoài gánh hàng ăn uống còn có những hoạt động phục vụ nhu cầu giải trí, vui chơi rất được lòng người hâm mộ nhỏ tuổi. Đó là xe chiếu bóng thùng của chú Hai Ngon; là các gánh bán cao đơn hoàn tán có khi làm xiếc, có ảo thuật đi kèm trên đường Tháp Mười (Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy). Những ước mơ thơ ngây của tụi nhỏ một phần cũng được hun đúc từ đây.

Với những địa điểm xa xỉ trên đường phố Sài Gòn, một lần được bước vào là một lần sướng vui của tụi con nít xóm nhà nghèo. Như tiệm nước chú Quẩy dưới dốc cầu Chợ Lớn (Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy), Thằng Minh được chú Hai Ngon chở đến đây và cho ăn mì, uống nước hẳn là một niềm vui không dễ gì có được trong tuổi thơ cơ cực của nó.

Nó có cảm giác ngầu ngầu, hệt như người lớn khi được ngồi chễm chệ đường hoàng trong quán ăn. Lắm lúc, những điều ước của nó cũng chỉ vỏn vẹn ở hai tô cháo lòng bò của bà người Tàu ở ngã tư cầu Bình Tiên. Ẩm thực nuôi con người ta lớn, nhưng

cũng có thể nuôi tâm hồn của người biết thưởng thức. Trong Mùa hè năm Petrus, nhân vật thiếu niên đã là học sinh cuối cấp Trung học cơ sở, đã sành sỏi hơn trong chuyện la cà quán xá, việc biết nhiều địa điểm ăn uống ở Sài Gòn cũng là một cách để tụi nó “lấy le” với nhau. Khi cần hẹn hò, chúng không tập trung ở đầu hẻm hay ngõ xóm nữa mà là những quán nước, quán ăn có tên gọi hẳn hoi, như: quán nước đối diện cổng Hội Việt Mỹ ở 55 Mạc Đĩnh Chi - địa điểm hẹn hò của Thạch và Oanh; quầy bán bánh mì góc đường Pasteur- Lê Lợi, xe nước mía Viễn Đông ngon có tiếng; quán phở Tàu Bay ở đường Lý Thái Tổ, đối diện chợ cá; quán cà phê Năm Dưỡng - nơi tụi thằng Thuật hay hẹn gặp nhau vì rất gần trường Petrus Ký; tiệm bánh mì Hòa Mã của ông nhà thơ trước rạp xi-nê Việt Long, góc Cao Thắng- Trần Quý Cáp.

Tuổi thơ của những nhân vật thiếu niên trong truyện Lê Văn Nghĩa còn gắn với khu chợ Lớn, chợ Bình Tây, Bình Tiên, chợ Cầu Bót. Cần bất cứ thứ gì, chúng đều nghĩ ngay đến các khu chợ, đặc biệt là đồ dùng học tập. Đây cũng là nơi thằng Lượm (Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ) được một người phụ nữ mua ve chai lượm về nuôi khi nó còn đỏ hỏn, nằm khóc gần như tắt tiếng trong bãi rác. Là nơi thằng Són (Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy) phụ bố mẹ bán thịt, mặc dù nó là người Việt 100% nhưng buôn bán trong chợ lâu ngày, chung đụng nhiều với người Hoa nên trong nó cũng giống một tay “Xì thẩu chảy”. Đời sống của thiếu niên trong truyện Lê Văn Nghĩa hết sức phong phú nhờ vào sự đa dạng về không gian mà các em có thể lui tới như: công viên, ty bưu điện, nhà thờ Tin Lành, thậm chí là cả sòng bài, sòng bầu cua,…Ở những nơi đó, các em gặp đủ hạng người, tốt có, xấu có. Nhờ đó các em có cơ hội va chạm, trải nghiệm thậm chí vấp ngã rồi tự rút ra cho mình những bài học để tự trưởng thành và hoàn thiện bản thân.

Một không gian khác hết sức đặc biệt, sẽ rất khó tìm thấy trong các tác phẩm viết về thiếu niên, đặc biệt là thiếu niên vùng nông thôn, đó chính là rạp chiếu bóng, rạp hát, rạp ảo thuật – một nét đặc trưng của Sài Gòn. Đây là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người Sài Gòn và đặc biệt là những đứa trẻ Sài

Gòn. Bọn trẻ Sài Gòn trong truyện Lê Văn Nghĩa sớm được tiếp xúc với những phát minh tiên tiến, sớm biết đến điện ảnh, và cũng thông qua những bộ phim chiếu rạp ở nhiều quốc gia Tây có Tàu có, tụi nó hiểu thêm về thế giới rộng lớn. Trong các truyện của Lê Văn Nghĩa, hình ảnh các rạp hát, chiếu bóng hầu như được nhắc đến xuyên suốt trong hành trình tuổi thơ của các nhân vật nhỏ tuổi. Điển hình như rạp diễn ảo thuật Nguyễn Văn Hảo - nơi thằng Ti khám phá ra được bí mật ảo thuật của ảo thuật gia người Pháp và được ông thầy Khổng Có khen; Gánh hát ở rạp Vĩnh Khánh gần Cầu Bót – thường là những gánh hát nghèo – nơi thằng Minh chuyên đi coi cọp tới khuya; Rạp chiếu bóng Tân Lạc trên đường Hậu Giang, vừa mới sửa xong nên rực rỡ và tráng lệ vô cùng; Rạp Lê Ngọc hiện đại hơn – nơi thằng Ti may mắn được đi xem với chị Lài anh Tài; Rạp chiếu bóng Việt Long ở đường Cao Thắng, ngày xưa trước khi xem phim phải đứng dậy chào cờ có hình ông Ngô Đình Diệm chính giữa – đây cũng là nơi thằng Dũng bắt gặp Xuân Chi (người tình trong mộng của nó) đi xem phim với đứa con trai khác. Hẳn chỉ trong truyện của Lê Văn Nghĩa mới có hình ảnh bọn con nít tìm đủ cách để vào “coi cọp” như leo tường theo lối phòng vệ sinh hay phổ biến hơn là đứng trước cửa rạp thấy ai đi xem một mình liền năn nỉ họ dẫn vào. Xem phim trở thành món “ghiền” không thể thiếu trong tuổi thơ của thiếu niên Sài Gòn.

Trong những cuốn tạp văn của mình, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã cho người đọc thấy một nét đẹp tri thức của Sài Gòn, đó chính là thói quen đọc sách báo của con người nơi đây. Hiển nhiên, những nhà sách, tiệm in hay các sạp sách báo nhỏ lề đường xuất hiện nhiều trong truyện viết về thiếu niên của ông. Người đọc dễ dàng bắt gặp các khu vực sách báo khi theo chân của các nhân vật thiếu niên rong ruổi trên đường phố: gian hàng bán sách cũ trước cổng trường Trường Sơn, bên cạnh rạp chiếu bóng Nam Quang; dọc theo vỉa hè Lê Lợi là khu bán sách báo, tạp chí tiếng Việt và nước ngoài, nhưng nhiều nhất là các tạp chí khiêu dâm. Khu vực sách báo khiêu dâm vỉa hè này như là một thử thách đối với Dũng và Mai (Mùa hè năm Petrus), liệu tụi nó có đủ bản lĩnh để không bị sa lầy vào những sản phẩm phi văn hóa đó không? Một tình huống rất đời, đặt nhân vật vào môi trường đầy thách thức

Một phần của tài liệu Văn học viết về lứa tuổi thiếu niên qua một số tác phẩm của lê văn nghĩa (Trang 70 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)