A. Các thách thức còn tồn tại
75. Khuôn khổ pháp luật về quyền con người ở Việt Nam mặc dù đang từng bước được kiện toàn nhưng vẫn chưa đồng bộ, một số lĩnh vực chưa theo kịp với sự
thay đổi của cuộc sống, chậm được sửa đổi, bổ sung. Năng lực xây dựng thể chế, quản lý, điều hành, tổ chức thực thi pháp luật và việc tuyên truyền pháp luật về quyền con người đến các ngành, các cấp, các địa phương vẫn còn hạn chế, khiến cho việc triển khai còn khó khăn, bất cập. Bản thân người dân chưa hiểu biết đầy đủ về các quy định của pháp luật để thực hiện quyền của mình một cách đầy đủ và hiệu quả. Việc kiểm tra đôn đốc thực hiện các quy định của pháp luật còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng có những vi phạm chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.
76. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi từ môi trường bên ngoài, đặc biệt là từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Là một nước đang phát triển, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt các nguồn lực dành cho phát triển, đặc biệt trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ và bảo đảm các quyền của các nhóm yếu thế trong xã hội. Những rủi ro về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, mà đối tượng chịu tác động nặng nề nhất chính là các nhóm xã hội yếu thế, đặc biệt là người nghèo, vẫn là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. Do thiếu hụt nguồn lực, tầm bao phủ của hệ thống an sinh xã hội hiện nay còn khiêm tốn, nhất là đối với người nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương. Phần lớn người nghèo sống ở các khu vực nông thôn và miền núi, tham gia vào các hoạt động nông nghiệp và ít nhận được hỗ trợ từ các loại hình bảo hiểm như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
77. Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc thực hiện MDGs về giảm nghèo nhưng vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là giải quyết vấn đề bất bình đẳng và giảm nghèo bền vững. Phần lớn người nghèo là cư dân nông thôn và người dân tộc thiểu số. Do người dân tộc thiểu số cư trú ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về các điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế, giao thông, tiếp cận thị trường nên tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo còn chiếm khá cao.
Hơn nữa, giảm nghèo hiện nay chưa bền vững do một số hộ gia đình mặc dù đã thoát nghèo nhưng khả năng tái nghèo rất cao do thiên tai, thời tiết, tai nạn lao động, giao thông... Năng lực tài chính yếu kém cùng với nguồn lực bảo trợ xã hội hạn chế khiến cho các hộ gia đình cận nghèo dễ bị rơi trở lại cảnh nghèo đói. Bên cạnh đó, nghèo đô thị đang nổi lên là một vấn đề đáng lo ngại do dòng người di cư từ nông thôn ra các đô thị ngày một tăng.
78. Giáo dục là lĩnh vực được Nhà nước coi trọng và đầu tư lớn, tuy nhiên trên thực tế còn nhiều tồn tại chưa được khắc phục như sự bất bình đẳng trong tiếp
cận giáo dục, khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; cải cách giáo dục trong công tác giảng dạy và học tập, cải tiến thiết bị, cơ sở vật chất trường học… Giáo dục về nhân quyền trong các cấp học chưa được đầu tư thỏa đáng. Trong chương trình giáo dục phổ thông, nội dung giảng dạy về quyền con người nói chung và các quyền cụ thể còn sơ sài và chưa phù hợp với cấp học và độ tuổi.
79. Các quan niệm lạc hậu, cổ hủ vẫn còn tồn tại khiến cho nhiều nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số chưa ý thức và chủ động trong việc bảo vệ các quyền của chính mình. Tư tưởng "trọng nam hơn nữ" là trở lực cho nhận thức và thực hiện bình đẳng giới, định kiến xã hội vẫn tạo nên sự kỳ thị nhất định đối với người dân tộc thiểu số, người khuyết tật… Những hạn chế về nguồn lực khiến việc thực hiện các chương trình và chính sách đạt hiệu quả chưa cao, đặc biệt là trong việc tăng cường dịch vụ hỗ trợ và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của trẻ em, người khuyết tật, người già…
B. Những hướng ưu tiên
80. Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiện toàn hệ thống pháp luật trên nguyên tắc phát huy nhân tố con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân, đảm bảo hệ thống pháp luật quốc gia hài hòa và phù hợp với các chuẩn mực pháp luật quốc tế. Chính phủ nỗ lực đẩy mạnh các chương trình cải cách hành chính nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, phát huy dân chủ và nâng cao hiệu lực của Nhà nước pháp quyền, tăng cường các thể chế quốc gia bảo vệ quyền con người, trong đó có việc nghiên cứu khả năng thành lập Cơ quan nhân quyền quốc gia.
81. Khả năng tiếp cận với các loại hình an sinh xã hội được xếp là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến mức sống của người dân. Thực tế cho thấy việc giảm thu nhập, lạm phát và bệnh tật là ba trong số các nguyên nhân chính làm giảm mức sống của người dân. Do đó, an sinh xã hội là giải pháp bảo vệ cho người dân, đặc biệt là người nghèo. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung các chính sách để tăng khả năng tiếp cận của các nhóm yếu thế vào hệ thống an sinh xã hội, nghiên cứu khả năng phát triển loại hình bảo hiểm nông nghiệp.
82. Chất lượng giáo dục là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao năng suất, tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu và phát triển xã hội. Nhận thức được tầm quan trong của phát triển nguồn nhân lực, Chính phủ đã đưa ra các chính sách