Người kể chuyện nhập vai

Một phần của tài liệu Văn học viết về lứa tuổi thiếu niên qua một số tác phẩm của lê văn nghĩa (Trang 115 - 121)

Chương 2: THẾ GIỚI NHÂN VẬT THIẾU NIÊN TRONG TÁC PHẨM CỦA LÊ VĂN NGHĨA

3.1. Người kể chuyện nhập vai

Nếu như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh luôn để đứa trẻ mười bốn mười lăm tuổi

“chạy lon ton ngay sau trang viết” của mình thì Lê Văn Nghĩa cũng để cậu học trò

“láu cá” kể lại chuyện mình và bè bạn đồng trang lứa trong tất cả các tác phẩm viết về thiếu niên của mình. Tác giả đã giấu đi bóng dáng, giọng điệu, góc nhìn của một người lớn từng trải để hóa thân vào nhân vật, dùng đôi mắt trẻ thơ, ngôn ngữ trẻ thơ, giọng điệu trẻ thơ mà kể chuyện.

Trong bốn tác phẩm của mình, Lê Văn Nghĩa đã sử dụng linh hoạt ngôi kể thứ nhất trong truyện Mùa tiểu học cuối cùng và ngôi kể thứ ba trong truyện Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy; Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ; Mùa hè năm Petrus. Đồng thời điểm nhìn trần thuật cũng được xoay chuyển khéo léo từ điểm nhìn bên ngoài đến điểm nhìn bên trong.

Người kể chuyện xưng “tôi” trong truyện Mùa tiểu học cuối cùng là một thiếu niên tên Hoàng, vừa đóng vai trò kiểm soát và kể câu chuyện từ đầu đến cuối, vừa là nhân vật trải nghiệm, tham gia vào trong câu chuyện ấy. Bên cạnh những đoạn kể và tả những hành động, lời nói, điệu bộ của đám bạn lớp Nhứt trường Bình Tây, người kể chuyện xưng “tôi” cũng liên tục độc thoại, độc thoại nội tâm trước những sự kiện, tình huống xung quanh chuyện của mình và đám bạn: “Tui bỗng nhớ đến chuyện thằng Út lấy sắt ngâm với giấm mà mắc cười khi nghe có loại mực tàng hình. Phải làm sao để thằng nầy tập trung vào chuyện học mới được. Chắc chỉ còn có cách là làm cho nó tưởng rằng nó đã tàng hình được. Cách nào đây? Cách nào đây?”; “Trong đầu tôi nghĩ tàng hình là sao? Và tui tự trả lời “tàng hình là không ai nhìn thấy mình”. Vậy không ai nhìn thấy mình nghĩa là mình vô hình. Muốn cho người khác không nhìn thấy mình thì phải làm gì? Tui tự hỏi và tự trả lời như giải lý một bài toán” (Lê Văn Nghĩa, 2021, trang 121).

Tuy nhiên, người kể chuyện này không thuộc dạng người kể cố định, bởi

xuyên suốt các chương, nhân vật “tôi” đã nhiều lần hóa thân, nhập vai, trao điểm nhìn cho nhân vật khác để nhìn nhận, đánh giá, nêu suy nghĩ trước các tình huống, sự kiện trong cuộc sống. Đó có thể là suy nghĩ của các cậu học sinh như Cảnh hù:

Phải điều tra thằng Thu coi sao? Thằng Cảnh hù với máu công an, lính kín của ba nó trong người, dứt khoát phải làm cho rõ ngọn ngành thì mới yên trong bụng” (Lê Văn Nghĩa, 2021, trang 68). Hay thằng Chương: “Thằng Chương đắc ý, nó đang có nhiều dự định ngộ nghĩnh trong đầu. Nhưng trước mắt từ nay nó sẽ tàng hình để chép bài mấy thằng giỏi, để nó trở thành học sinh giỏi nhất nhì trong lớp. Ủa, nhưng vào lớp rồi tàng hình, cô tưởng mình không đi học sao ta? Không được! Vào lớp là phải xuất hiện, ngồi đúng như chỗ cũ. Chỉ tàng hình trong giờ ra chơi thôi!

(Lê Văn Nghĩa, 2021, trang 118). Cũng có thể là những băn khoăn, thắc mắc, tâm trạng của tấm gương phản diện, trẻ em đường phố như thằng Mừng: “Thằng Mừng không khỏi ngạc nhiên tự hỏi không hiểu sao hôm nay thằng Út đẹt trở nên dữ dội như vậy. Hay là bấy lâu nay, không gặp thằng nầy đã đi học nghề ở ông thầy võ nào đó. Nhưng nó đánh theo kiểu liều mạng chứ không phải có đường quyền, có nghề như mấy phim Tàu. Hay là thằng nầy cố tình uýnh lộn theo kiểu cảm tử, không sợ ăn đòn của đích thủ. Nghĩ tới nghĩ lui thằng Mừng quyết định hôm nay phải ngừng chiến thử xem, chứ đánh với thằng đang lên cơn điên như thằng Út đẹt thì cũng chưa chắc ăn lắm. Tha nó một bữa cũng chẳng sao” (Lê Văn Nghĩa, 2021, trang 182). Thậm chí điểm nhìn còn được trao cho nhân vật người lớn như cô giáo An Khê: “Cô biết tính của học trò mình. Cô tự hỏi nếu vậy thì ai đã cho thằng Ty chép bài hay ai đã dạy nó. Nếu có người nào dạy nó làm được những bài toán khó như vậy thì quả là điều đáng mừng cho thằng Ty. Cô An Khê nghĩ chỉ còn cách là đối diện với sự thật” (Lê Văn Nghĩa, 2021, trang 114).

Mặc dù người kể chuyện ngôi thứ nhất xưng “tôi” nhưng điểm nhìn bên trong không hề bị hạn chế. Nhờ đó, nội tâm của các kiểu nhân vật được khai thác khá triệt để với cái nhìn chủ quan lẫn khách quan. Thông qua điểm nhìn từ các nhân vật, người đọc có thể nhận ra quan điểm của nhà văn về những vấn đề cuộc sống như sự ngây thơ hồn nhiên, thích khám phá, thích giải quyết vấn đề của thiếu niên,

vai trò của giáo dục đối với sự trưởng thành của trẻ,…Cái hay là tác giả đã mượn lời người kể chuyện cùng các nhân vật để thể hiện quan điểm một cách tự nhiên, không nặng nề tính định hướng hay áp đặt.

Đối với những truyện sử dụng ngôi kể thứ ba, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã lựa chọn người kể chuyện ở ngôi thứ ba ẩn tàng với điểm nhìn bên trong của người quan sát. Lúc này, người kể chuyện giấu mình sau ý thức, suy nghĩ của nhân vật.

Tác giả đã sử dụng lối kể chuyện nửa trực tiếp gần như xuyên suốt các tác phẩm, cho người kể chuyện nhập vai một cách khéo léo. Người đọc có thể dễ dàng nhận ra có nhiều đoạn điểm nhìn của người kể chuyện kết hợp với điểm nhìn của nhân vật để tạo nên một thể thống nhất. Thật khó để tìm sự khác biệt khi diễn ngôn của người kể chuyện gần giống với giọng điệu người quan sát – nhân vật bởi người kể chuyện lúc này đang lấy thế giới nội tâm của nhân vật, dùng đôi mắt và tư duy của nhân vật để quan sát, đánh giá, để kể chuyện. Người kể chuyện ở ngôi thứ ba ẩn tàng không còn giữ vai trò là người phát biểu, đánh giá. Cũng như truyện Mùa tiểu học cuối cùng, trong các truyện còn lại của Lê Văn Nghĩa, tác giả đều để người kể chuyện nhập vai vào nhiều nhân vật. Từ nhân vật thiếu niên chính diện đến phản diện, nhân vật học sinh đến trẻ em đường phố, hay nhân vật người lớn chính diện và phản diện đều được tự phát biểu, tự đánh giá, tự phản biện, tự nêu suy nghĩ, chính kiến trước các vấn đề trong cuộc sống. Lời dẫn nửa trực tiếp đã xóa mờ ranh giới giữa người kể chuyện và nhân vật:

Khi kể về chuyện của Dũng: “Đọc mấy truyện dành cho tuổi mới lớn nó thấy có nhà văn viết: “Bên trong tâm hồn những đứa con gái là những bí mật” thì trường Gia Long đối với nó cũng bí mật không kém. Vậy mà vài hôm nữa nó được sang trường Gia Long bán báo rồi. Không biết có gặp con nhỏ Xuân Chi không?

Phải cho nó biết mình cũng có làm thơ được đăng trong giai phẩm xuân của trường Petrus Ký chứ bộ” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 22). Suy nghĩ của Dũng, của người kể chuyện hay của chính tác giả: “Thằng Dũng nghĩ như thầy Minh nói vậy vẫn chưa đủ. Một nhà văn xuất thân từ học trò Petrus Ký là để viết về trường Petrus Ký, những kỷ niệm của đời học trò ở ngôi trường này” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang

337).

Hay tâm tư của thằng Mai khi gặp thầy trên chuyến xe đò lục tỉnh: “Riêng thằng Mai nó muốn nói với thầy Sinh: “Thầy ơi em đây! Em là thằng Mai, học sinh của thầy đây” như nhân vật Carnot, trong một cái truyện nó đã đọc trong “Tâm hồn cao thượng”. Nhưng làm sao nó nói được khi lúc này nó chỉ là thằng lơ xe đò, trong cái nón kết đội sùm sụp và bộ quần áo dơ bẩn, bụi đời không phải là đồng phục quần xanh áo trắng. Phải chi nó làm được như ông Carnot hoặc nhỏ hơn, cỡ ông quận trưởng hoặc tệ lắm là phường trưởng gì đó nó sẽ kêu lên “thầy ơi, con đây, con là thằng Mai, học trò của thầy đây, nhờ thầy dạy bảo nay con đã nên người... Thầy có nhớ có lần đã tha tội cho con không?”. Chứ không lẽ nó nói:

“Thầy ơi, con là thằng Mai, thằng lơ xe là học trò cũ của thầy đây...”, nghe sao được! Chắc thầy bỏ xe mà nhảy xuống quá!” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 273).

Sự bất bình của thằng Mai khi thấy có người ta mua bán và ăn thịt chó: “Sao đời có nhiều người ác như vậy không biết, thịt gì không ăn lại ăn thịt chó là con vật có nghĩa với loài người. Trong sách tập đọc lớp Nhì nó đã đọc được bài học về chuyện một con chó cứu chủ trong cơn gió lạnh” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 67).

Sự uất ức và tủi nhục của thằng Chim khi bị hàm oan: “Nó không lấy vàng của chị Mùi. Phải chi chị Mùi gặp mặt nó mà hỏi “mầy có lấy vàng của tao không?” thì nó sẽ trả lời ngay là “không”. Nếu có phải bị thưa ra cò bót nó cũng chẳng sợ. Và nó sẽ nói với ông cò người nó nghĩ là đã ăn cắp vàng của chị Mùi. Làm sao có ai có thể giải oan cho nó đây. À, cũng có thể. Nếu như bất ngờ chị Mùi tìm ra hai chỉ vàng ở một nơi nào đó mà chị không nghĩ tới thì sao? Nhưng làm sao có tiền để nó mua hai chỉ vàng cho chị Mùi? Hai chỉ vàng là bao nhiêu tiền?” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 235).

Nội tâm của những tấm gương phản diện cũng được tự chúng bộc lộ chứ không thông qua lời trình bày của người kể chuyện. Đó có thể là sự ích kỷ, xấu tính của thằng Vân: “Nghe những lời thầy Minh nói, thằng Vân bỗng ao ước phải chi thằng Hải ăn cắp đồ của thằng nào trong lớp thì hay quá, nhưng thằng Hải lại vô cùng đàng hoàng! Nó nghèo, không có tiền ăn mà sao đàng hoàng quá vậy kìa? Nó

thấy chắc phải làm quân Nguyên cho thằng Hải chém bay đầu rồi... Làm sao giành giựt vai Trần Quốc Toản để lấy le với tụi bạn trong trường đây. Tức thiệt!” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 90). Hay sự ghen tị của thằng Chim khi thấy thằng Hải được bạn bè yêu quý hơn: “Nó muốn thằng Minh sẽ khai thằng Long mập viết thư trù cho cô giáo chết. Ai ngờ thằng Minh tự nhận nó đã viết lá bùa. Thằng này chì thiệt, đúng là tổ sư bồ đề, không thèm khai tên thằng mập ra. Phải làm cho tụi nó ghét thằng Minh thiệt nhiều để tụi nó thấy mình cũng đâu có thua thằng Minh. Phải bắt tại trận” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 103).

Không chỉ để cho nhân vật tự thể hiện tiếng nói, quan điểm của mình, người kể chuyện còn chuyển điểm nhìn sang cho nhân vật khi mô tả không gian đời sống sinh hoạt. Những xóm nghèo qua cái nhìn của các nhân vật: “Thằng Thạch đã từng đến nhà thằng Mai ở một khu xóm bình dân trong quận Sáu. Từ đầu hẻm muốn vào nhà thằng này phải đi trên những tấm ván lót vì con đường hẻm gần như suốt ngày lầy lội. Và cũng từ con đường “ván lót” đó nó nghe được mấy thằng con trai gọi mấy đứa con gái là mầy tao, mà tụi nó còn chửi thề với nhau như điên nữa” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 366). Hay “Thằng Hải ngừng xe lại, đưa tầm mắt nhìn vào con hẻm nhỏ hun hút khói chiều. Những căn nhà lá tạm bợ, trên một con đường lầy lội. Còn con hẻm này toát ra từ không khí, từ những căn nhà lá nhỏ xíu, hẹp té nằm trên mặt đường đất lầy lội sự chắp vá, tạm bợ” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 70).

Nhân vật người lớn là tấm gương chính diện hay phản diện cũng được tự phát biểu. Đằng sau đó là quan điểm về giáo dục của tác giả muốn gửi gắm đến bạn đọc. Suy nghĩ của thầy Minh: “Thầy Minh không hiểu tại sao phải cho con nít diễn kịch lịch sử. Lịch sử chỉ để học đi thi thôi. Còn con nít cần phải ca hát cho xôm trò, cho rạo rực… Tức chết đi thôi.” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 89); Suy nghĩ của cô An Khê: “Cả lớp yên lặng như tờ. Còn lòng cô giáo thì rối bời. Trời ơi, nếu có tên nào trong những lá phiếu đó thì cô sẽ phải giải quyết sao đây? Không thể tha thứ học sinh nào phạm tội ăn cắp được. Nhưng phải phạt thế nào mà trò ấy vẫn có tương lai. Một lần lầm lỡ của tuổi thơ không thể tiêu diệt tương lai và cuộc đời của nó được...” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 105).

Nếu như khi kể chuyện theo ngôi thứ nhất với điểm nhìn bên trong của nhiều nhân vật, sự hạn chế về góc nhìn của người kể chuyện được nới lỏng thì khi kể chuyện theo ngôi thứ ba với điểm nhìn bên trong, góc quan sát của người kể chuyện sẽ bị hạn chế theo điểm nhìn của nhân vật. Như trong truyện Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy, khi Hai Ngon có nguy cơ bị bắt vì tội cắt mất các đoạn phim thời sự khi chiếu phim, cả nhân vật, người kể chuyện lẫn bạn đọc đều không rõ nguyên nhân vì sao lại xảy ra cơ sự như vậy: “Chú để lại những đoạn phim đứt từ những phim mà chú cho là hay, có giáo dục. Tuyệt nhiên không có những đoạn phim thời sự vì chú không thích những đoạn phim như vậy, những đoạn phim không có ý nghĩa và cũng không đẹp gì ráo trọi.

Chú bỏ chúng vào thùng rác cho mấy người làm vệ sinh đến hốt. Rồi sau đó họ làm gì thì làm. Hay là những đoạn phim này đã lọt vào tay những thằng cha thầy chú mật vụ, lính kín, công an chìm…và bây giờ mới đẻ ra cớ sự như vậy?” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 218). Câu hỏi cuối đoạn trích là của chú Hai Ngon đang độc thoại hay là sự gợi dẫn của người kể chuyện?

Sự kết hợp giữa tính khách quan trong lối kể kết hợp với việc thâm nhập vào tâm hồn, cảm xúc, chuyển biến tâm lý ẩn sâu bên trong nhân vật như vậy, thế giới hiện thực về đời sống thiếu niên Sài Gòn những năm 60 được tái hiện chân thực, đồng thời quan điểm xã hội của tác giả cũng dễ dàng đến gần với bạn đọc hơn. Khi đọc truyện, ta không còn quá chú trọng và quan tâm đến người kể chuyện, thay vào đó người đọc bị lôi cuốn vào những tầng suy nghĩ và diễn biến tâm lí của các nhân vật có vai trò quan trọng trong tác phẩm.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là các tác phẩm của Lê Văn Nghĩa hoàn toàn vắng bóng tác giả. Nếu xét kỹ, tác giả nhiều lúc tách mình ra để thể hiện trực tiếp quan điểm, tâm tư của mình. Những đoạn trữ tình ngoại đề ở cuối các tác phẩm chính là tiếng nói cá nhân rất rõ của tác giả:

Mùa xuân làm người ta lớn. Mùa xuân người ta sẽ được mừng thêm một tuổi. Mùa hè chỉ có chia tay. Nhưng trong đời học sinh không chỉ có những mùa hè chia tay. Cũng có những mùa hè đánh dấu sự trở thành người lớn. Người lớn mà

không cần mùa xuân đến. Không cần được mừng tuổi. Đó là mùa hè của những năm Petrus Ký!” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 479).

Đúng là chưa có một nhà văn nào làm cho ký ức của học sinh Petrus bùng dậy hoặc làm cho những người khác biết, hiểu thêm về đặc tính, những tiềm ẩn, những bản sắc đã tạo nên ngôi trường này. Nhà văn của trường Petrus Ký, dù là một nhà văn hạng bét, phải thổi được cái hồn Petrus Ký đó cho mọi người, để ai đi ngang ngôi trường này cũng phải ngước nhìn, để mọi học sinh, khi đã già đều tự hào với con cháu rằng ta đã là học sinh ngôi trường ấy mặc dù ta là học sinh dở nhất lớp, dở nhất trường. Ít nhất đó là cái hồn, phần bí mật, chìm ẩn mà nhà văn của trường Petrus Ký phải viết trong những tác phẩm của mình cho bằng được.

Trước khi chết, nhà văn - học trò phải nói được tinh thần, tình yêu, tuổi thơ, những kỷ niệm trong ngôi trường Petrus Ký của mình” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 337).

Đâu có ai sẽ đi theo suốt tuổi thơ của mình. Cuộc đời thoáng gặp, thoáng đi. Gặp nhau, chia li đó là lẽ thường của đời sống…Trong đời, một lần ai cũng muốn có dịp trở lại để nhớ, căn nhà nhỏ, con xóm, những cái cây, con diều, bờ ruộng, bài hát vọng cổ trưa hè, những thằng bạn, những trò chơi…Tất cả đã đi về miền quá vãng. Ôi, tuổi thơ của chúng ta…Một tuổi thơ đáng yêu, trân quý đầy ngọt ngào như mật như thơ”. (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 314).

Với việc lựa chọn ngôi kể và điểm nhìn trần thuật đa dạng, biến hóa linh hoạt như vậy, nhà văn đã xây dựng được một thế giới đa chiều với cái nhìn toàn cảnh, vừa có độ rộng vừa có chiều sâu. Thế giới nhân vật được khai thác tối đa về đời sống thường nhật cũng như đời sống tâm hồn phức tạp. Tác phẩm nhờ vậy trở nên tường minh, dễ đọc, dễ cảm nhận, dễ khám phá hơn cho các bạn nhỏ thuộc lứa tuổi thiếu niên. Tâm hồn trẻ thơ của người kể chuyện nhập vai và sự nghiêm túc, sự chiêm nghiệm của tác giả kết hợp ăn ý, tạo nên những tác phẩm không phải chỉ đọc để vui cười giải trí mà còn chất chứa vô vàn những giá trị nhân sinh quý báu.

Một phần của tài liệu Văn học viết về lứa tuổi thiếu niên qua một số tác phẩm của lê văn nghĩa (Trang 115 - 121)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)