Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển môi trường hoạt động vui chơi cho trẻ mẫu giáo ở trường mầm non

Một phần của tài liệu Phát triển môi trường hoạt động vui chơi cho trẻ mẫu giáo ở trường mầm non thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (Luận văn thạc sĩ) (Trang 47 - 50)

Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN MÔI TRƯỜNG HOẠT ĐỘNG VUI CHƠI CHO TRẺ MẪU GIÁO Ở TRƯỜNG MẦM NON

1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển môi trường hoạt động vui chơi cho trẻ mẫu giáo ở trường mầm non

1.5.1. Các yếu tố khách quan

* Quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp quản lý giáo dục về phát triển môi trường HĐVC cho trẻ mẫu giáo

Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm đến vấn đề xây dựng một thế hệ người Việt Nam mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ CBQL, GV là khâu then chốt’’ [30].

Để tăng cường công tác phát triển môi trường HĐVC cho trẻ, từ Bộ GD&ĐT đến Sở GD&ĐT đến PGD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo cũng như hướng dẫn các nhà trường phát triển môi trường HĐVC cho trẻ. Đây chính là những cơ sở pháp lý để hiệu trưởng các trường mầm non đề ra những biện pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu việc phát triển môi trường HĐVC cho trẻ.

* Các lực lượng phối hợp

Sự phối hợp của các lực lượng bên ngoài nhà trường như chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, xã hội, tổ chức chính trị - xã hội,… lâu nay được xem là góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường. Tuy

nhiên, đây là mảng hoạt động còn mờ nhạt, chưa thực sự rõ nét. Về bản chất mà nói, sự quan tâm và phối hợp tích cực của người lớn (thầy giáo viên, cha mẹ, các lực lượng có liên quan…) đối với trẻ sẽ tạo ra được một môi trường HĐVC tốt nhất cả về mặt tinh thần và vật chất cho trẻ MG.

* Điều kiện kinh tế xã hội của địa phương

Những trường MN đóng trên các địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội phát triển thì hoạt động phát triển môi trường hoạt động vui chơi cho trẻ của nhà trường sẽ thực hiện một cách thuận lợi hơn và ngược lại.

1.5.2. Các yếu tố chủ quan

* Năng lực quản lý của hiệu trưởng

Ở các trường mầm non, hiệu trưởng là người trực tiếp điều hành mọi hoạt động của nhà trường. Có thể nói, hiệu trưởng có năng lực quản lý tốt thì mọi mục tiêu mà nhà trường đặt ra mới trở thành hiện thực. Lý luận cũng như thực tế cho thấy, người hiệu trưởng không những cần có phẩm chất, kiến thức khoa học, nhận thức đúng đắn về việc phát triển môi trường HĐVC cho trẻ, ý nghĩa của việc phát triển môi trường HĐVC cho trẻ, mà còn cần có năng lực quản lý, hiểu được các biện pháp, hình thức phát triển môi trường HĐVC để từ đó quản lý chỉ đạo cán bộ GV thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

* Yếu tố năng lực và phẩm chất sư phạm của giáo viên trong phát triển môi trường hoạt động vui chơi cho trẻ.

Nhiệm vụ quan trọng của việc phát triển môi trường HĐVC cho trẻ là qua các trò chơi giáo viên giúp trẻ củng cố mở rộng những tri thức đã biết của trẻ, hoàn thiện những kỹ năng, kỹ xảo và năng lực nhận thức cho trẻ. Chính vì vậy, vai trò của đội ngũ GV - những người trực tiếp tổ chức HĐVC cho trẻ là vô cùng quan trọng.

Để phát triển môi trường HĐVC cho trẻ được tốt trước hết đội ngũ GV phải tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn. Đội ngũ GV cần có nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa của việc phát triển môi trường HĐVC cho trẻ.

Kết luận chương 1

Hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo được người lớn tổ chức, hướng dẫn nhằm giúp trẻ thoả mãn các nhu cầu vui chơi và nhận thức, đồng thời nhằm giáo dục và phát triển toàn diện cho trẻ ở lứa tuổi này.

MTHĐVC của trẻ được tạo nên bởi không chỉ là việc trang bị đồ chơi mà còn cả việc sắp xếp đồ chơi, bố trí không gian chơi cho trẻ và tương tác giữa giáo viên và trẻ trong không gian đó. Thành tố cấu trúc môi trường hoạt động vui chơi cho trẻ ở trường mầm non bao gồm: Môi trường vật chất, môi trường tâm lý - xã hội.

Phát triển MTHĐVC cho trẻ mẫu giáo là quá trình tác động có mục đích của người hiệu trưởng để tạo ra môi trường hoạt động vui chơi đạt đến tính chuẩn mực, hiện đại và thân thiện về cơ sở vật chất, tinh thần, đáp ứng nhu cầu chơi của trẻ mẫu giáo, phù hợp với mục tiêu giáo dục của hoạt động vui chơi, giúp trẻ phát triển toàn diện nhân cách.

Nguyên tắc xây dựng và sử dụng môi trường hoạt động vui chơi cho trẻ ở trường mầm non cần đảm bảo tính mục tiêu giáo dục; Đảm bảo tính phát triển; Đảm bảo tính tự nguyện, tính chủ thể của trẻ và giáo viên trong phát triển môi trường hoạt động vui chơi; Đảm bảo tính an toàn, thân thiện, tiện ích; Đảm bảo tính linh hoạt, sáng tạo, tính mở.

Phát triển môi trường hoạt động vui chơi cho trẻ mẫu giáo bao gồm các hoạt động: (1) Xây dựng kế hoạch phát triển; (2) Tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển;

(3) Chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển; (4) Kiểm tra đánh giá công tác phát triển môi trường vui chơi cho trẻ mẫu giáo.

Phát triển môi trường hoạt động vui chơi cho trẻ mẫu giáo bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan (Quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp quản lý giáo dục về phát triển môi trường HĐVC cho trẻ mẫu giáo; Các lực lượng phối hợp; Điều kiện kinh tế xã hội của địa phương) và chủ quan (Năng lực quản lý của hiệu trưởng; Yếu tố năng lực và phẩm chất sư phạm của giáo viên trong phát triển môi trường hoạt động vui chơi cho trẻ), người hiệu trưởng nhà trường cần quan tâm đến các yếu tố này để đảm bảo công tác phát triển môi trường hoạt động chơi cho trẻ được thực hiện tốt.

Chương 2

Một phần của tài liệu Phát triển môi trường hoạt động vui chơi cho trẻ mẫu giáo ở trường mầm non thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (Luận văn thạc sĩ) (Trang 47 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)