Đặc điểm của pháp luật Liên minh Châu Âu về người tị nạn

Một phần của tài liệu Quy định của liên minh châu âu về người tị nạn và kinh nghiệm đối với ASEAN (Trang 21 - 24)

CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI TỊ NẠN VÀ PHÁP LUẬT CỦA LIÊN MINH CHÂU ÂU VỀ NGƯỜI TỊ NẠN

1.2. Khái quát pháp luật của Liên minh Châu Âu về người tị nạn

1.2.1. Đặc điểm của pháp luật Liên minh Châu Âu về người tị nạn

Hiện nay, Châu Âu đang phải đương đầu với nhiều thách thức lớn nhất trong suốt 60 năm thành lập đến nay. Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất chính là đối phó với làn sóng người tị nạn đổ dồn đến biên giới Châu Âu trong một khoảng thời gian quá ngắn khiến cho các quốc gia thành viên không thể nào giải quyết.

Nguyên nhân do cuộc nội chiến tại Syria giữa các phe phái trong nước với hàng loạt vũ khí hóa học được sử dụng, tra tấn tù nhân, hành quyết tập thể và tấn công dân thường đã làm người dân Syria hoảng sợ. Một số lượng lớn, hơn 4 triệu người dân Syria đã tìm cách thoát khỏi đất nước loạn lạc tự mình đi xin tị nạn tại các nước Châu Âu giàu mạnh hơn. Họ chấp nhận chọn cách băng qua Địa Trung Hải bằng

những phương thức mạo hiểm nhất, ví dụ như sử dụng xuồng cao su thông qua dịch vụ của những kẻ buôn người.

Chính vì vậy, Liên minh Châu Âu đã đưa ra các chính sách pháp luật dành cho người tị nạn để nhằm giải quyết vấn đề này chung cho toàn Liên minh Châu Âu và hạn chế tình trạng quá tải người tị nạn tại những quốc gia biên giới. Có thể thấy, pháp luật của Liên minh Châu Âu về người tị nạn có những đặc trưng như sau:

- Là khung pháp lý cho mọi hoạt động liên quan đến vấn đề người tị nạn của Liên minh Châu Âu. Xuất phát từ bản chất Liên minh Châu Âu, một khối liên kết giữa các quốc gia, hệ thống tổ chức của EU là một thiết chế chặt chẽ được hình thành và phát triển dần dần qua các Hiệp ước thành lập theo hướng tạo ra một Châu Âu thống nhất theo kiểu liên bang. Như vậy, pháp luật của Liên minh Châu Âu về người tị nạn xác lập, ấn định quyền và nghĩa vụ cụ thể cho tất cả các quốc gia thành viên trong Liên minh và đồng thời còn có tính bắt buộc đối với các thể nhân, pháp nhân thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Liên minh Châu Âu.

Có thể thấy điều này thực sự có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết vấn đề người tị nạn. Bởi hiện nay, người tị nạn khi đến Châu Âu đang vấp phải nhiều trở ngại, và số lượng người tị nạn quá lớn tạo áp lực cho các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia biên giới Châu Âu. Để giải quyết cần có sự phối hợp, liên kết của tất cả các quốc gia và cần có một hệ thống pháp luật chung của Liên minh Châu Âu để thống nhất hoạt động giải quyết vấn đề về người tị nạn giữa các quốc gia.

- Là một hệ thống pháp luật độc lập với pháp luật quốc gia thành viên và có các văn bản pháp luật đa dạng. Điều này được chứng minh qua các văn bản của Hệ thống tị nạn chung Châu Âu. Tính độc lập thể hiện ở việc các văn bản pháp luật chung về người tị nạn của Liên minh Châu Âu có hiệu lực áp dụng trên toàn bộ các nước thành viên của Liên minh quy định vấn đề chung về người tị nạn như Tiêu chuẩn cấp tình trạng tị nạn, Trách nhiệm của các quốc gia, Giải quyết vấn đề phát sinh giữa các quốc gia thành viên,... và không phụ thuộc vào pháp luật quốc gia.

Tính đa dạng thể hiện rõ ở việc số lượng các văn bản, hình thức các văn bản pháp luật, bao gồm:

Hiệp ước bao gồm những hiệp ước thành lập, quy định quyền của Liên minh Châu Âu (đây là nguồn luật gốc). Quy chế, chỉ thị và quyết định là các nguồn luật phái sinh. Trong đó, quy chế (regulation) là văn bản có hiệu lực bắt buộc và được áp dụng trực tiếp với các công dân và quốc gia thanh viên của Liên minh Châu Âu.

Chỉ thị (Directive) là văn bản chỉ có hiệu lực bắt buộc với những quốc gia thành

viên được chỉ định trong văn bản và không phải đều có thể áp dụng trực tiếp. Quyết định (Decision) là văn bản chỉ có hiệu lực với cá nhân, thể nhân hoặc quốc gia được chỉ định trong văn bản, quyết định được sử dụng trong trường hợp Liên minh triển khai thực hiện các Hiệp ước, quy chế hoặc chỉ thị (6).

Án lệ là các phán quyết của Tòa án công lý Châu Âu (CJEU) và Tòa sơ thẩm Châu Âu (CFJ). Án lệ trong luật quốc tế chỉ là nguồn bổ trợ nhưng trong hệ thống pháp luật tị nạn Châu Âu, án lệ là nguồn đặc biệt không chỉ có hiệu lực bắt buộc với các bên đương sự mà còn có giá trị bắt buộc với các chủ thể khác khi ở trong hoàn cảnh tương tự án lệ. Ví dụ như phán quyết của CJEU về việc nộp đơn xin tị nạn của trẻ em chưa thành niên không có người lớn đi kèm (7).

- Có giá trị pháp lý cao hơn luật pháp quốc gia và có hiệu lực trực tiếp.

Thông qua án lệ, Tòa CJEU đã ghi nhận nguyên tắc pháp luật Liên minh có giá trị hiệu lực pháp lý cao hơn luật quốc gia thành viên. Vụ việc giữa Flaminio Costa v ENEL (1964) - Trường hợp 6/64 là một quyết định mang tính bước ngoặt của Toà án Công lý Châu Âu, đã thiết lập quyền tối cao của pháp luật Liên minh Châu Âu đối với luật pháp của các quốc gia thành viên. Ngoài ra, trong Điều 17 của Hiệp ước Lisbon 2007, có ghi nhận: “...để phù hợp với phán quyết của Tòa CJEU, các Hiệp ước và luật được ban hành bởi Liên minh dựa trên cơ sở các Hiệp ước sẽ có quyền ưu tiên hơn pháp luật của các quốc gia thành viên theo các điều kiện được đưa ra bởi án lệ nói trên” (8).

Hiệu lực trực tiếp của pháp luật tị nạn Liên minh Châu Âu thể hiện ở hai góc độ: Hiệu lực trực tiếp theo chiều dọc tức là một cá nhận công dân hoặc pháp nhân của quốc gia thành viên có thể áp dụng hoặc viện dẫn trực tiếp pháp luật Liên minh Châu Âu để chống lại một quốc gia thành viên hoặc thiết chế của cộng đồng. Hiệu lực trực tiếp theo chiều ngang có nghĩa là bất kỳ cá nhân, pháp nhân nào đều có quyền áp dụng hoặc viện dẫn pháp luật Liên minh Châu Âu để chống lại cá nhân, pháp nhân khác trước Tòa án của quốc gia thành viên (9).

6 Xem thêm Mục 1.2.2 và Chương 2 của Luận văn.

7 Xem thêm Mục 2.3.2 Chương 2 của Luận văn.

8 Tomaasz Kramer (2011), Main characteristics of EU Law Relations between EU law and National Legal Systems, European Centre for Judges and Lawyers, EIPA Luxembourg, tr. 18, 19.

Trang web: http://www.ab.gov.tr/files/EKYB/egitim_materyalleri/main_characteristics_of_eu_law.pdf. Ngày truy cập:

16/07/2017.

9 Xem thêm Mục 2.2.4 Chương 2 của Luận văn.

- Có cơ chế đảm bảo thi hành pháp luật về người tị nạn (10). Cơ chế đảm bảo thi hành của Liên minh EU có những nét tương đồng với một quốc gia nhưng mức độ đảm bảo không bằng. Theo quy định của Liên minh Châu Âu, Ủy ban Châu Âu sẽ là cơ quan giám sát việc thực hiện của các quốc gia thành viên. Bên cạnh đó, Tòa án công lý Châu Âu, Tòa án Nhân quyền Châu Âu sẽ xử lý những vụ kiện liên quan đến vấn đề người tị nạn và yêu cầu các bên thực hiện theo phán quyết. Mặt khác, nếu quốc gia thành viên từ chối thi hành phán quyết thì sẽ phải chịu một số hình phạt đến từ các thiết chế khác của Liên minh Châu Âu, hình thức phạt có thể là: từ chối viện trợ tài chính cho quốc gia đó,.... nhằm răn đe các quốc gia thành viên.

Một phần của tài liệu Quy định của liên minh châu âu về người tị nạn và kinh nghiệm đối với ASEAN (Trang 21 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)