Chương 3. NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM
3.2. Một số kinh nghiệm chủ yếu
3.2.1. Nhận thức và quán triệt sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của giáo dục phổ thông
Giáo dục là quốc sách hàng đầu là một trong những quan điểm phát triển giáo dục vô cùng quan trọng. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng cho rằng: khi nói giáo dục là quốc sách hàng đầu, cần đặc biệt coi trọng chữ
“quốc”. Theo nghĩa đen, chữ Quốc có nghĩa là nước, được dùng một cách đích đáng, ở chỗ giáo dục có liên quan mật thiết đến mọi người, các tầng lớp nhân dân, các địa phương phải làm hết sức mình vì sự nghiệp giáo dục. Mọi người ở đây là phỏng theo ý của Hồ Chí Minh: "Ai cũng được học hành" [63, tr.11].
Giáo dục là quốc sách hàng đầu, trong đó "nói hàng đầu có nghĩa là hàng thứ nhất và còn có nghĩa là đi trước một bước. Hiện nay ở Việt Nam, nhân dân đòi hỏi một cách thiết tha, một cách khẩn trương, một cách thiết thực cả hai: giáo dục phải xếp ở hàng thứ nhất và đi trước một bước, chứ nhất định không để nó ở hàng bét và lẹt đẹt theo sau" [63, tr.13].
Những năm 1954 - 1967, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về GDPT vào điều kiện cụ thể của địa phương. Chủ trương,
103
quan điểm phát triển giáo dục của Đảng bộ tỉnh vừa sát với điều kiện của tỉnh, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của giáo dục cả nước.
Trong hơn 10 năm (1954 - 1967), thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo phát triển GDPT, Đảng bộ Hưng Yên đã vận dụng quan điểm, chủ trương về giáo dục của Đảng được đề ra trong các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III và các Nghị quyết Trung ương lần thứ 5, 7, 8, 11, 12, ... và một số Chỉ thị, Nghị quyết khác liên quan đến giáo dục và đào tạo. Các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở đã mở các hội nghị quán triệt những nội dung cơ bản trong đường lối giáo dục của Đảng tới các lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị, Đảng ủy trực thuộc, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, từ đó chuyển tải sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo bước chuyển mạnh mẽ về nhận thức cũng như hành động của toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục.
Đảng bộ Tỉnh luôn bám sát các Nghị quyết của Trung ương về giáo dục - đào tạo, xây dựng các kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, thị ủy, các cơ quan truyền thông đại chúng trong tỉnh, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên triển khai các hoạt động tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân Hưng Yên về chủ trương, đường lối giáo dục của Đảng và Đảng bộ địa phương.
Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã tăng cường và phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về GDPT, từ đó hướng mọi hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị nhằm vào hiệu quả thiết thực cho giáo dục. Nhờ đó, sự nghiệp giáo dục - đào tạo nói chung, GDPT nói riêng của tỉnh đã đạt nhiều thành tích, đóng góp vào sự phát triển chung của giáo dục Việt Nam.
Một trong những thành tích nổi bật đó là việc thực hiện phong trào thi đua Hai tốt trên phạm vi toàn Tỉnh. Hưởng ứng đợt thi đua “hai tốt” của Bộ
104
Giáo dục phát động, các nhà trường phổ thông và chuyên nghiệp trong toàn tỉnh đang có những biến chuyển mạnh mẽ.
Có thể nói vấn đề “hai tốt” đã trở thành một vấn đề trọng tâm cho mọi hoạt động trong các nhà trường và nó là chủ đề cho những cuộc mạn đàm, tranh luận sôi nổi, rộng khắp trong giáo viên và học sinh.
Nhiều trường đã có những chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu vượt mức kế hoạch. Có trường cấp II, cấp III đã đề ra tiêu chuẩn phấn đấu cuối năm đạt tỷ lệ 95% học sinh được điểm 5 đạo đức (điểm cao nhất về đạo đức), 100% học sinh thi tốt nghiệp và lên lớp [80, tr. 241]. Các thày giáo nêu khẩu hiệu “tất cả vì học sinh thân yêu của chúng ta” để làm phương châm hành động. Nhiều tổ chuyên môn đã đề ra kỷ luật “không có giáo cụ trực quan thì không lên lớp”
hoặc “soạn kỹ, giảng sâu, học sinh nhớ lâu chóng thuộc” [32, tr. 131].
Phong trào thao diễn kỹ thuật giảng dạy hội thi ở các trường đã thúc đẩy nhiều giáo viên đi sâu vào nghiên cứu nghiệp vụ chuyên môn, rút được nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy. Nhiều trường đã làm hàng trăm giáo cụ trực quan, sưu tầm được những tài liệu sống thực, phục vụ cho bài giảng.
Nhiều trường đã nêu lên phương châm “lao động phải là những hoạt động của khoa học kỹ thuật, trực tiếp phục vụ cho sản xuất” [32, tr. 131]. Học tập kinh nghiệm xây dựng nhà trường cần công kiệm học, nhiều đội sản xuất tập trung xuất hiện, như đội Mút-xu-rin của trường Ân Thi, đội Ga-ga-rin của trường Hòa Bình, đội Hồ Chí Minh của trường Quảng Lãng.
Trong học sinh, phong trào thi đua cũng đang lan rộng, lôi cuốn hàng vạn học sinh tham gia. Nhiều tổ học sinh đã thực hiện thao diễn kỹ thuật học tập, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp học tập tốt nhất. Nhiều trường có sáng kiến tổ chức cho học sinh có báo cáo điển hình, xây dựng những điển hình tốt trong học tập và lao động. Những hành vi tốt biểu hiện phẩm chất cao
105
quý của người học sinh mới xuất hiện ngày càng nhiều trong các trường phổ thông cũng như chuyên nghiệp.
Đến năm 1961, các nhà trường đều chuyển biến mạnh mẽ trong việc giáo dục “tay ba” làm tốt công tác “vận động toàn dân tham gia giáo dục thế hệ trẻ” [80, tr. 242], làm cho quần chúng phát huy được tinh thần làm chủ. Vì vậy, nhiều trường đã biết dựa chắc vào quần chúng để thực hiện tốt sáu nhiệm vụ của năm học, xây dựng cơ sở vật chất và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công tác giảng dạy học tập.
Mặt khác, Ty Giáo dục đã phát động phong trào thi đua “hai tốt”, phát động một cao trào thi đua rộng khắp trong các trường cấp II, III. Vấn đề học tập Bắc Lý, đuổi và vượt Bắc Lý đã trở thành một vấn đề lớn, thôi thúc giáo viên, học sinh tiến lên giành những thắng lợi lớn trong phong trào thi đua “hai tốt”, xây dựng nhà trường XHCN lớn mạnh.
Trong phong trào “hai tốt” thi đua với Bắc Lý, ngành giáo dục Hưng Yên đã đạt 4 lá cờ đầu về bổ túc văn hóa, phổ thông và mẫu giáo, 76 chiến sĩ thi đua, 950 giáo viên “hai giỏi”, 35.000 học sinh “bốn tốt” [80, tr. 245].
Trong quá trình lãnh đạo phát triển sự nghiệp GDPT, Tỉnh ủy Hưng Yên đã xác định phải xây dựng và phát triển một nền GDPT mang tính toàn diện, gắn giáo dục với các giá trị chân, thiện, mỹ; gắn học với hành; gắn nhà trường với gia đình và xã hội. Theo hướng đó, ngành GD Hưng Yên đã quán triệt sâu rộng trong cán bộ giáo viên, học sinh quan điểm, mục tiêu phát triển Giáo dục và Đào tạo của Đảng và chủ trương của Đảng bộ tỉnh nên đã triển khai đổi mới chương trình, phương pháp dạy học; đổi mới mạnh mẽ công tác quản lí;
đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt” và cuộc vận động “Hai không”.
Để thúc đẩy sự nghiệp GDPT phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh cần chỉ đạo tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, quan tâm hơn nữa đến cơ sở vật chất trường học ở vùng khó
106
khăn. Chú ý hơn nữa việc chỉ đạo phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT để học sinh có định hướng nghề nghiệp cho bản thân. Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các trường học về cả ba mặt: chính trị - tư tưởng - tổ chức để tổ chức Đảng thực sự trở thành hạt nhân lãnh đạo trong nhà trường. Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền huy động sự đóng góp của nhân dân, các tổ chức hỗ trợ cho giáo dục, công tác khuyến học, khuyến tài,…nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển Giáo dục và Đào tạo, tạo cơ hội cho mọi người dân đều có cơ hội học tập.
Những chủ trương của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tỉnh Hưng Yên và đi đúng với chủ trương phát triển Giáo dục và Đào tạo của Đảng. Do đó, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng quá trình xây dựng, phát triển Giáo dục và Đào tạo của tỉnh Hưng Yên được đại bộ phận nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhận được sự đóng góp tích cực cả về vật chất và tinh thần với quyết tâm tạo bước đột phá cho sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo nói chung, GDPT nói riêng, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh.
Quán triệt nhiệm vụ phát triển GDPT và trên cơ sở nhận thức đúng đắn mục đích và yêu cầu của công tác giáo dục là: “đào tạo những người có đạo đức, có kiến thức nhưng cũng phải có sức khỏe”, "bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những người lao động xã hội chủ nghĩa, có phẩm chất đạo đức tốt, có lập trường tư tưởng vững vàng, để xây dựng chế độ mới” [64, tr. 9], nên mặc dù trong hoàn cảnh thời chiến, với quyết tâm đánh thắng Mỹ trên các mặt trận văn hóa giáo dục, các ngành các cấp đã quan tâm chăm sóc giáo dục thế hệ trẻ, đưa sự nghiệp giáo dục của Hưng Yên không ngừng phát triển.
107