Chương 1: VĂN HỌC VIẾT VỀ TUỔI THIẾU NIÊN VÀ TÁC PHẨM CỦA LÊ VĂN NGHĨA
1.2. Lê Văn Nghĩa và tác phẩm viết về thiếu niên
1.2.2. Cuộc đời và sự nghiệp Lê Văn Nghĩa
Lê Văn Nghĩa sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh.
Hai miền Nam Bắc bị chia cắt, chiến sự diễn biến hết sức phức tạp. Sau năm 1954, miền Bắc “trở mình”, “khâu vá” lại những vết thương chiến tranh và là hậu phương vững chắc cho chiến trường miền Nam – nơi chảo lửa đạn bom. Nhân dân miền Nam từ trẻ em đến người già đều hừng hực khí thế đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, chính vì vậy những cuộc đấu tranh bằng nhiều hình thức của quần chúng đã nổ ra, góp một phần không nhỏ để tạo nên thắng lợi cuối cùng của đất nước. Sau khi hòa bình lập lại, Nam Bắc về chung một nhà, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội tại miền Nam có những bước tiến. Đặc biệt TP. Hồ Chí Minh đã nhanh chóng trở thành trung tâm kinh tế bậc nhất cả nước. Những tài năng trẻ như Lê Văn Nghĩa cũng trong không khí đó mà vững vàng cầm cây bút của mình để góp một phần vào dòng chảy văn nghệ nói chung. Lê Văn Nghĩa với một đời đầy thăng trầm đã lấy đó làm tiền đề để từ một nhà báo, nhà văn trào phúng dần dần trở thành nhà văn viết nhiều về lứa tuổi thiếu niên và dành trọn trái tim cho Sài Gòn xưa những năm 60 thời ấy.
Lê Văn Nghĩa sinh ngày 20/3/1953 và mất ngày 25/7/2021. Có thể nói rằng, cả cuộc đời của ông đã nên duyên nên nợ với mảnh đất nghĩa tình này – nơi dù đã được đổi tên sau thống nhất nhưng người dân cả nước vẫn quen gọi bằng cái tên cũ - Sài Gòn. Nhắc đến Sài Gòn, hẳn mỗi người đều nghĩ ngay đến những công trình kiến trúc lung linh, là cuộc sống xa hoa của chốn đô thị bậc nhất, là phố xá đông đúc, là những hội hè với các tuyến phố không ngủ,… Nhưng với Lê Văn Nghĩa, Sài Gòn có cả hoa và lệ, có cả những mảnh ghép tươi mới lẫn những vết sẹo dài không bao giờ lành mờ. Bản thân ông đã lớn lên cùng Sài Gòn, chứng kiến Sài Gòn
“trưởng thành” mỗi ngày bằng sự trưởng thành của chính ông. Lê Văn Nghĩa từng chia sẻ, lúc còn nhỏ, Sài Gòn trong ký ức ông chỉ là Chợ Lớn, là trưởng tiểu học Bình Tây, là con đường nhỏ Phạm Văn Chí, là bến Bình Đông, là những rạp hát nhỏ, cũ kỹ, là những ngôi nhà của cộng đồng người Hoa theo kiến trúc kiểu Pháp.
Ông sống trong một xóm nghèo nhưng ở đó đủ để vun đắp trong tâm hồn non nớt của ông những kỷ niệm đẹp. Ở đó có những tình bạn đẹp, có những con người tuy nghèo nhưng sống nghĩa tình. Mỗi tên người, tên đường đều như còn đó – trong ký
ức thuở còn bình yên của ông.
Lớn lên một chút, ông thi đậu vào trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký (nay là trường Lê Hồng Phong, quận 5). Sài Gòn lúc này cũng trở nên hào nhoáng và rộng lớn hơn trong ông – nơi mà ông gọi là “thế giới văn minh”. Là một người ham tìm tòi và không ngừng học hỏi, Lê Văn Nghĩa đã có những chuyến rong chơi mà ông đã mượn mấy câu thơ của Bùi Giáng để mô tả: “Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi. Đi lên đi xuống đã đời du côn”. Đó là những lần trốn học đi thư viện, nhà sách,… hay đi ăn hàng bánh mì, phá lấu, nước mía Viễn Đông. Cũng nhờ vậy mà ông được mở mang thêm về văn hóa. Và cũng chính vì vậy mà cuộc đời ông lại “sôi động” hơn bao giờ hết khi bên trong chàng thiếu niên nhỏ bé ấy bắt đầu hình thành những suy nghĩ, tư tưởng riêng.
Ông yêu Sài Gòn thuở ấy vô cùng, sau này khi lớn lên, có những chuyến đi công tác ở nước ngoài, xa quê hương ít hôm nhưng ông đã thấy nhớ Sài Gòn da diết. Hình ảnh Lê Văn Nghĩa trầm tư chiều hoàng hôn trên phố Tây khi nhớ “nhà”
được những người bạn của ông phải nhắc lại khi kể chuyện về ông. Khoảng cách địa lí không đáng sợ bằng khoảng cách thời gian, đi xa có thể về nhưng thời thiếu niên qua đi rồi làm sao có thể xin một vé trở về được. Lê Văn Nghĩa khi đã sống hơn nửa đời người, ông chỉ có thể quay về Sài Gòn xưa bằng những ký ức xưa cũ.
Bản thân tác giả từng tâm sự: “Có những buổi chiều lang thang một mình, ngồi một góc vắng, tôi luôn mường tượng về con đường đi học thời thơ ấu. Đó là con đường Phạm Văn Chí, lúc học trường tiểu học Bình Tây. Trên đường đi học mỗi ngày, tôi đã từng xem chiếu bóng thùng, sơn đông mãi võ mà thích nhất là … lúc uống rau má ở gần bến xe Chợ Lớn. Lớn lên, vào trường trung học, tôi học trường Petrus Ký, nhớ nhất quán cà phê Năm Dưỡng, cạnh đường Nguyễn Thiện Thuật. Lớn hơn chút nữa, tôi hay lui tới trụ sở Tổng hội Sinh viên, Tổng đoàn học sinh Sài Gòn số 207 Hồng Bàng” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 215).
“Một người Sài Gòn rất Sài Gòn”, Lê Văn Nghĩa với tình yêu chân thành của mình đã để Sài Gòn những năm 60 trong ông được sống mãi bằng trang văn. Hầu hết những tác phẩm ông viết đều lấy cảm hứng từ mảnh đất nghĩa tình này. Cái khác
lạ của Lê Văn Nghĩa là đối tượng mà ông chọn lưu giữ. Sài Gòn với kiến trúc tráng lệ người ta đã có hàng tá những bộ sưu tập ảnh, vì vậy Sài Gòn trong sáng tác của ông “không phải là những người Sài Gòn của tầng lớp giàu sang mà là Sài Gòn của những người nghèo, của những người sống lang bạt kỳ hồ nhưng đầy tình nghĩa thủy chung. Dù nghèo nhưng họ sẵn sàng làm việc nghĩa” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 217). Với một số tác phẩm tiêu biểu gồm bốn truyện dài và 3 tạp bút viết về Sài Gòn, Lê Văn Nghĩa phần nào đã phục dựng lại được không khí thời đại – những năm 60 của thế kỉ XX, cái mà ông chia sẻ một cách nhẹ tênh: “Tôi chỉ viết lại những gì đã trải qua thời đi học”. Thế nhưng với ông, bấy nhiêu vẫn chưa đủ, ông vẫn tiếc hùi hụi và tự cảm thán rằng bản thân chưa tải hết được những ký ức về Sài Gòn qua dòng sông tuổi thơ trong những đứa con tinh thần của mình.
“Một tuổi trẻ can trường”, 17 tuổi, Lê Văn Nghĩa trong mắt bạn bè là một người hết sức đặc biệt, thậm chí khác biệt. Trong một số tấm ảnh về phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên ngày ấy và cả trong ký ức của những người bạn đồng chí hướng, Lê Văn Nghĩa luôn là một trong những người cầm cờ đi đầu của đoàn biểu tình. Ông dấn thân vì lý tưởng ở điểm đầu của cuộc đấu tranh. Mặc dù cha ông là một viên cảnh sát làm việc cho chính quyền nhưng với tư tưởng tiến bộ, ông đã sớm đi theo tiếng gọi của Cách mạng. Cũng chính vì nhiều lần xuống đường đấu tranh, ông đã bị bắt giam qua các nhà tù khác nhau như: Chí Hòa, Tân Hiệp, Côn Đảo. Đến khi được thả ra lại bị “chỉ định nơi cư trú” cho đến ngày hòa bình. Trong thời gian bị bắt giam, tù nhân – học sinh Lê Văn Nghĩa đã thi đậu tú tài năm 1972 ngay trong nhà lao Chí Hòa. Bản thân Lê Văn Nghĩa chính là một minh chứng rất thuyết phục cho nhận định của chính ông khi chia sẻ với bạn bè đồng nghiệp rằng:
“Người Sài Gòn hiếu học”. Lê Văn Nghĩa đã dành trọn thanh xuân sôi nổi của mình để làm đẹp cho quê hương, cho tổ quốc.
Sau ngày thống nhất, ông dành phần đời còn lại cho sự nghiệp báo chí và sáng tác văn học. Có thể nói rằng, Lê Văn Nghĩa là một “nghệ sĩ” đa tài, ông ham học hỏi và gần như “món” nào cũng biết. Nhưng chắc hẳn ông đã thấm thía lời dạy của ông cha “một nghề cho chính còn hơn chín nghề”, vì vậy mà học nhiều biết
nhiều nhưng tất thảy đều dùng để phục vụ sáng tác. Đúng như lời kể của nhà báo Lê Minh Quốc: “Thời trung học, anh từng phụ việc cho một họa sĩ, được thầy tận tâm trao truyền bí kíp nhưng anh không trở thành họa sĩ; từng là kịch sinh khoa thoại kịch của trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ, từng đi học thanh nhạc nhưng anh không làm ca sĩ; từng theo học ảo thuật nhưng anh không trở thành Mạc Can;
từng sưu tập tranh ảnh, sách cũ, băng đĩa nhạc 33 vòng, 45 vòng, 78 vòng ghi giọng ca vàng Bạch Tuyết, Bạch Yến, Út Trà Ôn, Bà Năm Sa Đéc – sưu tầm để giữ lại những gì mà theo anh đó là phần hồn của Sài Gòn cũ nhưng anh không trở thành nhà sưu tập chính hiệu hay xuất hiện trên các báo; từng đi học võ thuật nhưng anh chưa vinh hạnh được bước lên võ đài; từng đi làm cách mạng, vào khu, tù đày, đi học trường Tuyên huấn Trung ương năm 1975 đến năm 1978 nhưng anh không phải là người của giới chính trị…tất cả theo anh chỉ là để chơi, để cảm thụ để có vốn sống mà đưa vào tác phẩm” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 220).
Chính vì vậy, dù bạn bè đồng trang lứa ngày ấy đã giữ nhiều chức vụ cao trong giới chính trị, nhưng chỉ có Lê Văn Nghĩa vẫn âm thầm suốt 40 năm cống hiến cho báo chí. Ông là Chủ biên báo Tuổi Trẻ Cười với thâm niên 40 năm từ 1975 đến 2015 và cũng là Phó Tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Bạn đọc biết nhiều đến Lê Văn Nghĩa với những tác phẩm trào phúng gắn liền với các bút danh như: Hai Cù Nèo, Điệp Viên Không Không Thấy, Đại Văn Mỗ… Đồng thời, ông còn là hội viên sáng lập của hai Hội Nhà văn và Sân khấu TP. Hồ Chí Minh từ năm 1981. Sau khi về hưu, cây bút của ông vẫn không một ngày ráo mực. Hiểu rõ rằng đời người sinh lão bệnh tử không ai có thể tránh khỏi, trong những năm tháng chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, ông đã chạy đua cùng thời gian để tạo nên những bứt phá với những tập tạp bút và những truyện dài viết về tuổi thiếu niên. Chỉ tiếc rằng, ký ức “dòng sông tuổi thơ” đang ngồn ngộn chảy thì máu huyết trong ông đã đến lúc cạn khô, ông từ giã cuộc đời vào ngày 25/7/2021, ngay trong thời điểm Sài Gòn cũng đang “đổ bệnh” bởi COVID – 19.
b. Một đời cống hiến cho văn chương nghệ thuật
Có thể nói Lê Văn Nghĩa đã dành một đời để cống hiến cho văn chương nghệ
thuật ở nhiều lĩnh vực khác nhau với một phong cách hết sức đặc biệt.
Không phải sau giải phóng – khi về làm việc cho báo Tuổi Trẻ Cười - Lê Văn Nghĩa mới bén duyên với nghề viết lách. Theo thông tin từ những người bạn – người em thân thiết, ông đã chính thức làm báo, viết văn từ những năm 17 tuổi. Lúc đó vào khoảng giữa năm 1971 - Lê Văn Nghĩa (cùng anh Sáu Đạt – Trương Hòa Bình) là cây bút phụ trách của tập tuyển tập thơ văn Bản tin của Tổng đoàn học sinh Sài Gòn. Và tính đến những ngày cuối đời, Lê Văn Nghĩa đã để lại không ít tác phẩm có giá trị, được nhiều bạn đọc yêu thích. Đóng góp của ông cho văn chương nghệ thuật có thể chia thành các nhóm sau:
Thứ nhất, các tác phẩm trong báo Tuổi Trẻ Cười. Với 40 năm thâm niên, số lượng bài viết kèm tranh minh họa khó lòng kể xiết. Cái bóng của Lê Văn Nghĩa thực sự là một thử thách cho các hậu bối.
Thứ hai, các tập truyện trào phúng đã xuất bản như: Thắng láu cá (NXB Trẻ, 1989); Hoa hậu phường cây mít (NXB Thanh Niên, 1989); Ôi bóng đá (NXB Long An 1989); Đám cưới nàng Thanh Mã ( NXB Thanh Niên, 1991); Phi án Sex-Tour (NXB Trẻ, 1995); Nô tế-bồ (NXB Trẻ, 1997); Tào lao xịt bộp (NXB Trẻ, 2010);
Chuyện chán phèo (tập truyện trào phúng, 2013); Nếu Adam không có xương sườn (sưu tầm, bình luận, 2015); Nỗi buồn đàn ông (tập truyện trào phúng, 2017); Điệp viên Không Không Thấy và Đại Văn Mỗ (truyện trào phúng, 2021); Điệp viên Không Không Thấy và nhà thơ Thần Giáng (truyện trào phúng 2021),… Thành công trong mảng văn học này bởi Lê Văn Nghĩa hiểu rất rõ tâm lí và thị hiếu người dân địa phương mình, ông chia sẻ rất thật tâm: “Người Sài Gòn thích cười những vấn đề gắn với thời sự. Cười cợt đó, châm biếm đó nhưng không ghét cay ghét đắng đối tượng đang châm chích. Với vai trò nhà báo, tiếp cận với nhiều thông tin, thấy cái gì đáng cười thì tôi “lẩy” ra, viết chơi” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 215). Về mảng văn học này, nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM nhấn mạnh tại tọa đàm Phong cách Sài Gòn ái nhân tri kỷ: “Chúng tôi, với sự cẩn trọng cần thiết của một hội nghề nghiệp, xin khẳng định: nhà văn Lê Văn Nghĩa đã góp phần to lớn hình thành dòng văn học trào phúng cho Sài Gòn – TP.HCM nói riêng và cho
Việt Nam nói chung” (Bích Ngân phát biểu tại tọa đàm Phong cách Sài Gòn ái nhân tri kỷ - tổ chức tại trường THPT Lê Hồng Phong) .
Thứ ba, truyện viết về lứa tuổi thiếu niên gồm 4 tác phẩm: Mùa hè năm Petrus (tập truyện, 2012); Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (tập truyện, 2014); Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (tập truyện, 2018); Mùa tiểu học cuối cùng (tập truyện, 2020).
Đây là những tác phẩm mà Lê Văn Nghĩa viết dành cho thiếu nhi và thiếu niên. Bởi tác phẩm xuất phát từ những ký ức của một người trưởng thành nhưng lại hình thành từ điểm nhìn và ngòi bút trẻ thơ. Hầu hết các câu chuyện về tình bạn, tình cảm gia đình, tình thầy trò đều xoay quanh những đứa trẻ nghèo và đời sống Sài Gòn những năm 60. Lê Văn Nghĩa đã khéo léo đưa chuyện của mình vào trong mảng văn chương hư cấu một cách duyên dáng và tài tình.
Thứ tư, tạp bút viết về Sài Gòn: Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ (NXB Trẻ, 2020); Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (NXB Trẻ, 2018); Sài Gòn dòng sông tuổi thơ (2019); Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức (2021); Văn học Sài Gòn 1954 - 1975 những chuyện bên lề (NXB Tổng Hợp TP HCM, 2020). Các tác phẩm trên đều có giá trị lịch sử nhất định. Mặc dù đúng như tên gọi của nó – những mảnh ghép – và cũng như tự bạch của tác giả - các bài viết là những ký ức rời rạc về Sài Gòn.
Nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ để những người sống trong thời đại đó nhớ lại tuổi thơ mình, còn những ai sống trong thời nay có thể biết thêm về một Sài Gòn quá đỗi thú vị. Ngòi bút của Lê Văn Nghĩa thẳng thắn và chính trực như con người ông, Sài Gòn từng đẹp – xấu thế nào, cái gì còn, cái gì mất, cái gì đáng còn lại mất, từng thói quen, từng nếp sống, từng công trình lớn nhỏ đến ngõ ngách ít người biết… đều được ông tái hiện trong những bài viết. Bản thân Lê Văn Nghĩa cũng tự nhận rằng mình không phải một chuyên gia hay nhà nghiên cứu “Sài Gòn học” mà chỉ là một người may mắn sống trong Sài Gòn và cùng trải qua đủ hỉ nộ ái ố cùng thành phố này. Phải chăng chính vì lẽ này mà nhà báo Dương Thành Truyền nhận định: “Lê Văn Nghĩa chính là người chép sử bằng trái tim về nơi chốn anh sinh ra, lớn lên, làm việc và thành danh”. Huỳnh Như Phương cũng chia sẻ: “Trò chuyện với Lê Văn
Nghĩa, tôi nhận ra, dù đã sống ở đây nửa thế kỷ, tôi cũng chỉ mới biết được một phần của Sài Gòn bề mặt, chỉ có những người như anh mới cảm nhận và thấu hiểu được Sài Gòn bề sâu” (Huỳnh Như Phương, 2022, trang 35). Chắc hẳn, Sài Gòn là mạch chảy ngầm trong tâm hồn và ký ức của Lê Văn Nghĩa.
Lê Văn Nghĩa không chỉ là một người ham đọc sách, là người viết sách mà ông còn đau đáu về vấn đề văn hóa đọc. Ông từng chia sẻ rằng, nếu nhắc đến Sài Gòn mà không nhắc đến giáo dục, thú ham mê đọc sách, ấy là chỉ nhắc đến bề mặt mà chưa thấu tỏ bề sâu của con người nơi đây. Phải chăng Lê Văn Nghĩa muốn lưu giữ và phát triển nét văn hóa hết sức tốt đẹp ấy của người Sài Gòn nên cuối năm 2014, ông đã có một bài viết trên báo Tuổi Trẻ với tựa đề Đường sách nào cho Sài Gòn. Bất ngờ thay, cũng chính bài viết này đã gợi cảm hứng cho nhà báo Lê Hoàng, để hôm nay chúng ta có đường sách TP. Hồ Chí Minh trên đường Nguyễn Văn Bình.
Thành công hôm nay của Lê Văn Nghĩa một phần cũng nhờ phong cách sống và lao động hết mình của ông. Tuổi trẻ sống lí tưởng, dám hành động vì lí tưởng, trưởng thành chung thủy và cống hiến đến phút cuối đời cho văn chương nghệ thuật. Ông đã có một đời “sôi nổi”, một lối sống bình dị, phóng khoáng, một cái tôi đậm chất nghệ sĩ, dí dỏm, hài hước,… tất thảy đều đi vào sáng tác của ông từng bước thật tự nhiên, duyên dáng. Chính vì vậy, dù là thể loại trào phúng, có châm biếm mỉa mai, có đả kích sâu cay nhưng cũng không khiến người ta ghét cay ghét đắng hay nặng nề ủ ê. Là tác phẩm hư cấu hay phi hư cấu, lời văn của ông vẫn khiến cho người đọc thấy nhẹ nhàng và vui thích.
Với tài năng và tâm sáng đã giúp nhà văn Lê Văn Nghĩa đạt một số giải thưởng trong những năm gần đây: Giải Cống hiến năm 2021 do Hội Nhà văn TP.
Hồ Chí Minh trao tặng với 3 tác phẩm (Mùa tiểu học cuối cùng, NXB Kim Đồng;
Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức, NXB Trẻ và Văn Học Sài Gòn 1954-1975 - Những Chuyện Bên Lề, NXB Tổng hợp TP.HCM); tác phẩm Mùa tiểu học cuối cùng đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021, hạng mục văn học thiếu nhi. Song, chúng tôi cho rằng giải thưởng lớn nhất trong đời viết văn của ông chính