Chương 2: THẾ GIỚI NHÂN VẬT THIẾU NIÊN TRONG TÁC PHẨM CỦA LÊ VĂN NGHĨA
2.1. Không gian sinh hoạt của nhân vật
2.1.1. Không gian học đường
Không gian học đường vừa là nơi thiếu niên học tập, tiếp thu những tri thức hữu ích có tính định hướng, vừa là nơi vui chơi lành mạnh góp phần quan trọng trong việc giúp thiếu niên bộc lộ cá tính, tài năng cũng như giúp hình thành và phát triển nhân cách lứa tuổi thiếu niên.
Thế giới học đường trong các truyện viết về lứa tuổi thiếu niên được nhà văn
Lê Văn Nghĩa xây dựng, mô tả hết sức tự nhiên, chân thực và sống động với đầy đủ những đặc trưng của đời sống học đường như chuyện thi cử, giờ học, giờ ra chơi, các hoạt động hiệu đoàn, các trò chơi nghịch ngợm,…và đặc biệt là những mối quan hệ giữa nhân vật thiếu niên bạn bè đồng trang lứa, với nhân vật người lớn như thầy cô giáo, công nhân viên trong nhà trường. Chính vì vậy, đọc truyện Lê Văn Nghĩa, bạn đọc sẽ có cảm giác như được sống lại trong khoảng không gian gắn liền với tuổi thơ của mình - những ký ức một thời với bảng đen phấn trắng, với tình bạn ngây thơ trong sáng, với tình cảm thầy trò đáng yêu đáng trân quý.
Không gian học đường trong các truyện viết về thiếu niên của Lê Văn Nghĩa đều được giới thiệu rõ ràng và có sự gần gũi với không gian địa lý trong đời thực, đó là Trường Tiểu học Bình Tây và Trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký. Ở đó, các em nhận được sự yêu thương, quan tâm, dẫn dắt, dạy bảo trước hết là từ thầy cô giáo – “những nhà trí thức mẫu mực đáng kính, thông tuệ và nhân hậu, tạo tấm gương sáng và để lại dấu ấn sâu sắc bền lâu trong tâm khảm, tâm tình, lối sống, lối nghĩ của học trò” (Bảo Ninh, Khi kí ức được hồi phục, 2019)
Hình ảnh của các thầy cô giáo xuất hiện gần như xuyên suốt trong các tác phẩm. Cô giáo Lan Sinh hay cô An Khê được tụi nhỏ lớp nhứt Hai trường Bình Tây vô cùng kính trọng và yêu thương bởi sự nhân hậu và đặc biệt là sự tinh tế trong cách xử lí các tình huống vi phạm trong lớp học. Trong truyện Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy, khi phát hiện tờ giấy trò Minh ghi “Cầu cho cô Lan Sinh chết”, cô giáo đã không trách phạt ngay mà tìm hiểu lí do bằng cách hỏi học sinh một cách nhẹ nhàng. Với cô, đó chỉ là bồng bột nhất thời, cô đã dùng chính chuyện này để liên hệ đến các bài học về khoa học thường thức, để dạy học sinh không nên mê tín dị đoan. Cuối cùng, thưởng phạt phân minh, cô giáo trưng cầu ý kiến của tất cả học sinh trong lớp về hình phạt dành cho Minh vì đã có việc làm không đúng của học trò đối với cô giáo. Cách làm của cô Lan Sinh không chỉ giúp học sinh có lỗi là Minh thay đổi nhận thức và hành vi mà còn gián tiếp tác động đến nhận thức của các học sinh khác một cách nhẹ nhàng, hiệu quả. Cô giáo An Khê trong truyện Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy
và con chó nhỏ được đặt trong một tình huống khó xử hơn khi trong lớp có học sinh bị mất đồ. Với những đứa trẻ 10, 11 tuổi đang là học trò của mình, cô hoàn toàn tôn trọng quyền dân chủ của tụi nó bằng cách lắng nghe và chấp thuận những giải pháp mà học sinh đưa ra để tìm thủ phạm ăn cắp bút. Tuy nhiên, bản thân cô cũng trăn trở: “Không thể tha thứ học sinh nào phạm tội ăn cắp được. Nhưng phải phạt thế nào mà trò ấy vẫn có tương lai. Một lần lầm lỡ của tuổi thơ không thể tiêu diệt tương lai và cuộc đời của nó được…” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 105). Và khi học sinh bị nghi ngờ là kẻ ăn cắp, bằng niềm tin và sự thấu hiểu tính cách học sinh, cô giáo mạnh mẽ tranh luận trước hội đồng sư phạm nhà trường để bảo vệ học sinh:
“Nếu đúng Hải ăn cắp bút của bạn thì không cho Hải đóng kịch là hợp lý, nhưng nếu Hải không ăn cắp viết của bạn như vậy có phải là xúc phạm nhân phẩm của nó không? Như vậy là một sự sỉ nhục nó trong mắt của bạn bè, làm nó bị tổn thương.
Làm sao lấy lại được sự hồn nhiên cho nó? Có sự minh oan nào có thể gột sạch tất cả những tổn thương mà con người phải chịu đựng” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 223). Việc các thầy cô giáo làm, có thể học sinh không biết, nhưng những việc làm đó góp phần tạo nên một môi trường đủ lành mạnh và an toàn để học sinh sinh hoạt và phát triển. Một hành động rất nhỏ thôi của thầy cô cũng đủ góp phần nuôi dưỡng ước mơ, tương lai của các cô cậu học trò nhỏ. Trong Mùa tiểu học cuối cùng, cô An Khê đã phát hiện ra tài năng tính toán của trò Ty và tìm cách cho trò Ty không bị chuyển đến các trường cho trẻ có vấn đề về trí lực, cô cũng đã trân trọng cuốn báo đầu tay của trò Hoàng khi âm thầm trưng bày nó trong buổi tổng kết cuối năm. Tất cả đã để lại một ấn tượng thật đẹp, thật sâu sắc trong tâm hồn ngây thơ của những đứa trẻ ấy. Đó có thể là hành trang, là điểm tựa trên bước đường đời của mỗi con người.
Đặc biệt, trong truyện Mùa hè năm Petrus, không gian học đường xuyên suốt tác phẩm luôn có dáng dấp của những vị giáo sư trung học đồng hành với các cô cậu thiếu niên đáng yêu, tinh nghịch. Cấp hai, tụi nhỏ được tiếp xúc và thu nhận kiến thức ở đa dạng các môn học như kim văn, cổ văn, toán, lý, hóa, sử , địa,…
Nhiều tiết học, nhiều thầy cô giáo đã để lại dấu ấn đặc biệt như: giờ trần thuyết môn
kim văn, giờ học nhạc với thầy Ba và thầy Hoàng Lang. Trong giờ trần thuyết môn kim văn, học sinh được chuẩn bị bài thuyết trình tự chọn sau đó được trình bày, phản biện qua lại một cách tự tin, chủ động. Nhân vật thiếu niên không chỉ được tiếp nhận kiến thức lí thuyết mà còn có môi trường để phát triển các kỹ năng cơ bản như giao tiếp, tranh luận, nói trước đám đông,… Ngoài ra, chúng còn được dạy về lòng biết ơn, lòng yêu nước, niềm tự hào về những nét đẹp văn hóa của dân tộc:
“bên cạnh những giờ học nhạc lý, học đánh nhịp, thầy Ba còn dạy tụi nó hát dân ca: “là người Việt Nam. Là học sinh Petrus Ký các em phải biết hát dân ca. Dân ca là bài hát của dân tộc, của một đất nước. Tây có dân ca của Tây. Mỹ có dân ca của Mỹ. Việt Nam có dân ca của Việt Nam” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 92). Những chuẩn mực đạo đức khác cũng luôn được các thầy cô giáo truyền dạy và chỉ bảo các em tận tình như: không chửi thề, không đánh nhau, không nói dối, không ăn cắp, không lười biếng trong học tập, không chủ quan. Cầu thủ Tam Lang khi hướng dẫn tụi nhỏ tập luyện thi đấu đá banh đã có những yêu cầu đầu tiên cực kì quan trọng:
“Tuổi học trò là tuổi phải đá đẹp, thắng cũng đẹp mà thua cũng đẹp. Thắng là nhờ tài năng chứ không phải nhờ chơi xấu… Tinh thần đồng đội. Bóng đá cần tài năng cá nhân nhưng không có đồng đội thì tài năng cá nhân của anh sẽ không phát huy được” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 373). Thầy Vũ Ký khi phát hiện trò Thạch xem tờ Playboy (báo khiêu dâm của Mỹ) giấu trong học bàn liền nhắc nhở chung cả lớp:
“Các em đi học để trở thành một người có văn hóa và tri thức, biết phân biệt những điều đúng sai đang xảy ra trong cuộc sống. Khi phân biệt những điều như thế thì các em mới trở thành người hữu ích cho quốc gia, đất nước. Quân đội Mỹ vào đây, nào là khiêu vũ trường, nào là lối sống Mỹ, nào là văn hóa Playboy, rồi đĩ điếm, gái bán bar… Các em không không được xem những thứ này, nó sẽ phá hoại đầu óc và tâm hồn các em” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 124). Ở tuổi thiếu niên, chắc chắn những cô cậu học trò sẽ tò mò với đủ thứ mới lạ, nếu không có định hướng của người có kinh nghiệm, chúng dễ lạc đường, sa ngã. Lời dạy để bảo vệ tâm hồn học sinh của thầy Vũ Ký đã khắc sâu vào tâm trí thằng Dũng, để rồi sau đó khi nó thấy thằng Mai ghé quầy báo Playboy, nó đã không thích và kéo bạn mình đi nơi khác.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa đã trao quyền cho các thầy cô trong việc xây dựng một môi trường an toàn để các em yên tâm học tập. Trong Mùa hè năm Petrus, trò Ngầu khi đánh nhau ngoài trường với một đứa trẻ khác rồi bị người nhà đứa trẻ ấy hăm dọa, nó đã chạy vào trường để tránh nạn chứ không phải bất cứ nơi nào khác.
Với Ngầu, trường học chính là nơi an toàn nhất trước bạo lực ngoài xã hội. Và đúng như vậy, khi vào trường, nó được thầy Túy – giáo sư thể dục (người từng bị nó phá bằng những trò nghịch ngợm) giải vây. Sau khi học sinh được an toàn, thầy Túy không quên chấn chỉnh Ngầu về việc là học sinh thì không được đánh lộn dù bất cứ lí do gì. Sau đó thầy Túy phạt nó thụt dầu 5 cái về hành vi chưa đúng ấy. Thầy cô khi đứng trước những hành vi bồng bột, nhất thời của các em luôn có thái độ và cách ứng xử bao dung, nhân hậu nhưng cũng rất nhất quán. Chính vì vậy, đứa trẻ mới có thể tin tưởng và thể hiện bản thân một cách hồn nhiên, vô tư nhất. Nói cách khác, trong không gian học đường, thầy cô chính là tấm gương để các em noi theo.
Như trong giờ trần thuyết môn kim văn, cô giáo nhận xét và cho điểm chưa thỏa đáng về bài thuyết trình của nhân vật Dũng. Nhưng khi nhận ra mọi việc, cô giáo đã không ngại ngần mà xin lỗi và nhận sai về mình trước lớp, đồng thời điều chỉnh kết quả chấm điểm trước đó cho Dũng.
Những lời dặn dò, những bài dạy của thầy cô, những bài kiểm tra thường xuyên, những kỳ thi định kì, thậm chí là cả những lần bị kỷ luật phải đi cấm túc ngày chủ nhật, phải chép phạt,…như là một phần không thể thiếu và cũng khó có thể quên trong hành trình trưởng thành của nhân vật. Nhiều hoạt động giáo dục khác trong không gian học đường cũng có vai trò giúp thiếu niên bộc lộ cá tính, phát triển và hoàn thiện bản thân. Ở độ tuổi này, các em đã nhận thức được vai trò của cá nhân mình đối với xã hội, đã ý thức được tầm ảnh hưởng của các mối quan hệ xung quanh, các em muốn được làm những thứ có giá trị để chứng minh mình đã lớn.
Chính vì vậy, thật thiếu sót nếu như nhà trường không tạo được môi trường học tập và rèn luyện đa dạng cho các em. Thật tuyệt khi trong các tác phẩm của Lê Văn Nghĩa, nhân vật của chúng ta được học tập trong những môi trường cực kì nhân văn và năng động. Ngoài những giờ học như kim văn, cổ văn, toán, lý, sử, địa,… học
sinh trường Petrus Trương Vĩnh Ký trong truyện Mùa hè năm Petrus còn được tham gia rất nhiều hoạt động bổ ích như: giải bóng bàn, bóng đá thiếu niên liên trường, kỳ thi “Đố vui để học” liên trường. Hằng năm còn có đại nhạc hội nhạc trẻ từ các đoàn quốc tế đến biểu diễn. Các em vừa được học, vừa được giải trí, vừa được thi thố với nhau, vừa được bồi đắp về mặt thể chất lẫn tinh thần. Từ đây nhiều tài năng được phát hiện và quan tâm bồi dưỡng.
Ngoài phát triển cá nhân, môi trường học đường ở đây còn tạo sự gắn kết tập thể có quy mô từ nhỏ đến lớn. Các nhân vật được rèn luyện tinh thần đoàn kết, ý thức xây dựng cho tập thể, cộng đồng qua việc sinh hoạt hiệu đoàn. Thầy Minh trong Mùa hè năm Petrus đã nói với lớp trò Dũng trong buổi học đầu tiên năm đệ tứ: “Trường ta mong muốn các em, ngoài việc học chăm chỉ, còn dành thời giờ để tham gia những sinh hoạt hiệu đoàn như làm công tác xã hội, chơi thể thao, văn nghệ, báo chí…Các em học trong trường này bảy năm, nghĩa là tính cách của em sẽ được định hình thông qua những sinh hoạt hiệu đoàn nào các em ưa thích. Sau đó, sự lựa chọn này có thể để các em chọn ngành vào đại học, hay sẽ là nghề nghiệp khi các em bước vào đời” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 27). Bạn đọc có thể bất ngờ với thái độ và biểu hiện của các nhân vật khi tham gia sinh hoạt hiệu đoàn trong nhà trường, chúng có vẻ trưởng thành hơn, cá tính hơn, và luôn cực kì nghiêm túc, cực kì trách nhiệm với vai trò của mình. Như lớp thằng Dũng, giờ bầu cử trưởng lớp, trưởng ban văn nghệ, báo chí, xã hội, kỷ luật,… diễn ra rất sôi nổi. Mỗi học sinh đều có quyền và sử dụng quyền ý kiến, đưa ra những đánh giá, góc nhìn của mình trước lớp. Lớn hơn nữa là việc bầu cử ban đại diện học sinh cấp trường: “Một liên danh tranh cử phải có gồm ba trưởng lớp. Các liên danh sẽ vận động tranh cử bằng các hình thức như dán bích chương để giới thiệu về chân dung các ứng viên, đi nói chuyện với các lớp về chương trình tranh cử. Mỗi liên danh phải đưa ra được đường lối hoạt động của mình để cải thiện và nâng cao sinh hoạt hiệu đoàn cho nhà trường” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 15).
Các hoạt động hiệu đoàn ý nghĩa hằng năm mà học sinh được khuyến khích tham gia cũng cực kì phong phú và có ý nghĩa: viết bài cho báo Xuân với chủ đề
“Tình yêu quê hương”; tổ chức bán báo xuân, tổ chức cây mùa xuân để quyên góp cho những gia đình nghèo hay nạn nhân của chiến tranh; chương trình văn nghệ liên trường chào mừng “Cây mùa xuân”; cả lớp tập diễu hành trong lễ khai mạc đại hội thể thao liên trường. Đặc biệt trong đó có hoạt động quyên góp cứu trợ cho dân nghèo miền Trung mùa bão lũ: “Trưởng ban xã hội trong lớp vận động tụi nó nhịn tiền quà với phương châm “một miếng khi đói bằng một gói khi no”; “Những buổi ôm thùng đi lạc quyên chính là những buổi học môn công dân về tình đồng bào một cách hữu hiệu. Bằng thực hành chứ không chỉ bằng những bài học về tình nghĩa đồng bào, máu chảy ruột mềm mang đầy tính lý thuyết trong sách giáo khoa” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 421, 423). Có thể thấy, từ trường học, các em được định hướng về cả tri thức lẫn đạo đức, được bồi dưỡng thể chất lẫn tinh thần, khuynh hướng phát triển về năng lực cá nhân cũng được định hình rõ nét hơn.
Sự phong phú về các hoạt động học tập, sinh hoạt trong không gian học đường chắc chắn sẽ để lại nhiều kỷ niệm, nhiều sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời của nhân vật. Mỗi “điểm” không gian đều có ý nghĩa và vai trò nhất định đối với đặc điểm tính cách, cảm xúc của thiếu niên. Phòng học là không gian hẹp, khép kín, nơi diễn ra đủ thứ trò nghịch ngợm lén lút của tụi học sinh trong lớp. Ắt hẳn bạn đọc cũng sẽ có cảm giác như mình đang trong không khí căng thẳng khi thầy cô điểm danh, kiểm tra bài cũ; hay khi làm bài kiểm tra, lén hỏi bài nhau, có đứa còn xem tài liệu và bị thầy giáo bắt được đánh dấu bài. Các nhân vật trong truyện của Lê Văn Nghĩa đa số là học sinh nam nên những trò nghịch của các em có phần nhiều hơn, tiêu biểu nhất vẫn là việc lén xem báo trong hộc bàn. Phòng học vô tình được tụi nhỏ xem là một phận địa riêng của lớp, chính vì vậy, những sự kiện quan trọng như liên hoan cuối năm, tổ chức văn nghệ chúng đều chọn phòng học lớp mình là nơi tụ hội. Và tất nhiên, các cậu luôn xem mình là chủ nhà còn các bạn học sinh khác trong và ngoài trường là khách, việc tiếp đón hẳn cũng chỉn chu hơn. Mặc dù là không gian khép kín nhưng lớp học lại là nơi mở ra biết bao chân trời tri thức mới cho học sinh. Ở đó, các em được trở về quá khứ, phiêu lưu đến tương lai, thăng hoa qua những con số, vần thơ. Tương lai của các em cũng được vun đắp và chắp