Quan niệm văn học viết về tuổi thiếu niên

Một phần của tài liệu Văn học viết về lứa tuổi thiếu niên qua một số tác phẩm của lê văn nghĩa (Trang 24 - 28)

Chương 1: VĂN HỌC VIẾT VỀ TUỔI THIẾU NIÊN VÀ TÁC PHẨM CỦA LÊ VĂN NGHĨA

1.1. Văn học viết về lứa tuổi thiếu niên

1.1.2. Quan niệm văn học viết về tuổi thiếu niên

Tương tự việc định nghĩa về “Lứa tuổi thiếu niên”, việc đưa ra quan niệm

“Văn học viết về tuổi thiếu niên” vẫn còn rất “dè dặt” trong thực tế nghiên cứu hiện

nay. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa văn học thiếu nhi, văn học thiếu niên, văn học thanh thiếu niên hay văn học tuổi mới lớn. Thậm chí, văn học thiếu niên trước giờ vẫn được xem là một phần của văn học thiếu nhi – văn học dành cho lứa tuổi từ 3, 4 tuổi đến 14, 15 tuổi (bao gồm nhi đồng và thiếu niên)

Theo nhà nghiên cứu Bùi Thanh Truyền: “Văn học thiếu nhi là những tác phẩm văn học mà nhân vật trung tâm là thiếu nhi hoặc được nhìn bằng "đôi mắt trẻ thơ", với tất cả những xúc cảm, tình cảm mãnh liệt, tinh tế, ngây thơ, hồn nhiên, được các em thích thú, say mê và có nội dung hướng đến việc giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn, đặt nền móng cho sự hoàn thiện nhân cách của các em thuộc những lứa tuổi khác nhau từ thuở ấu thơ đến suốt cuộc đời.” (Bùi Thanh Truyền, 2012, trang 4)

Trong bài viết Text Complexity and Young Adult Literature: Establishing Its Place (2014), Glauss cho rằng: “Văn học tuổi mới lớn có thể được hình dung là những văn bản văn học có thiếu niên là những nhân vật chính, và họ phải giải quyết những vấn đề mà mọi thiếu niên có thể phải đối mặt [ngoài đời thực]. Kết quả thường phụ thuộc vào những quyết định và lựa chọn của nhân vật chính, đôi khi

“tất cả yếu tố thuộc văn học truyền thống điển hình cho văn chương kinh điển” có thể được tìm thấy [trong văn học tuổi mới lớn]”. (Tạm dịch từ: “YA literature can be described as texts in which teenagers are the main characters dealing with issues to which teens can relate, outcomes usually depend on the decisions and choices of main characters, and oftentimes “all traditional literary elements typical of classical literature” can be found” (Trích lại từ Văn học tuổi mới lớn ở Việt Nam, Võ Văn Nhơn, Nguyễn Bảo Châu, 2021).

Từ đó, Võ Văn Nhơn và Nguyễn Bảo Châu đã nhắc đến nhân vật thiếu niên như là đối tượng trung tâm khi bàn về “Văn học tuổi mới lớn ở Việt Nam”: “Văn học tuổi mới lớn là dòng văn học lấy hình tượng thiếu niên là trung tâm phản ánh và hướng đến đối tượng độc giả chủ yếu là thiếu niên, những người trong độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi. Ở đó, thiếu niên được xây dựng với tư cách là nhân vật chính hay

nhân vật trung tâm. Nhân vật này phải đối diện và giải quyết những thách thức mà đời sống tuổi mới lớn đặt ra để từ đó khám phá chính mình và nhìn ra thế giới”.

(Võ Văn Nhơn, Nguyễn Bảo Châu, 2021)

Nhà văn Mai Bửu Minh đại diện cho những người trực tiếp sáng tác cũng quan niệm về văn học dành cho các lứa tuổi trong bài viết Đôi điều về sáng tác văn học cho độc giả tuổi thiếu nhi, thiếu niên, tuổi mới lớn như sau: “Tôi là người đã từng viết nhiều truyện dài dành cho độc giả ở lứa tuổi thiếu nhi như: Trò chơi, Chú chó tinh khôn,…(dành cho độc giả dưới 11 tuổi - học sinh cấp một); lứa tuổi thiếu niên như: Đứa con hoang, Cánh chim trời,…(dành cho độc giả từ 12 đến 15 tuổi - học sinh cấp hai) và lứa tuổi mới lớn như: Vầng trăng thơ, Cô bé mộng mơ,…(dành cho độc giả tuổi 16 đến 18 tuổi - học sinh cấp 3)” (Mai Bửu Minh, 2019).

Từ quan niệm của những nhà nghiên cứu đi trước, chúng tôi thấy rằng, văn học viết về lứa tuổi thiếu niên là điểm giao giữa văn học thiếu nhi và văn học tuổi mới lớn. Chính vì vậy, việc phân định rạch ròi về giới hạn độ tuổi của đối tượng thẩm mỹ cần được nhìn nhận một cách linh hoạt.

Kết hợp quan niệm về lứa tuổi thiếu niên cùng các khái niệm văn học thiếu nhi, văn học tuổi mới lớn, chúng tôi đưa ra một cách định nghĩa về văn học viết về lứa tuổi thiếu niên như sau: Văn học viết về lứa tuổi thiếu niên là những tác phẩm văn học mà nhân vật chính hay nhân vật trung tâm là thiếu niên (những người trong độ tuổi khoảng từ 11 đến 15). Nội dung tác phẩm tập trung phản ánh đời sống tâm lý, tình cảm, xã hội của thiếu niên, từ đó hướng đến việc giúp các em hình thành và hoàn thiện nhân cách.

Như vậy, khi nhắc đến văn học viết về lứa tuổi thiếu niên, chúng ta cần phân biệt với văn học dành thiếu nhi hay tuổi mới lớn. Ba điểm mấu chốt để phân biệt ở đây cần nhấn mạnh lại là:

Thứ nhất, văn học viết về lứa tuổi thiếu niên có đối tượng phản ánh riêng- nhân vật là thiếu niên. Từ lối sống, nhận thức, ngôn ngữ đều mang những nét đặc trưng trong độ tuổi của mình. Thiếu niên phải tự giải quyết các xung đột bên trong cũng như những vấn đề phát sinh xung quanh cuộc sống, từ đó hiểu chính mình hơn

và có thể hoàn thiện nhân cách.

Thứ hai, văn học viết về lứa tuổi thiếu niên có nội dung đặc thù - đề tài gắn với đời sống tâm lý, tình cảm, tinh thần, xã hội,…của thiếu niên. Đó có thể là những mâu thuẫn của thiếu niên với người lớn; những rung động đầu đời; sự trăn trở về chuyện bạn bè; áp lực học hành thi cử;…

Thứ ba, mục tiêu giáo dục trong tác phẩm viết về thiếu niên hướng đến việc hình thành và hoàn thiện nhân cách – một trong những đặc trưng quan trọng về tâm lí lứa tuổi của giai đoạn này.

Văn học viết về lứa tuổi thiếu niên cũng cần có những đặc trưng và yêu cầu riêng. Trước đây, các nhà nghiên cứu đã đưa ra đặc trưng văn học thiếu nhi xét từ góc độ đối tượng tiếp nhận đặc biệt, từ đó có những yêu cầu dành cho văn học thiếu nhi như: Văn học thiếu nhi cần xuất phát và đáp ứng các nhu cầu bộc lộ cá tính, hình thành nhân cách; nhu cầu vui chơi, giải trí; nhu cầu được giãi bày tình cảm, khát vọng; nhu cầu khám phá để hiểu biết. Một số đặc trưng cơ bản của văn học thiếu nhi: có sự hoà giải giữa cảm quan của người lớn và tâm hồn trẻ thơ; hồn nhiên, vô tư, trong sáng, dí dỏm; thơ mộng và lãng mạn; ly kỳ, ấn tượng; đảm bảo tính chân – thiện – mỹ, hướng tới việc giáo dục nhân cách trẻ.

Ngoài những kế thừa nêu trên, đối tượng thiếu niên mà chúng tôi quan tâm nghiên cứu ở đây không chỉ là đối tượng tiếp nhận mà chủ yếu là đối tượng được phản ánh trong tác phẩm. Chính vì vậy, văn học viết về lứa tuổi thiếu niên cũng có đặc trưng riêng, đồng thời cần đáp ứng một số yêu cầu sau:

Thứ nhất, thiếu niên là đối tượng phản ánh thú vị - đối tượng thẩm mỹ đặc biệt, cần khai thác những nét đẹp gắn liền với đặc trưng tâm lí của lứa tuổi này.

Thứ hai, cần đặt nhân vật thiếu niên trong mối quan hệ với bạn bè, người lớn, đặt các em vào các môi trường như gia đình, trường học, xã hội. Từ việc giải quyết những tình huống cụ thể trong đa dạng môi trường sống sẽ giúp nhân vật bộc lộ tính cách, thiên hướng phát triển. Từ đó hướng đến việc hình thành nhân cách cho thiếu niên.

Thứ ba, văn học viết về lứa tuổi thiếu niên hướng đến đối tượng bạn đọc

phong phú, không nhất thiết chỉ dành cho thiếu niên. Tuy nhiên, thiếu niên vẫn là nhóm bạn đọc chính mà các tác phẩm văn học này hướng đến. Vì vậy, xét về tầm đón đợi của lứa tuổi thiếu niên trong quá trình tiếp nhận văn học, tác phẩm cũng cần phù hợp thị hiếu và tâm lý lứa tuổi thiếu niên. Muốn vậy, ngoài việc xây dựng hình tượng nhân vật thiếu niên, nhà văn cần sử dụng một số nghệ thuật tự sự phù hợp như: người kể chuyện nhập vai, sử dụng ngôn ngữ của thiếu niên – ngôn ngữ tuổi teen, giọng điệu dí dỏm, hài hước,…

Một phần của tài liệu Văn học viết về lứa tuổi thiếu niên qua một số tác phẩm của lê văn nghĩa (Trang 24 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)