CHƯƠNG 3: XÂY DỰNG PHÁP LUẬT ASEAN VỀ NGƯỜI TỊ NẠN – BÀI HỌC KINH NGHIỆM TỪ LIÊN MINH CHÂU ÂU
3.1. Cơ sở xây dựng pháp luật ASEAN về người tị nạn
3.1.2. Mối liên hệ, tác động qua lại giữa EU và ASEAN
Mặc dù hai tổ chức thuộc hai khu vực khác nhau nhưng ASEAN và EU đã hợp tác trong rất nhiều các lĩnh vực, cùng chia sẻ với nhau những giải pháp, quan điểm và cùng gặp phải những thách thức chung và riêng.
*) Về những mối liên kết trọng yếu: Tuy có nhiều khác biệt song trong nhiều năm qua, ASEAN và EU đã rất tích cực đầu tư và củng cố các mối quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa. Hợp tác và phối hợp đã giúp hai bên tăng cường hỗ trợ lẫn nhau, tiến hành trao đổi quan điểm và sáng kiến đôi bên cùng có lợi. Có rất nhiều thành tựu có thể kể đến trong mối quan hệ ASEAN - EU thời gian qua.
Về thương mại, EU hiện là đối tác thương mại ngoại khối lớn thứ hai của ASEAN, với kim ngạch năm 2015-2016 chiếm hơn 12% khối lượng thương mại của ASEAN. Hiện nay, Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - EU vẫn đang trong quá trình đàm phán song hứa hẹn nhiều tín hiệu tích cực. Cho đến nay, EU đã ký kết, nhưng chưa phê chuẩn, các hiệp định thương mại song phương với Singapore và Việt Nam. Hơn nữa, EU đang theo đuổi đàm phán với Indonesia, Philippines cũng như vấn đề bảo hộ đầu tư với Myanmar (155).
155 Bởi sự khác nhau về mức độ phát triển kinh tế và sự cởi mở giữa các thành viên của ASEAN khiến Châu Âu phải theo đuổi các đàm phán riêng với từng thành viên từ năm 2009.
Trên bình diện văn hóa xã hội, hai bên cũng có nhiều dự án phối hợp. Nghệ thuật, đa dạng sinh học, giáo dục, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai và khoa học công nghệ là nhiều trong số những lĩnh vực hai bên đã, đang và sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác. Đặc biệt, EU cũng thể hiện mong muốn hợp tác với ASEAN để thúc đẩy và bảo vệ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. EU hoan nghênh việc thành lập Ủy ban Liên Chính phủ về Nhân quyền ASEAN (gọi tắt là AICHR) năm 2009 và thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN vào năm 2012. Trong tháng 10/2015, EU và ASEAN đã tổ chức đối thoại chính sách đầu tiên về nhân quyền tại Brussels.
Ngoài ra, EU và ASEAN cũng có Chương trình hợp tác EU - ASEAN về Di cư và Quản lý biên giới. Trong chương trình này, EU sẽ hỗ trợ cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam nâng cao năng lực về kiểm soát di cư nội khối hay công tác xuất nhập cảnh của các công dân trong những nước ASEAN, đồng thời đảm bảo an ninh trong kiểm soát biên giới (156).
Những nền tảng này đã góp phần thúc đẩy các hoạt động giao lưu nhân dân, tạo tiền đề vững chắc cho sự kết nối ASEAN - EU. Có thể nói thông qua hợp tác và phối hợp các văn bản lập quy trong nhiều lĩnh vực hứa hẹn, ASEAN và EU có thể thúc đẩy mạnh mẽ quá trình xây dựng lòng tin và thấu hiểu lẫn nhau để củng cố quan hệ song phương.
*) Thách thức chung về vấn đề người tị nạn:
Cả hai tổ chức đều có những tầm nhìn và thách thức riêng. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi mà Liên minh Châu Âu đang trải qua thách thức lớn nhất trong suốt 60 năm thành lập – đó là phải đối mặt với khủng hoảng làn sóng nhập cư, nền kinh tế trì trệ và Anh quyết định rời khỏi Liên minh Châu Âu.
Riêng về vấn đề người nhập cư, trong giai đoạn 2015-2016 vừa qua, khủng hoảng làn sóng người tị nạn chạy trốn khỏi chiến tranh đã bùng nổ và đổ dồn về các nước Châu Âu vì an toàn và sự thịnh vượng của khối. Trước vấn đề này, Liên minh Châu Âu dường như đang “lúng túng” chưa tìm được cách giải quyết triệt để.
Chính vì vậy, trong nội bộ Liên minh Châu Âu đã xảy ra mâu thuẫn, nhiều quốc gia thành viên EU không đồng tình với cách giải quyết của Liên minh điển hình như Anh, Hungary, Séc, Ba Lan,...Và mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi Anh – thành viên trụ cột của Liên minh Châu Âu đã trưng cầu dân ý và quyết định rời khỏi EU.
156 Trang web: http://vovworld.vn/vi-VN/chinh-tri/asean-va-eu-thuc-day-hop-tac-ve-di-cu-va-quan-ly-bien-gioi-378188.
vov. Ngày truy cập: 11/07/2017.
Sự ra đi của Anh là một cú “sốc” lớn cho toàn Liên minh Châu Âu và là một đòn thức tỉnh Liên minh Châu Âu phải đề ra những cách giải quyết vấn đề người tị nạn mạnh mẽ, dứt khoát hơn nữa. Đồng thời, thúc đẩy Liên minh Châu Âu cũng phải có cách xử lý, ứng xử hợp lý để thắt chặt thêm mối liên kết giữa các thành viên nội khối, vì nếu không có thể sẽ dẫn đến “hiệu ứng Domino” khiến các quốc gia thành viên khác sẽ rời khỏi Liên minh giống như Anh.
Do khoảng cách về mặt địa lý và nhiều nguyên nhân khác, hiện nay ASEAN chưa phải đối mặt với áp lực người tị nạn quá lớn. Tuy nhiên, Cộng đồng ASEAN là một cộng đồng “mở”, và vấn đề người tị nạn là một vấn đề mang tính toàn cầu, đến một giai đoạn nhất định, ASEAN cũng sẽ phải đương đầu với vấn đề này.
Bên cạnh đó, cũng cần phải xem xét đến khía cạnh xuất phát điểm của ASEAN khác EU. ASEAN chưa có hệ thống pháp lý vững chắc, chưa có bất kỳ văn bản pháp luật chung nào quy định về vấn đề người tị nạn mà chỉ liên quan đến quyền con người, hoặc vấn đề di cư một cách chung chung. Chính vì vậy, ASEAN cần nhìn vào thực tiễn của Liên minh Châu Âu và rút ra bài học kinh nghiệm cho mình để xây dựng hệ thống pháp lý của ASEAN; tránh được những rủi ro mà Liên minh Châu Âu đã phải trải qua. Đồng thời, ASEAN cần tích cực hợp tác về mọi mặt với EU để có thể học hỏi và kết hợp vận dụng được những kinh nghiệm pháp luật của EU vào thực tiễn ASEAN.
*) Tóm lại, ASEAN và EU là hai hình mẫu hội nhập khu vực nổi bật nhất hiện nay. Tuy vậy, giữa ASEAN và EU cũng có nhiều điểm khác nhau. Từ bản chất có thể thấy, Liên minh Châu Âu, hình thành sau hai cuộc Chiến tranh Thế giới và trong bối cảnh xuất hiện nhiều sự chia rẽ sâu sắc về mặt tư tưởng do hậu quả để lại của Chiến tranh lạnh, đi theo xu hướng xây dựng thể chế và thiết lập các nguyên tắc chung để giảm tới mức tối thiểu tính chủ quyền, từ đó tăng cường hội nhập. Việc xóa nhòa ranh giới chủ quyền là một chiến lược nhằm giảm thiểu các nguy cơ xâm lược và xung đột chính trị từng diễn ra trong hai cuộc đại chiến thế giới. Liên minh Châu Âu đã lập tức cải cách hệ thống pháp luật của họ và xây dựng Hệ thống tị nạn chung Châu Âu nhằm đề ra một cơ sở pháp lý chung và liên kết các thành viên trong khối chung tay giải quyết vấn đề. Hội nhập, liên kết trên toàn Châu Âu đem đến một môi trường an ninh hơn, giúp các quốc gia duy trì hòa bình và phát triển bền vững.
Trong khi đó, bối cảnh lịch sử của Đông Nam Á lại hoàn toàn khác. Nhiều nước thành viên ASEAN đều khá “non trẻ” nếu xét về thời gian chính thức trở
thành nhà nước độc lập, và bởi vậy họ coi chủ quyền là điều tối quan trọng cần phải bảo vệ nghiêm ngặt. Việc xây dựng các thể chế khu vực vẫn là một khái niệm mới mẻ. Tuy nhiên, toàn cầu hóa và sự phát triển về công nghệ đã thúc đẩy nhu cầu hợp tác giữa các quốc gia lân cận và ASEAN đã rất nhanh chóng thích ứng được với các thay đổi từ động lực phát triển trên toàn thế giới. ASEAN đã triển khai những kế hoạch phối hợp mang tính chiến lược để gắn kết các nền kinh tế và hệ thống xã hội ở các nước thành viên để đảm bảo hòa bình và phát triển.
Việc so sánh giữa ASEAN và EU, hai cơ chế đại diện cho hội nhập khu vực, là điều khó tránh. Tuy nhiên, cả ASEAN và EU đều đang đối mặt với nhiều thách thức trong thế kỷ 21 và cả hai đều có thể học hỏi từ kinh nghiệm của nhau dựa trên cơ sở của sự tương đồng, khác biệt và mối liên hệ giữa hai tổ chức để giải quyết hiệu quả hơn những thách thức ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. Liên minh Châu Âu vẫn luôn là mô hình lý tưởng cho Cộng đồng ASEAN học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt trong vấn đề giải quyết khủng hoảng người tị nạn.