Chương 3. MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN MÔI TRƯỜNG HOẠT ĐỘNG VUI CHƠI CHO TRẺ MẪU GIÁO Ở CÁC TRƯỜNG MẦM
3.2. Biện pháp phát triển môi trường hoạt động vui chơi cho trẻ mẫu giáo ở trường Mầm non thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
3.2.2. Tăng cường xây dựng môi trường vật chất đa dạng, hấp dẫn và mang tính phát triển
- Có sự nhất trí đồng thuận cao trong đội ngũ lãnh đạo nhà trường, giáo viên về hoạt động phát triển môi trường hoạt động vui chơi cho trẻ. Cán bộ quản lý luôn luôn là người đi tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện hoạt động phát triển môi trường hoạt động vui chơi cho trẻ
Cán bộ quản lý, giáo viên không ngừng tự học, tự trau dồi kiến thức về khoa học quản lý Giáo dục, kiếm thức về phát triển môi trường hoạt động vui chơi, để có thể thực hiện một cách nghiêm túc, có hiệu quả mục đích, yêu cầu của hoạt động phát triển môi trường hoạt động vui chơi cho trẻ với tinh thần nhiệt tình, tâm huyết, hăng say, trung thực, đúng người, đúng việc...
3.2.2. Tăng cường xây dựng môi trường vật chất đa dạng, hấp dẫn và mang tính phát triển
3.2.2.1. Mục đích của biện pháp
- Giải quyết dứt điểm những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, dụng cụ...phục vụ công tác phát triển môi trường HĐVC cho trẻ.
- Phát triển môi trường bên ngoài lớp học, sân trường được trang bị nhiều đồ chơi, cây cối, hoa, bãi cát... tạo điều kiện để giúp trẻ tăng cường trải nghiệm với nhiều loại trò chơi, nhiều hình thức chơi đa dạng bên ngoài lớp học; phát huy vai trò của điều kiện cơ sở vật chất và không gian thiên nhiên trong tổ chức HĐVC cho trẻ mẫu giáo.
3.2.2.2. Nội dung của biện pháp
Xây dựng môi trường chơi là quan tâm xây dựng cho trẻ góc chơi đa dạng, phong phú; Sắp xếp và cung cấp đồ dùng, đồ chơi phù hợp, hấp dẫn; Thay đổi đồ chơi thường xuyên, thiết kế các góc chơi có sự liên kết với nhau.
Xây dựng môi trường chơi hợp lý tạo ra các cơ hội giúp trẻ mở rộng nội dung các trò chơi, hình thành và phát triển ở trẻ kỹ năng chơi, khả năng phối hợp với bạn và khả năng tự lực, tự chơi, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của trẻ về mọi mặt.
Góc chơi càng phong phú bao nhiêu thì càng kích thích trẻ chơi bấy nhiêu và tạo sự ham muốn được khám phá mở mang kiến thức về thế giới xung quanh trẻ bấy nhiêu.
Việc liên kết các góc chơi không chỉ là để cho trẻ đỡ nhàm chán mà điều quan trọng hơn là giúp trẻ mở rộng được các mối quan hệ để phản ánh đời sống xã hội có thật một cách sinh động và phong phú, giúp cho việc trải nghiệm của trẻ trong trò chơi mang nhiều sắc thái tình cảm muôn màu muôn vẻ, các cách ứng xử đa dạng của nhiều kiểu người trong đời sống thực để lại trong bản thân những kinh nghiệm sống phong phú.
Đồ chơi là phương tiện giúp trẻ triển khai trò chơi. Không đủ đồ chơi sẽ gây khó khăn, làm cản trở việc khiển khai các ý tưởng chơi của trẻ. Ngược lại, quá nhiều đồ chơi cũng làm cản trở việc triển khai trò chơi như khó khăn trong việc lựa chọn đồ chơi và có thể dẫn đến tranh cãi vì không thống nhất giữa các trẻ về lựa chọn đồ chơi phù hợp với nội dung chơi của nhóm.
Trang bị đồ chơi còn bao hàm cả việc cất bớt những đồ chơi trẻ ít sử dụng.
Việc trang bị đồ chơi ở từng thời điểm cụ thể còn xuất phát từ khả năng và nhu cầu triển khai trò chơi của trẻ. Qua quan sát trẻ chơi, GV nắm bắt được những tình huống, sự việc mới, gây ấn tượng cho trẻ. Dựa vào đó, những món đồ chơi mới - phương tiện để trẻ mở rộng nội dung chơi, thực hiện và phát triển ý tưởng chơi của mình.
Xây dựng khuôn viên nhà trường khang trang rộng rãi, xanh, sạch, đẹp và có nhiều đồ chơi, cây xanh thoáng mát, cảnh quan trường trang trí đẹp. Khuôn viên nhà trường cân đối, các công trình xây dựng được bố trí hợp lý, tiện lợi và khoa học. Bảo tồn, giữ gìn hệ thống cây xanh lâu năm tạo không khí mát mẻ và yên tĩnh, có hệ thống ghế đá, bồn hoa cây cảnh thiết kế phù hợp với nhu cầu vui chơi, khám phá thế giới tự nhiên của trẻ mẫu giáo.
3.2.2.3. Cách tổ chức thực hiện
- GV thiết kế các góc chơi với nội dung đa dạng, phong phú với các trò chơi và các chủ đề chơi khác nhau, gắn liền với các chủ đề, chủ điểm giáo dục: phương tiện giao thông, Bác Hồ, quê hương đất nước và Trường tiểu học:
+ Góc đóng vai: Trò chơi gia đình đi siêu thị, gia đình đi chơi công viên, đi du lịch, nghỉ mát; Tổ chức tiệc chúc mừng mẹ và chị ngày 8 tháng 3, tiệc mừng sinh nhật Bác Hồ; trò chơi nấu những món ăn đặc trưng của miền Bắc; trò chơi “Phòng khám bệnh” với các nội dung “Phòng khám đa khoa”, “Phòng khám tai, mũi, họng”,
“Phòng cấp cứu”; “Phòng phẫu thuật”;… “Tiệm gội đầu”, “Tiệm hớt tóc”…; “Tiệm may thời trang của bé”, “Cửa hàng may mặc”, thiết kế các trang phục gắn với nét văn hóa truyền thống của dân tộc…
+ Góc học tập: Giáo viên giáo hướng dẫn trẻ chơi về nhận biết, phân biệt luật giao thông; trẻ hát, đọc thơ, kể chuyện về PTGT, về Bác Hồ, về cảnh đẹp quê hương đất nước; Xem tranh truyện về PTGT, tranh về Bác Hồ, về danh lam thắng cảnh của đất nước Việt Nam; Tìm và ghép các chữ cái tạo thành tên của Bác Hồ, các địa danh, tên các loại PTGT…
+ Góc xây dựng: Xây bãi đậu xe, đường xá, cột đèn, cầu vượt, hầm chui, nhà ga, bến tàu, bến xe, sân bay, xây dựng Lăng Bác, Nhà hát thành phố, bồn hoa, siêu thị, trường học Tiểu học…
+ Góc bán hàng: Cửa hàng rau quả, cửa hàng bán các loại phương tiện giao thông, cửa hàng bán phụ tùng xe, cửa hàng bán các vật dụng như nón, mũ bảo hiểm, khẩu trang, mắt kính, phòng bán vé xe, vé tàu, cửa hàng bán hoa, quà lưu niệm, cửa hàng bách hoá, siêu thị mini, nhà sách…
+ Góc tạo hình, lắp ráp: Gấp xe, xếp máy bay, thuyền, xe lửa,… làm bộ sưu tập máy bay, về các loại PTGT, vẽ nơi hoạt động của máy bay, tàu thuyền, cắt dán các loại xe, nón bảo hiểm, vẽ cảnh đẹp Thành phố Hạ Long, Lăng Bác Hồ, cảnh biển;
Nặn một số đồ dùng học tập lớp 1, làm bộ sưu tầm tranh ảnh về cảnh đẹp của quê hương, đất nước, làm album về Bác Hồ.
+ Góc nghệ thuật: trình diễn các bài hát về PTGT, về Bác Hồ, biểu diễn văn nghệ mừng ngày 8 tháng 3, ngày 30 tháng 4 và mừng Sinh nhật Bác Hồ.
Chú ý: GV đã thiết kế và tổ chức các góc chơi có sự liên kết với nhau hoặc với các tình huống có vấn đề được tạo ra cũng là một cách để giúp trẻ mở rộng các mối quan hệ giữa các vai chơi, liên kết các góc chơi để trò chơi thêm hấp dẫn và hứng thú.
- Trang bị đồ chơi là việc cung cấp những đồ chơi cần thiết cả về số lượng và thể loại, cho việc triển khai trò chơi của trẻ. Đón bắt nhu cầu về đồ chơi của trẻ và kịp thời đáp ứng nhu cầu này một cách phù hợp.
+ Số lượng đồ chơi trang bị cho một nhóm lớp phụ thuộc vào khả năng phối hợp với bạn để chơi của trẻ. Cần xác định và lựa chọn những đồ chơi theo các mức độ chức năng như:
+ Loại đa chức năng là loại đồ chơi có thể sử dụng theo nhiều cách, trong nhiều trò chơi, góc chơi khác nhau: búp bê, xe tải, các bộ đồ chơi hình khối bằng gỗ, xe 3 bánh, túi các loại và các “vật liệu mở”.
+ Loại đơn chức năng là loại thường chỉ sử dụng theo một đến hai cách: Sách, xe ô tô cảnh sát, áo bác sĩ, bộ đồ uống trà, bộ dụng cụ nấu ăn…
Chú ý: nếu quá nhiều đồ chơi đơn chức năng, trò chơi của trẻ sẽ bị gò bó, ít có cơ hội phát triển. Ngược lại, nếu quá nhiều loại đa chức năng, nhất là “vật liệu mở”, khung cảnh chơi sẽ ít hấp dẫn và khó có khả năng gợi ở trẻ những ý tưởng chơi sáng tạo.
+ Đưa đồ chơi mới vào lớp hay thiết lập một góc chơi mới cần xuất phát từ nhu cầu chơi của trẻ và phải thực hiện bằng những biện pháp khích lệ trẻ hào hứng, tích cực sử dụng đồ chơi, góc chơi mới.
+ Ở các góc chơi, GV tổ chức cho trẻ tự bàn bạc hoặc cùng trẻ bàn bạc về những đồ chơi cần cho trò chơi mới và trợ giúp trẻ chuẩn bị. Việc chuẩn bị, chọn lựa để bổ sung thêm hay cất bớt đồ chơi phải là quyết định của chính trẻ.
+ Các loại đồ chơi cần trang bị phù hợp với chủ đề, chủ điểm và có tác dụng mở rộng các mối quan hệ trong trò chơi.
+ Trong quá trình chuẩn bị những vật liệu, đồ dùng, đồ chơi để tổ chức trò chơi cho trẻ GV cần có sự phối hợp với phụ huynh trong việc đề nghị phụ huynh sưu tầm tranh ảnh về các PTGT, quê hương, đất nước, Bác Hồ cũng như cung cấp những phế liệu trong gia đình như bìa cát tông, bìa lịch, chai lọ, hộp sữa, vỏ trứng… để GV làm bổ sung đồ dùng, đồ chơi theo chủ đề.
+ Việc sắp xếp đồ chơi cần tính đến khả năng chơi của trẻ chơi một mình hay chơi với bạn. Ngoài ra, còn phải tính đến đồ chơi là phương tiện để trẻ thực hiện ý tưởng chơi của mình.
+ Cần sắp xếp đồ dùng, đồ chơi cho trẻ thuận tiện lấy cất. Vì khi trẻ tiếp cận với đồ dùng, đồ chơi một cách dễ dàng, trẻ có thể sáng tạo. Cần linh hoạt thay đổi đồ chơi, bổ sung đồ chơi mới để tạo sự hấp dẫn của đồ chơi và tạo cơ hội từ những đồ chơi đó giúp trẻ nảy sinh ý tưởng chơi mới, sáng tạo.
- Xây dựng môi trường vật chất trong trường mầm non cần quy hoạch hài hòa với thiên nhiên, cân bằng diện tích xây dựng với sân, vườn trường, tận dụng hướng gió mát, màu sắc hài hòa, sử dụng mái ngói, sàn dễ vệ sinh, đảm bảo quy chuẩn về diện tích. Sân chơi ngoài trời phải thỏa mãn nhu cầu vận động: đi, chạy, nhảy, bò, trườn, trèo, chui, ném,… thực hành tham gia giao thông của trẻ. Cần bố trí có chỗ tiếp đất êm cho các đồ chơi như thang leo, cầu trượt, tránh cảm giác sợ hãi cho trẻ. Nên thận trọng trang bị những đồ vật mang tính chất trang trí tốn kém như: hòn non bộ, các hình vật bằng bê tông…
- Nhà vệ sinh sạch sẽ, khô ráo, có đủ thiết bị vệ sinh, phù hợp với trẻ, nhằm hình thành các thói quen vệ sinh cơ thể, trẻ không có cảm giác sợ đi vệ sinh.
3.2.2.4. Điều kiện thực hiện biện pháp
- Thành ủy quan tâm, chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố về chế độ tài chính của các trường.
- Hiệu trưởng nhà trường có tư duy, kiến thức về quy hoạch, đầu tư, xây dựng và tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất cho việc xây dựng cảnh quan môi trường và các phòng học, làm việc, sân trường.
- Hiệu trưởng có biện pháp hữu hiệu về xã hội hóa thu hút các lực lượng, nguồn lực hỗ trợ, phối hợp với nhà trường từ các cơ quan, đơn vị cử người đi học (các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành của Tỉnh).
- Mỗi thành viên trong nhà trường phải có ý thức trách nhiệm tham gia xây dựng nhà trường, quan tâm bảo vệ cơ sở vật chất, trang thiết bị… và khuôn viên nhà trường.
- Xây dựng và sử dụng tốt mối quan hệ sư phạm tích cực giữa giáo viên và các bậc cha mẹ trẻ, tổ chức chi hội cha mẹ học sinh từng lớp trong huy động nguồn lực về thời gian, đồ dùng, đồ chơi, sự tham gia tích cực, chủ động của cha mẹ trẻ cùng giáo viên các lớp xây dựng môi trường vật chất để tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ.