Chương 1: VĂN HỌC VIẾT VỀ TUỔI THIẾU NIÊN VÀ TÁC PHẨM CỦA LÊ VĂN NGHĨA
1.2. Lê Văn Nghĩa và tác phẩm viết về thiếu niên
1.2.3. Những tác phẩm viết về thiếu niên của Lê Văn Nghĩa
Lê Văn Nghĩa viết truyện dài về thiếu niên khá muộn, năm 2012 ông mới cho ra đời tác phẩm đầu tiên và liên tục sáu năm sau đó (đến 2020), ông đã mang đến cho bạn đọc thêm ba tác phẩm có chung đề tài. Lê Văn Nghĩa đã dành hầu hết thời gian cuối đời của mình để sáng tạo nghệ thuật, sáng tác văn học, để từ một nhà báo nổi tiếng bước sang lãnh địa của một nhà văn chuyên nghiệp. Bốn tác phẩm viết về thiếu niên được ông sáng tác trong gần một thập kỷ ấy bao gồm: Mùa hè năm Petrus (NXB Trẻ, 2012); Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (NXB Trẻ, 2014); Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (NXB Trẻ, 2018); Mùa tiểu học cuối cùng (NXB Kim Đồng, 2021).
Việc nhà văn Lê Văn Nghĩa cho ra đời liên tiếp các tác phẩm viết về thiếu niên Sài Gòn thập niên 60 đã khiến nhiều bạn bè trong giới bất ngờ. Song cũng dễ hiểu bởi khi sống hơn nửa cuộc đời, lúc mái đầu chớm hoa râm, người ta thường xem tài sản đáng quý nhất còn lại chính là ký ức tuổi thơ. Người già thường hay hoài niệm, câu nói này đã quá quen và nay cũng có thể đúng với trường hợp của Lê Văn Nghĩa, đặc biệt khi ông vừa phát hiện bạo bệnh. Từ lời tự bạch trong các tác phẩm cùng những chia sẻ trong các buổi chuyện trò với bạn bè, mục đích sáng tác văn học viết về thiếu niên dần dần hé mở. Những trang văn trước hết là để giúp ông chống chọi với bệnh tật bằng những kỷ niệm của một thời đẹp nhất – một thời vô lo vô ưu trước khi chàng thanh niên 16, 17 tuổi bước vào con đường đấu tranh chính trị. Các tác phẩm ấy có bóng dáng của người xưa, cảnh cũ, một phần cũng muốn dành chút tài năng văn chương để dành tặng thầy cô, bạn bè, gia đình, người thân,… bằng tất thảy sự thương nhớ và mến mộ. Và hơn hết, những cuốn truyện dài này là minh chứng rõ nhất cho tình yêu của nhà văn Lê Văn Nghĩa đối với Sài Gòn.
Bằng ngòi bút của mình, ông muốn lưu giữ ký ức “dòng sông tuổi thơ”, ký ức một
thời niên thiếu, ký ức văn hóa cộng đồng. Ông muốn phục dựng lại không khí thời cuộc của một Sài Gòn thập niên 60 để người cùng thời cũng có thể ôn lại, người đời sau có thêm một góc nhìn. Thành công của Lê Văn Nghĩa là khi tác phẩm đến với bạn đọc, nhiều người thích thú nhận ra học sinh – thiếu niên miền Nam thời ấy cũng có nhiều nét tương đồng với học trò miền Bắc bởi sự tinh nghịch, đáng yêu mặc dù chiến tranh chia cắt hai miền. Đồng thời chúng cũng có những đặc trưng rất riêng của đời sống thiếu niên Sài Gòn.
Ngoài mục đích sáng tác, bốn tác phẩm trên còn có điểm chung về đề tài, đối tượng hướng đến. Nhân vật trung tâm trong các câu chuyện đều là thiếu niên Sài Gòn những năm 60, bao gồm cả học sinh và trẻ em đường phố. Song truyện không vẽ nên thế giới riêng của bọn trẻ mà chúng được đặt song hành với thế giới của người lớn bao gồm cha mẹ, thầy cô cùng đủ hạng người tốt xấu trong xã hội. Tính chân thực của tác phẩm cũng xuất phát từ đây. Khác với những tác phẩm thiếu nhi trước 1975 tập trung khai thác đề tài chiến tranh, truyện của Lê Văn Nghĩa lại xoay quanh cuộc sống thường ngày của những nhân vật thiếu niên trong đa dạng bối cảnh từ trong lớp học đến mỗi căn nhà, mỗi ngõ đường, xóm chợ,… Chính vì vậy, chủ đề xuyên suốt và lồng ghép, đan xen trong bốn tác phẩm bao gồm tình cảm gia đình, tình bạn, tình thầy trò, tình làng nghĩa xóm, tình người nói chung… và cả những xung đột tâm lý hết sức riêng tư của tuổi thiếu niên - chưa phải người lớn nhưng cũng không còn là trẻ con.
Nhìn chung, đặc trưng truyện viết về thiếu niên của Lê Văn Nghĩa có thể tóm gọn trong hai điều sau:
Thứ nhất, sự kiện, nhân vật, giọng văn, ngôn ngữ đều giản dị, chân thực, gần gũi kết hợp cùng sự dí dỏm, hài hước – nét riêng của anh Hai Cù Nèo, rất phù hợp với tâm lí lứa tuổi học sinh, thiếu niên.
Thứ hai, giá trị giáo dục, nhân văn và giá trị văn hóa cao. Những bài học về đạo đức, nhân cách được tác giả đưa vào khéo léo thông qua các tình huống nhẹ nhàng, tự nhiên. Những nét văn hóa Sài Gòn cũng được đan cài qua các sự kiện hay đối thoại của nhân vật.
Có thể nói, Lê Văn Nghĩa là nhà văn viết truyện về thiếu niên bằng “đôi mắt trẻ thơ” nhưng đồng thời ông cũng đóng vai là một nhà sư phạm, một nhà văn hóa học.
a. Mùa hè năm Petrus (NXB Trẻ, 2012)
Lê Văn Nghĩa “bí mật” nung nấu tác phẩm Mùa hè năm Petrus ngày trong giai đoạn phát hiện và điều trị bạo bệnh. Bất ngờ năm 2012 ông cho đứa con tinh thần của mình ra mắt bạn đọc. Mùa hè năm Petrus đã đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của ông: từ một cây bút trào phúng nổi tiếng nay ông lại hướng ngòi bút đến mảng văn học viết về thiếu niên.
Về thể loại và mục đích sáng tác, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã cẩn trọng chia sẻ ngay trong những trang đầu của cuốn sách: “Đây không phải là một cuốn hồi ký, cũng không phải là một cuốn tiểu thuyết mà như tên gọi của nó chỉ là một quyển truyện kể về những người bạn nhỏ ở trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký từ giữa thập kỷ 60 của thế kỷ 20. Tôi viết quyển truyện này để nhớ những người bạn, nhớ ngôi trường thân yêu, nhớ thầy, nhớ cô, nhớ những kỷ niệm đẹp kể cả những điều không vui. Cứ coi như quyển truyện này là một cách để tôi đi tìm sự an lạc nhằm chống chọi với bệnh tật bằng những kỷ niệm của riêng tôi. Quyển sách này được viết để tặng bạn bè, thầy cô trường Petrus Ký của những năm 60 – mà tôi gọi là những năm Petrus!” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 5).
Mùa hè năm Petrus gồm 31 chương, là câu chuyện của những thiếu niên lớp đệ tứ 7 (học sinh lớp cuối cấp trung học cơ sở) trường Petrus Ký – một ngôi trường chỉ dành cho nam sinh và có tiếng quy tụ toàn người tài vào những năm thuộc thập niên 60 của thế kỉ XX tại Sài Gòn. Truyện chủ yếu xoay quanh những câu chuyện về bạn bè, thầy cô, trường lớp với nhiều hoạt động điển hình của học sinh như: bầu ban cán sự lớp; các hoạt động hiệu đoàn (viết, bán báo xuân, làm từ thiện, giao lưu văn nghệ, thể thao, học thuật,…), trốn học; bị cấm túc; viết thư tìm bạn gái; các tiết học ấn tượng; chuyện đánh nhau; cá cược ăn bánh; sở thích, tài năng của từng đứa trong lớp;… cùng đủ trò láu cá khác của tụi học sinh lớp tứ 7 trường Petrus Trương Vĩnh Ký.
Dù có nhiều tên người, tên địa danh được xác thực nhưng đây vẫn là một tác phẩm hư cấu mà nhân vật trung tâm chính là những cậu học sinh đang ở độ tuổi thiếu niên vừa có chút ngô nghê vừa có chút trưởng thành. Người đọc có thể bắt gặp hình ảnh của chính mình, tuổi thơ mình nếu từng ngồi trên ghế nhà trường ở độ tuổi này: những rung động đầu đời, sự hết lòng vì bạn bè, sự ngưỡng mộ và tôn thờ người thầy người cô của mình cùng đủ thứ trò nghịch ngợm mà ta vẫn quen nghe câu “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”. Chính vì vậy, tác phẩm không chỉ dành cho thiếu niên mà còn phù hợp cho người lớn – hay như tác giả viết “người già đọc càng khoái”. Thiếu niên có thể đồng cảm và hiểu về cái tuổi ương ưởng của mình hơn, người lớn lại có cơ hội quay về quá khứ, ôn lại một thời hoa mộng chỉ còn những mảng mờ tỏ trong ký ức rêu phong.
b. Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (NXB Trẻ, 2014)
Tác phẩm Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy được nhà văn Lê Văn Nghĩa sáng tác từ năm 2012 và cho ra mắt bạn đọc năm 2014. Sau thành công của Mùa hè năm Petrus, bạn đời và các bạn văn cũng như bạn đọc đã thôi thúc tác giả tiếp tục sáng tác, mặc dù lúc này ông vẫn đang chiến đấu với bệnh tật. Chương 43 – lời tâm sự của nhân vật Hồng hay chính tác giả phần nào có thể cho bạn đọc hiểu được cảm hứng sáng tác chủ đạo của tác phẩm: “Trong đời, một lần ai cũng muốn có dịp trở lại để nhớ… Ôi, tuổi thơ của chúng ta, một tuổi thơ đáng yêu, trân quý đầy ngọt ngào như mật như thơ. Một tuổi thơ đã đi xa. Một tuổi thơ đã rời bỏ ta mà đi khi ta hờ hững! Hạnh phúc thay khi có, còn và cần một tuổi thơ để mà hoài niệm.” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 314)
Lời mở đầu trước khi bước vào tác phẩm thật xúc động: “Thành kính dâng song thân – những người đã cho con tuổi thơ thật đẹp. Riêng dành tặng những người thương yêu trong gia đình nhỏ của tôi – bến đỗ bình yên, tĩnh lặng của tâm hồn” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 9). Nhà văn Lê Văn Nghĩa gửi quà thật tinh tế như biết trước ngày mình ở bên cạnh những người thân yêu chẳng còn bao nhiêu. Mùa hè năm Petrus như một lời tri ân đến thầy cô, bạn bè còn Chú chiếu bóng, nhà ảo
thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy lại là lời tri ân đến những người đã mang đến tuổi thơ đầy màu sắc cho tác giả.
Tựa đề tác phẩm thật đặc biệt – Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy. Đặc biệt bởi tựa dài, nghe ngồ ngộ nhưng lại vừa đủ để tóm tắt ngắn gọn nội dung chính của câu chuyện. Truyện dài 315 trang với 43 phần kể về chuyện của tụi con nít xóm nhỏ Ba-ra-dô. Nói là con nít nhưng tụi nhỏ đã 11 tuổi và là học sinh lớp Nhứt 2 trường Tiểu học Bình Tây. Không đánh đố, không ỡm ờ mập mờ, tên tác phẩm đã gợi ý về các tuyến truyện nhỏ được đan cài, lồng ghép bằng nghệ thuật tự sự tự nhiên của nhà văn:
Thứ nhất, chuyện về tình bạn của những thiếu niên nhỏ tuổi diễn ra ở lớp học, trong xóm nhỏ cùng đủ trò láu cá của chúng.
Thứ hai, Chuyện thằng Minh và chú chiếu bóng Hai Ngon. Nhờ xe chiếu bóng thùng của chú Hai mà thằng Minh được thỏa đam mê xem chiếu bóng của nó.
Quan trọng hơn, chú Hai chính là người truyền cảm hứng, người dạy bảo và cũng là người dùng chính cuộc đời làm nghề để giúp thằng Minh nuôi dưỡng ước mơ của mình.
Thứ ba, Chuyện thằng Ty và nhà ảo thuật Khổng Có. Nhà ảo thuật nhận thằng Ty làm trò bởi thằng này cực kì mê làm ảo thuật. Tuy nhiên, ngoài việc dạy ảo thuật, ông còn dạy cho nó về đạo đức, tư cách làm người thông qua những câu răn dạy nổi tiếng của Khổng Tử (người ông hâm mộ và tôn kính).
Thứ tư, Chuyện thằng Chim và những tay đánh bài, đánh bầu cua cá cọp như thằng Mùi. Vì đi theo và học theo những thói hư tật xấu, thằng Chim đâm mê mấy trò đỏ đen. Cũng vì thế, một lần nó bị nghi oan là thằng ăn cắp, lần khác nó bị công an bắt. Tụi bạn lớp nhứt 2 phải nghỉ đủ cách giúp nó được bảo lãnh ra nhà giam.
Ngoài tuyến nhân vật chính là tụi con nít xóm nhỏ, những nhân vật người lớn ở Sài Gòn năm ấy như chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài,… cũng được tác giả quan tâm xây dựng. Họ đều là những con người nghèo khổ, sống bên lề của sự xa hoa chốn đô thị nhộn nhịp, nhưng suy nghĩ, tư duy, lối sống khác nhau khiến họ có những tương lai rất khác. Nhóm nhân vật người lớn này đã có tác động không hề
nhỏ đến sự hình thành và phát triển nhân cách của những thiếu niên nhỏ tuổi.
c. Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (NXB Trẻ, 2017) Tác phẩm Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ được tác giả hoàn thành năm 2016 và cho ra mắt bạn đọc vào năm 2017. Theo nhà văn Lê Văn Nghĩa, đây là truyện “dành cho thiếu nhi và người lớn”. Vẫn là một tựa truyện dài, vẫn là lối viết chia nhỏ truyện thành các phần, nhưng đến tác phẩm này thì nhà văn không đánh số mà đã tóm tắt các phần truyện bằng những tựa đề ngắn gọn, dễ hiểu.
Vẫn là bối cảnh Sài Gòn thập niên 60 của thế kỉ XX, vẫn là tụi nhỏ lớp Nhứt 2 trường Bình Tây với một số cái tên học sinh quen thuộc (được khai thác ở cả 3 tác phẩm – trừ Mùa hè năm Petrus) nhưng đây là chuyện của tuyến nhân vật ở một xóm nghèo khác. Những sự kiện trong lớp cô An Khê chứng minh rằng học trò không thiếu các trò vui nghịch ngợm, song câu chuyện chính lần này lại xoay quanh sự mất tích của cây viết máy (chủ nhân là thằng Són) và con chó nhỏ tên Mót (chủ nhân của nó là thằng Lượm). Tựa như một câu chuyện trinh thám, sự mất tích không rõ nguyên do trên đã đưa những bạn nhỏ như Lượm, Hải, Cảnh hù, Són, Vân, Út đẹt,… bước vào cuộc phiêu lưu, trinh thám trong khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn.
Bằng sự thông minh, tinh thần trượng nghĩa cùng tình yêu thương, tin tưởng, đoàn kết của những đứa trẻ với nhau, kết hợp với sự tử tế của người lớn (cô giáo, chú cắt tóc dạo, ông lơ xe bus, bà Hai bán cháo, cha mẹ tụi nhỏ,…), sự thật về cây viết máy được hé lộ, thằng Lượm cũng tìm được con Mót – vật về với chủ, người làm sai đứng ra “tự thú” về những hành vi của mình.
Câu chuyện li kì, kịch tính nhưng cũng rất cảm động và đầy tính nhân văn.
Nhân vật thiếu niên được đặt vào những tình huống cụ thể (một tình huống trong nhà trường và một tình huống ngoài xã hội), từ quá trình tìm cách giải quyết vấn đề, nhân vật được bộc lộ cá tính, được rèn luyện nhân cách một cách tự nhiên, không cưỡng cầu.
d. Mùa tiểu học cuối cùng (NXB Kim Đồng, 2020).
Từ năm 2016 đến năm 2020, bên cạnh một số tạp bút viết về Sài Gòn, nhà
văn Lê Văn Nghĩa đã không để ngòi bút viết về thiếu niên khô mực dù chỉ một ngày. Mùa tiểu học cuối cùng được NXB Kim Đồng ấn hành cuối năm 2020. Đây là tác phẩm được các bạn văn và giới nghiên cứu đánh giá cao bởi nghệ thuật tự sự độc đáo, cách dẫn truyện hài hước viết về kỷ niệm tuổi thơ những năm 60 thế kỉ XX. Cũng chính vì vậy, Mùa tiểu học cuối cùng đã được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 với hạng mục Văn học thiếu nhi.
Mùa tiểu học cuối cùng gồm 22 chương và là truyện dành cho mọi lứa tuổi.
Tiếp nối những kỷ niệm đáng nhớ về lớp Nhứt hai trường Bình Tây năm 1967, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã lần lượt sắp đặt những mảnh ghép cuối cùng vào bức tranh tuổi thơ của tụi nhỏ học trò cô An Khê. Đó là chuyện thằng Hoàng đọc báo khính của chú Năm, học viết báo và cho bạn trong lớp thuê đọc; chuyện khám răng và những tật xấu nhưng đáng yêu của các học sinh; chuyện thằng Nhơn sáng chế đủ loại kem đánh răng và cho thằng Há thử nghiệm; bí mật thằng Thu chính là con Thu bị thằng “lính kín” Cảnh hù phát hiện; chuyện thằng Ty té cây và bị thằng Mừng đánh ngã, đầu đập mạnh xuống đất rồi trở thành thiên tài toán học; thằng Chương mê tàng hình và bị bọn bạn lừa rằng thằng này tàng hình thành công; chuyện Út đẹt học võ của môn phái Thất Sơn, uống đủ thứ bùa và làm đủ cách để có mình đồng da sắt; chuyện thằng Mừng thường xuyên bắt nạt tụi nhỏ để lấy tiền. Tụi học sinh này lại thương bà bán bánh mì nên đã đi điếu khi bà mất, thằng Mừng lại là cháu của bà bán bánh mì, nhờ vậy chuỗi ngày nơm nớp lo sợ khi đi học về của tụi nhỏ chấm dứt ngay trong ngày tổng kết lớp nhứt 2.
Mỗi câu chuyện nhỏ mà nhân vật trung tâm là những cô cậu học sinh đang ở ngưỡng từ tiểu học sang trung học đều cho thấy sự hồn nhiên, đáng yêu, có chút ngô nghê, tinh nghịch và cả láu cá của cái tuổi lưng chừng, chuyển giao. Bạn đọc có thể thấy chính mình, tuổi thơ của mình ở đó, dù thời đại, hoàn cảnh sống có thể khác nhau nhưng những tâm tư, tình cảm và đủ trò nghịch ngợm của tuổi học trò chắc hẳn sẽ dễ đồng cảm. Lối viết tự nhiên, chân thực gần như trần trụi cùng giọng văn dí dỏm, hài hước rất đặc trưng của Lê Văn Nghĩa vẫn là điểm sáng cho tác phẩm.
Mùa tiểu học cuối cùng cũng chính là tác phẩm văn học cuối cùng mà nhà