Một số khái niệm cơ bản

Một phần của tài liệu Phát triển môi trường hoạt động vui chơi cho trẻ mẫu giáo ở trường mầm non thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (Luận văn thạc sĩ) (Trang 20 - 26)

Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN MÔI TRƯỜNG HOẠT ĐỘNG VUI CHƠI CHO TRẺ MẪU GIÁO Ở TRƯỜNG MẦM NON

1.2. Một số khái niệm cơ bản

Có nhiều quan niệm và cách hiểu khác nhau về khái niệm môi trường. Theo nghĩa rộng nhất, môi trường là tập hợp các điều kiện và hiện tượng bên ngoài có ảnh hưởng tới một vật thể hoặc sự kiện. Bất cứ vật thể, sự kiện nào cũng tồn tại và diễn biến theo các chiều hướng khác nhau trong sự tác động của tập hợp những tác động vốn không thuộc bản thân chúng. Đó là môi trường của sự kiện, vật thể đó [15].

Theo Từ điển Anh - Việt (Viện Ngôn ngữ học, NXB TP Hồ Chí Minh), khái niệm môi trường (enviroment) là điều kiện, hoàn cảnh, những vật xung quanh, sự bao quanh, sự vây quanh,... làm tác động đến đời sống của mọi người. Môi trường luôn có ảnh hưởng đến sự phát triển mọi mặt của con người. Những ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp, trước mắt hay lâu dài của môi trường đến cuộc sống con người đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học [14].

Theo Điều 1 - Luật Bảo vệ Môi trường của Việt Nam: “Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên” [18].

Môi trường là sự tổng hợp các yếu tố tự nhiên và xã hội bao quanh bên ngoài của một hệ thống nào đó. Chúng tác động lên hệ thống này và xác định xu hướng và tình trạng tồn tại của nó. Môi trường có thể coi là một tập hợp, trong đó hệ thống đang xem xét là một tập hợp con. Môi trường của một hệ thống đang xem xét cần phải có tính tương tác với hệ thống đó.

Từ một số khái niệm được dẫn xuất của các tác giả nêu trên, tác giả luận văn tiếp cận khái niệm môi trường theo nghĩa là môi trường sống của con người và hiểu “Môi trường là tập hợp các yếu tố tự nhiên và xã hội xung quanh con người, ảnh hưởng tới sự tồn tại của con người và tác động đến các hoạt động sống của con người”.

1.2.2. Môi trường giáo dục

Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa về môi trường giáo dục: Môi trường giáo dục là tổng hòa các mối quan hệ trong đó người giáo dục và người được giáo dục tiến hành hoạt động dạy và học. Môi trường giáo dục rất đa dạng, có thể phân chia một cách tương đối thành môi trường nhà trường, môi trường gia đình, môi trường xã hội và môi trường tự nhiên. “Các phương tiện và điều kiện vật chất - kỹ thuật và xã hội - tâm lý tác động thường xuyên và tạm thời, được người dạy và người học sử dụng một cách có ý thức, để đảm bảo cho hoạt động dạy và học tiến hành thuận lợi và đạt hiệu quả cao. Đây là một trong các yếu tố của quá trình giáo dục”

[26, tr.358].

Theo tác giả Phạm Hồng Quang (2006), môi trường giáo dục nằm trong vùng môi trường xã hội. Môi trường giáo dục là hệ thống các điều kiện vật chất và tinh thần chứa đựng hệ thống các giá trị của hoạt động giáo dục, tạo nên niềm tin, giá trị về thái độ của các thành viên trong nhà trường/cơ sở giáo dục và ảnh hưởng đến quá trình và kết quả giáo dục đào tạo người học [14].

Trên cơ sở phân tích khái niệm môi trường, có thể hiểu môi trường giáo dục là toàn bộ cơ sở vật chất, tinh thần mà trong đó người được giáo dục đang sống, lao động và học tập; được sử dụng nhằm tác động đến sự hình thành nhân cách của họ phù hợp với mục đích giáo dục đã định. Đối với lứa tuổi nhỏ, môi trường gia đình và môi trường nhà trường có tác động trực tiếp trong quá trình hình thành nhân cách. Các môi trường này tồn tại trong mối quan hệ biện chứng với nhau do đó cần được tổ chức theo một cơ chế chặt chẽ, hợp lý nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp tác động đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách trẻ.

Ở một phương diện khác, môi trường giáo dục là tập hợp không gian với các hoạt động xã hội của cá nhân, các phương tiện và giao lưu được phối hợp với nhau tạo điều kiện thuận lợi để giáo dục đạt kết quả cao nhất.

Môi trường giáo dục nhà trường là tập hợp những yếu tố về con người, cơ sở vật chất, kỹ thuật và phương tiện, các yếu tố quản lý trong sự tương tác lẫn nhau một cách thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi cho sự thành công của hoạt động học tập, rèn luyện người học ở nhà trường.

Môi trường giáo dục được tiếp cận ở nội hàm hẹp hơn là môi trường học tập; là tập hợp những yếu tố không gian, nhân lực, vật lực và tài lực tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc học tập đạt kết quả tốt, môi trường học tập cần được tạo ra ở nhà trường, gia đình, cộng đồng và xã hội.

Môi trường giáo dục cũng có thể hiểu ở phương diện môi trường lớp học - là tập hợp những yếu tố không gian, nhân lực, vật lực và tài lực tạo ra những điều kiện thuận lợi cho người học đạt kết quả tốt trong hoạt động học tập ở phạm vi lớp học [dẫn theo 23].

1.2.3. Hoạt động vui chơi

Theo nhà tâm lí học Đức - Karin Eden Hamman Christina Wakhend, “Cũng như cuộc sống và tình yêu, vui chơi là một khái niệm không thể định nghĩa được vì nó là một quá trình mà đã là quá trình thì nó luôn sống động, luôn luôn đổi thay và phát triển”. Tuy nhiên, có thể miêu tả vui chơi là những gì trẻ em làm và là cái trẻ em thích chơi [dẫn theo 25].

Barblett (2010) định nghĩa “chơi” là niềm vui thích, tính biểu tượng, tính tích cực, tính tự nguyện, chú trọng vào quá trình và tự tạo động lực [dẫn theo 16].

Tác giả Huizinga miêu tả: “Vui chơi là một chức năng văn hoá, là một trong những nền tàng của nền văn minh có tính chất toàn cầu và hoà nhập cho cuộc sống của con

người cũng như loài vật. Vì vậy, vui chơi là trọng tâm không những cho trẻ em mà còn cho người lớn và cho cả xã hội ta đang sống” [dẫn theo 16].

Theo nhóm tác giả Hà Nhật Thăng và Nguyễn Dục Quang "Vui chơi là một dạng hoạt động nhằm thoả mãn sở thích, hứng thú và nhu cầu phát triển thể chất, trí tuệ, ý chí, tình cảm của cá nhân. Cùng với các hoạt động khác như lao động, học tập,… vui chơi là một dạng hoạt động giải trí, giao lưu xã hội, đặc biệt là để phát triển tính cộng đồng, trách nhiệm chung, tình yêu thương đồng loại, qua đó có thể rèn luyện các kĩ năng giao tiếp và hoạt động, phát triển tình cảm, niềm tin đạo đức, xúc cảm thẩm mĩ của cá nhân”. Đây cũng có thể xem như một cách nhìn hợp lý và quan niệm phù hợp về khái niệm “vui chơi”. Vui chơi hợp lý, khoa học sẽ góp phần hỗ trợ, nâng cao chất lượng học tập cho các giờ học chính khóa trên lớp [23, tr.36].

Như vậy có thể hiểu vui chơi là dạng hoạt động để con người thoả mãn được hứng thú, nhu cầu phát triển và sở thích của cá nhân; nó là một hoạt động giải trí nhưng đồng thời thông qua vui chơi hợp lý cũng giúp con người thiết lập mối quan hệ và góp phần pháp triển các chức năng trí tuệ cũng như hoàn thiện về nhân cách.

1.2.4. Hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo

Theo quan điểm của các nhà triết học Hy Lạp, “chơi” là hành vi đặc trưng của trẻ nhỏ, như sự bộc lộ thiên tính của tuổi thơ và từ đó tạo nên những đặc điểm riêng của thời thơ ấu. Trong xã hội phương Tây, “chơi” được xem như việc tạo ra thời gian và không gian tách biệt trẻ với thế giới công việc của người lớn.

Thuật ngữ “chơi” có nhiều nghĩa khác nhau nhưng trong phạm trù hoạt động của trẻ thì chơi là một hoạt động mô phỏng lại cuộc sống của con người, mô phỏng lại các mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và con người với con người trong xã hội.

Chơi được coi là hoạt động mà động cơ nằm trong quá trình chứ không nằm trong kết quả của hoạt động (A.N. Lêônchiev). Khi chơi, trẻ không chủ tâm vào một lợi ích thiết thực nào. Trong trò chơi, các mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và với xã hội được trẻ mô phỏng lại. Chơi mang lại cho trẻ trạng thái tinh thần vui vẻ, phấn chấn, dễ chịu. Vui chơi cần cho con người ở mọi độ tuổi, đối với trẻ 3 đến 6 tuổi, vui chơi là hoạt động tạo nên cuộc sống của chúng [28].

Vui chơi của trẻ em là sự tự do lựa chọn một cách cá nhân những hành vi mang tính định hướng, có động lực thúc đẩy là nhu cầu, mong muốn, khao khát bên trong. Chơi có thể chỉ là vui đùa, cũng có thể rất nghiêm túc. Thông qua chơi, trẻ khám phá xã hội, thế giới vật chất và biểu tượng cùng mối quan hệ của chúng, đồng thời trang bị cho trẻ cách thức phản ứng linh hoạt đối với thử thách trẻ gặp phải.

Thông qua chơi, trẻ học và phát triển vừa như một cá nhân, vừa như một thành viên của cộng đồng.

Hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo là hoạt động được người lớn tổ chức, hướng dẫn nhằm giúp trẻ thoả mãn các nhu cầu vui chơi và nhận thức, đồng thời nhằm giáo dục và phát triển toàn diện nhân cách cho trẻ theo mục tiêu giáo dục.

Hoạt động vui chơi của trẻ là dạng hoạt động phản ánh sáng tạo, độc lập hiện thực tác động qua lại giữa trẻ với môi trường xung quanh nhằm thoả mãn nhu cầu vui chơi, nhu cầu nhận thức. Lần đầu tiên trong hoạt động vui chơi, trẻ thực sự là một chủ thể hoạt động tích cực, trẻ trò chuyện, giao tiếp, vận dụng các ấn tượng, kinh nghiệm đã có… để thực hiện ý đồ chơi, nhờ thế mà nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển.

Trong chương trình giáo dục trẻ mẫu giáo, hoạt động vui chơi được tổ chức dưới các loại trò chơi: Trò chơi đóng vai theo chủ đề, trò chơi lắp ghép - xây dựng, trò chơi vận động, trò chơi đóng kịch, trò chơi dân gian, trò chơi học tập, trò chơi với phương tiện công nghệ hiện đại (xem vô tuyến, chơi vi tính...).

Quá trình tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ theo các hình thức tổ chức: Chơi có hướng dẫn của giáo viên, chơi tự do của trẻ trong các hoạt động theo chế độ sinh hoạt. Mỗi dạng thức tổ chức trò chơi trong hoạt động theo chế độ sinh hoạt cần được đảm bảo bởi môi trường mang tính đặc trưng. Người giáo viên và nhà quản lý giáo dục mầm non cần nghiên cứu và tổ chức theo định hướng khoa học mới mang lại hiệu quả giáo dục đối với trẻ (dẫn theo [31].

1.2.5. Môi trường hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo

Tạo cho trẻ môi trường để trẻ được hoạt động, trải nghiệm trong quá trình vui chơi, từ đó tiếp thu kiến thức, hình thành kĩ năng một cách nhẹ nhàng, tự nhiên có ý nghĩa quan trọng.

Môi trường hoạt động vui chơi là một bộ phận của môi trường giáo dục trẻ ở trường mầm non, môi trường hoạt động vui chơi có thể được hiểu là môi trường dành cho hoạt động chơi của trẻ với đồ dùng được trang bị và sắp xếp trong không gian thích hợp, cùng mối quan hệ tương tác giữa giáo viên và trẻ. Những điều kiện này phục vụ cho hoạt động vui chơi của trẻ, và trẻ chịu sự tác động của nó.

Môi trường hoạt động vui chơi trong trường mầm non là tổ hợp những điều kiện CSVC nhà trường, tự nhiên, điều kiện tâm lý xã hội… cần thiết trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình và kết quả tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ ở trường mầm non. Xây

dựng môi trường hoạt động vui chơi phù hợp góp phần thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ. Qua đó, nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện.

Trên cơ sở phân tích khái niệm môi trường, khái niệm hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo có thể định nghĩa môi trường hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo là toàn bộ cơ sở vật chất và những điều kiện về tâm lý xã hội đáp ứng nhu cầu chơi của trẻ, tác động trực tiếp đến hoạt động và quá trình chơi, phù hợp với mục tiêu giáo dục của hoạt động vui chơi, giúp trẻ phát triển nhân cách.

Môi trường hoạt động vui chơi theo tiếp cận nguồn gốc phát sinh gồm môi trường vật chất của tổ chức hoạt động vui chơi và môi trường tinh thần hay môi trường tâm lý xã hội; tiếp cận vị trí tổ chức hoạt động chơi cho trẻ gồm môi trường chơi trong lớp và môi trường chơi ngoài trời của trẻ [16].

1.2.6. Phát triển môi trường hoạt động vui chơi cho trẻ mẫu giáo

Theo nghĩa chung nhất, phát triển là sự thay đổi hay biến đổi tiến bộ, là phương thức của vận động hay quá trình diễn ra có nguyên nhân dưới những hình thức khác nhau như tăng trưởng, tiến hoá, phân hoá, chuyển đổi, mở rộng, cuối cùng tạo ra những biến đổi về chất.

Theo quan điểm duy vật biện chứng: "Phát triển là một phạm trù triết học để khái quát một quá trình vận động từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện, nguồn gốc của sự phát triển nằm ngay trong bản thân sự vật" [19]. "Đặc trưng của phát triển là tạo ra được cái mới có chức năng chuyên biệt hơn và phải tăng cường được khả năng tự điều chỉnh để tồn tại trong trạng thái cân bằng hệ thống của sự vật, hiện tượng" [19].

Tiếp cận chủ thể phát triển môi trường hoạt động vui chơi cho trẻ là hiệu trưởng nhà trường có thể hiểu: Phát triển MTHĐVC cho trẻ mẫu giáo là quá trình tác động có mục đích của người hiệu trưởng để tạo ra môi trường hoạt động vui chơi đạt đến tính chuẩn mực, hiện đại và thân thiện về cơ sở vật chất, tinh thần, đáp ứng nhu cầu chơi của trẻ mẫu giáo, phù hợp với mục tiêu giáo dục của hoạt động vui chơi, giúp trẻ phát triển toàn diện nhân cách.

Phát triển MTHĐVC cho trẻ mẫu giáo là nhiệm vụ, chức năng của các nhà quản lý giáo dục, của giáo viên, vai trò phối hợp của các tổ chức giáo dục xã hội, gia đình mà trực tiếp là hiệu trưởng trường mầm non. Thông qua việc thực hiện các chức năng và nội dung quản lý, hiệu trưởng thúc đẩy sự phát triển của MTHĐVC với đầy đủ các

điều kiện đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu giáo dục mầm non thông qua tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ.

Một phần của tài liệu Phát triển môi trường hoạt động vui chơi cho trẻ mẫu giáo ở trường mầm non thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (Luận văn thạc sĩ) (Trang 20 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)