CHƯƠNG 3. GIẢI PHÁP CƠ BẢN PHÁT TRIỂN CẢNG CONTAINER ĐẦU MỐI KHU VỰC PHÍA NAM … …
3.3 Đề xuất mô hình cảng container đầu mối Tân Cảng Cái Mép
3.4.4 Hoàn thiện pháp chế và các quy định Nhà nước về vận tải container
Trước đây, vốn đầu tư xây dựng cảng biển chủ yếu được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách. Nhà nước cấp vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng. Chi phí khấu hao xây dựng cơ bản hàng năm, doanh nghiệp được giữ lại để tái đầu tư. Trên thực tế nhà nước đầu
tư toàn bộ cơ sở hạ tầng cảng biển và các trang thiết bị bốc xếp nhưng không thu lại bất cứ khoản tiền nào, trong khi đó nhiều doanh nghiệp khai thác cảng không phát huy được tính chủ động nên kinh doanh kém hiệu quả. Vì vậy, chủ trương cho thuê cơ sở hạ tầng cảng biển là nhằm khắc phục nhược điểm trên.
Cơ chế này tạo điều kiện cho những doanh nghiệp đầu tư xây dựng cảng biển có thể huy động mọi nguồn vốn trong xã hội, xóa bỏ cơ chế bao cấp vốn vì thực tế Nhà nước không thể kham nổi. Những nhà khai thác cảng biển có thể được lựa chọn trên cơ sở đấu thầu. Nhà đầu tư xây dựng cảng thu được vốn và lãi thông qua cho thuê mặt bằng cảng, nhà khai thác cảng thu được lợi nhuận thông qua việc cung cấp các dịch vụ cảng biển.
Để cơ sở hạ tầng cảng biển phát huy được kết quả thì giữa nhà đầu tư xây dựng cảng và nhà khai thác cảng phải thường xuyên trao đổi ý kiến trong quá trình lập quy hoạch, xác định quy mô, thiết kế kỹ thuật và xây dựng. Kinh doanh khai thác cảng có hiệu quả thì lợi nhuận được chia sẻ giữa nhà đầu tư và nhà khai thác cảng càng tăng. Nhà nước thu được tiền thuế và hơn hết là sự phát triển KT-XH của các địa phương trong vùng hấp dẫn của cảng [16].
Trong đầu tư phát triển cảng, cần huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước, đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển dưới nhiều hình thức, không chỉ đối với cầu bến mà còn cả với hạ tầng công cộng cảng biển. Nguồn vốn ngân sách chỉ tập trung vào đầu tư các công trình công cộng như đê chắn sóng, nạo vét luồng tàu, đường giao thông, hệ thống điện nước cho các cảng trọng điểm, cảng đầu mối.
- Về quản lý
Cần thiết phải xây dựng một cấp chính quyền cảng thống nhất để quản lý toàn bộ hoạt động của cảng. Cần có biện pháp hạn chế đầu tư các bến nhỏ lẻ dành riêng cho từng nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu công
nghiệp. Chú trọng xây dựng các khu bến chuyên dùng có thể sử dụng chung nhằm tiết kiệm quỹ đất bờ sông, đồng thời phải để dành quỹ đất xây dựng các trung tâm logistics sau cảng nhằm tăng mức độ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư công nghiệp và kinh doanh khai thác vận tải [5].
- Về thể chế liên quan đến logistics và vận tải đa phương thức
Xây dựng và hoàn thiện các chính sách của Nhà nước về quản lý hoạt động Logistics. Cần thiết thành lập một Ủy ban quốc gia về logistics để tập trung quản lý, xây dựng và hoàn thiện các quy định, phối hợp các chính sách ảnh hưởng đến logistics và vận tải đa phương thức. Nhiệm vụ chính của Ủy ban là phối hợp và xúc tiến các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng đáp ứng của dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức phục vụ yêu cầu của nền kinh tế và tính cạnh tranh kinh tế của đất nước [5].
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3
Căn cứ vào cơ sở lý luận về phát triển cảng container đầu mối được trình bày trong chương 1, theo phân tích thực trạng hệ thống cảng container khu vực phía Nam ở chương 2, chương 3 của đề tài luận án đã giải quyết được những nội dung theo mục tiêu đề ra là: xác định được các điều kiện cho phát triển cảng container đầu mối tại Cái Mép, xây dựng được mô hình cảng container đầu mối và tính toán nhu cầu theo từng giai đoạn phát triển, đề xuất mô hình cảng container đầu mối cho Tân Cảng Cái Mép. Ngoài ra, đề tài còn đề xuất các giải pháp cơ bản thúc đẩy phát triển cảng container đầu mối như giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và các ICD, giải pháp phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistis, giải pháp mở rộng dịch vụ của cảng, giải pháp hoàn thiện pháp chế và các quy định Nhà nước có liên quan.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ KẾT LUẬN
Trên cơ sở mục đích của việc nghiêu cứu, luận án đã giải quyết được những nội dung cơ bản là:
- Phát triển cơ sở lý luận chung về cảng container. Nghiên cứu cơ sở lý luận về cảng container đầu mối (khái niệm, chức năng, nguyên lý hình thành, các tiêu chí của cảng container đầu mối và điều kiện phát triển), từ đó xác định luận cứ khoa học về việc phát triển cảng container đầu mối cho khu vực phía Nam.
- Luận án đã tổng hợp, phân tích đánh giá thực trạng hệ thống cảng container khu vực phía Nam. Qua đó thấy được những hạn chế, những nền tảng đã có, những điều kiện còn thiếu và những tiềm năng đảm bảo cho sự hình thành và phát triển cảng container đầu mối nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của toàn vùng và của đất nước.
- Nghiên cứu các điều kiện, xây dựng mô hình cảng container đầu mối tại Cái Mép, trong đó cụ thể mô hình hoạt động của cảng container Tân Cảng Cái Mép. Luận án đã đề xuất các giải pháp cơ bản để phát triển cảng container đầu mối khu vực phía Nam.
KIẾN NGHỊ
- Về việc phát triển các khu công nghiệp: Cần quy hoạch đảm bảo hình thành các tổ hợp công nghiệp sao cho có thể phát triển và sử dụng dịch vụ của các trung tâm phân phối và logistics, tránh tình trạng rất nhiều ngành nghề, nhà máy khác nhau trong một khu công nghiệp nhưng lại không có cùng mục đích sử dụng dịch vụ tập trung (kiểm hóa, đóng gói, chế biến…).
- Hoàn thiện quy hoạch hệ thống ICD, định vị các trung tâm phân phối, trung tâm logistics và có chính sách dự trữ quỹ đất cần thiết cho việc xây dựng các công trình này trong tương lai. Quỹ đất dự trữ phải bằng 1-2 lần
diện tích đất xây dựng cảng, vị trí gần các khu công nghiệp tập trung và kết nối thuận tiện giao thông sắt, thủy, bộ với các cảng container đầu mối.
- Phát triển kết cấu hạ tầng kết nối với hệ thống cảng: cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông quan trọng, giải quyết vấn đề ách tắc giao thông, tải trọng cầu đường liên quan đến vận tải container. Triển khai đầu tư hệ thống đường sắt, đặc biệt là tuyến đường sắt kết nối khu cảng Cái Mép với các khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa, các cảng sông theo phương án quy hoạch đã được duyệt. Ưu tiên tuyến kết nối khu cảng Cái Mép về các cảng biển vệ tinh và cảng sông đầu mối.
- Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thông tin để quản lý và chia sẻ thông tin giữa cảng, hãng tàu, người khai thác vận tải nội địa và vận tải đa phương thức, các đại lý giao nhận vận tải, hải quan và các cơ quan khác của Chính phủ.
- Xây dựng và hoàn thiện các chính sách của Nhà nước về quản lý hoạt động vận tải container, dịch vụ logistics.
Danh mục các công trình khoa học
liên quan đến đề tài luận án của tác giả đã công bố
1. Nguyễn Văn Khoảng (2003), “Thực hành hệ thống quản lý, khai thác cảng container”, Tạp chí khoa học công nghệ giao thông vận tải - ĐH.GTVT TP.HCM (2/2003), tr 52-54.
2. Nguyễn Văn Khoảng (2003), “Một số chỉ tiêu hoạt động cảng”, Tạp chí Thông tin khoa học và kỹ thuật - ĐH. GTVT TP.HCM (8/2003), tr 88-90.
3. Nguyễn Văn Khoảng (2005), “Phát triển hệ thống cảng container khu vực phía Nam”, Tạp chí Giao thông vận tải (4/2005), tr 48-49.
4. Nguyễn Văn Khoảng (2011), “Phát triển ICD trong hệ thống vận tải container”, Tạp chí Giao thông vận tải (4/2011), tr 19-20.