Các công trình nghiên cứu về nhà nước đối với việc bảo đảm quyền con người trong điều kiện hội nhập quốc tế

Một phần của tài liệu Nhà nước Việt Nam với việc bảo đảm quyền con người trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay (Trang 23 - 27)

1.2. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI VIỆC BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI

1.2.2. Các công trình nghiên cứu về nhà nước đối với việc bảo đảm quyền con người trong điều kiện hội nhập quốc tế

Đề tài cấp bộ "Bảo đảm quyền con người ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế - vấn đề và giải pháp" (2008), do Đặng Dũng Chí chủ nhiệm.

Từ lăng kính nhân quyền, nhóm tác giả cho rằng, TCH và HNQT là cơ hội để các quốc gia xóa bỏ khoảng cách về địa lý, văn hóa, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, giúp người dân tiếp cận thông tin, nâng cao trình độ dân trí, tìm kiếm việc làm, cải thiện thu nhập để thoát khỏi đói nghèo, tạo điều kiện để các quốc gia bảo đảm tốt hơn các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, đồng thời cũng đặt các quốc gia trước nhiều thách thức, đó là vấn đề đói nghèo, thất nghiệp, bệnh dịch, khủng bố, chiến tranh nhân danh nhân quyền. Vì vậy, phát huy vai trò nhà nước trong việc bảo đảm QCN là vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết bởi chỉ nhà nước với vai trò, vị trí, chức năng của mình mới có thể đảm đương được nhiệm vụ này. Trong điều kiện HNQT, Nhà nước Việt Nam cần: (a) thực hiện nghĩa vụ đối với các điều ước quốc tế về QCN mà Việt Nam là thành viên; (b) thực thi

tất cả các biện pháp lập pháp, hành pháp và tư pháp để bảo đảm QCN, trong đó chú trọng cải cách hoạt động lập pháp, xây dựng và hoàn thiện bộ máy thực hiện quyền hành pháp, hoàn thiện hệ thống tư pháp..; (c) tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục nội dung các công ước quốc tế về QCN; (d) soạn thảo và đệ trình các báo cáo quốc gia về QCN; (e) hợp tác quốc tế (HTQT) trên lĩnh vực thực hiện công ước về QCN [18]...

Nhà nước đối với việc bảo đảm QCN trong điều kiện HNQT còn được đề cập khi phân tích về nghĩa vụ của các quốc gia thành viên khi tham gia các điều ước quốc tế về QCN của đề tài cấp bộ "Tổ chức và hoạt động của cơ quan nhân quyền quốc gia một số nước ASEAN và Trung Quốc - Kinh nghiệm đối với Việt Nam" do Nguyễn Đức Thùy chủ nhiệm (2011). Các tác giả khẳng định: Nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc bảo đảm QCN điều kiện HNQT gồm: (a) Nội luật hóa các quy định của các điều ước quốc tế về QCN vào trong hệ thống pháp luật quốc gia, thông qua việc áp dụng trực tiếp hoặc gián tiếp; (b) Tôn trọng, bảo vệ và thực thi ở mức cao nhất có thể những quy định, chuẩn mực QCN quốc tế (thông qua hoạch định chính sách, chương trình hành động); (c) Thúc đẩy việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về QCN cho các cán bộ công chức cũng như người dân nhằm hạn chế sự vi phạm về QCN từ các cơ quan và đại diện công quyền; (d) Hợp tác chặt chẽ với các tổ chức liên chính phủ, tổ chức chính phủ và các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy và bảo đảm QCN; (e) Tiến hành soạn thảo, đệ trình và báo cáo quốc gia định kỳ kiểm điểm về thực thi những điều ước quốc tế về QCN, giải trình các vấn đề mà các Ủy ban công ước có liên quan đặt ra, trả lời kháng thư, tiếp thu các nhận xét, bình luận của các Ủy ban công ước trong việc bảo đảm, thực thi các nghĩa vụ cam kết quốc tế [120].

Bài viết "Bảo đảm và thực hiện quyền con người ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế", tác giả Vũ Hoàng Công (2014). Mặc dù không bàn trực tiếp về vai trò nhà nước trong việc bảo đảm QCN, song bằng việc phân tích những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được cũng như những khó khăn, thách thức mà Việt Nam gặp phải đối với việc bảo đảm QCN trong điều kiện HNQT, tác giả nhấn mạnh để bảo đảm tốt hơn các QCN, Nhà nước Việt Nam cần: (1) Chủ động, tích cực tham gia các công ước và diễn đàn quốc tế về QCN trong phạm vi toàn cầu và khu vực; (2) Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp lý theo mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"; (3) Tăng cường pháp chế trong bảo vệ QCN; (4) Tăng cường hợp tác quốc tế, sẵn sàng đối thoại về QCN, đồng thời đấu tranh với những đòi hỏi và luận điệu phi lý từ bên ngoài;

(5) Tích cực HNQT, lấy sức mạnh kinh tế làm nền tảng lâu dài cải thiện QCN, đồng

thời làm sức hút với quốc tế và ngăn cản các thế lực muốn lợi dụng vấn đề QCN để can thiệp vào nước ta [22].

Tiếp tục chủ đề trên, tác giả luận án có bài viết "Tác động của hội nhập quốc tế đến việc bảo đảm các quyền con người ở Việt Nam hiện nay", (Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội tháng 10/2014). Bài viết phân tích những cơ hội và thách thức đối với việc bảo đảm QCN trong điều kiện HNQT và khẳng định, HNQT là một xu thế tất yếu, khách quan của các quốc gia. Đối với Việt Nam, HNQT đã tạo ra những cơ hội thuận lợi cho Việt Nam phát triển kinh tế bảo đảm QCN, thay đổi tư duy pháp lý về QCN, song nó cũng có nhiều tác động tiêu cực đến QCN như: quyền lao động việc làm, quyền sống trong môi trường trong sạch, quyền được hưởng an sinh xã hội... Để tồn tại và phát triển, các nhà nước cần "tận dụng những tác động tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của hội nhập quốc tế đến các quyền con người", trong đó, tập trung thực hiện:

xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về QCN, sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao năng lực cho các chủ thể, tạo điều kiện cho con người thực hiện đầy đủ các QCN trên các lĩnh vực; hoàn thiện tổ chức bộ máy bảo đảm QCN, tăng cường cơ chế kiểm tra giám sát việc bảo đảm và thực thi QCN, mở rộng HTQT trên lĩnh vực QCN, "có như vậy, vai trò và vị thế của nước ta mới không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế" [54, tr.33].

Bàn về phương hướng, giải pháp nâng cao tính hiệu quả của nhà nước đối với việc bảo đảm QCN, sách chuyên khảo "Chủ nghĩa xã hội và quyền con người" của tác giả Đặng Dũng Chí và Hoàng Văn Nghĩa (2014) tập trung phân tích những vấn đề lý luận và thực tiễn bảo đảm QCN ở nước XHCN, trong đó có Việt Nam. Trên cơ sở phân tích, đánh giá sự phát triển về mặt lý luận và những thành tựu bảo đảm QCN mà Việt Nam đạt được trên các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa thời kỳ đổi mới và hội nhập, nhóm tác giả làm rõ những yêu cầu đặt ra trong việc bảo đảm QCN trong điều kiện HNQT ở Việt Nam hiện nay, đó là: (1) Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về QCN; (2) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động đổi mới tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước; (3) Kiện toàn bộ máy, tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Tư pháp); (4) Đẩy mạnh cải cách hành chính Nhà nước; (5) Đẩy mạnh cải cách tư pháp; (6) xây dựng và hoàn thiện các thiết chế, cơ chế bảo đảm QCN; (7) Tăng cường nâng cao nhận thức pháp luật về QCN; (8) Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa, chăm lo đến con người và sự phát triển QCN [20].

Cùng chung chủ đề này, bài viết "Nâng cao trách nhiệm bảo đảm quyền con người của Nhà nước hiện nay", tác giả Nguyễn Thanh Tuấn và Trần Thị Hòe (Tạp chí Lý luận chính trị số 1/2015) [126]. Bài viết đã tập trung phân tích nghĩa vụ của nhà nước đối với việc bảo đảm QCN trong điều kiện HNQT. Theo tác giả, để bảo đảm có hiệu quả các QCN trong điều kiện HNQT hiện nay, các chủ thể của Nhà nước cần áp dụng một số biện pháp chủ yếu như: Hướng dẫn, tổ chức và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết có ý nghĩa chiến lược về bảo đảm QCN; Hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra việc thực hiện pháp luật nhằm bảo đảm QCN; Lồng ghép QCN vào quá trình xây dựng, tổ chức, thực hiện các chương trình, chính sách phát triển; tập trung xây dựng và củng cố các thiết chế bảo đảm QCN; Tuyên truyền nâng cao nhận thức về QCN...

Cùng đề cập đến hương hướng bảo đảm QCN của nhà nước, chuyên đề "Quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quyền con người", (trong Đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam về một số lĩnh vực chủ yếu của đời sống xã hội, Giáo trình Cao cấp lý luận chính trị, tập 8), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2014) [51]. Trên cơ sở phân tích quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về QCN, chuyên đề đã đưa ra những định hướng của Đảng Nhà nước về bảo đảm QCN.

Đó là: (1) Giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; (2) Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, kiện toàn các thiết chế bảo vệ và thúc đẩy QCN;

(3) Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội bảo đẩm và nâng cao sự hưởng thụ của con người; (4) Đẩy mạnh dân chủ, giữ vững ổn định xã hội, bảo đảm QCN; (5) Giáo dục về QCN; (6) Mở rộng HTQT về QCN. Đây là những định hướng quan trọng nâng cao hiệu quả của Nhà nước trong việc bảo đảm QCN.

Có thể khẳng định, dù cách tiếp cận, phân tích và diễn đạt có khác nhau, song nhìn chung, các công trình kể trên ít nhiều đều đề cập tới nhà nước đối với việc bảo đảm QCN thời kỳ HNQT, phân tích về những yêu cầu, nhiệm vụ của nhà nước đối với việc bảo đảm QC, từ đó khuyến nghị về phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của nhà nước đối với việc bảo đảm QCN. Đây là những tài liệu tham khảo có giá trị để tác giả luận án kế thừa, tiếp thu và tiếp tục phân tích trong luận án.

Ngoài ra, còn có nhiều công trình, bài viết về QCN, bảo vệ QCN, về tác động của HNQT đến QCN, về nhà nước đối với việc bảo đảm QCN của nhiều học giả trong và ngoài nước khác, nhưng do giới hạn của Luận án, tác giả chỉ nêu một số công trình khoa học liên quan, mặc dù vậy trong mục tài liệu tham khảo có đề cập và trích dẫn.

Một phần của tài liệu Nhà nước Việt Nam với việc bảo đảm quyền con người trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay (Trang 23 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(199 trang)