CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI TỊ NẠN VÀ PHÁP LUẬT CỦA LIÊN MINH CHÂU ÂU VỀ NGƯỜI TỊ NẠN
1.3. Cơ chế giám sát, đảm bảo thi hành và hỗ trợ thực hiện pháp luật về người tị nạn của Liên minh Châu Âu
1.3.2. Các cơ quan hỗ trợ
1.3.2.1. Văn phòng Hỗ trợ Tị nạn Châu Âu (EASO):
Văn phòng Hỗ trợ Tị nạn Châu Âu (European Asylum Support Office – hay gọi tắt là EASO) được thành lập dựa trên Quy chế (EU) 439/2010 của Nghị viện và của Hội đồng Châu Âu ngày 19 tháng 5 năm 2010 về việc thành lập Văn phòng Hỗ trợ Tị nạn Châu Âu (hay còn gọi là Quy chế thành lập EASO số 439/2010).
Mục đích hình thành: Trong Kế hoạch Chính sách về Tị nạn được thông qua vào tháng 06/2008, Ủy ban Châu Âu đã thông báo ý định phát triển Hệ thống Tị nạn chung Châu Âu - CEAS bằng cách đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành để đạt được sự hài hòa hóa các tiêu chuẩn áp dụng và tăng cường hỗ trợ hợp tác thực tế giữa các quốc gia thành viên, đặc biệt bằng một đề xuất lập pháp thành lập Văn phòng Hỗ trợ Tị nạn Châu Âu - EASO. Mục đích EASO được thành lập nhằm cải thiện việc thực hiện Hệ thống Tị nạn chung Châu Âu (CEAS), tăng cường hợp tác trong thực tế giữa các quốc gia thành viên về tị nạn, cung cấp hoặc điều phối các
20 Trang web: http://www.nhanquyen.vn/modules.php?name=News&op=detailsnews&mid=57&mcid=3. Ngày truy cập:
12/06/2017.
21 Xem thêm Mục 2.2.4 Chương 2 của Luận văn
quy định hỗ trợ hoạt động cho các quốc gia thành viên chịu áp lực đặc biệt đối với hệ thống tị nạn và tiếp nhận của họ (22).
Nhiệm vụ hoạt động của Văn phòng Hỗ trợ Tị nạn chung Châu Âu - EASO:
Hoạt động của Văn phòng Hỗ trợ Tị nạn chung Châu Âu tập trung vào ba nhiệm vụ chính là hỗ trợ hợp tác thực tế giữa các quốc gia thành viên về tị nạn, hỗ trợ các nước thành viên chịu áp lực đặc biệt và đóng góp vào việc thực hiện CEAS.
Cụ thể:
- Hỗ trợ hợp tác thực tế về tị nạn (23): Điều phối, thúc đẩy các hoạt động cho phép trao đổi thông tin liên quan đến vấn đề tị nạn giữa các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu; Thúc đẩy các hoạt động liên quan đến thông tin của nước gốc (Thu thập thông tin chính xác có độ tin cậy cao, Soạn báo cáo, Phân tích thông tin);
Hỗ trợ quốc gia phải đối mặt với áp lực tị nạn bằng cách di dời người cần được bảo vệ quốc tế và hỗ trợ họ tái định cư trong phạm vi lãnh thổ của Liên minh Châu Âu;
Hỗ trợ đào tạo các nhân viên có thẩm quyền của các quốc gia thành viên (nội dung đào tạo: pháp luật quốc tế về nhân quyền, pháp luật của EU về người tị nạn, kỹ năng giải quyết các đơn xin, kỹ năng phỏng vấn,....); Hỗ trợ các công việc của CEAS (trao đổi thông tin về việc tái định cư, hợp tác với nước thứ ba xây dựng hệ thống tiếp nhận người tị nạn trên cơ sở bền vững,...).
- Hỗ trợ các quốc gia chịu áp lực đặc biệt (24): Thu thập và phân tích thông tin để chuẩn bị kế hoạch đối phó với các tình huống khẩn cấp; Hỗ trợ các quốc gia thành viên (Xác định thẩm quyền theo đơn xin tị nạn để giảm áp lực với quốc gia có nhiều đơn xin tị nạn, Thiết kế các biện pháp thích hợp đối với các quốc gia tiếp nhận) nhưng không có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến việc ra quyết định tị nạn của các quốc gia thành viên về các đơn yêu cầu bảo vệ quốc tế.
- Đóng góp vào việc thực hiện CEAS (25): Hỗ trợ, phối hợp thu thập và trao đổi thông tin giữa các cơ quan tị nạn của quốc gia thành viên và giữa Ủy ban Châu Âu với cơ quan tị nạn của các quốc gia; Lập báo cáo đánh giá hoạt động của Văn phòng và phân tích chung về CEAS, tham gia hỗ trợ Hội đồng và Ủy ban Châu Âu.
Để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, Văn phòng hỗ trợ phải độc lập về các vấn đề kỹ thuật và phải được tự chủ về pháp luật, hành chính và tài chính. Để
22 Điều 2 Quy chế thành lập EASO số 439/2010
23 Điều 3, 4, 5, 6, 7 Quy chế thành lập EASO số 439/2010
24 Điều 8, 9, 10 Quy chế thành lập EASO số 439/2010
25 Điều 11, 12 Quy chế thành lập EASO số 439/2010
đạt được mục đích đó, Văn phòng hỗ trợ phải là cơ quan của Liên minh Châu Âu có tư cách pháp nhân và thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo Quy chế thành lập.
Ngoài ra, Văn phòng hỗ trợ phối hợp chặt chẽ với Cao ủy Tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) và, nếu phù hợp, với các tổ chức quốc tế có liên quan khác để nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn. Hơn nữa, Văn phòng hỗ trợ còn hợp tác với các cơ quan khác của Liên minh Châu Âu, đặc biệt với Cơ quan Châu Âu về kiểm soát các hoạt động hợp tác tại biên giới EU (FRONTEX) được thành lập theo Quy định của Hội đồng Châu Âu (2005) và Cơ quan Liên minh Châu Âu về các Quyền cơ bản (FRA), được thành lập theo Quy định của Hội đồng (EC) số 168/2007.
Như vậy, được thành lập vào năm 2010, EASO có nhiệm vụ chính hỗ trợ chính quyền tị nạn tại các nước thành viên EU, đặc biệt là các nước đang phải chịu áp lực tị nạn. EASO đào tạo và giảng dạy cho nhân viên của các cơ quan quốc gia thành viên có liên quan với mục đích góp phần làm hài hoà hơn nữa các quy trình tị nạn và kết quả của các quyết định tị nạn ở các quốc gia thành viên EU. Theo kết quả của mục đích làm hài hòa, EASO đã soạn các báo cáo về tình hình nhân quyền và an ninh tại các quốc gia gốc của người đến Châu Âu xin tị nạn. EASO cũng tham gia vào các hệ thống cảnh báo sớm, càng ngày càng tham gia nhiều hơn, tiếp cận điểm nóng, hỗ trợ chính quyền ở Hy Lạp và Ý xác định và xử lý các đơn xin tị nạn.
Theo Ủy ban Châu Âu, EASO đóng một vai trò quan trọng trong tương lai và sẽ thực hiện các chính sách mới mạnh mẽ hơn, vai trò hoạt động của EASO sẽ được tăng cường để tạo điều kiện cho hoạt động của CEAS. Điều này được phản ánh trong đề xuất của EC đối với Quy chế về Cơ quan Tị nạn Châu Âu vào ngày 04/05/2016, tăng cường thêm nhiệm vụ của EASO trong việc theo dõi thực hiện các tiêu chuẩn tị nạn của EU cũng như các hoạt động của nó (26).
1.3.2.2. Cơ quan kiểm soát các hoạt động hợp tác tại biên giới Châu Âu (FRONTEX) hay còn gọi Cơ quan Biên giới và Cảnh sát biển Châu Âu (EBCGA):
Cơ quan kiểm soát các hoạt động hợp tác tại biên giới Châu Âu (The European Agency for the Management of Operational Cooperation at the External
26 Đề xuất đối với Quy chế của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu về Cơ quan Liên minh Châu Âu về tị nạn và bãi bỏ Quy chế (EU) số 439/2010, ngày 4/5/2016, tại Bussels, Bỉ. Trang web: http://ec.europa.eu/dgs/home-affairs/whatwe- do/policies/european-agenda-migration/proposal-implementationpackage/docs/20160504/easo_proposal_en.pdf. Ngày truy cập: 02/06/2017.
Borders – hay còn gọi là Frontex).
Frontex được thành lập theo Quy chế của Hội đồng (EC) 2007/2004 và đã đi vào hoạt động vào ngày 03/10/2005 (27). Nhiệm vụ của Frontex là hỗ trợ Liên minh Châu Âu thực hiện kiểm soát biên giới và phối hợp hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong quản lý biên giới bên ngoài mỗi quốc gia thành viên để kiểm soát biên giới của mình (28).
Cụ thể, cơ quan này hỗ trợ các quốc gia thành viên đào tạo đội ngũ biên phòng quốc gia, tiến hành phân tích rủi ro thông qua Đơn vị phân tích rủi ro (Risk Analysis Unit – gọi tắt là RAU) và Mạng lưới Phân tích Rủi ro của Frontex (The Frontex Risk Analysis Network – gọi tắt là FRAN), tiến hành các nghiên cứu liên quan đến kiểm soát và giám sát các biên giới bên ngoài, giúp các quốc gia thành viên cần hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ hoạt động ở các biên giới ngoài và hợp tác với Europol và Eurojust trong việc phát hiện và ngăn ngừa tội phạm và khủng bố xuyên biên giới có tổ chức.
Trước tình cảnh người tị nạn gặp nạn ở biển Địa Trung Hải vào 04/2015, một trong những phản ứng đầu tiên dựa trên Chương trình Châu Âu về Di cư là giao nhiệm vụ cho Frontex tiến hành “Chiến dịch phối hợp Triton” để hỗ trợ các cơ quan chức năng của Ý kiểm soát biên giới ở Địa Trung Hải. Frontex cũng là một trong những đối tác chính hỗ trợ Hy Lạp và Ý tại các điểm nóng “hotspot” mới thành lập. Tiếp đó, Quy chế (EU) 2016/1624 được thông qua (thay thế Quy chế EC 2007/2004) thành lập Lực lượng Cảnh sát Biên giới và Bờ biển Châu Âu (The European Border and Coast Guard Agency - gọi tắt làEBCGA) có vai trò và nhiệm vụ mạnh mẽ hơn. EBCGA bao gồm Frontex và các cơ quan quốc gia thành viên chịu trách nhiệm về quản lý biên giới. Do đó, nó đóng góp vào việc kiểm soát, tăng cường và thống nhất biên giới bên ngoài của các nước thành viên hiệu quả, đặc biệt tìm kiếm, cứu hộ trên biển và trả lại lợi ích cho công dân nước thứ ba không có quyền ở các nước EU.
27 Quy chế Hội đồng (EC) số 2007/2004 ngày 26/10/2004, được sửa đổi bởi Quy chế EC số 863/2007 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu ngày 11/07/2007 thành lập cơ chế các nhóm can thiệp nhanh vào biên giới. Và được sửa đổi lần cuối cùng bởi Quy chế (EU) số 1168/2011 của Nghị viện và của Hội đồng Châu Âu ngày 25/10/2011 về việc tthành lập Cơ quan Quản lý Hợp tác Hoạt động Châu Âu tại các biên giới bên ngoài các nước thành viên của Liên minh Châu Âu.
28 Quy chế (EU) số 656/2014 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu ngày 15/05/2014 thiết lập các quy tắc để giám sát các biên giới biển bên ngoài trong khuôn khổ hợp tác hoạt động phối hợp bởi Cơ quan kiểm soát các hoạt động hợp tác tại biên giới của các nước thành viên Liên minh Châu Âu.
1.3.2.3. Các cơ quan hỗ trợ khác (29):
Văn phòng Cảnh sát Châu Âu (The European Police Office – hay gọi tắt là Europol):
Europol giúp lực lượng Cảnh sát Liên minh Châu Âu cải thiện hợp tác trong việc phòng chống các tội phạm quốc tế nghiêm trọng nhất như khủng bố, buôn bán ma túy và buôn lậu người. Europol còn trợ giúp thực thi pháp luật quốc gia bao gồm việc tạo điều kiện trao đổi thông tin, cung cấp các phân tích hình sự, cũng như giúp đỡ và điều phối các hoạt động xuyên biên giới. Không giống như các lực lượng cảnh sát quốc gia, Europol không có bất kỳ quyền tự do điều tra hoặc cưỡng chế nào. Ban đầu Europol được thành lập trên cơ sở một Công ước do các nước Châu Âu ký vào năm 1995, Europol đã hoạt động từ năm 1999. Ngày 01/01/2010, cơ quan này đã được bổ nhiệm là một cơ quan của EU. Europol có trụ sở tại The Hague (Hà Lan).
Cơ quan Liên minh Châu Âu về Đào tạo Thực thi Pháp luật (The European Union Agency for Law Enforcement Training – hay còn gọi tắt là CEPOL):
CEPOL là một cơ quan của Liên minh Châu Âu có nhiệm vụ phát triển, thực hiện và phối hợp đào tạo cho các quan chức thực thi pháp luật. Kể từ ngày 01/07/2016, ngày có hiệu lực của Quy chế mới (30), tên chính thức của CEPOL là Cơ quan Liên minh Châu Âu về Đào tạo Thực thi Pháp luật. Trụ sở CEPOL đặt tại Budapest, Hungary. CEPOL góp phần tạo nên một Châu Âu an toàn hơn thông qua việc tạo điều kiện hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các quốc gia thành viên EU và một số nước thứ ba về các vấn đề trong lĩnh vực an ninh. CEPOL kết hợp mạng lưới cơ sở đào tạo cho các cơ quan thực thi pháp luật ở các nước thành viên EU và hỗ trợ họ đào tạo an ninh, hợp tác thực thi pháp luật và trao đổi thông tin. CEPOL cũng làm việc với các cơ quan EU, các tổ chức quốc tế và các nước thứ ba để đảm bảo các mối đe dọa an ninh nghiêm trọng được giải quyết bằng cách phối hợp giữa tất cả các cơ quan, tổ chức.
29 Trang web: https://ec.europa.eu/home-affairs/what-we-do/agencies_en. Ngày truy cập: 03/06/2017.
30 Quy chế (EU) 2015/2219 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu ngày 25 tháng 11 năm 2015 về Cơ quan Đào tạo thực thi Pháp luật của Liên minh Châu Âu (CEPOL) và thay thế và bãi bỏ Quyết định của Hội đồng số 2005/681/JHA. Trang web:
http://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?qid=1485504892603&uri=CELEX:32015R2219. Ngày truy cập:
03/06/2017.
Cơ quan Hệ thống Công nghệ thông tin quy mô lớn (EU Agency for large-scale IT systems – hay còn gọi tắt là eu-LISA):
Eu-LISA, Cơ quan của Liên minh Châu Âu chịu trách nhiệm quản lý vận hành Hệ thống Công nghệ thông tin quy mô lớn, bắt đầu hoạt động vào ngày 01/12/2012. Nó đã hoàn thành nhiệm vụ quản lý vận hành cho Hệ thống thông tin Schengen (SIS II), Hệ thống thông tin Visa (VIS) và Cơ sở dữ liệu vân tay (EURODAC). Nhiệm vụ eu-LISA là đảm bảo rằng các hệ thống này hoạt động liên tục 24/24/7. Các nhiệm vụ khác bao gồm việc áp dụng các biện pháp an ninh cần thiết để bảo đảm an toàn và toàn vẹn dữ liệu cũng như tuân thủ các quy định bảo vệ dữ liệu. Trụ sở chính của eu-LISA đặt tại Tallinn (Estonia), trong khi đó quản lý hoạt động được thực hiện tại Strasbourg (Pháp).
Tóm tắt nội dung Chương 1:
Chương 1 nêu khái quát về pháp luật Châu Âu về người tị nạn. Trước hết, Luận văn tóm lược qua về khái niệm của người tị nạn trong pháp luật quốc tế và pháp luật của Liên minh Châu Âu. Từ đó, rút ra được những đặc điểm riêng của người tị nạn nhằm phân biệt với những nhóm người khác hiện nay. Tiếp đó, Chương 1 đi vào tìm hiểu khái quát về hệ thống pháp luật về người tị nạn của Liên minh Châu Âu. Trong đó, Luận văn khái quát về các đặc trưng của pháp luật Châu Âu về người tị nạn, mục tiêu xây dựng chính sách pháp luật của Liên minh Châu Âu để từ đó rút ra vai trò của pháp luật Liên minh trong cuộc khủng hoảng người tị nạn.
Bên cạnh đó, để thực hiện pháp luật cần có cơ chế để đảm bảo thực hiện, giám sát và hỗ trợ các quốc gia thành viên và Liên minh Châu Âu, phần cuối Chương 1 Luận văn giới thiệu khái quát về cơ chế đó.
Sang tới Chương 2, Luận văn sẽ đi vào tìm hiểu cụ thể hơn về những nội dung cơ bản của các quy định trong các văn bản pháp luật về người tị nạn của Liên minh Châu Âu.