CHƯƠNG 3: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN DỊCH VỤ CÔNG QUA NGÂN HÀNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.5 Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển hoạt động thanh toán dịch vụ công
3.5.1 Các yếu tố khách quan 3.5.1.1 Điều kiện xã hội chính trị
Có thể thấy môi trường xã hội chính trị ảnh hướng rất lớn đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống. Sự ổn định về chính trị xã hội tại một quốc gia, một địa phương sẽ đến việc phát triển dịch vụ ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán dịch vụ công nói riêng.
Môi trường xã hội đặc trưng có ảnh hưởng là tình hình kinh tế xã hội, thói
quen thanh toán của người dân, trình độ dân trí, thu nhập cá nhân ...
3.5.1.2 Điều kiện pháp lý kinh tế
Bất kỳ hoạt động thanh toán nào của ngân hàng cũng phụ thuộc rất nhiều vào môi trường pháp lý mỗi quốc gia. Một hành lang phát lý chặt chẽ thống nhất, đầy đủ, hiệu lực thì mới có thể đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên tham gia, từ đó mới tạo nên nền tảng cho sự phát triển giao dịch thanh toán trong tương lai. Đối với hoạt động thanh toán dịch vụ công ở Việt Nam được Chính Phủ và NHNN ban hành nhiều các quyết định, Thông tư quy định về hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cũng như hướng dẫn về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó Quyết định mới nhất là Quyết định 241/ QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội.
3.5.1.3 Nhận thức và nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng
Có thể nói thói quen sử dụng tiền mặt trong tiêu dùng của người dân có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của hoạt động thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng. Thói quen này là do các nhà cung cấp bán lẻ, hộ kinh doanh cá thể trong xã hội vẫn thực hiện giao dịch thanh toán bằng tiền mặt. Hơn nữa, định kiến vẫn còn tồn tại trong đại đa số người dân là giao dịch bằng tiền mặt an toàn hơn, nhất là ở khu vực dân cư nông thôn. Điều này góp phần làm kìm hãm sự phát triển của hoạt động thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng.
Ngoài ra, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng còn là một khái niệm mới đối với người sử dụng dịch vụ nên họ sẽ có thái độ hoài nghi, lưỡng lự khi chuyển đổi từ phương thức giao dịch truyền thống sang một phương thức giao dịch mới. Để phát triển hoạt động thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng nói riêng và dịch vụ ngân hàng nói chung thì việc giới thiệu, phổ biến để khách hàng biết và nhận thức về sản phẩm phải được quan tâm hàng đầu, từ đó phát sinh nhu cầu sử dụng sản phẩm.
Cùng với sự phát triển của hệ thống công nghệ thông tin, mạng Internet, điện thoại thông minh sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ này là xu thế tất nhiên. Bởi sẽ giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, thanh toán nhanh chóng hơn.
3.5.1.4 Điều kiện khoa học kỹ thuật
Khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại sẽ thúc đẩy sự phát triển của hệ thống thanh toán dịch vụ ngân hàng. Bởi công nghệ ngày càng được hoàn thiện và áp dụng vào hệ thống sẽ giúp cho việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng diễn ra ngày càng tốt hơn, thuận tiện và an toàn hơn.
Một ngân hàng có hệ thống công nghệ thông tin tốt cần đảm bảo chạy ổn định, phát huy nhiều tính năng để nâng cao dịch vụ thanh toán ngày càng tiện lợi hơn tuy nhiên việc ứng dụng các công nghệ hiện nay ở một số ngân hàng và các đơn vị cung ứng dịch vụ vẫn còn nhiều bất cập, mặt bằng trình độ công nghệ vẫn ở mức thấp, chưa khai thác sử dụng hết tính năng công nghệ hiện đại do một số quy trình, chuẩn mực nghiệp vụ chưa được ban hành đầy đủ. Chính điều này cũng là nguyên nhân khiến các ngân hàng và các đơn vị liên kết dịch vụ sẽ khó kết nối được lại với nhau, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của hoạt động thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng.
3.5.1.5 Sự phát triển thanh toán dịch vụ công của các ngân hàng
Theo thống kê ở Việt Nam, đã có 50 ngân hàng thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với thuế, hải quan, trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước; 26 ngân hàng thỏa thuận với các công ty điện lực cung ứng dịch vụ thu hộ tiền điện trên phạm vi toàn quốc; 26 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền nước tại hơn 20 tỉnh, thành phố; 11 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền học phí, đa số được triển khai tại các trường đại học; 6 ngân hàng phối hợp triển khai dịch vụ thu hộ viện phí tại các bệnh viện lớn; 5 ngân hàng phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Yên, theo báo cáo của NHNN tỉnh, đã có 05 chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Phú Yên ký thỏa thuận hợp tác tổ
chức phối hợp thu ngân sách nhà nước với ngành thuế, 10 Chi nhánh ngân hàng có liên kết với Công ty Điện lực Phú Yên triển khai thanh toán hóa đơn tiền điện qua ngân hàng, 05 chi nhánh ngân hàng thực hiện ký kết hợp đồng phối hợp thu hộ tiền nước với Công ty cổ phần Cấp thoát nước Phú Yên, 02 chi nhánh ngân hàng đã thực hiện phối hợp thu hộ học phí tại 2 trường đại học lớn trên địa bàn tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên đã và đang tiến hành liên kết với các dịch vụ ngân hàng nhằm chi trả các chương trình an sinh xã hội với 05 chi nhánh ngân hàng.
Thực tế cho thấy, các ngân hàng hiện đang cố gắng cung cấp ngày càng nhiều kênh thanh toán dịch vụ công để nhằm thu hút khách hàng đến với ngân hàng mình, tạo ra sự cạnh tranh trong việc phát triển các kênh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại.
3.5.2 Các yếu tố chủ quan
3.5.2.1 Định hướng và chiến lược hoạt động ngân hàng
Bất cứ một ngân hàng nào cũng phải xây dựng định hướng và chiến lược cho hoạt động để làm mục tiêu cho đơn vị của mình. Với ngân hàng Vietinbank, việc xây dựng định hướng và chiến lược hoạt động phải phù hợp và được thiết lập trên cơ sở tình hình hoạt động kinh doanh và đòi hỏi của thị trường. Do vậy, định hướng và chiến lược hoạt động có tác động đến việc phát triển thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng hiện nay là đa dạng hóa kênh thanh toán và phát triển kênh thanh toán mới cho thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng. Bởi vì trong tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn, cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng và yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng thì việc đa dạng hóa, phát triển sản phẩm mới gia tăng tiện ích sử dụng, an toàn, và phù hợp giúp cho người dân có một cái nhìn và sự hiểu biết toàn diện về loại hình dịch vụ thanh toán này.
3.5.2.2 Quy mô đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật công nghệ
Ngày nay các ngân hàng muốn phát triển hoạt động thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng này cần phải có nguồn vốn quan trọng ban đầu để đầu tư và hoàn thiện hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin của ngân hàng mình. Bởi hệ thống mạng và
đường truyền tốt sẽ mở ra cơ hội phát triển không chỉ hoạt động thanh toán dịch vụ mà còn tăng khả năng phát triển các sản phẩm dịch vụ khác của ngân hàng cả về số lượng lẫn chất lượng. Một khi trang bị được công nghệ cao sẽ cho phép các ngân hàng tạo cho mình ra khả năng phát triển thanh toán dịch vụ hiện đại có tính chất riêng biệt, độc đáo gắn với khả năng sáng tạo và tạo ra thương hiệu, uy tín cho sản phẩm, tăng tiện ích cho khách hàng.
Bởi nếu công nghệ lạc hậu sẽ không đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường; nhân viên ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong quá trình vận hành, tác nghiệp;
khách hàng không được thỏa mãn đầy đủ nhu cầu. Do vậy mà ngân hàng cần có tiềm lực kinh tế đủ mạnh, cơ sở vật chất trang thiết bị kỹ thuật hiện đại đạt tiêu chuẩn mới có thể xây dựng hệ thống ngân hàng điện tử và phát triển nó nhằm đáp ứng mọi yêu cầu giao dịch thanh toán của khách hàng.
3.5.2.3 Chất lượng nguồn nhân lực ngân hàng
Nguồn nhân lực của ngân hàng cũng là một yếu tố ảnh hưởng quan trọng tới việc phát triển hoạt động thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng. Bởi một dịch vụ thanh toán hiện đại, hiệu quả đòi hỏi đội ngũ nhân viên ngân hàng phải có trình độ nhất định, phải thông thạo về tin học, phải có kiến thức cần thiết để sử dụng các phần mềm giao dịch về dịch vụ của ngân hàng, phải có sự am hiểu sâu sắc về sản phẩm dịch vụ. Con người luôn là nhân tố quyết định đến sự thành công của bất kỳ hoạt động nào, do vậy ngân hàng nào có nguồn nhân lực với trình độ cao, trẻ, năng động, nhiệt tình sẽ là điều kiện tốt để phát triển tất cả các dịch vụ thanh toán một cách toàn diện nhất.
3.5.2.4 Chất lượng sản phẩm dịch vụ
Chất lượng sản phẩm dịch vụ là một trong những điều kiện tiên quyết có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển hoạt động thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng. Nó bao gồm các yếu tố trình độ kỹ thuật công nghệ, tính năng và tiện ích sản phẩm và năng lực phục vụ của nhân viên ngân hàng. Chất lượng dịch vụ hoạt động thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng chủ yếu được xác định thông qua đánh giá
của khách hàng đang sử dụng dịch vụ. Cảm nhận về chất lượng dịch vụ của khách hàng về SPDV càng cao cho thấy chất lượng SPDV càng tốt và đây sẽ là tiền đề để phát triển dịch vụ thanh toán ngày càng hoàn thiện hơn.
3.5.2.5 Sự liên kết cung ứng thanh toán dịch vụ công với các đơn vị hành chính công
Ngoài chất lượng sản phẩm dịch vụ mà ngân hàng cung cấp thì sự liên kết cung ứng thanh toán dịch vụ công với các đơn vị hành chính công cũng góp phần ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển hoạt động thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng. Sự liên kết cung ứng dịch vụ càng lớn sẽ càng thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng nhanh chóng, tạo thuận lợi hơn cho khách hàng tham gia thanh toán.
Bởi hiện nay, khi các ngân hàng đang cố gắng xây dựng sự liên kết với các đơn vị hàng chính công thì thường gặp phải nhiều bất cập như là: khả năng kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu giữa Ngân hàng và các đơn vị, tổ chức cung ứng dịch vụ công gặp nhiều hạn chế, sự tương thích về mặt kỹ thuật của các đơn vị, tổ chức cung ứng dịch vụ công và hệ thống Core banking của các Ngân hàng thương mại...
Do vậy để gia tăng sự liên kết này thì cần khắc phục được các hạn chế bất cập trên mới có thể phát triển được hoạt động thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng ngày càng nhiều khách hàng tham gia sử dụng.