Chương 2: THẾ GIỚI NHÂN VẬT THIẾU NIÊN TRONG TÁC PHẨM CỦA LÊ VĂN NGHĨA
3.3. Ngôn ngữ và giọng điệu kể chuyện
3.3.3. Giọng điệu dí dỏm, hài hước
Một trong những yêu cầu đối với văn học viết về lứa tuổi thiếu niên chính là đảm bảo nhu cầu giải trí của các bạn đọc nhỏ tuổi. Những bài học về nhân sinh, về đối nhân xử thế, về đạo đức trong tác phẩm cần được truyền tải bằng những cách thức nhẹ nhàng, tự nhiên nhất đến độc giả thông qua giọng điệu dí dỏm, hài hước, tinh nghịch như nhà văn Lê Văn Nghĩa đã thể hiện trong các tác phẩm.
Tác giả đã dùng giọng điệu vui tươi, tinh nghịch của nhân vật thiếu niên để mở đầu tác phẩm, tạo nên một ấn tượng ban đầu cho người đọc ngay khi mới bước vào câu chuyện: “Không biết tại sao lớp nhứt Hai, trường tiểu học Bình Tây của tụi tui lại có nhiều thằng cà tưng như thế? Trừ những thằng không có máu cà tưng thì những thằng bạn thân của tui đều có máu cà tưng trong người. Những thằng cà tưng chỉ sợ mấy thằng cà tưng hơn mình. Ủa mà cà tưng cũng sợ cô giáo nữa, mặc dù cô giáo chẳng cà tưng chút nào hết” (Lê Văn Nghĩa, 2021, trang 5).
Với biệt tài và chất trào phúng vốn có của mình, nhà văn Lê văn Nghĩa tạo ra tiếng cười nhẹ nhàng, đáng yêu ngay khi miêu tả những hành động, sắc thái biểu cảm hay tâm trạng của nhân vật. Như khi lí giải vì sao Chương thích chơi ghi ta mà
không theo ba nó học thổi sáo, một lí do không thể ngây thơ hơn: “Chơi đàn ghi ta có thể đệm cho các em hát nhạc Trịnh Công Sơn chứ thổi sáo phải phùng mang, trợn má, nhiều khi thổi văng nước miếng tùm lum như nó đã thấy ba nó đã từng, không có lãng mạn tí nào” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 25).Tâm trạng lâng lâng trên mây của Dũng khi bỏ tiền ăn sáng tặng báo cho cô bé Xuân Chi – người nó thầm thương trộm nhớ bao ngày: “Mặc dù buổi giao duyên trầu cau này có thể làm nó nhịn quà sáng. Mà như vậy vẫn còn quá rẻ. Nếu có thể tốn kém hơn, nó vẫn chấp nhận. Khi đã trở thành thi sĩ rồi thì nó chẳng màng đến chuyện ăn, nghe vô cùng phàm phu tục tử. “Thật là tàn chi quái đao”, “nó nghĩ thầm như reo câu mà thằng Thạch trong lớp nó hay nói” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 36).
Khi đề cập đến những vấn đề nhạy cảm của tuổi dậy thì, sự hài hước, đùa vui trong cách dùng từ, diễn đạt đã làm cho chuyện khó nói ấy trở nên đáng yêu và duyên dáng vô cùng. Đó là lúc Dũng bị mộng tinh, bị đám bạn chỉ cách trị “căn bệnh” đó: “Nó vào buồng tắm đóng cửa lại rồi bắt đầu việc túm đầu “nạn nhân”
mà cột. Đau thấy ông bà, ông vãi nhưng nó cũng cố gắng chịu đựng”; và khi được ba giải thích rõ ràng, Dũng biết đó không phải là bệnh, nó mừng lắm “Nhưng bây giờ khi nhìn xuống “cái vòi” thì, cha mẹ ơi, nó đỏ tấy và sưng lên” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 113). Chuyện “cua ghệ”, tán tỉnh người thương cũng không được mô tả theo kiểu lãng mạn như chuyện yêu đương của đàn anh đàn chị mà lại ngô nghê, vụng về: “Thằng Dũng thường hay cầm cây đàn ghita mà nó được thằng Chương dạy chập chững, hát ong ỏng mấy bài nhạc thị trường mỗi khi Xuân Chi đi ngang con hẻm nhà nó” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 115). Hay khi Dũng nghe lời thách thức của thằng Thạch đi đến tán tỉnh nhỏ Tịnh bán bánh mì:
“Thằng Dũng đưa cho con Tịnh tờ 50 đồng của thằng Thạch hồi nãy:
- Tiền không là tất cả chỉ có tình người mới là nụ hồng trong cuộc sống.
Thằng Mai đứng nghe thằng Dũng nói chuyện mà trong lòng nó nói thầm:
“thằng này nói chuyện cải lương còn hơn Hùng Cường, Thành Được nữa nghe mắc cười thấy mẹ”. “Nghĩ vậy nhưng nó không dám lên tiếng”.
(Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 399)
Giọng điệu hài hước, dí dỏm được nhà văn tạo ra bằng nhiều cách, phổ biến nhất là lối chơi chữ cùng phép liên tưởng cực kì thú vị. Như một đoạn bình luận về những cuộc thi chuyển cấp của học sinh trong Mùa hè năm Petrus: “Năm đệ tứ với những hăm dọa vô hình của cuộc đời học sinh sắp chuyển từ đệ nhất lên đệ nhị cấp - nghe rất là oai phong lẫm liệt. Nếu lên đệ tam thì đúng là lẫm liệt nhưng nếu rớt thì coi như là... bại liệt” (Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 406). Hay lời nói đùa của chú Hai Ngon trong truyện Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy: “Nay tao làm mạnh thường quân một bữa, ngày mai tao làm yếu thường quân” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 62). Vẫn là về chú Hai Ngon trong tình thế khó khăn nhưng giọng văn vẫn cho thấy sự lạc quan: “Chú đã dính một chưởng không phải của Như Lai mà của mật vụ, công an quận 6. Cái chưởng này đánh chú đi xa không biết tới tận đẩu, tận đâu. Nó làm chú tan tành lục phủ ngũ tạng không thì chưa biết nhưng chắc chắn là chú sắp bị chưởng lực đánh đi thật xa. Đúng là chưởng vì nó rất là vô hình” (Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 218).
Trong tác phẩm của Lê Văn Nghĩa có nhiều đoạn nói về chuyện không may, những chuyện buồn, thậm chí là những mất mát và cả cái chết, nhưng những tình tiết đó không quá nặng nề, bi thương, bi lụy, không khiến người đọc cảm thấy mệt mỏi, nặng nề, tiêu cực. Một phần cũng nhờ sự hóa giải trong cách diễn đạt, cách sử dụng ngôn từ và giọng điệu hồn nhiên, đáng yêu của trẻ thơ.
Trong truyện, người kể chuyện đa phần trao quyền cho các nhân vật tự thể hiện bản thân thông qua những đoạn độc thoại, đối thoại. Và cũng từ những màn đối thoại ngô nghê, tinh nghịch ấy đã mang lại những tiếng cười giòn tan. Trong cuộc đời học sinh, ai mà chẳng sợ bị thầy cô trách phạt, tụi nhỏ trong truyện Mùa tiểu học cuối cùng cũng vậy. Nhưng cảnh trách phạt của cô trò lớp Nhứt hai trường Bình Tây qua lời kể của nhân vật Hoàng sao lạ quá:
“Lúc nầy cô mới hỏi tui, giọng điệu có vẻ nhẹ nhàng. Cô mệt rồi chăng?
- Trò viết thật hả?
- Dạ thiệt…Em viết thật mà, em nói láo bà bắn cô, ủa không phải, bà bắn em, cô.
Cô cười. Này giờ mới thấy cô cười. Vậy là sắp phẻ rồi, sắp thoát nạn. Nam mô a di đà Phật!”
(Lê Văn Nghĩa, 2021, trang 11) Còn đây là khi cô giáo trưng cầu ý lớp về hình thức phạt trò Minh trong truyện Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy:
“Thằng Vân giơ tay:
- Đánh thằng Minh hai chục thước vào đít, cô…
Thằng Long Mập chọc thằng Vân vì nó không thích thằng hay đi mách lẻo này:
- Đánh đít cô sao được mậy.
- Ừ…ừ đánh vào đít nó, cô”.
(Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 93) Tiếng cười bật ra từ những màn thích nói chữ và suy luận chẳng ăn nhập, chẳng liên quan gì của những cậu bé đang muốn thể hiện sự hiểu biết của mình.
- Làm sao để uống nhiều nước mậy?
- Ăn thiệt mặn. Mầy chưa học câu tục ngữ “đời cha ăn mặn đời con khát nước” sao?
- Nhưng cha ăn mặn con mới khát nước, còn bây giờ nếu con ăn mặn thì sao?
- Thì cũng khát nước tuốt. Khát còn nhiều hơn người cha ăn mặn nữa.
(Lê Văn Nghĩa, 2021, trang 68) Hay khi mọi người đang hồi hộp, lo lắng thay cho thằng Lượm bởi con chó Mót của nó bỗng dưng mất tích thì thằng Hiệp Mập phá tan không khí u sầu đó:
Thằng Hải kêu:
- Mất rồi… Chắc nó đi lạc… Tụi mình đi tìm thử xem sao?
- Tìm ở đâu?
- Tìm thử gầm chạn xem. Người ta thường nói ‘Chó chui gầm chạn’ mà - Thằng Hiệp mập xổ chữ.
(Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 39) Giọng văn dí dỏm, hài hước còn được Lê Văn Nghĩa sử dụng để thuật lại những trò quậy phá, nghịch ngợm của mấy anh con trai đang tuổi thích khám phá và chọc ghẹo những người bạn khác giới. Trong truyện Mùa hè năm Petrus, khi các cô gái Gia Long sang trường Petrus Ký bán báo xuân đúng vào buổi học của những cậu học sinh cấp hai, và đây là cách “chào sân” làm quen không hề giữ ý tứ của chúng:
- “Em ơi, anh nè. Anh là Hùng ghẻ nè.
Mấy thằng đứng ngoài hành lang nhìn xuống cười quá xá cỡ. Thằng Hùng ghẻ ở lớp nào đó, chắc bị thằng bạn trong lớp mình xỏ ngọt, bèn la to lên trả đũa:
- Em ơi, thằng Nghĩa lé mượn em năm đồng mua chai thuốc lác trả chưa?
- Đừng giỡn mà. Chị tao đó. Phải hôn chị?
- Chị mầy thiệt hả? Xấu hoắc.
(Lê Văn Nghĩa, 2019, trang 180) Trong những tình huống khó xử, như truyện Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ, kết thúc hành trình phiêu lưu tìm thủ phạm lấy cắp cây viết máy của thằng Són chính là phiên tòa xét xử các “tội nhân” tại lớp Nhứt hai.
Phiên tòa ấy có những lời thú tội và có cả những tiếng cười. Tác giả đã để cho những đứa trẻ xử lí tình huống thật nhẹ nhàng, giàu tính nhân văn, không hề có sự trách phạt nặng nề, lời nói chì chiết đay nghiến của kẻ bị hại. Giá trị giáo dục mà câu chuyện bật ra cùng tiếng cười đùa vui và sự hòa giải cho thấy những đứa trẻ đã trưởng thành hơn so với ngày hôm qua. Chính giọng điệu hài hước, dí dỏm đã tạo nên thành công đó:
- Đề nghị tòa xử thằng Lượm tù treo.
Thằng Lượm trợn mắt:
- Xử gì kỳ vậy mậy? Tù treo tao lộn đầu, ói cơm làm sao?
Thằng Cảnh hù tài lanh:
- Tù treo thẳng chứ không treo ngược đầu.
- Nhưng treo thì hai cái tay bị cột, treo trên xà nhà làm sao tao chịu nổi.
Thôi cho tù ngồi đi. Tù mà ngồi khỏe hơn tù treo.
[…]
- Vậy thì phạt mày 10 đồng danh dự. Danh dự chỉ một đồng thì ít quá làm sao đủ ăn cà lem cây.
- Không. Danh dự là vô giá chỉ có bán một đồng thôi. Thủ phạm Lượm móc túi ra, đưa cho nạn nhân thằng Hải một đồng. - Cảnh hù dõng dạc tuyên án.
Thằng Lượm nói:
- Năm cắc được không? Hôm nay tao còn năm cắc. Nợ thằng Hải năm cắc danh dự.
- Ê, danh dự tao chỉ có năm cắc, sao rẻ rúng vậy mậy.
Thằng Lượm thò tay vào túi quần soóc, móc móc một lúc rồi kêu:
- Chết mẹ, năm cắc danh dự…
Thằng Hải than:
- Tao mất luôn hết danh dự rồi.
(Lê Văn Nghĩa, 2018, trang 255).
Việc tạo nên tiếng cười quả là “nghề” của Lê Văn Nghĩa. Anh Hai trào phúng không hề làm bạn đọc thất vọng khi đã đưa được cái “duyên” rất riêng của mình từ mảng báo chí sang văn chương nghệ thuật một cách khéo léo như vậy. Có thể nói rằng đây chính là chất liệu, là “tuyệt chiêu” tạo nên sự hấp dẫn và gây nên sự hứng thú cho bạn đọc tuổi hoa cũng như những người đang mơ trở về tuổi thơ khi đến với tác phẩm của Lê Văn Nghĩa.
Tiểu kết chương 3
Như vậy, trong chương 3 chúng tôi đã phân tích những đặc điểm nghệ thuật nổi bật trong truyện viết về lứa tuổi thiếu niên của nhà văn Lê Văn Nghĩa. Đó là kiểu người kể chuyện nhập vai, tác giả sử dụng linh hoạt ngôi kể thứ nhất và ngôi kể thứ ba theo điểm nhìn bên trong. Thêm vào đó, truyện có kết cấu lắp ghép, kết cấu theo dòng ý thức của nhân vật với sự xoay chuyển đa dạng về không gian và thời gian nghệ thuật. Đặc biệt, ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật cực kì dí dỏm, hài hước, vừa mang nét riêng của lứa tuổi thiếu niên nói riêng, vừa đậm đà bản sắc văn hóa của người dân Nam Bộ nói chung. Những nét nghệ thuật trên đã phát huy hết công năng của mình trong việc khắc họa đời sống sinh hoạt, đời sống tinh thần cùng diễn biến tâm lí hết sức phức tạp của lứa tuổi thiếu niên. Đồng thời tạo được sự hứng thú, sự tò mò cho người đọc bởi sự gần gũi, tự nhiên, vui tươi trong cách diễn đạt, sự bất ngờ trong các tình huống truyện. Truyện của Lê Văn Nghĩa đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của một tác phẩm văn học viết về lứa tuổi thiếu niên.