CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA DẠY TẬP LÀM VĂN CHO HỌC SINH LỚP BỐN KHÓ KHĂN VỀ VIẾT HỌC HÒA NHẬP
1.1. Tổng quan nghiên cứu vấn đề
1.1.1. Những nghiên cứu về Khó khăn về viết và học sinh khó khăn về viết
1.1.1.1. Nghiên cứu từ Y học
Hiện tượng KKVV lần đầu được bác sỹ Josef Gerstmann Horacek mô tả trường hợp không có khả năng viết do tổn thương não trong cuốn sách Brainstorms vào năm 1940 [49]. Sau Horacek, Emmer và các cộng sự (1970) [43 ], Keller [ 56] cũng đã nghiên cứu về não trái, vùng hoạt động của ngôn ngữ. Tuy ở các thời điểm khác nhau, ở những bối cảnh khác nhau nhưng theo nghiên cứu của các ông, hệ thần kinh người giữ vai trò điều khiển và phối hợp hoạt động của cơ thể. Trong mỗi tế bào thần kinh có phần thân tế bào tạo nên chất xám giữ vai trò tiếp nhận xung thần kinh, phân tích và tổng hợp kích thích cho phản ứng trả lời của hệ thần kinh. Hai khu vực chính của vùng bán cầu não trái liên quan đến ngôn ngữ là vùng broca (vùng vận động ngôn ngữ) và vùng wernicke (vùng hiểu ngôn ngữ). Việc mất ngôn ngữ hoặc khó khăn trong nói, đọc, viết thường đi kèm với những tổn thương của bán cầu não trái.
Giải thích bản chất của KKVV là do những nguyên nhân về sinh học, năm 1985, Albert Galaburda và các đồng nghiệp [44] mổ não của bốn người đàn ông trong độ tuổi từ 14 đến 32 tuổi. Những người này được chẩn đoán là mắc chứng KKVĐ và KKVV. Kết quả cho thấy cấu trúc não của người mắc chứng KKVV khác biệt với cấu trúc não của những người bình thường. Một số trường hợp
KKVĐ, KKVV có hiện tượng tăng sinh vỏ não đi cùng với sai lệch vị trí ở các trung khu thần kinh, phá vỡ sự sắp lớp bình thường của các tế bào thần kinh trên vỏ não. Trong một nghiên cứu sau đó, năm 2006, Galaburda và đồng nghiệp đã tiến hành ở chuột và đã thu được kết quả khả quan cho những nghi ngờ của ông.
Cũng khẳng định não bộ liên quan đến quá trình TLVB, Robertson (2001) [71] ;Woods, AJ và các cộng sự (2006) [79 ] thực hiện chụp cắt lớp não để nghiên cứu thành phần ngoại vi. Các nghiên cứu đã chẩn đoán hoạt động của tiểu não và vỏ não phụ cấu trúc như các đồ thị, việc khiếm khuyết hoặc không hoàn thiện một khâu nào đó trong đồ thị sẽ dẫn đến một khó khăn trong quá trình TLVB, tuỳ thuộc vào vị trí khiếm khuyết mà HS có những khó khăn khác nhau. Đây là một kết luận quan trọng trong việc tìm ra thêm một nguyên nhân để xác định mức độ khó khăn của mỗi cá nhân. Như vậy có thể thấy:
KKVV của mỗi trẻ là không giống nhau, mức độ khó khăn khác nhau.
Năm 2001, Weinberger và nhóm nghiên cứu của ông ở NIH (National Institutes of Health – Học viện quốc gia Y học Hoa Kỳ) đã khám phá ra các gen có thiên hướng dẫn tới bệnh tâm thần phân lập. Năm 2003, một e-kip quốc tế trong đó có Thomas Bourgeron ở Viện Pasteur Hoa Kì tham gia, xác định đầu tiên những gen liên quan đến KKVV. Những gen này có vai trò quyết định trong sự phát triển của các khớp thần kinh, nối kết giữa các tế bào thần kinh. Cùng năm ấy, một nhóm nghiên cứu ở Phần Lan cũng xác định gen gây ra chứng KKVV. Và như vậy, KKVV có thêm một nguyên nhân di truyền, thêm một cách nhận định về KKVV.
Để xác định những bất thường ở bán cầu não trái, Mennemeier [62]
thực hiện kỹ thuật chụp cộng hưởng từ những HS có nghi ngờ KKVV. Kết quả thu được cũng khẳng định ảnh hưởng của bán cầu não trái với thành tích học tập của HS. Như vậy, có thể coi chụp cộng hưởng từ như là một cách để xác định nguyên nhân gây KKVV.
Martins M.R và các cộng sự [60] đưa ra những cảnh báo dấu hiệu Dysgraphia ở HS lớp sáu của các trường TH. Đây là một thăm dò, thực hiện với
630 HS được nghi ngờ KKVV thông qua việc chụp cắt lớp não, mô tả các lớp cắt ngang. Tổng cộng có 22% (n = 138) của mẫu trình bày có dấu hiệu cho thấy dysgraphia. Các chỉ số tương quan về giới tính, nghiêng về HS nam cho thấy một sự khác biệt đáng kể (p <0,05). Một số HS trong số đó mắc chứng KKVĐ ảnh hưởng đến KKVV.
Với các dấu hiệu dysgraphia ở HS, nhóm nghiên cứu cảnh báo cần tầm soát các dấu hiệu này để thực hiện can thiệp sớm. Tuy nhiên với những con số trên cho thấy, tiêu chí đánh giá KKVV có vẻ như bao hàm cả những nguyên nhân khác (khó khăn kép).
Khẳng định vai trò của bác sỹ nhi khoa trong chẩn đoán và điều trị KKVV, Smits E. và các cộng sự (1997) [77] cho rằng: Bác sĩ nhi khoa có thể đưa ra một mô tả chi tiết về những hội chứng và giải thích cho phụ huynh biết nên làm thế nào để họ có thể giúp con mình, những khó khăn chính trong quá trình học tập của con là gì, những phương pháp trị liệu có hiệu quả. Theo Gergely, sự hợp tác của bác sĩ nhi khoa với các nhà tâm lý và các GV là rất quan trọng. Đây có lẽ là một mô hình tương đối hoàn chỉnh trong việc phát hiện, can thiệp và hỗ trợ hiệu quả cho học sinh KKVV.
Ở Việt Nam, Y học dường như chưa có một nghiên cứu trực tiếp nào về não bộ và những liên quan đến nói, đọc, viết của trẻ. Việc xác định những dấu hiệu bất thường của não trái được các bác sĩ khoa Thần kinh của Bệnh viện Nhi Trung ương xác định thông qua việc chụp cắt lớp não bộ. Tuy nhiên, công việc mới chỉ dừng ở đây mà chưa có một nghiên cứu trường diễn nào cho vấn đề não bộ với KKVV.
Đến đây, có thể hình dung ra phần nào bức tranh hiện thực những KKVV của HS qua các nghiên cứu về Y học. Các nhà nghiên cứu Y học quan tâm đến nguyên nhân gây KKVV, đặt vấn đề trọng tâm với não bộ và vùng hoạt động của bán cầu não trái. Sai lệch cấu trúc, gen di truyền và những chấn thương bất thường ở vùng não trái là những giải thích tiếp theo cho KKVV của HS.