1.4 Nguyên lý hình thành và phát triển cảng container đầu mối
1.4.4 Tiêu chí cơ bản của cảng container đầu mối
Quy mô của cảng được đánh giá bằng khối lượng hàng hóa thông qua cảng trong một đơn vị thời gian. Nó chứng tỏ năng lực sản xuất cũng như những mục tiêu mà cảng đã góp phần đạt được. Hai mục tiêu quan trọng nhất là giảm thời gian và chi phí vận tải trên toàn bộ hệ thống. Với một cảng container, những yếu tố quyết định khối lượng hàng thông qua là:
- Cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có của cảng;
- Chất lượng các dịch vụ của cảng như năng suất xếp dỡ, thủ tục giao nhận, khả năng tiếp nhận và quay vòng của các phương tiện vận tải, khả năng cung cấp và trao đổi thông tin, các dịch vụ mở rộng của cảng;
- Cước phí của cảng;
- Nguồn hàng thông qua cảng.
Trên thực tế, lượng hàng thông qua của một cảng container đầu mối ít nhất cũng phải đạt trên 1 triệu TEU/năm. Bởi vì, với mức sản lượng này thì một bến cảng container mới có thể khai thác 2 chuyến tàu/tuần (trọng tải 4.000 ÷ 6.000 TEU), là mức tối thiểu để hãng tàu và cảng hoạt động hiệu quả.
Theo tiêu chí về quy mô khối lượng hàng thông qua, cảng container đầu mối loại 1 phải có sản lượng thông qua lớn hơn 5 triệu TEU/năm. Như vậy, vào năm 2009 trên thế giới cũng chỉ có 18/20 cảng container đứng đầu
đảm bảo tiêu chí thuộc loại cảng container đầu mối loại 1, còn đa số thuộc loại 2 và loại 3; số còn lại là các cảng vệ tinh (xem bảng 1.4).
b) Tiêu chí về khả năng tiếp nhận tàu
Yêu cầu của một cảng container đầu mối là khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn. Vì vậy, cảng phải thỏa mãn các điều kiện về độ sâu, kích thước luồng tàu, độ dao động thủy triều. Đây là các yếu tố quan trọng cần xem xét khi lập kế hoạch phát triển cảng. Nó quyết định cỡ tàu lớn nhất có thể ra vào.
Đa số những cảng nằm ven sông gặp phải vấn đề phù sa bồi đắp và bề rộng lòng sông giới hạn khả năng tiếp nhận tàu. Vì vậy, để tăng độ sâu luồng đến mức tối đa có thể, phải tiến hành nạo vét thường xuyên. Tuy nhiên, nỗ lực này đòi hỏi chi phí nạo vét và duy tu hàng năm lớn, ảnh hưởng đến môi trường và hiệu quả khai thác của cảng.
Độ sâu của luồng và cầu cảng rất quan trọng đối với việc tiếp nhận tàu hiện đại. Một tàu Panamax chuẩn 65.000 DWT cần mớn nước sâu -12m (40 feet). Thế nhưng, để tiếp nhận cỡ tàu Post Panamax (chiều dài trên 300m, chiều rộng 39,6 ÷ 45,6m, sức chở 5.500 ÷ 10.000 TEU), cần độ sâu của cảng và luồng ở mức -14 ÷ -16 m.
c) Tiêu chí về khả năng phát triển của cảng
Việc phát triển cảng container đầu mối gắn liền với sự phát triển của các khu công nghiệp, khu đô thị và các vùng kinh tế. Vì vậy, bên cạnh quỹ đất dự trữ để mở rộng các công trình của cảng, còn phải dự trữ tiềm năng phát triển các cơ sở vật chất khác trong vùng hấp dẫn của cảng như các cảng cạn, các trung tâm phân phối và logistics. Một hệ thống liên kết giữa cảng với các cơ sở này sẽ góp phần đạt được mục đích chính là đưa cảng biển lại gần hơn với khách hàng, tạo ra những điểm tập kết và phân phối hàng cho cảng, góp phần giải quyết vấn đề ách tắc tại cảng biển và phát triển khả năng cung cấp các dịch vụ logistisc [10].
Thế nhưng, ngay cả với một cảng có luồng vào hoàn hảo, mớn nước sâu, có thể vẫn không đủ đất phát triển mở rộng để theo kịp với những yêu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại trong tương lai. Thực tế cho thấy không gian dự trữ luôn phải có sẵn cho các công trình tốn nhiều đất như cầu cảng, vũng neo đậu tàu, bãi container đang là một thách thức lớn đối với nhiều cảng.
d) Tiêu chí về tiết kiệm chi phí đầu tư và chi phí vận tải
Tiết kiệm chi phí đầu tư và chi phí vận tải liên quan đến việc lựa chọn địa điểm xây dựng cảng. Vị trí xây dựng cảng phải thuận lợi cho xây dựng các công trình như luồng tàu, cầu cảng, nhà kho, bãi container. Đặc biệt phải giảm chi phí nạo vét cũng như chi phí duy tu luồng tàu trong quá trình khai thác. Chi phí đầu tư phải tính đến việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng liên quan như đường bộ, đường sắt, cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải và các công trình công cộng không quá khó khăn, không đòi hỏi chi phí quá lớn. Chi phí vận tải là chi phí của toàn bộ hệ thống, cần đảm bảo làm tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa xuất nhập khẩu.
Trên quan điểm đó, vấn đề quy hoạch vị trí xây dựng cảng phải đồng bộ với quy hoạch giao thông, quy hoạch các khu công nghiệp. Một vị trí có điều kiện tự nhiên thuận lợi, tiết kiệm chi phí xây dựng cảng chắc chắn sẽ được các nhà khai thác cảng ủng hộ và lựa chọn nhưng có thể lại là gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong đầu tư hệ thống đường giao thông, hoặc làm phát sinh chi phí vận chuyển của hàng hóa xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí vận tải, cảng phải làm tốt vai trò đầu mối giao thông đối với tất cả các loại hình vận tải trong một hệ thống liên hoàn bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển và hàng không.
Cảng phải ở vị trí hình thành nên các chặng vận tải hợp lý, cự ly ngắn để giảm chi phí vận tải, góp phần tạo nên sức cạnh tranh của hàng hóa [19].
e) Tiêu chí về khai thác được các cơ sở vật chất kỹ thuật của hạ tầng xã hội hiện có, không phá vỡ các quy hoạch về phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị, quy hoạch giao thông, đảm bảo môi trường sinh thái trong khu vực.