Sự phát triển của văn học viết về tuổi thiếu niên

Một phần của tài liệu Văn học viết về lứa tuổi thiếu niên qua một số tác phẩm của lê văn nghĩa (Trang 28 - 32)

Chương 1: VĂN HỌC VIẾT VỀ TUỔI THIẾU NIÊN VÀ TÁC PHẨM CỦA LÊ VĂN NGHĨA

1.1. Văn học viết về lứa tuổi thiếu niên

1.1.3. Sự phát triển của văn học viết về tuổi thiếu niên

Văn học trung đại với quan niệm sáng tác “Văn dĩ tải đạo” “thi dĩ ngôn chí”, chủ yếu mang tính phi ngã, nói về vấn đề trọng đại của quốc gia dân tộc. Chính vì vậy, các tác phẩm viết về thiếu nhi nói chung, viết về lứa tuổi thiếu niên nói riêng với những ngây thơ, ngô nghê của tuổi “nổi loạn”, “bất trị” hiển nhiên không được quan tâm và không xuất hiện trong kho tàng văn học trung đại.

Bước sang thế kỉ XX, cùng với sự ra đời của chữ quốc ngữ, văn học Việt Nam chuyển mình sang một trang mới, từng bước hiện đại hóa từ nội dung đến nghệ thuật sáng tác. Đội ngũ nhà văn chuyên nghiệp ngày một đông đảo, cùng với đó là sự đa dạng về đề tài, chủ đề trong các tác phẩm ra mắt bạn đọc. Văn học dành cho lứa tuổi nhi đồng, thanh thiếu niên cũng bước đầu được quan tâm. Nhiều tủ sách hướng đến nhu cầu học tập, rèn luyện đạo đức, bồi dưỡng tri thức lịch sử, xã hội cho thiếu nhi ra đời trong những năm 1940, 1941, 1942 như: Hoa Xuân, Tuổi Xanh, Tuổi Hồng,… Đặc biệt có tủ sách Hồng của nhóm tác giả Tử Lực Văn Đoàn ra đời năm 1939 nhắm vào trẻ em không biết tiếng Pháp hoặc biết nhưng cha mẹ muốn khuyến khích đọc tiếng Việt. Trong đó có tác phẩm Hạt Ngọc (1941) của Thạch Lam rất được bạn đọc ưa thích.

Bên cạnh đó, các nhà văn ở cả hai miền Bắc Nam đều có những sáng tác giá trị viết về lứa tuổi thiếu niên. Tiêu biểu ở miền Nam là Hồ Biểu Chánh với Cha con nghĩa nặng (1929) – một tác phẩm viết về đề tài gia đình, nhân vật Ty, Quyên từ khi

còn là những đứa trẻ đã rất hiểu chuyện, hiếu thảo mặc dù cuộc đời côi cút, bơ bơ, đáng thương. Ngoài ra còn một số tên tuổi như Vũ Đình Tuệ, Vân Đài, Thuần Phong,… Ở miền Bắc, lực lượng sáng tác hướng về bạn đọc nhỏ tuổi có phần phong phú hơn, một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu không thể không kể đến như: nhà văn Thạch Lam với Hai đứa trẻ (1938), Nhà mẹ Lê (1937), Gió lạnh đầu mùa (1937), Tiếng chim kêu (1937). Nguyên Hồng nổi tiếng với Những ngày thơ ấu (1938): hồi ức đau thương, đời sống tinh thần của chú bé Hồng - một đứa trẻ đang trong độ từ nhi đồng sang thiếu niên phải chịu những tác động tiêu cực từ gia đình, nhà trường, xã hội. Nguyễn Huy Tưởng có Cô bé gan dạ (1940) – cô gái nhỏ tên Thứ đã mang lại bình yên cho ngôi làng bằng sự thông minh và lòng dũng cảm của mình. Hay Nam Cao đã thể hiện lòng nhân đạo, sự thương cảm với những mảnh đời bất hạnh, nghèo khổ, vật lộn với cuộc mưu sinh qua các nhân vật nhỏ tuổi như Hồng trong Bài học quét nhà (1943), bé Dần trong Một đám cưới (1944), chị em cái Gái trong Nghèo (1937) và những trẻ trong Trẻ con không được ăn thịt chó (1942). Mặc dù đời sống tinh thần cùng những nét đặc trưng về tâm lý lứa tuổi của nhân vật thiếu niên chưa được thể hiện rõ nét trong các tác phẩm ở giai đoạn này những đây đã là một bước tiến mới, một viên gạch quan trọng trong việc xây dựng nền tảng cho văn học thiếu niên được thành hình thành dạng ở các giai đoạn sau.

b. Văn học viết về lứa tuổi thiếu niên giai đoạn 1945 – 1985

Lịch sử Việt Nam đã phải ghi lại một thời kì đau thương, khốc liệt khi dân tộc ta phải trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ từ năm 1945 đến năm 1975. Tiếp 10 năm sau đó – 1975 đến 1985 – toàn dân bước vào thời kì “cầm máu” “liền da”, khôi phục lại cuộc sống sau sự tàn phá của bom đạn đế quốc. Suốt 40 năm lịch sử anh hùng này, văn học viết về lứa tuổi thiếu niên đã hòa mình vào nhiệm vụ chung của văn học dân tộc, là vũ khí tinh thần cùng lực lượng thanh thiếu niên yêu nước xung trận. Một trong những tác giả có sự quan tâm đặc biệt đến văn học thiếu niên trong giai đoạn này chính là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Bạn đọc các thế hệ đã rất quen thuộc với tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng (1960) viết về nhân vật anh hùng nhỏ tuổi Trần Quốc Toản – dù mới 15 tuổi nhưng đã cầm quân

đánh giặc bằng sự dũng cảm, tài năng hơn người và lòng ái quốc.

Trước đó, năm 1951, tại chiến khu Việt Bắc, Nguyễn Huy Tưởng đã cùng nhà văn Tô Hoài chủ trương thành lập tủ sách Kim Đồng – tủ sách dành cho thiếu niên, nhi đồng. Sự thật lịch sử đã cho thấy, ở miền Bắc, lực lượng tham gia kháng chiến không chỉ có người lớn mà còn có sự góp mặt của những chiến sĩ nhỏ tuổi.

Những thiếu niên anh dũng đã không ngại tuổi đời, đã từ bỏ tuổi thơ để góp một phần xương thịt bảo vệ tổ quốc. Chính vì vậy, hình tượng mà các tác phẩm trong tủ sách Kim Đồng hướng tới chính là những nhân vật thiếu niên dũng cảm, ái quốc, giàu lí tưởng. Những tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như: Chiến sĩ ca nô (Nguyễn Huy Tưởng), Chú bé giao liên làng Seo (Nguyễn Tuân), Dưới chân cầu Mây (Nguyên Hồng), Thiếu niên anh hùng (Phong Nhã), Hoa Sơn, Kim Đồng (Tô Hoài), Phác Kim Tố (Nguyễn Xuân Sanh), Quê nội (Võ Quảng), Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Cái Thăng (Võ Quảng), Vừ A Dính (Tô Hoài). Thông qua những tác phẩm này, bạn đọc mọi thế hệ có thể hiểu được rõ hơn về đời sống sinh hoạt của thiếu niên trong thời kì chiến tranh khốc liệt của dân tộc. Dù là câu chuyện người thật việc thật hay những nhân vật thiếu niên được lí tưởng hóa thì giá trị ngợi ca của tác phẩm vẫn được đánh giá cao. Trong những hoàn cảnh đặc biệt, thiếu niên có thể tự “lớn lên” như anh hùng làng Gióng, chúng trưởng thành sớm, chững chạc hơn, cứng rắn hơn những nét đáng yêu, hồn nhiên, ngây thơ rất bản năng vẫn ẩn hiện đâu đó trong hành động, lời nói, cảm xúc, suy tư của nhân vật.

Ở miền Nam, khi bàn về văn học dành cho thiếu niên, nhi đồng với chủ đề chiến tranh, chúng ta cần nhắc đến nhà văn Hoàng Văn Bổn cùng các sáng tác như:

Tướng Lâm Kỳ Đạt, Lũ chúng tôi, Tuổi thơ trong làng, Bên kia sông Đồng Nai, Theo dấu người xưa, Ngày xửa ngày xưa. Bên cạnh những mẫu hình thiếu niên anh hùng, văn học miền Nam bắt đầu quan tâm đến đời sống tinh thần phức tạp của lứa tuổi “nổi loạn”. Ngoài những chủ đề quen thuộc gắn với thiếu niên như tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu quê hương đất nước, các tác phẩm còn khai thác những cảm xúc vui buồn, những trăn trở suy tư của những đứa trẻ đang muốn được làm người

lớn. Một số tác phẩm và tác giả có đóng góp có thể kể đến như: Chim hót trong lồng, Tay Ngọc (Nhật Tiến); Cổng trường vôi tím (Nhã Ca); những bài thơ Tuổi mười ba, Buổi sáng học trò (Nguyên Sa). Bên cạnh đó là sự thành công của các báo Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc dành cho lứa tuổi học trò, gắn liền với tên tuổi các nhà văn như: Mường Mán, Hoàng Ngọc Tuấn, Đinh Tiến Luyện, Từ Kế Tường, Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Kim Hải, Nguyễn Thái Hải, Nguyễn Thị Mỹ Thanh, Minh Quân, Nguyễn Trường Sơn, Hoàng Đăng Cấp, Duyên Anh.

c. Văn học viết về lứa tuổi thiếu niên giai đoạn 1986 đến nay

Bước qua giai đoạn khó khăn của dân tộc, sau năm 1986, đất nước có những biến chuyển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội. Trẻ em lúc này có điều kiện được quan tâm đúng mực hơn, đồng thời cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ đời sống kinh tế thị trường cũng như sự hội nhập quốc tế. Các tác phẩm văn học viết về thiếu niên trong giai đoạn này có xu hướng đi sâu đi sát vào cuộc sống đời thường cùng những biến chuyển phức tạp trong tâm hồn các em. Có thể kể đến một số tác giả và tác phẩm như: Đoàn Thạch Biền vơi Đâu phải cái gì cũng mua được; Hồng Hà; Mai Bửu Minh có Đứa con hoang, Cánh chim trời, Hạt bụi đời, Quê ngoại, Tình quê, Một miền quê, Đốm lửa trên đồng, Vua nói khoác; Nguyễn Nhật Ánh nổi bật với Chúc một ngày tốt lành, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ; Kính vạn hoa, Thằng quỷ nhỏ; Đảo mộng mơ; Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh; Lê Văn Nghĩa đóng góp các tác phẩm Mùa hè năm Petrus, Mùa tiểu học cuối cùng; Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy; Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ.

Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của những nhà xuất bản chuyên phát hành những đầu sách viết cho thanh thiếu niên như Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Măng Non, Nhà xuất bản Trẻ cùng hàng loạt các tờ báo hay tạp chí chuyên viết cho thanh thiếu niên như Mực Tím, Áo Trắng, Hoa Học Trò, v.v.

Nhìn chung, trong hơn một thế kỉ qua, mảng văn học viết về lứa tuổi thiếu niên đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Từ lực lượng sáng tác đến hệ thống đề tài đều có sự cải thiện về cả số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, đặt bên cạnh các

dòng văn học khác, văn học viết về thiếu niên vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng.

Thiếu những giải thưởng, thiếu những công trình nghiên cứu công phu chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cây bút chỉ xem việc viết truyện cho nhi đồng, thanh thiếu niên là mảng phụ. Văn học Việt Nam nói chung và văn học viết về lứa tuổi thiếu niên nói riêng vẫn đang rất cần những sản phẩm chất lượng, phù hợp với nhu cầu đọc cũng như tầm đón đợi của các độc giả nhỏ tuổi.

Một phần của tài liệu Văn học viết về lứa tuổi thiếu niên qua một số tác phẩm của lê văn nghĩa (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)