Chương 2: THẾ GIỚI NHÂN VẬT THIẾU NIÊN TRONG TÁC PHẨM CỦA LÊ VĂN NGHĨA
2.1. Không gian sinh hoạt của nhân vật
2.1.2. Không gian gia đình
Nếu như trường học là nơi thiếu niên được cung cấp tri thức, được tham gia các hoạt động giáo dục có tính tổ chức, được mở rộng mối quan hệ với bạn bè, thầy cô,…thì gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ của các em trong suốt hành trình lớn lên. Trước khi đến với thầy cô, trường lớp, các em đã được học
những bài học đầu tiên tại ngôi nhà thân thương của mình. Thiếu niên như những chồi xanh đang cố vươn mình lên thật cao lớn, dù muốn hay không, chồi xanh ấy sẽ đón nhận những tinh túy từ đất mẹ, đó có thể là tình yêu thương, là sự nâng đỡ, là sự chăm bẵm,.. hoặc cũng có thể phải thẩm thấu vào cơ thể những tạp chất gây hại.
Nói cách khác, thiếu niên sẽ chịu ảnh hưởng từ người lớn – người thân trong gia đình – về nếp sống, cách sinh hoạt hay cả tư duy. Tình yêu thương, niềm tin, sự kì vọng từ ông bà, bố mẹ, anh chị có thể giúp tâm hồn đứa trẻ được căng tràn tình yêu nhưng sự bao bọc quá mức hoặc lối tư duy của người lớn áp đặt vào các em cũng có thể biến đứa trẻ trở thành kẻ khuyết tật về tâm hồn.
Khi trả lời câu hỏi của một bạn thiếu niên “Con là ai? Ta là ai?”, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói rằng ta được tạo nên từ những thứ không phải ta. Bản thân ta được tạo nên từ cha, từ mẹ, từ tổ tiên, từ tất cả những thứ trên vũ trụ này. Ta không có cái của riêng mà ta là thế giới, là vũ trụ. Cũng như bông hoa được tạo ra từ những thứ không phải hoa như đất, ánh sáng, mặt trời,… Như vậy, mọi lời nói, hành động, thói quen cũng như tư duy, quan điểm sống của gia đình đều có thể là yếu tố tác động đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.
Trong truyện của Lê Văn Nghĩa, gia đình của những cô cậu bé thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, cha mẹ chúng làm các nghề khác nhau. Song dù gia cảnh thế nào, gia đình cũng là cái nôi nuôi nấng các em trở thành những người tử tế. Trong Mùa hè năm Petrus, thằng Hòe học giỏi nhờ vào sự cố gắng, nỗ lực của nó và còn nhờ vào cả truyền thống hiếu học của gia đình: “Gia đình Hòe là một gia đình có truyền thống về học vấn. Ba nó hiện là giáo sư, hiệu trưởng một trường trung học tại Sài Gòn. Mẹ nó là giáo sư toán trường Gia Long. Anh chị nó đều tốt nghiệp đại học” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 150). Hay thằng Mai, gia đình nghèo xơ nghèo xác, cha nó mất sớm, anh nó phải nghỉ học kiếm tiền phụ má nuôi nó. Nhiều lần Mai muốn nghỉ học, bỏ ngang mà đi kiếm tiền, nhưng những lời trăn trối cuối cùng của ba nó trước lúc nhắm mắt đã giúp nó tiếp tục theo đuổi con đường học hành thành tài: “Sinh nghề tử nghiệp biết oán trách ai. Con ráng học để sau đỡ khổ thân”
(Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 243). Má của thằng Ti trong Chú chiếu bóng, nhà ảo
thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy gieo vào những đứa con của mình về cái gọi là lòng tự tôn dân tộc: “nghèo thì cạp đất mà ăn nghe không tụi bây, không được ăn đồ thừa, đồ dư của mấy đứa đi làm sở Mỹ” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 214). Nhân vật Cảnh Hù trong truyện Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ được ba nó – một viên cảnh sát – dạy cho nó hiểu thế nào là “danh dự”. Suy nghĩ ngây thơ của Cảnh khi nghĩ rằng xài cây viết sang là có danh dự, mất cây viết là mất danh dự được ba nó chỉnh ngay: “Danh dự đâu phải nhờ cây viết. Danh dự là học giỏi. Còn như vậy là khoe của” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 118). Hay chuyện thằng Hải bị nghi là đứa ăn cắp, mẹ nó biết chuyện đã nghiêm khắc răn dạy: “Hải nè, nhà mình nghèo nhưng phải cho sạch nghe con. Ba con chạy xích lô máy, má bán bánh bèo cũng đủ nuôi con. Đừng làm gì để người ta cười chê nghe Hải, nhục lắm. Nghèo thì cạp đất mà ăn, bên nội, bên ngoại con đều dạy ba má như vậy…Thôi má tạm thời tin con vậy. Nhưng nếu má biết con lấy cây viết của bạn má sẽ từ con hay má sẽ tự tử chết cho con vui lòng” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 140). Niềm tin của cha mẹ có thể cứu lấy tâm hồn non nớt của con trẻ và cũng có thể đẩy chúng xuống tận cùng của tổn thương thất vọng khi không được tin yêu. Thằng Hải được chúng bạn nhận xét là quá đỗi tử tế cũng nhờ những lời thủ thỉ tâm tình của má nó từ tấm bé, nó lấy luôn cái tính ghét ăn cắp của má nó từ nhỏ.
Tính cách và những biểu hiện trong ứng xử của các nhân vật nhỏ tuổi với các vấn đề xung quanh chúng phần nào ảnh hưởng từ môi trường gia đình. Một số nhân vật thiếu niên trong Mùa hè năm Petrus thể hiện rõ đặc điểm này. Thằng Lê khù khờ, ngờ nghệch hay bị mấy đứa bạn lừa một phần vì cái gì nó cũng được mẹ lo cho – dù nay đã 15, 16 tuổi: “Tóc nó hơi dài một chút là má nó đã bắt nó đi hớt tóc, nó có muốn để tóc dài cũng chẳng được. Trước mỗi buổi học là má nó kiểm soát xem nó có mặc áo có đeo phù hiệu không? Có đi giày bata không?” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 207). Thịnh kẹo có cái tên “kẹo” bởi nó thường hay tính toán thiệt hơn, đặc biệt trong chuyện tiền bạc. Nó học được điều đó từ ba nó – một người sành sỏi chuyện kinh doanh buôn bán: “ba nó thường nói với nó trong lúc gảy bàn tính “ăn cho, buôn so”. Ba có thể cho tiền con nhưng khi ba buôn bán với con thì một cắc ba
cũng không bớt. Con nghĩ coi, bớt năm cắc một ký gạo thì mười ký mình đã mất năm đồng, một tạ mất 50 đồng rồi” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 178). Thằng Thạch mặc dù học trường công có tiếng nhưng nó không kì vọng cũng không cố gắng học giỏi làm gì, bởi ba nó từng nói: “mấy thằng học nhiều, học giỏi sau này cũng chỉ đi làm công cho mấy thằng học lực trung bình hoặc kém thôi. Tại vì mấy thằng học giỏi chỉ lo học mà không biết gì về xã hội hết nên khi ra đời dễ bị ngơ ngơ, lạc hậu với hoàn cảnh chung quanh lắm. Cuộc đời của những học sinh giỏi chỉ là công thức, phương trình, các định lý…nhưng cuộc đời đâu chỉ là công thức phương trình.” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 383). Ba thằng Thạch nói có cái đúng ở chỗ “chỉ lo học mà không biết gì về xã hội hết nên ra đời dễ bị ngơ ngơ, lạc hậu với hoàn cảnh chung quanh”, nhưng với một đứa trẻ chưa chín chắn và thấu đáo trong suy nghĩ, nó chỉ quan tâm các vế còn lại mà thôi. Thành ra, các bậc phụ huynh khi nói chuyện với con trẻ cũng cần phải thật thận trọng trong từng lời từng chữ, bởi nó có tính định hướng cao. Hay trong tác phẩm Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy, thằng Chim ba lần bảy lượt vào các sòng bài, sòng bầu cua cá cọp rồi bị cảnh sát bắt nhốt vào ty, má nó không trách con mà tự trách mình bới: “cái sự ham đánh bài của thằng Chim chính là lỗi của ba má nó. Thuở đi theo gánh hát trong những huyện lỵ nghèo, những nghệ sĩ cải lương có biết làm gì đâu ngoài việc đánh bài để giải khuây” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 251).
Trong không gian gia đình, ngôi nhà chính là thế giới yên bình, ấm áp và an toàn của các em. Nhà không chỉ là nơi che mưa che nắng với mái ngói và các bức tường bao quanh, nhà là nơi các bạn nhỏ được thể hiện mình một cách vô tư, trong sáng nhất, là nơi chất chứa những kỷ niệm dù cơ cực hay sướng vui. Ngôi nhà của thằng Minh và Long Mập (Mùa hè năm Petrus) như ở hai thế giới, nhà Long Mập có đầy đủ những thứ đồ hiện đại lạ mắt – đó là một biệt thự sát bên trường Bình Tây có khu vườn nhỏ bao bọc chung quanh. Còn nhà Minh ở một xóm nghèo, nhà cửa tạm bợ vỏn vẹn có vài thứ đồ dùng. Thế nhưng hai đứa này lại khoái đến nhà nhau chơi, đặc biệt là thằng Long Mập chuyên đến ăn cơm ở nhà thằng Minh. Trong
khoảng không gian nhỏ phía sau nhà với sự hiện diện của cái bàn bằng tre, những bữa cơm cơ cực mà ấm áp đã nuôi lớn Minh. Nó ăn cơm với nước mắm kho quẹt chỉ còn lõng bõng nước, lấy nước lã làm canh, thế nhưng dù ăn với má, ăn một mình hay với thằng Long con nhà giàu thì nó luôn để một bát cơm riêng cho người bà đã mất. Sự ấm áp yêu thương từ những bữa cơm gia đình ấy cũng chính là điều thằng Long cần. Hay thằng Mai, trong những ngày mưa, nó thao thức cùng mái nhà nhiều chỗ bị dột, nhưng nó không oán trách, không khó chịu mà biến điều đó thành động lực. Những đêm không ngủ được vì phải canh hứng nước mưa từ mái nhà, nó tranh thủ đốt đèn dầu để ôn lại bài – muốn thoát nghèo, muốn đỡ khổ thì phải gắng học hành tử tế.
Những kỉ niệm với bạn bè không chỉ có ở trường mà còn xuất hiện ngay trong ngôi nhà của những thiếu niên. Sau giờ học, tụi nhỏ hay đến nhà nhau để học bài thêm hoặc chơi đùa. Cái giường tre của nhà thằng Lượm (Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ) vừa là chỗ để nó nằm ngủ, chỗ ăn cơm, chỗ học bài và cũng là nơi bọn nhỏ trong xóm đến làm bệnh nhân cho con chó Mót chữa bệnh. Trong Mùa tiểu học cuối cùng, nhà thằng Hoàng là địa điểm kết nạp đệ tử môn phái võ công cho thằng Út Đẹt. Nhà thằng Há với cây chùm ruột có từng chùm trái chín mọng là nơi cả bọn trong xóm đến hùn đồ để hái chùm ruột ăn. Cũng chính vì chuyện leo cây này mà thằng Ty bị té rồi trở thành thiên tài ngẩn ngơ. Các bạn nhỏ thể hiện tất thảy sự hồn nhiên, ngây thơ của mình, không phân biệt, không so bì giàu nghèo thiệt hơn.
Trong không gian ngôi nhà còn xuất hiện những không gian riêng đặc biệt của nhân vật. Trong truyện của Lê Văn Nghĩa, đó không phải là phòng ngủ, không phải phòng đọc sách… bởi đa số các nhân vật đều là con nhà nghèo, phòng khách hay phòng ăn cũng chính là nơi học bài hay ngủ nghỉ của chúng. Song, tác giả đã rất khéo khi tặng riêng cho nhân vật một căn phòng đặc biệt, đó chính là ngăn tủ (tủ thờ) bí mật. Đây là một không gian chật hẹp, gần như khép kín tuyệt đối – đủ để thằng Minh (Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy) hay thằng Hoàng (Mùa tiểu học cuối cùng) được sống trong thế giới
của riêng mình. Khi có những tâm tư, những nỗi buồn, thằng Minh chọn nhà là nơi trở về, và chọn ngăn tủ là nơi thu mình vào: “Buồn quá, thằng Minh quay về nhà, ngôi nhà trống hoác vì má nó đã đi bán. Bánh bèo đã đổ xong, thằng Minh mở cửa cái tủ thờ để giữa nhà, rồi chui vào. Cái tủ thờ này là do ông ngoại nó đóng để lại cho ba má nó” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 158). Đây còn là chỗ ngủ khi nó trốn học vì đêm trước đi coi cải lương về muộn, là một cõi riêng, là nơi Minh tìm thấy tri thức: “nơi nó khám phá ra nhiều điều bí mật từ những quyển sách kì lạ mà má nó cất giấu. Nó thích đọc nhất là cuốn Cổ học tinh hoa. Ngoài sách, nó còn được an ủi bằng những bức thư của ba nó mà mỗi lá thư là một lời dạy về cách làm người, cách đối nhân xử thế” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 161). Ngăn tủ còn là nơi tuyệt vời để Minh cất giữ kỷ niệm của chú Hai Ngon – một hộp đựng những đoạn phim đứt – ước mơ trở thành chủ rạp hát hay đạo diễn phim đều được giữ gìn trong đó.
Thằng Hoàng (Mùa tiểu học cuối cùng) còn gọi cái thủ thờ là cái am của nó – cái am để nó được yên trí học bài, đọc sách mà má nó không biết.
Không có những mảnh vườn trải dài hay những khoảng sân rộng lớn, chỉ có những ngôi nhà trong các ngõ hẻm hay góc phố còn nhiều chật vật, khó khăn, nhưng không vì thế mà các em thiếu vắng niềm vui, kỉ niệm. Các em yên tâm học tập, vui chơi bởi có một nơi luôn luôn sẵn sàng, luôn luôn chờ những đứa con trở về - đó chính là mái nhà, là gia đình.