Chương 4 NHÀ NƯỚC VIỆT NAM ĐỐI VỚI VIỆC BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI
4.1. MỘT SỐ QUAN ĐIỂM CƠ BẢN
4.1.2. Nâng cao hiệu quả của Nhà nước đối với việc bảo đảm quyền con người gắn liền với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và
Thứ nhất, bảo đảm quyền con người của Nhà nước gắn với việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN
Để phát huy những thành tựu, khắc phục những hạn chế, phát huy hiệu quả của Nhà nước trong việc bảo đảm QCN, cần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Đó là một nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân, nhà nước điều hành mọi hoạt động của xã hội theo pháp luật, trong đó, Hiến pháp và các đạo luật giữ vị trí tối thượng trong việc điều chỉnh các quan hệ và các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là nhà nước tôn trọng QCN và QCD, nâng cao trách nhiệm pháp lý giữa Nhà nước và công dân, bảo đảm quyền tự do, dân chủ thực sự cho mọi tầng lớp trong xã hội.
Theo hướng đó, Nhà nước pháp quyền XHCN là nhà nước bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; quyền lực là nước là thống nhất, nhưng có sự phân chia rõ ràng, cụ thể chức năng và nhiệm vụ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có cơ chế kiểm tra, giám sát lẫn
nhau giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quốc hội phải thể hiện tập trung nhất, đầy đủ nhất ý chí và nguyện vọng của đa số quần chúng nhân dân. Nhà nước phải có cơ chế thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước để khắc phục những hạn chế trong cơ cấu tổ chức và hoạt động của Chính phủ; sắp xếp lại tổ chức hệ thống các cơ quan tư pháp để các cơ quan này có đủ sức mạnh đảm bảo duy trì, tôn trọng hiệu lực của pháp luật.
Bảo đảm QCN là nguyên tắc của nhà nước pháp quyền. Trong nhà nước pháp quyền, mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân là bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, quan hệ đồng trách nhiệm. Tuân thủ pháp luật là nghĩa vụ đối với mọi cá nhân, tổ chức, nhà nước phải chịu trách nhiệm vật chất, tinh thần về các quyết định và hành vi của mình, đặc biệt là trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân là mối quan hệ giữa các đối tác bình đẳng, có các quyền và nghĩa vụ tương ứng đối với nhau. Nhà nước không chỉ có quyền được yêu cầu cá nhân thực hiện các nghĩa vụ pháp lý mà còn có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ pháp lý đối với cá nhân, không dừng lại ở khẩu hiệu, tuyên ngôn mà phải có hệ thống đảm bảo pháp lý để thực hiện quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân.
Trong điều kiện HNQT, yêu cầu đặt ra đối với việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân là Nhà nước phải thực hiện đổi mới hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp, trong đó:
Hoạt động lập pháp của Nhà nước trong thời đại ngày nay, không hướng trọng tâm vào thể chế hoá quyền quản lý của bộ máy nhà nước (quyền cai trị) mà phải hướng trọng tâm vào tạo dựng khuôn khổ pháp lý vững chắc cho một nền dân chủ của xã hội và tự do của công dân. Điều này có nghĩa là hoạt động lập pháp chuyển trọng tâm từ quy định quyền của bộ máy nhà nước sang xác định nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan này, từ quyền cho phép của công quyền sang quyền của công dân trong mối quan hệ với Nhà nước.
Hoạt động tư pháp chuyển từ nhân danh Nhà nước sang nhân danh luật pháp và công lý để phán quyết các vi phạm luật pháp và xử lý các tranh chấp, xung đột pháp lý trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trước những nhiệm vụ, yêu cầu mới, việc thay đổi tính mục tiêu, nội hàm hoạt động của lập pháp, hành pháp và tư pháp lẽ đương nhiên phải cơ cấu lại chức năng, nhiệm vụ mối quan hệ và phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước từ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp đến chính quyền địa phương.
Thứ hai, bảo đảm QCN của Nhà nước gắn liền với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN
Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN. Đó là nền kinh tế tôn trọng và vận dụng đúng các quy luật khách quan của KTTT, thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam, đồng thời phải có công cụ điều tiết và chính sách phân phối để bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội. Sau gần 30 năm năm đổi mới, việc nâng cao hiệu quả của Nhà nước trong việc bảo đảm QCN trong nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta đã đạt được thành tựu to lớn. Sự vận hành của nền KTTT định hướng XHCN đã làm thay đổi căn bản tư duy cũng như phương thức quản lý của Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có QCN. Tuy nhiên, quá trình xây dựng thể chế KTTT định hướng XHCN ở nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập, cần khắc phục... Do đó, nâng cao hiệu quả của Nhà nước trong việc bảo đảm QCN gắn liền với việc hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN có ý nghĩa rất quan trọng.
Xây dựng thể chế KTTT đòi hỏi phải căn cứ vào yêu cầu thể chế KTTT định hướng XHCN. Ngày nay, xây dựng và hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN cần đáp ứng được các yêu cầu:
- Hoàn thiện thể chế sở hữu trong nền KTTT định hướng XHCN, khuyến khích sự phát triển đa dạng của các hình thức sở hữu. Đây là vấn đề cốt lõi, giữ vị trí trung tâm. Ở nước ta hiện nay, xây dựng và phát triển thể chế về sở hữu phải bảo đảm vừa thực hiện chủ trương đa dạng hóa các hình thức sở hữu cho phù hợp với KTTT, đồng thời giữ vững định hướng XHCN.Chủ trương trên của Đảng đã được thể chế hóa bằng các luật và các văn bản pháp quy của Nhà nước, hình thành khung pháp lý để thực hiện đa dạng hóa các hình thức sở hữu trong KTTT, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, thực hiện quyền tự do sản xuất, kinh doanh, khai thác hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững.
- Hoàn thiện thể chế về chủ thể sản xuất và kinh doanh. Thể chế KTTT định hướng XHCN đòi hỏi phải tạo lập được môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể tham gia thị trường. Do đó, nhanh chóng phá bỏ những mặt lạc hậu của thể chế kinh doanh, đẩy nhanh việc xây dựng và kiện toàn hệ thống thị trường kinh doanh hiện đại, thống nhất, mở cửa và cạnh tranh có trật tự. Xây dựng các loại thị trường kinh doanh, tăng cường chất lượng sản xuất kinh doanh, thiết lập một khuôn khổ pháp lý bình đẳng, công bằng cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác nhau, hướng
về người tiêu dùng, lấy người tiêu dùng làm chủ thể. Hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh, kiểm soát độc quyền tự nhiên; tăng cường năng lực của cơ quan bảo vệ tài sản trí tuệ và cơ quan quản lý cạnh tranh trong việc xử lý các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, bảo đảm quyền của người tiêu dùng.
- Cải thiện quản lý vĩ mô, thành lập thể chế quản lý kinh tế, đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, doanh nghiệp vận hành theo pháp luật và quy luật thị trường. Thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình về các chính sách quản lý, các đề án phát triển cũng như trong hoạt động của các chủ thể kinh doanh. Thể chế KTTT cùng với tác động của quá trình mở cửa, hội nhập gắn liền với việc hình thành cấu trúc đa sở hữu và cơ cấu đa chủ thể kinh tế dẫn đến sự hình thành các "nhóm lợi ích". Về khách quan, các "nhóm lợi ích" này có thể tác động đến quá trình ra quyết định. Công khai minh bạch không những tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận thông tin, mà quan trọng hơn, thực hiện công khai minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình, tạo điều kiện cho người dân giám sát các quyết định của các cơ quan quản lý, là biện pháp cơ bản để ngăn ngừa tham nhũng và sự tác động của các "nhóm lợi ích" vào quá trình ra quyết định, bảo đảm cho các quyết định theo chuẩn "giá trị chung", vì lợi ích của đất nước.
Do đó, tăng cường hoàn thiện hệ thống pháp luật, pháp quy, thực hiện việc quản lý kinh tế thông qua luật định, nâng cao năng lực giám sát quản lý KTTT...
- Thể chế KTTT định hướng XHCN trong điều kiện HNQT ngày càng sâu rộng đòi hỏi phải định vị lại mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Theo đó, Nhà nước chuyển từ việc can thiệp trực tiếp vào các quá trình kinh tế sang thực hiện chức năng kiến tạo phát triển: bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh; tạo cơ chế phát triển và nâng cao chất lượng các dịch vụ công.
Trong quá trình hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN, một thách thức đặt ra cho quản lý của Nhà nước dưới tác động của HNQT là mỗi biến động trên thị trường thế giới tác động rất lớn đến thị trường trong nước. Tình hình đó đòi hỏi Nhà nước phải nâng cao năng lực dự báo và khả năng phản ứng chính sách nhằm hạn chế những tác động xấu đến nền kinh tế. Kinh tế thị trường và HNQT cũng làm cho một bộ phận dân cư dễ bị tổn thương, làm gia tăng chênh lệch giàu nghèo, nên Nhà nước cần phát huy
"sức mạnh tự điều chỉnh" của thị trường, mặt khác phải "hoá giải" được tác động tiêu cực của thị trường, bảo đảm định hướng của sự phát triển bền vững. Vì vậy, bộ máy nhà nước Việt Nam phải được tổ chức hiệu quả để đủ năng lực vừa tuân thủ các cam kết quốc tế, vừa vận dụng sáng tạo các cam kết này trong quá trình xây dựng và thực
thi pháp luật để vừa đảm bảo lợi ích quốc gia, tuân thủ các quy định và cam kết quốc tế nhằm tạo cơ chế pháp lý và sự hỗ trợ chính sách cần thiết để đưa kinh tế Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, tạo tiền đề và cơ sở cần thiết để thực hiện an sinh xã hội.
Hiệu quả của Nhà nước trong phát triển kinh tế, bảo đảm QCN không giảm đi mà phải được tăng cường trên những nội dung mới, theo những phương thức tác động mới.
Thứ ba, bảo đảm quyền con người của Nhà nước gắn với hoàn thiện thể chế dân chủ
Nâng cao hiệu quả của Nhà nước trong việc bảo đảm QCN gắn liền với hoàn thiện thể chế dân chủ. Dân chủ trước hết là một hình thức, một hình thái nhà nước trong đó, thừa nhận quyền bình đẳng của mọi người tham gia vào công việc của nhà nước. Sự phát triển quyền và tự do của con người có mối tương quan tỷ lệ thuận với sự phát triển của dân chủ. Trong một chế độ dân chủ, một mặt nhân dân là chủ thể của quyền lực, quyết định tổ chức và hoạt động của nhà nước; mặt khác, trong chế độ dân chủ, các thành viên của xã hội được tôn trọng, mọi người bình đẳng tham gia quyết định các vấn đề của cộng đồng trên cơ sở pháp luật.
Với nội dung nói trên, dân chủ trở thành phương tiện bảo đảm và phát triển QCN, mỗi nấc thang phát triển của dân chủ lại mở rộng thêm phạm vi, làm sâu sắc thêm chất lượng QCN. Quyền con người gắn bó hữu cơ với dân chủ. Thực hiện các nguyên tắc dân chủ trong đời sống nhà nước và xã hội là con đường đúng đắn để phát triển QCN.
Vì vậy, việc hoàn thiện thể chế dân chủ là nhân tố hàng đầu trong việc bảo đảm QCN.
Có thể khẳng định "dân chủ xã hội chủ nghĩa là một hình thức chính trị - nhà nước của xã hội, thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của công dân, thừa nhận nhân dân là chủ thể của quyền lực" [127, tr.23]. Vì vậy, dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển của công cuộc đổi mới đất nước. Tuy nhiên, mở rộng dân chủ và quá trình dân chủ hóa phải được thực hiện trên một nền tảng pháp luật vững chắc và một cơ chế hoạt động hợp lý, có hiệu quả từ phía nhà nước. "Dân chủ hiện đại đi đôi với pháp luật. Nhà nước pháp quyền nói chung, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói riêng phải xây dựng được Hiến pháp và một hệ thống pháp luật đảm bảo tính đồng bộ, phản ánh và đáp ứng các yêu cầu của tiến bộ xã hội" [114]. Xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN vững mạnh là biện pháp quan trọng khắc phục những hạn chế của chế độ dân chủ trước đây, góp phần tiếp tục đẩy mạnh quá trình dân chủ hóa, bảo đảm ngày càng tốt hơn các QCN của công dân.
Hiện nay, để nâng cao hiệu quả của Nhà nước trong việc bảo đảm QCN, Đảng và Nhà nước chủ trương tiếp tục đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội, dưới nhiều hình thức sáng tạo, chẳng hạn, kết hợp thực hiện dân chủ ở cơ sở với không ngừng dân chủ hóa mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhằm thực hiện ngày càng đầy đủ các QCN. Dân chủ hóa còn được thể hiện thông qua việc thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin, thu hút sự tham gia của người dân và cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện và bảo vệ QCN…
Như vậy, quyền con người, kinh tế thị trường, dân chủ, nhà nước pháp quyền là vấn đề quan trọng của một nhà nước hiện đại. Sự phức tạp trong nội bộ nhà nước ở các quốc gia hiện nay đều liên quan tới việc giải quyết các mối quan hệ này. Vì vậy, nâng cao hiệu quả của Nhà nước trong việc bảo đảm QCN gắn liền với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN, hoàn thiện thể chế dân chủ để Nhà nước thực sự trở thành một bộ máy công quyền có hiệu lực.
4.1.3. Nâng cao hiệu quả của Nhà nước đối với việc bảo đảm quyền con người gắn với phát triển văn hóa và nâng cao dân trí
Quyền con người là nhu cầu vốn có của con người, nhưng trạng thái và mức độ thỏa mãn nó lại phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, văn hóa và trình độ dân trí của mỗi quốc gia. Quan điểm này đã được chủ nghĩa Mác- Lênin khẳng định "quyền không bao giờ có thể cao hơn trình độ phát triển kinh tế và văn hóa" của xã hội và tất nhiên, khi quyền được xác định và thực hiện, nó sẽ có tác động trở lại thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.
Văn hóa chính là tổng thể các giá trị do con người sáng tạo ra trong quá trình sản lao động, sản xuất, đấu tranh bảo vệ đất nước, chinh phục tự nhiên… Văn hóa với tư cách là thành tựu của QCN, là sự kết tinh các giá trị của đời sống con người trong suốt quá trình phát triển lịch sử, trở thành phương tiện và nền tảng, từ đó có quan điểm về QCN và hiện thực hóa quan điểm ấy. Vì vậy, việc bảo đảm và hiện thực hóa các QCN phải luôn trên nền tảng của đời sống văn hóa. Đây là con đường đúng đắn để tạo lập một nền văn hóa tiên tiến, nền văn hóa vì con người và QCN. Do đó, việc thiết lập cơ chế bảo đảm và thực hiện QCN trở thành nhân tố hàng đầu trong sự phát triển nền văn hóa nhằm đáp ứng những yêu cầu cấp bách hiện nay của các quốc gia, dân tộc.
Văn hóa thể hiện trình độ phát triển cao của con người, là sự thể hiện trình độ, các giá trị của con người đối với việc xây dựng, củng cố và thực thi pháp luật cùng với việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân bảo đảm QCN.Quyền