Chương 2: THẾ GIỚI NHÂN VẬT THIẾU NIÊN TRONG TÁC PHẨM CỦA LÊ VĂN NGHĨA
2.2. Hình ảnh nhân vật thiếu niên
2.2.2. Nhân vật thiếu niên chính diện
Tấm gương chính diện hay nhân vật chính diện là kiểu nhân vật mang những phẩm chất, tính cách, tư tưởng tốt đẹp, tích cực. Còn tấm gương phản diện là kiểu nhân vật mang những nét phẩm chất chưa tốt, có thể đi ngược lại với các giá trị đạo đức, thẩm mỹ. Một số thể loại trong văn học dân gian và văn học trung đại như cổ tích, truyện thơ Nôm thường xây dựng hai tuyến nhân vật chính diện và phản diện rất rõ ràng và có sự thống nhất xuyên suốt tác phẩm. Tuy nhiên trong văn học hiện đại, ranh giới phân tách hai kiểu nhân vật này không còn đậm nét. Bản chất của con người là luôn luôn thay đổi về nhận thức, tư tưởng. Vì vậy trong văn học hiện đại, nếu nhân vật có lý tưởng cũng không mang tính chất thuần túy, nhân vật phản diện nhiều khi cũng không phải do bản chất xấu mà có thể do thiếu ý thức, thiếu giáo dục. Việc phân chia tấm gương chính diện hay tấm gương phản diện do đó chỉ mang tính chất tương đối.
Đặc biệt đối với văn học viết về tuổi thiếu niên, đối tượng nhân vật đều trong độ tuổi đang phát triển và hoàn thiện về nhân cách, đây cũng là tuổi bồng bột, suy nghĩ chưa chín chắn, dễ bốc đồng và dễ chịu sự chi phối bởi những tác động bên ngoài. Chính vì vậy, dù có đề cập đến cái xấu, cái đáng phê phán thì ngòi bút của nhà văn cũng không tô đậm mà chỉ dừng lại ở việc phê phán nhẹ nhàng. Mục đích vừa đảm bảo chức năng giáo dục của tác phẩm, vừa không gây tổn thương đến tâm hồn trong sáng của thiếu niên.
Nhiều nhân vật thiếu niên trong các tác phẩm của Lê Văn Nghĩa là những tấm gương chính diện. Tác giả xây dựng nhân vật với nhiều đức tính như thông minh, lanh lợi, biết yêu thương bạn bè, người thân, biết hướng đến chân thiện mỹ.
Đa số những nhân vật này đều được bạn bè, thầy cô yêu thương, quý mến, trân
trọng. Hầu như truyện nào của Lê Văn Nghĩa cũng có một nhân vật mang tính định hướng hành vi, tư tưởng cho các nhân vật đồng trang lứa khác bởi nhân vật này dường như thông thái hơn, có ứng xử chuẩn mực hơn và suy nghĩ cũng chín chắn hơn. Đây thường là nhân vật kết nối các nhân vật khác và cũng là sợi dây liên kết mạch truyện.
Đến với Mùa hè năm Petrus, chúng ta có nhân vật Dũng, một cậu bé có niềm đam mê với văn chương cũng như có tài sáng tác thơ ca, hội họa. Trước hết, Dũng là một học sinh ham học hỏi, có cơ hội học là nó không bao giờ bỏ qua. Ngoài việc học ở trường, Dũng đi phụ việc tại một nhà in, vừa làm, nó vừa học lỏm những kiến thức từ các sách báo và những câu chuyện nó nghe được từ các kí giả. Cái hay là Dũng biết vận dụng những kiến thức ấy vào việc học kiến thức văn hóa ở trường.
Quá trình tiếp thu của cậu học sinh này cũng rất có chọn lọc, những điều hay, lẽ phải được thầy cô truyền dạy cậu luôn ghi nhớ và áp dụng vào cuộc sống. Một lần khi đi dạo phố cùng thằng Mai cho quên đi nỗi buồn thất tình, tụi nó đi qua các sạp báo lề đường, thấy thằng Mai ghé quầy báo Playboy, nó liền kéo thằng bạn ra khỏi khu vực này ngay. Phần vì nó nhớ lại lời dạy của thầy Vũ Ký về việc phải biết lựa chọn cái đáng đọc để đọc – báo Playboy là thứ tụi nó không nên đụng đến, và phần vì tụi nó đang mang phù hiệu đoàn Petrus Ký. Dũng không chỉ bảo vệ bản thân và bạn mình khỏi những văn hóa phẩm tiêu cực mà còn có ý thức bảo vệ danh tiếng của ngôi trường thân yêu mà nó hết sức tự hào. Mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng Dũng rất hiểu chuyện, sống rất tử tế. Có lần nó dẫn mấy đứa bạn đi ăn bánh mì ở quán một ông nhà thơ, vì ông nhà thơ quen với ba nó nên ông đã mời tụi nó bữa ăn hôm đó. Trước tình huống như vậy, nó thấy ngại nhưng cũng chỉ biết cảm ơn và nói với mấy đứa bạn: “mình đâu có được lợi dụng lòng tốt của người ta, buôn bán, kiếm được đồng tiền cũng cực khổ lắm chứ bộ” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 397).
Nhân vật Minh trong truyện Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy cũng là một tấm gương chính diện với nhiều đức tính tốt. Thông qua đời sống nội tâm phong phú cùng những biểu hiện về hành động, lời nói trong nhiều tình huống, Minh gần như là một nhân vật lí tưởng và là
kết quả hướng đến của giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường. Cậu là một đứa con hiếu thảo, mỗi lần đi chơi, làm gì cũng nhớ giờ về phụ mẹ đổ bánh bèo, mỗi lần ăn cơm đều để ý để dành cơm cho mẹ. Cậu còn là một học trò ngoan, chăm chỉ học tập và hết mực yêu thương, tôn trọng cô giáo. Có lần nó phát hiện thằng Són làm bùa trù ẻo cô giáo, nó đã nghĩ cách để cứu cô và đặc biệt khi biết cô phải chuyển trường, nó và mấy đứa trong lớp đã thực lòng muốn cô ở lại. Đó là những tình cảm hết sức chân thành, đáng yêu. Minh còn là một người bạn nhỏ tuổi trọng tình trọng nghĩa.
Với chú Hai Ngon – một người chiếu bóng thùng mà nó quen bởi hay đi xem chiếu bóng, nó dành cho chú một sự ngưỡng mộ và một tình cảm đặc biệt. Từng lời dạy về cách đối nhân xử thế của chú, từng kỷ niệm với chú nó đều nhớ và đều nâng niu, trân trọng. Khi biết chú Hai sắp phải đi đâu đó thật xa để tìm sự “ngon lành”, nó nghĩ: “Chú Hai mà ngon lành thì nó sẽ được ăn món phở của người Việt ở ải Nam Quan không tốn tiền. Nhưng để được ăn tô phở mà không gặp chú Hai Ngon thì nó cũng thấy buồn, thiêu thiếu cái gì đó một cách mơ hồ thân thiết. Như vậy, chẳng thà không ăn phở còn hơn” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 75). Hơn thế, Minh còn là cậu bé hiểu rõ nhiều đạo lí trong cuộc sống như: “Mỗi người phải có tấm lòng chia sẻ cho người khó khăn trong cơn hoạn nạn”; “Cố gắng làm việc tốt giúp người thì mình sẽ thấy vui” (Lê Văn Nghĩa, 2018). Thậm chí là việc trân trọng từng hạt gạo cũng được nó “dạy” thằng Long như ông cụ non:
- Mầy đừng làm đổ cơm. Mỗi hạt cơm là một hạt ngọc. “Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hột đắng cay muôn phần”. Người nông phu cực lắm mới làm ra được hạt gạo, trong bài quốc văn lớp ba có dạy, mầy không nhớ hay sao?
(Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 104) Trong tình bạn, Minh đúng chuẩn là một người bạn tốt. Không phải tự nhiên mà bọn bạn trong xóm hay trong lớp luôn nghe theo lời nó, mặc dù nó chẳng bao giờ hù dọa hay tỏ vẻ ta đây với ai. Long Mập khoái chơi với Minh bởi Minh chẳng bao giờ quan tâm đến những món đồ chơi lạ, đắt tiền của nó mà còn dạy nó chơi những trò ngộ nghĩnh thiệt hay như tạt lon, lò cò, nhảy dây, đánh khăng, đánh đáo…Đã thế, thằng Minh còn quỳ gối và úp mặt vào tường suốt giờ học để cứu
Long Mập trong chuyện ém bùa cô giáo. Cũng nhờ vậy mà Long Mập càng nể phục Minh hơn, nó nhận ra đây mới là tình bạn đích thực. Còn với Minh, khi bị thằng Chim hiểu nhầm, thậm chí vì ghen tị và chơi xấu, nói những lời khó nghe làm cho nó tổn thương thì nó vẫn thương thằng Chim. Lúc bạn mình gặp chuyện xấu, thằng Minh đã không để bụng những hành động trước kia của thằng Chim mà vẫn tìm đủ cách để cứu bạn. Với một đứa bạn khác là thằng Ti cũng vậy, dù thằng Ti hùa theo thằng Chim nghỉ chơi với nó, bảo nó “bợ đít nhà giàu” nhưng trong những tình huống bất ngờ, nó vẫn nghĩ đến bạn chứ không ích kỷ. Một lần đi xem chiếu bóng với thằng Long Mập, Minh gặp Ti đang đứng trước cổng soát vé, thấy bạn mình không xin được ai vào chung, Minh đã đưa vé của mình nhường cho bạn: “Mầy vô coi đi. Một lát nữa tao vô”. Đấy là biểu hiện của đứa trẻ nghĩa khí, rộng lượng, là biểu hiện của một tâm hồn đẹp đáng được học tập, noi theo.
Truyện Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ cũng có nhiều thiếu niên là tấm gương chính diện, tiêu biểu nhất là nhân vật Hải. Hải được bạn bè nhận xét là đứa sống rất đàng hoàng. Không chỉ là một học sinh giỏi mà Hải còn rất tử tế với mọi người. Khi giúp thằng Lượm đi tìm con Mót, có đứa phân bì quãng đường đi không đều, nó nói ngay: “Thì tao đổi lại cho mày chứ có gì đâu mà phân bì. Giúp bạn mà phân bì cái gì” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 40). Khi nhắc đến chuyện ăn cắp, ăn trộm, nó thể hiện rõ quan điểm: “Trộm hay cướp đều là xấu xa hết. Không chịu đi mần kiếm tiền mà chỉ chăm chăm lấy tiền của người khác thì ác lắm” (Lê Văn Nghĩa, 2018). Hải là đứa có tự trọng, cũng là một cậu bé rộng lượng.
Trong lớp nó không bao giờ xun xoe và xu nịnh mấy đứa có tiền để được ăn bánh.
Nhiều khi có đứa mời nó ăn để nhờ chỉ bài, nó cũng chẳng thèm, còn tỏ vẻ khinh khỉnh. Nhưng khi thấy đứa bạn nào đang gặp khó khăn với mấy bài toán, nó lại chỉ liền mà chẳng cần bao ăn món gì cả. Trong mắt bạn bè, Hải chơi rất đẹp, không tính toán. Có lần thằng Són làm cho Hải bị hàm oan, bị cô An khê phạt, thậm chí có lần Són còn đánh Hải ộc máu mũi ngay trong lớp nhưng thằng này lại chẳng có chút oán giận gì thằng Són. Và cũng vì nó sống có đạo đức, được thầy cô và bạn bè quý mến nên cũng có đứa ghen ghét đố kị mà tìm cách đổ oan cho nó là thằng ăn cắp.
Nó đã rất buồn và ấm ức suốt thời gian bị bạn bè, thầy cô và cả mẹ nghi ngờ.
Nhưng khi mọi chuyện đã sáng tỏ, nó chẳng oán trách ai nửa lới. Đã thế còn tìm cách bảo vệ đứa hại mình. Biết thằng Vân là đứa bày trò hàm oan mà cuối cùng nó vẫn nghĩ cho thằng này: “đừng nói cho cô với tụi trong lớp biết, nó mất danh dự thì không làm liên toán trưởng được. Cuối năm rồi, sắp chia tay đừng làm nó bị quê nghe” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 258). Bởi vậy, mọi người không chỉ yêu thương mà còn phục cách ứng xử của Hải, nhỏ tuổi nhưng có trái tim ấm áp và tấm lòng bao dung rộng lớn.
Thêm một tấm gương chính diện cần nhắc đến đó chính là trò Hoàng trong truyện Mùa tiểu học cuối cùng. Hoàng là một cậu bé thông minh, có phần láu cá song cũng là một đứa trẻ ngoan, biết suy nghĩ cho người khác, biết đâu là phải trái đúng sai. Trong đám bạn nó tự nhận mình là quan văn, thích nói lí lẽ, và quan trọng là lí lẽ của nó luôn hợp tình hợp lí. Có lần mấy đứa học sinh bày trò lừa ông già Tàu để ăn nước đá nhận xi rô miễn phí vì thấy ổng bán mắc quá, nó đã khuyên chúng bạn: “Thấy ổng sợ rồi đưa lại tiền mình nữa, tao thấy tội nghiệp ổng nhưng không lẽ trả lại. Thôi để lần sau mình tìm cách trả tiền lại cho ổng. Mà đúng là thằng Thành giả bộ động kinh hay thiệt nhe mậy…Nhưng giả bộ đóng kịch cho vui thì được chứ lừa người khác thì mắc tội đó, xuống âm phủ không đầu thai được đâu nghe mậy” (Lê Văn Nghĩa, 2021 trang 125). Và vì nhận mình là quan văn nên nó cũng không ưa chuyện đánh nhau. Nhưng với nó, đã đánh nhau thì không được chơi xấu, mình yếu chứ không hèn. Chính vì vậy, trước khi cho thằng Út đẹt gia nhập môn phái Thất Sơn, nó đã bắt thằng này tuyên thệ những điều cực quan trọng:
“Điều một là hết lòng hiếu thảo với cha mẹ. Điều hai không phản thầy. Điều ba không phản bạn, xem bạn như anh em ruột thịt. Điều bốn là không phản lại Thất Sơn thần quyền. Điều năm không ỷ mạnh hiếp yếu, hết lòng làm việc nghĩa,…” (Lê Văn Nghĩa, 2021, trang 173). Chưa biết tụi nó có giỏi võ hay không nhưng ít nhất tụi nó ghi nhớ được những đạo lí làm người cơ bản trước đã. Thằng Hoàng đúng là đứa hay nghĩ ra những trò chơi “nhất quỷ nhì ma” nhưng nó luôn là đứa đứng đầu trong chuyện tử tế. Như việc một sáng nọ đến trường, nó xớ rớ ở cổng và không
chịu vào để chặn bọn bạn lại, tổ chức cho cả nhóm đi điếu bà cụ bán bánh mì. Trong thực tế, không biết có đứa nhỏ 11 tuổi nào nghĩ được như cậu bé này không, nhưng dầu sao đây cũng là một chi tiết gây nên nhiều bất ngờ cho bạn đọc về sự trưởng thành trong suy nghĩ của những đứa trẻ.
Cũng trong truyện này, xuất hiện một nhân vật làm nghề giao báo dạo, đó là Hưng. Sáng Hưng học ở trường Petrus Ký, chiều sẽ chạy đi giao báo cho gần bảy mươi ngôi nhà. Đây cũng chính là cứu tinh cho đam mê đọc báo của thằng Hoàng.
Khi biết Hoàng thích đọc báo, Hưng đã rất tinh tế mà đề nghị: “Em thích đọc tờ báo đó à, anh cho em tờ báo đó”; “anh cho em đổi báo” (Lê Văn Nghĩa, 2021, trang 21).
Quan trọng hơn, nhân vật Hưng chính là một tấm gương cho Hoàng noi theo. Với kinh nghiệm của một đàn anh, lại là học sinh của Petrus Ký, Hưng đã dạy Hoàng nhiều thứ liên quan đến việc làm báo như: làm việc phải có phương pháp khoa học;
không nên viết chuyện bêu xấu người khác “dầu sao nó cũng là bạn trong lớp em”;
có viết xạo cũng xạo sao cho hợp lí,…
Những nhân vật người tốt việc tốt như Hưng, Hoàng, Hải, Dũng, Minh,…
không chỉ có vai trò tác động tích cực đến bạn bè đồng trang lứa mà còn là tấm gương cho các bạn đọc nhỏ tuổi noi theo. Các em sẽ biết trân trọng những người có phẩm chất tốt đẹp, biết thêm về cách đối nhân xử thế trong các tình huống khác nhau. Quan trọng hơn, các em sẽ hướng đến cái thiện, cái cao cả.