Những nghiên cứu ở Việt Nam liên quan đến đề tài nghiên cứu

Một phần của tài liệu Luận án hoàn thiện kỹ thuật dạy học cho giảng viên đại học quân sự (Trang 23 - 28)

Với mục đích nâng cao chất lượng quá trình dạy học, nhiều nhà khoa học ở Việt Nam cũng đã nghiên cứu kỹ thuật dạy học dưới các góc độ khác nhau.

Tác giả Đặng Thành Hưng trong cuốn “Dạy học hiện đại lý luận, biện pháp, kỹ thuật” [47] khi nghiên cứu kỹ thuật dạy học đã tiếp cận dưới góc độ những kỹ thuật dạy học vi mô của người giáo viên (giảng viên). Tác giả đã trình bày một loạt những kỹ thuật của người giảng viên như: kỹ thuật sử dụng câu hỏi trong dạy học; kỹ thuật hành vi ứng xử với học sinh trên lớp; kỹ thuật sử dụng và khai thác các phương tiện dạy học; kỹ thuật ghép nhóm học sinh và tổ chức dạy học, v.v... Các nghiên cứu của tác giả có giá trị ứng dụng rất lớn đối với giảng viên trong quá trình dạy học, có tác dụng cầm tay chỉ việc đối với giảng viên trong việc nâng cao chất lượng dạy học và hoàn thiện năng lực sư phạm của bản thân.

Tác giả Phan Trọng Ngọ, trong cuốn “Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường” [64], nghiên cứu kỹ thuật dạy học dưới góc độ là một bộ

24

phận của các phương pháp dạy học. Theo tác giả “Phương pháp bao gồm cả mục đích triển khai, nội dung lý luận và cơ cấu kỹ thuật để thực hiện nội dung” [64, tr.150] và tác giả cho rằng, nói đến biện pháp của giáo viên (giảng viên) khi sử dụng các phương pháp dạy học là nói đến kỹ thuật dạy học “biện pháp là sự hiện thực hóa sức mạnh của phương pháp, là cơ cấu kĩ thuật của phương pháp để thực hiện mục đích dạy học” [64, tr.150]. Tác giả Phan Trọng Ngọ cho rằng, KTDH luôn mang tính khuôn mẫu và có thể chuyển giao, tuy nhiên khi KTDH được giảng viên vận dụng một cách sáng tạo thì có thể nâng KTDH lên mức nghệ thuật dạy học. Từ quan niệm trên, tác giả chỉ ra một loạt các kỹ thuật cụ thể của giảng viên khi sử dụng các phương pháp dạy học trong quá trình dạy học như: Kỹ thuật trình diễn; kỹ thuật giải thích; kỹ thuật soạn thảo và sử dụng câu hỏi,.... Có thể nói, những nghiên cứu của tác giả Phan Trọng Ngọ là cơ sở khoa học chung nhất để các nhà trường tiến hành đào tạo giảng viên, cũng như cơ sở lý luận để giảng viên tiến hành tự rèn luyện, hoàn thiện kỹ thuật dạy học của bản thân.

Tác giả Nguyễn Hữu Châu trong cuốn “Những vấn đề cơ bản về chương trình và quá trình dạy học” [10], quan niệm “kĩ thuật dạy học là nghệ thuật hay kĩ năng thực hiện của dạy học” [10, tr.271]. Tác giả không đồng nhất kỹ thuật dạy học với phương pháp dạy học, mà cho rằng kỹ thuật dạy học là cách người giáo viên (giảng viên) tiến hành hoạt động dạy học với những kỹ năng sư phạm phát triển ở trình độ cao, đạt đến mức nghệ thuật. Tác giả cho rằng: “kĩ thuật là cách giáo viên xử lí các khía cạnh hoặc tổ chức các bước khác nhau trong phương pháp hoặc quy trình hướng dẫn của mình” [10, tr.272]. Như cách giảng viên xử lý các tình huống sư phạm trong quá trình dạy học, cách giảng viên sử dụng các phương pháp dạy học, tổ chức quá trình dạy học như thế nào; cùng một phương pháp nhưng giảng viên khác nhau sẽ có kỹ thuật dạy học khác nhau. Quá trình dạy học đạt kết quả như thế nào phụ

25

thuộc rất nhiều vào trình độ phát triển kỹ thuật dạy học của các giảng viên.

Tác giả cũng đã trình bày một số kỹ thuật dạy học cơ bản của giảng viên và cách thức để nâng cao các kỹ thuật đó thông qua một số gợi ý nhằm cải tiến các kỹ thuật dạy học.

Không chỉ dừng lại ở nghiên cứu những vấn đề chung nhất về kỹ thuật dạy học, các nhà khoa học cũng đã đi sâu nghiên cứu kỹ thuật dạy học của từng môn học cụ thể. Tuỳ vào nội dung dạy học mà người giáo viên (giảng viên) có các kỹ thuật dạy học riêng khác nhau. Tác giả Trần Bá Hoành, trong cuốn “Kỹ thuật dạy học sinh học” [39], trên cơ sở thực tiễn dạy học môn sinh học ở phổ thông trung học đã đưa ra các kỹ thuật dạy học mà người giáo viên khi dạy môn Sinh học cần phải sử dụng. Tác giả đã làm rõ khái niệm về kỹ thuật dạy học, theo tác giả “kỹ thuật dạy học nói tới những phương pháp, cách thức tiến hành hoạt động dạy học đảm bảo chất lượng hiệu quả” [39, tr.10]. Tác giả cho rằng kỹ thuật dạy học không phải là một bộ phận của phương pháp dạy học, mà kỹ thuật dạy học chính là cách người giáo viên sử dụng các phương pháp thế nào trong quá trình dạy học, cách người giáo viên tiến hành hoạt động dạy học như thế nào. Cuốn sách đã trở thành tài liệu bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên dạy môn sinh học tại các trường phổ thông trung học nói riêng, cũng như tài liệu để đội ngũ giáo viên nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật dạy học của mình.

Các tác giả Đặng Văn Đức và Nguyễn Thị Thu Hằng trong cuốn “Kỹ thuật dạy học địa lý ở trường trung học phổ thông” [27] và tác giả Nguyễn Đức Vũ trong cuốn “Kỹ thuật dạy học địa lý ở trường phổ thông” [113], quan niệm kỹ thuật dạy học là những thành phần của phương pháp dạy học, là đơn vị nhỏ nhất của phương pháp dạy học, trong mỗi phương pháp dạy học có nhiều kỹ thuật dạy học. Tác giả Nguyễn Đức Vũ quan niệm: “Kĩ thuật dạy học là những biện pháp, cách thức hành động của giáo viên và học sinh trong các tình huống hành động nhỏ nhằm thực hiện và điều khiển quá trình dạy

26

học” [113, tr.4]. Tuy nhiên, trên cơ sở làm rõ kỹ thuật dạy học, phân biệt kỹ thuật dạy học với phương pháp và kỹ năng dạy học các tác giả cũng đã đưa ra những kỹ thuật dạy học rất cụ thể cho người giáo viên dạy môn địa lý ở trường trung học phổ thông, trung học cơ sở.

2.2. Những nghiên cứu về đào tạo, bồi dưỡng giảng viên

Đào tạo, bồi dưỡng giảng viên có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, vì vậy đã có rất nhiều công trình của các nhà khoa học trong và ngoài quân đội nghiên cứu về vấn đề này.

Nhằm cung cấp kiến thức nghiệp vụ cho giảng viên để nâng cao trình độ nghề nghiệp, cũng như cán bộ quản lý giáo dục để tổ chức quản lý đội ngũ giảng viên và tạo điều kiện phát triển đội ngũ giảng viên, tác giả Nguyễn Văn Lê trong cuốn sách “Nghề thầy giáo” [56] đã phân tích làm rõ các đặc trưng của lao động sư phạm. Cuốn sách là tổng hợp những nghiên cứu của giáo sư trong 10 năm, kết hợp với những nghiên cứu trên thế giới về người thầy giáo. Cuốn sách “ Nghề thầy giáo” đã giúp cho giảng viên hiểu sâu sắc hơn tính phức tạp, tính nghệ thuật và tính sáng tạo của hoạt động dạy học, từ đó xác định được phương hướng để tự hoàn thiện, bồi dưỡng bản thân đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp dạy học.

Xu thế toàn cầu hóa và những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đặt ra cho giáo dục Việt Nam phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, trong đó có vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giảng viên nếu không muốn tụt hậu xa hơn so với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Tác giả Vũ Xuân Hùng trong cuốn sách “Dạy học hiện đại và nâng cao năng lực dạy học cho giáo viên” [46] trên cơ sở nghiên cứu một số vấn đề về dạy học hiện đại, làm rõ năng lực thực hiện và năng lực dạy học của giáo viên (giảng viên) đã đưa ra hướng rèn luyện năng lực dạy học trong thực tập sư phạm cho giảng viên theo tiếp cận năng lực thực hiện và hướng dẫn thiết kế bài giảng theo tiếp cận năng lực thực hiện. Trong rèn luyện năng lực dạy học, tác giả Vũ Xuân

27

Hùng nhấn mạnh “quy trình rèn luyện năng lực dạy học là hệ thống các thao tác và công việc mà trình tự cấu trúc các bước, các khâu của nó được quy định bởi một Angorit phản ánh được lôgic kỹ thuật của từng năng lực dạy học” [46, tr.243]. Cuốn sách đã góp phần nâng cao năng lực sư phạm của giáo sinh các trường sư phạm, của giảng viên dạy nghề và đưa ra những gợi ý về một cách tiếp cận mới trong rèn luyện năng lực dạy học cho giảng viên.

Sách “Hệ thống thao tác sư phạm trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông trung học” [52] của tác giả Kiều Thế Hưng lại đi sâu nghiên cứu các thao tác sư phạm của giáo viên (giảng viên) trong dạy học lịch sử, “nhằm làm cho phương pháp dạy học được cụ thể, sinh động và có hiệu quả hơn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng dạy học bộ môn” [52, tr.5].

Nghiên cứu của tác giả Kiều Thế Hưng là một đóng góp quan trọng phát triển lý luận dạy học và rất thiết thực cho việc đào tạo, bồi dưỡng năng lực sư phạm, phát triển trình độ nghề nghiệp giảng viên.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục - đào tạo trong tình hình mới của quân đội, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên trong các nhà trường quân đội trở thành một vấn đề cấp thiết. Nhiều nhà giáo dục, quản lý giáo dục trong quân đội đã tập trung nghiên cứu nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giảng viên các nhà trường quân đội nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu xây dựng quân đội.

Tiêu biểu nghiên cứu về vấn đề này, có cuốn sách “Nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn trong quân đội giai đoạn hiện nay” [88] do tác giả Đặng Đức Thắng chủ biên và cuốn sách “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở Học viện Chính trị thời kỳ mới” [35] do tác giả Mai Văn Hóa chủ biên. Hai cuốn sách đều dựa trên thực tiễn đào tạo đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn trong quân đội, tập trung vào Học viện Chính trị; xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ giảng viên từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn

28

trong quân đội nói chung, ở Học viện Chính trị nói riêng. Đây chính là những công trình khoa học nghiên cứu công phu và nghiêm túc của tập thể tác giả vốn là các giảng viên, nhà quản lý giáo dục nhiều kinh nghiệm trong quân đội. Vì vậy, các cuốn sách đã trở thành tài liệu quý báu giúp giúp cho các nhà trường quân đội đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên của mình, cũng như bản thân các học viên sư phạm và giảng viên các nhà trường quân đội tham khảo để tiến hành tự bồi dưỡng các phẩm chất, năng lực sư phạm của mình.

Một phần của tài liệu Luận án hoàn thiện kỹ thuật dạy học cho giảng viên đại học quân sự (Trang 23 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(226 trang)