Chương 2 BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI
2.1. QUYỀN CON NGƯỜI VÀ BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI
2.1.2. Bảo đảm quyền con người
2.1.2.1. Khái niệm bảo đảm quyền con người
Trong các tài liệu về QCN ở Việt Nam, mặc dù thuật ngữ bảo "đảm quyền con người" được nhắc đến khá nhiều, nhưng việc đưa ra khái niệm bảo đảm quyền con người chưa có nhiều tài liệu đề cập đến. Để tìm hiểu về "bảo đảm quyền con người", trước hết cần làm rõ khái niệm "bảo đảm".
Theo Từ điển tiếng Việt, "bảo đảm" là: Làm cho chắc chắn thực hiện được, giữ gìn được hoặc có đầy đủ những gì cần thiết để thực hiện được [93, tr.38]. Cách hiểu này không khác với nguyên tắc bảo đảm pháp luật ở Việt Nam và luật nhân quyền quốc tế. Chẳng hạn, Từ điển Luật học giải thích thuật ngữ bảo đảm pháp luật là "mọi quyền, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của công dân... đều được nhà nước bảo hộ bằng những điều luật cụ thể trong các đạo luật cụ thể" [132, tr.28]. Do đó, nhà nước có trách nhiệm bảo đảm các QCD đã được ghi trong các đạo luật phải được thực thi, phải tạo điều kiện tốt nhất có thể để mọi công dân được hưởng các QCN của mình.
Về khái niệm "bảo đảm quyền con người", đến nay, có nhiều cách hiểu khác nhau. Theo một số tài liệu của Liên hợp quốc thì cụm từ bảo đảm QCN hay được sử dụng để chỉ ra nghĩa vụ của các chủ thể có trách nhiệm trong việc bảo vệ và thúc đẩy các QCN. Lời nói đầu Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (1966) đều khẳng định: "theo Hiến chương Liên Hợp Quốc thì các quốc gia có nghĩa vụ thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ các quyền và những tự do cơ bản của con người" [124, tr.230].
Ở Việt Nam, bảo đảm QCN được khẳng định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 của Đảng, đó là: "phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân và các điều kiện để mọi người được phát triển toàn diện"; "Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân" [33, tr.85]. Thuật ngữ bảo đảm QCN tiếp tục được ghi nhận trong Hiến pháp 2013, "Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân" (Điều 3). Mặc dù chưa đưa ra định nghĩa bảo đảm QCN, nhưng tập hợp các ghi nhận trên, có thể khẳng định được vai trò, tầm quan trọng của việc bảo đảm QCN đồng thời chỉ ra nghĩa vụ của nhà nước là phải tôn trọng và bảo đảm QCN.
Tác giả Lê Thị Hồng Nhung, "Bảo đảm quyền con người là tạo ra các điều kiện cho quyền con người được vận hành trong thực tiễn hoặc bảo vệ nó chống lại hành vi xâm phạm quyền con người" [90, tr.182].
Từ góc độ luật học, tác giả Phạm Hồng Thái và Nguyễn Thị Thu Hương định nghĩa: "Bảo đảm quyền con người là việc tạo ra các tiền đề, điều kiện về chính trị, kinh tế, xã hội, pháp lý và tổ chức để cá nhân, công dân, các tổ chức của công dân thực hiện được các quyền, tự do, lợi ích chính đáng của họ đã được pháp luật ghi nhận" [109, tr.1].
Theo các tác giả, bảo đảm QCN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định, là cốt lõi, là sự thể chế hóa các bảo đảm về chính trị, kinh tế, xã hội, tổ chức thành các chuẩn mực có tính bắt buộc mà nhà nước, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội phải thực hiện để bảo đảm QCN và QCD. Các bảo đảm về pháp lý này rất phong phú và đa dạng, trước hết là sự ghi nhận các QCN và QCD đến việc tạo ra các điều kiện pháp lý, các điều kiện về tổ chức, việc thiết lập cơ chế, bộ máy chuyên trách bảo đảm các QCN và QCD.
Trong Giáo trình cao cấp lý luận chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, "Bảo đảm quyền con người là việc các chủ thể có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp về lập pháp, hành pháp, tư pháp, kinh tế, thể chế…để hiện thực hóa các nguyên tắc và tiêu chuẩn về quyền con người trong hoạt động quản lý của nhà nước, trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, dân tộc" [50, tr.384].
Định nghĩa này đã xác định được chủ thể bảo đảm QCN, đồng thời liệt kê được khá đầy đủ về các điều kiện cần thiết, cách thức và biện pháp áp dụng của chủ thể có nghĩa vụ trong việc bảo đảm QCN. Các biện pháp mà chủ thể bảo đảm QCN áp dụng là lập pháp (ban hành luật), hành pháp (tổ chức thực thi pháp luật), tư pháp (áp dụng pháp luật), thể chế (các quy tắc, quy chế được sử dụng để điều hành hoạt động của chủ thể đạt được mục tiêu đề ra).
Tuy nhiên, với cách định nghĩa trên, chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm QCN đề cập đến chủ yếu là nhà nước, còn các chủ thể khác hầu như chưa được đề cập. Theo chúng tôi, việc bảo đảm QCN không chỉ có nhà nước mà còn có rất nhiều chủ thể khác (các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, gia đình, nhà trường, cá nhân....) đều tham gia thực hiện ở các cấp độ khác nhau.
Ở cấp độ cá nhân, mỗi cá nhân đều là chủ thể QCN của mình, do đó, bảo vệ và thực hiện QCN phải được coi trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Ở cấp độ cộng đồng, dù tồn tại dưới hình thức nào, gắn kết với nhau bằng yếu tố nào, các cộng đồng đều phải có trách nhiệm bảo vệ và thực hiện QCN. Hoạt động bảo vệ và thực hiện QCN có thể là những quy ước, quy tắc đạo đức, qua đó ý thức bảo vệ QCN của các thành viên trong cộng đồng được nâng cao. Cấp độ địa phương được
hiểu là trách nhiệm bảo đảm QCN của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội và toàn thể dân cư được phân bổ theo địa giới hành chính là cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh.
Bảo đảm ở cấp quốc gia, là trách nhiệm bảo vệ QCN của toàn bộ dân cư trong quốc gia đó và Nhà nước là người thực hiện quản lý thống nhất về bảo đảm QCN thông qua xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật về QCN, tổ chức thực thi chính sách, pháp luật về QCN, xây dựng và củng cố các thiết chế bảo vệ QCN, huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội trong bảo đảm QCN, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và hợp tác quốc tế trên lĩnh vực QCN. Ở cấp quốc tế, các quốc gia đang nỗ lực hợp tác nhằm bảo đảm QCN toàn cầu. Các hội nghị quốc tế được tổ chức, các tổ chức quốc tế đang được hình thành và các công ước, điều ước quốc tế về QCN được ký kết là thành quả nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế...
Trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về bảo đảm QCN ở trên, chúng tôi cho rằng, bảo đảm quyền con người là việc các chủ thể (cá nhân, nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội...) có nghĩa vụ sử dụng các biện pháp, cách thức để hiện thực hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn về quyền con người nhằm bảo vệ và thực thi hiệu quả các quyền và tự do cơ bản của con người trong các hoạt động của mình, ngăn ngừa sự lạm dụng, vi phạm quyền con người từ phía các chủ thể khác.
Với cách hiểu trên, theo chúng tôi, bảo đảm quyền con người bao hàm hai nội dung cơ bản:
Thứ nhất, đó là những nguyên tắc, quy tắc, cách thức, thủ tục... để thúc đẩy và bảo vệ QCN. Quyền con người có nội dung phong phú, đa dạng, phức tạp do đó, để thúc đẩy và bảo đảm QCN cần có những nguyên tắc, tiêu chuẩn, cách thức khác nhau.
Các nguyên tắc, tiêu chuẩn về QCN là nhân tố quan trọng, là điều kiện cần thiết để các chủ thể thực hiện nghĩa vụ bảo vệ và thúc đẩy QCN. Do đó, tính hiệu quả của việc bảo đảm QCN phụ thuộc nhiều vào các nguyên tắc, tiêu chuẩn này.
Thứ hai, đó là các yếu tố, các chủ thể... tham gia vào việc thúc đẩy và bảo vệ QCN. Việc bảo đảm QCN ngày nay phải gắn với những hoạt động có ý thức của các chủ thể có nghĩa vụ nhằm đưa nguyên tắc về QCN (tính bất khả xâm phạm; bình đẳng và không phân biệt đối xử, tương tác và phụ thuộc lẫn nhau; trách nhiệm giải trình và nhà nước pháp quyền...). Tiêu chuẩn về QCN là những tiêu chuẩn cơ bản, tối thiểu trên từng lĩnh vực nhằm giúp mọi người đạt được cuộc sống trong nhân phẩm, danh dự, như: không bị bắt và giam giữ vô cớ; không bị tra tấn, trừng phạt tàn nhẫn, vô nhân đạo; có mức sống thỏa đáng về thể chất, tinh thần; được tiếp cận với các dịch vụ giáo
dục và chăm sóc sức khỏe...). Các nguyên tắc và tiêu chuẩn này phải được thấm sâu vào các giai đoạn của quá trình hoạch định và thực thi luật pháp, trong mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Trong điều kiện hiện nay, bảo đảm các QCN, cần phải:
Bảo đảm về chính trị, chính trị là một trong bốn lĩnh vực của đời sống xã hội có giai cấp liên quan mật thiết tới QCN. Đường lối chính trị của một quốc gia là nhằm bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển kinh tế phát triển, thực thi dân chủ. Do đó, ổn định về chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo đảm QCN.
Một nhà nước có nền chính trị ổn định sẽ là điều kiện thuận lợi và vững chắc cho công tác bảo bảo QCN và ngược lại, một nhà nước có nền chính trị bất ổn sẽ trở thành rào cản cho việc bảo đảm QCN. Chính vì vậy, nhà nước phải xây dựng một xã hội có cơ cấu tổ chức và chế độ chính trị hướng tới tôn trọng, bảo vệ QCN, tạo được một môi trường chính trị ổn định làm tiền đề vững chắc cho việc bảo đảm và thực thi có hiệu quả các QCN.
Bảo đảm về kinh tế, QCN có mối liên hệ mật thiết với kinh tế, bởi quyền không thể cao hơn trình độ phát triển kinh tế, xã hội. Hơn nữa, bảo đảm tốt các QCN góp phần thúc đẩy và duy trì sự phát triển kinh tế. Do đó, trách nhiệm của nhà nước là phải tạo ra những điều kiện kinh tế để người dân có thể có cuộc sống ngày một đầy đủ hơn và khi quyền kinh tế được bảo đảm sẽ tạo động lực và cơ hội để bảo đảm các quyền và tự do cơ bản khác của người dân.
Bảo đảm về văn hóa, văn hóa có mối quan hệ mật thiết với QCN, bảo đảm về văn hóa là một trong các điều kiện cần thiết cho việc bảo đảm QCN và là trách nhiệm của nhà nước bởi lẽ, "văn hóa quyền con người có được sức mạnh lớn nhất từ những mong muốn hiểu biết của mỗi cá nhân. Trách nhiệm bảo vệ quyền con người thuộc về nhà nước. Nhưng chính những hiểu biết, tôn trọng và mong muốn về quyền con người của mỗi cá nhân đều là điều mang lại kết cấu và sức bật hàng ngày cho quyền con người" [146, tr.27].
Bảo đảm về pháp luật, bảo đảm QCN bằng pháp luật là một nguyên tắc của nhà nước pháp quyền. Để thực hiện nguyên tắc này, nhà nước là phải thể chế hóa các tiêu chuẩn và nguyên tắc về QCN trong hiến pháp và pháp luật quốc gia. Do đó, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền là điều kiện và môi trường để tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật mà không có bất kỳ sự phân biệt, đối xử nào. Điều kiện bảo
đảm QCN ở mỗi nhà nước liên quan đến hàng loạt các lĩnh vực từ chính, kinh tế đến hiến pháp, pháp luật và thực hiện dân chủ, nhất là thực tiễn thực thi pháp luật.
Bảo đảm về thể chế (institutions). Thể chế là khái niệm chỉ cơ cấu tổ chức và các thủ tục (hay quy chế) hoạt động của các cơ quan có chức năng trong việc bảo vệ và thúc đẩy QCN. Trách nhiệm của mỗi nhà nước là phải xây dựng thể chế bảo bảo đảm QCN hoạt động hiệu quả theo hướng công khai, minh bạch, thực hiện có cơ chế giám sát việc bảo đảm QCN phù hợp với yêu cầu của nhà nước pháp quyền. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ pháp luật, đạo đức có tinh thần trách nhiệm cao, tận tuy phục vụ công tác bảo đảm QCN, xây dựng cơ chế huy động nguồn lực tài chính một cách hợp lý từ ngân sách quốc gia, HTQT và của xã hội vào quá trình bảo đảm QCN.
2.1.2.2. Tầm quan trọng của bảo đảm quyền con người
- Bảo đảm quyền con người là mục tiêu cốt lõi của luật nhân quyền quốc tế Bảo đảm QCN trở thành nguyên tắc cơ bản, là mục tiêu cốt lõi của Luật nhân quyền quốc tế và là một trong những nội dung quan trọng bậc nhất của các Hiến pháp dân chủ trên thế giới. Điều 2, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (1966) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (1966) đều ghi nhận: Các quốc gia thành viên Công ước cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền pháp lý của mình các quyền đã được công nhận trong Công ước này, không có sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo; nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân... Điều 1, Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức (1949), sửa đổi năm 1993 đã công nhận: Các quyền con người cơ bản trong hiến pháp sẽ ràng buộc các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp như luật có thể áp dụng trực tiếp.
Ở Việt Nam, vấn đề bảo đảm QCN đã được khẳng định từ Hiến pháp 1946 và tiếp tục được kế thừa trong Hiến pháp 1959, 1980, 1992 và 2013. Điều 14, Hiến pháp 2013 của Việt Nam ghi nhận: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
- Bảo đảm quyền con người là một nội dung cơ bản của nguyên tắc tiến bộ và công bằng xã hội.
Tiến bộ và công bằng xã hội là những giá trị nhân văn mang tính nguyên tắc của các quá trình phát triển hiện nay. Trong điều kiện TCH và HNQT hiện nay, tăng trưởng
kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, gắn liền với trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển, bảo đảm QCN trên cơ sở giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia là yêu cầu trọng tâm của các quốc gia.
Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ phức tạp và khó khăn. Sự tồn tại của tình trạng bất công sâu sắc giữa các nhóm người, sự gia tăng của khoảng cách giàu nghèo, sự vi phạm nghiêm trọng các QCN chẳng những là một thất bại xã hội mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mâu thuẫn, xung đột, đe dọa sự phát triển bền vững của các quốc gia, dân tộc. Nguyên nhân cơ bản của hiện tượng này là các hoạt động phát triển, đặc biệt là phát triển kinh tế tách khỏi các hoạt động bảo đảm QCN cả về lý luận và thực tiễn.
Nhiều quốc gia trong khi theo đuổi các chiến lược phát triển đã bỏ qua các tiêu chuẩn và nguyên tắc cơ bản về QCN trong xây dựng mục tiêu và triển khai các biện pháp thúc đẩy phát triển, cũng như trong quá trình xây dựng và thực thi luật pháp, chính sách. Biểu hiện cụ thể của tình trạng này là xã hội thiếu các công cụ có tính pháp quyền để bảo vệ các quyền bình đẳng, ngăn ngừa tình trạng phân biệt đối xử, đáp ứng những đòi hỏi cơ bản và tối thiểu của người dân, nhất là các nhóm xã hội dễ tổn thương. Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội, nhiệm vụ đặt ra là: Phải bảo vệ các quyền con người, quyền công dân; xây dựng các thể chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ. Hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo vệ thất nghiệp, trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, có khả năng bảo vệ và giúp đỡ mọi thành viên xã hội, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương vượt qua khó khăn hoặc rủi ro trong đời sống [33, tr.288].
- Bảo đảm quyền con người là yêu cầu cơ bản của quá trình phát huy dân chủ và xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Dân chủ, pháp quyền và QCN luôn có mối quan hệ chặt chẽ và thúc đẩy lẫn nhau.
Bảo đảm QCN cần có dân chủ và pháp quyền, cũng như thực hiện pháp quyền và dân chủ trong thời đại ngày nay đều có yêu cầu bảo đảm toàn bộ các QCN đã được pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia ghi nhận.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân; bao nhiêu quyền hạn đều của dân; công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương đều do dân cử ra" [84, tr. 698]. Cụ thể hóa quan điểm này, Đại hội lần thứ XI của Đảng nhấn mạnh: Xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả các quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân… Cán bộ, công chức phải hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, tôn