Chương 3 NHÀ NƯỚC VIỆT NAM ĐỐI VỚI VIỆC BẢO ĐẢM
3.1. HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ TÁC ĐỘNG CỦA NÓ ĐẾN NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM
3.1.1. Hội nhập quốc tế và quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam
Hội nhập quốc tế (international integration) là khái niệm được sử dụng rộng rãi và phổ biến. Hiện nay có nhiều cách hiểu và các định nghĩa khác nhau về HNQT, song có thể hiểu một cách chung nhất, Hội nhập quốc tế là quá trình các quốc gia tiến hành các hoạt động tăng cường sự gắn kết, liên kết họ với nhau, dựa trên sự chia sẻ về lợi ích, mục tiêu, giá trị, nguồn lực, quyền lực và tuân thủ các luật chơi chung trong khuôn khổ các định chế quốc tế hoặc quy định của các tổ chức mà quốc gia đó tham gia.
Từ định nghĩa trên, có thể hiểu bản chất của HNQT như sau:
Thứ nhất, HNQT là hoạt động hợp tác của các quốc gia bắt đầu từ kinh tế, nhưng không dừng ở đó, mà có thể diễn ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội (kinh tế đến chính trị, quốc phòng- an ninh, văn hóa- xã hội...). Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm biện chứng Mác-xít, quốc tế hóa đời sống kinh tế sẽ dẫn tới quốc tế hóa đời sống trên các mặt khác, hình thành nên những chuẩn mực chung trong đời sống quốc tế trên mọi lĩnh vực.
Thứ hai, HNQT là quá trình không có giới hạn về thời gian. Điều đó có nghĩa HNQT là một quá trình liên tục trong quan hệ hợp tác giữa các nước, có thể đi từ thấp đến cao, từ trạng thái này đến trạng thái khác.
Thứ ba, HNQT không chỉ diễn ra thông qua việc tham gia các cơ chế hợp tác song phương mà trên nhiều bình diện (đa phương, khu vực, liên khu vực...).
Thứ tư, HNQT chính là quá trình chủ động chấp nhận, xây dựng và áp dụng các luật lệ và chuẩn mực chung, theo thông lệ chung. Đây là đặc điểm phân biệt HNQT với các hoạt động hợp tác quốc tế. Nếu như hợp tác quốc tế (hành vi các chủ thể quốc tế đáp ứng lợi ích hay nguyện vọng của nhau, không chống đối nhau), HNQT vượt lên trên sự hợp tác quốc tế thông thường: nó đòi hỏi sự chia sẻ và tính kỷ luật cao của các chủ thể tham gia. Nhìn ở góc độ thể chế, quá trình hội nhập hình thành nên và
củng cố các định chế/tổ chức quốc tế, thậm chí là các chủ thế mới của quan hệ quốc tế. Những chủ thể quốc tế mới này có thể dưới dạng: (1) hoặc là một tổ chức liên chính phủ (các thành viên vẫn giữ chủ quyền quốc gia trong việc định đoạt chính sách, chẳng hạn như tổ chức Liên hợp quốc, ASEAN…), (2) hoặc là một tổ chức siêu quốc gia; (3) hoặc là một tổ chức lai ghép giữa hai hình thái trên.
Chủ thể của hội nhập quốc tế trước hết là các quốc gia, chủ thể chính của quan hệ quốc tế có đủ thẩm quyền và năng lực đàm phán, ký kết và thực hiện các cam kết quốc tế. Bên cạnh chủ thể chính này, các chủ thể khác cùng hợp thành lực lượng tổng hợp tham gia vào quá trình HNQT.
3.1.1.2. Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam
Hội nhập quốc tế là xu thế chung của thế giới và là sự lựa chọn tất yếu của các quốc gia. Những năm qua, dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, song Việt Nam luôn có những nhận thức xác đáng về thời đại, về tình hình thế giới và khu vực để có định hướng những chính sách đối nội và đối ngoại phù hợp.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI mở đầu cho thời kỳ đổi mới đất nước, với chủ trương tham gia mở rộng HTQT trong Hội đồng tương trợ kinh tế và mở rộng với các nước khác. Chủ trương này được cụ thể hơn tại Đại hội Đảng lần thứ VII, đó là "đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các quốc gia, các tổ chức kinh tế". Đại hội Đảng lần thứ VIII, thuật ngữ "hội nhập" bắt đầu được đề cập trong các văn kiện Đảng: "Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới". Phát triển quan điểm này, Đại hội Đảng lần thứ IX khẳng định "chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa" [30, tr.43]. Chủ trương này được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 07-NQ/TW "Về hội nhập kinh tế quốc tế", ngày 27/11/2001 của Bộ Chính trị.
Đại hội X, Đảng ta đã nhấn mạnh cần "chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác". Ngày 05/02/2007, Bộ chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới. Đại hội Đảng lần thứ XI, Đảng ta chủ trương "chủ động và tích cực hội nhập quốc tế". Đây là bước chuyển biến quan trọng trong tư duy của Đảng ta từ
"hội nhập kinh tế quốc tế" sang "hội nhập quốc tế" một cách toàn diện.
Cụ thể hóa chủ trương trên, ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22 Về hội nhập quốc tế. Nghị quyết nhấn mạnh: "Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hòa bình, hợp tác và phát triển" [2], trong đó xác định HNQT là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị, được thực hiện trên cơ sở phát huy tối đa nội lực;
gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đó là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh trên tất cả các lĩnh vực... Đây là văn kiện quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, làm rõ và thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về HNQT trong tình hình mới.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 22 của Bộ chính trị về Hội nhập quốc tế, ngày 23/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 596/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về HNQT. Ban Chỉ đạo quốc gia có 3 Ban Chỉ đạo liên ngành, đó là Ban Chỉ đạo liên ngành HNQT về chính trị, an ninh, quốc phòng; Ban Chỉ đạo liên ngành HNQT về kinh tế và Ban Chỉ đạo liên ngành HNQT về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo. Việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về HNQT là sự thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta tham gia HNQT một cách toàn diện và hiệu quả.
Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về HNQT, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Đến nay, Việt Nam đã xác lập quan hệ ngoại giao với 181 trong số 193 quốc gia thành viên LHQ, quan hệ kinh tế thương mại với 230 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam là thành viên tích cực của 70 tổ chức quốc tế và khu vực, có 98 cơ quan đại diện các quốc gia và vùng lãnh thổ khắp các châu lục trên thế giới, tham gia ký kết hàng trăm hiệp định, trong đó có 90 Hiệp định thương mại, 46 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 40 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, 81 thỏa thuận đối xử tối huệ quốc, đánh dấu sự hội nhập toàn diện, đầy đủ của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu.
Việt Nam tích cực triển khai một cách khẩn trương và có hiệu quả chủ trương làm sâu sắc quan hệ với các đối tác quan trọng. Hiện nay, chúng ta đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược với 13 nước (Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Anh, Đức, Italia, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Pháp), xác lập xác lập quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ, tạo nền tảng cho những bước phát triển mới trong quan hệ song phương vì lợi ích của hai nước, đồng thời góp phần cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và khu vực như: tham gia một cách chủ động, tích cực, có trách nhiệm vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, cùng các nước thành viên xác định những định hướng lớn cho Hiệp hội giai đoạn sau khi thành lập Cộng đồng vào năm 2015, thúc đẩy hợp tác, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Việt Nam và các nước ASEAN cũng đang nỗ lực cùng Trung Quốc hướng tới một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nhằm duy trì hòa bình, ổn định, kiểm soát các tranh chấp, góp phần xây dựng lòng tin và củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược ASEAN- Trung Quốc.
Việt Nam tăng cường tham gia toàn diện, sâu rộng vào các diễn đàn đa phương.
Cụ thể, Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU lần thứ 132 (tháng 3/2015), thông qua Tuyên bố Hà Nội, khẳng định sự phát triển bền vững lấy người dân làm trung tâm, thực hiện bảo đảm các QCN, nhằm xóa nghèo dưới mọi hình thức, xóa bỏ bất bình đẳng, phát huy quyền làm chủ của các cá nhân trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng lần thứ hai đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC (năm 2017).
Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế khác như: thành viên của Hội đồng Thống đốc tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), nhiệm kỳ 2013- 2015; thành viên của Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO (tháng 11/2013) và thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ (nhiệm kỳ 2014-2016) với số phiếu tín nhiệm (184/193). Kết quả đó thể hiện sự tín nhiệm và lòng tin của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam. Sự kiện thành lập Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam và chính thức tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ (ngày 27/5/2014) đánh dấu sự hội nhập toàn diện của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sau gần 30 năm thực hiện Đổi mới, Nhà nước Việt Nam đã đạt được những thành tựu trong tiến trình HNQT. Nếu việc tham gia WTO mở đầu sự hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế quốc tế thì với những hoạt động ngoại giao đa phương trên, Việt Nam đã tham gia hội nhập đầy đủ vào đời sống chính trị quốc tế. Chủ trương chủ động và tích cực HNQT đang đẩy tiến trình HNQT của chúng ta lên một tầm cao mới trên tất cả các lĩnh vực, đặt ra yêu cầu cao hơn về tranh thủ thời cơ chiến lược và sức mạnh thời đại cho phát triển đất nước cũng như giữ vững độc lập, tự chủ và môi trường ổn định khi hội nhập sâu rộng và toàn diện với khu vực và thế giới.
3.1.2. Tác động của Hội nhập quốc tế đến nhà nước đối với việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam
3.1.2.1. Những tác động tích cực
Hội nhập quốc tế đã và đang mở ra cho Nhà nước Việt Nam nhiều cơ hội đối với việc bảo đảm QCN trên nhiều lĩnh vực, đó là:
Thứ nhất, hội nhập quốc tế tác động đến tốc độ, quy trình xây dựng chính sách, pháp luật về quyền con người của Nhà nước
Nhà nước là chủ thể có vai trò quan trọng, quyết định trong hoạch định các chính sách, pháp luật, tổ chức thực thi chính sách, pháp luật về QCN, tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định trật tự chính trị, xã hội, tiền đề quan trọng cho việc bảo đảm QCN.
Tham gia HNQT, vai trò của nhà nước có sự thay đổi đáng kể, nhất là trong việc xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật về QCN. Tiến trình hội nhập của nước ta ngày càng sâu rộng thì càng đòi hỏi hệ thống hệ thống pháp luật phải đáp ứng được các yêu cầu theo thông lệ quốc tế, đặc biệt là việc công khai, minh bạch các thiết chế quản lý. Đây là tiền đề rất quan trọng để thúc đẩy quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật bảo đảm QCN. Mặt khác, tham gia HNQT, đặc biệt là gia nhập Tổ chức WTO đánh dấu bước phát triển về chất của tiến trình hội nhập, giúp nước ta có được vị thế bình đẳng như các thành viên khác trong việc hoạch định chính sách thương mại toàn cầu, tiếng nói được tôn trọng hơn, có quyền thương lượng và khiếu nại công bằng hơn đối với các tranh chấp thương mại trong khuôn khổ WTO, tạo điều kiện và cơ hội để bảo vệ lợi ích của đất nước, thúc đẩy tiến trình cải cách trong nước, bảo đảm cho tiến trình cải cách của nước ta đồng bộ hơn, có hiệu quả hơn tạo ra động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm QCN và xây dựng nhà nước pháp quyền ngày càng vững mạnh.
Trước những tác động của HNQT cùng với quá trình hoàn thiện nền KTTT định hướng XHCN, trách nhiệm của nhà nước càng được tăng lên trong việc hoạch định, xây dựng chính sách pháp luật, thiết kế các chương trình chính sách phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, hướng tới mục tiêu bảo đảm QCN. Nhờ đó, việc xây dựng chính sách, pháp luật về QCN của Nhà nước đã có những tiến bộ đáng ghi nhận cả về tốc độ và chất lượng. Nhà nước không chỉ "định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân và quyền con người" [32, tr.145] mà còn "chăm lo hạnh phúc và sự phát triển tự do, toàn diện của con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người, tôn trọng
và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam ký kết" [33, tr.239]. Đây là bước phát triển mới trong tư duy nhận thức về nghĩa vụ của nhà nước đối với việc bảo đảm QCN của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với nhận thức chung của cộng đồng quốc tế về trách nhiệm của các quốc gia đối với việc bảo vệ QCN.
Tuân thủ các chế định của các tổ chức quốc tế là yêu cầu có tính nguyên tắc với các nhà nước khi hội nhập. Chính vì vậy, HNQT đã thúc đẩy quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật, trong đó có chính sách, pháp luật về QCN của các nhà nước diễn ra nhanh hơn, chất lượng hơn, đáp ứng yêu cầu của hội nhập. Theo đó, nội dung các QCN ngày càng được mở rộng, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và yêu cầu của quá trình hoàn thiện nền KTTT định hướng XHCN.
Tham gia hội nhập, yêu cầu đặt ra với nhà nước phải có hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch. Đây là yêu cầu và động lực để Nhà nước ta sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia cho phù hợp với các nguyên tắc, quy định của pháp luật quốc tế. Việc nhà nước thực hiện cải cách kinh tế, minh bạch hóa chính sách, sửa đổi và hoàn thiện chính sách, pháp luật đã tạo điều kiện và cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm QCN. Nhiều bộ luật liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực của QCN được Nhà nước ta thông qua đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân vừa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập. Các văn bản pháp luật đó không chỉ thể hiện được trách nhiệm của nhà nước trong việc "tôn trọng và bảo vệ quyền con người" mà còn "gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân" [33, tr.76].
Điều này cho thấy, vai trò của nhà nước trong xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật về QCN ngày càng tăng trong quá trình hội nhập.
Hội nhập quốc tế tác động đến quá trình cải cách thể chế, xây dựng chính sách, pháp luật ở Việt Nam, là chất xúc tác thúc đẩy quá trình đổi mới, cải cách thể chế trong nước diễn ra nhanh hơn, đồng bộ và hiệu quả hơn, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm QCN. Những thay đổi trong chính sách đầu tư, đã thu hút được một lượng lớn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và đặc biệt là thu hút được một lực lượng lao động lớn, tạo cơ hội giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Theo số liệu của Tổng cục thống kế, tính đến tháng 1/2014, cả nước có 9.093 doanh nghiệp FDI đang hoạt động với số lao động trên 3,2 triệu người, gấp 8 lần trong nhăm 2000, trong đó doanh nghiệp 100%
vốn nước ngoài chiếm 92% (năm 2000 là 70,2%), doanh nghiệp liên doanh với ngoài chiếm 8% [122]. Bình quân mỗi năm thu hút 216,5 nghìn lao động, tạo điều kiện cho