CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA DẠY TẬP LÀM VĂN CHO HỌC SINH LỚP BỐN KHÓ KHĂN VỀ VIẾT HỌC HÒA NHẬP
1.7.4. Phương pháp và phương tiện dạy tập làm văn cho học sinh lớp bốn khó khăn về viết
1.7.4.1. Phương pháp dạy tập làm văn cho học sinh lớp bốn khó khăn về viết
Phương pháp diễn giảng
- Phương pháp diễn giảng là tên gọi chung cho diễn đạt của GV trong giờ học TLV, nhằm các mục đích: 1/ Giải thích tài liệu mới; 2/ Giảng giải kiến thức mới, giải thích những điều HS chưa hiểu; 3/ Trả lời các câu hỏi của HS;
4/ Bổ sung kiến thức tài liệu; 5/ Mở rộng kiến thức.
- Các bước của phương pháp diễn giảng có thể được sắp xếp:
+ HS nhận nhiệm vụ;
+ GV phân tích và giảng giải những nội dung kiến thức HS chưa biết, chưa hiểu;
+ HS rút ra những dấu hiệu của khái niệm, qui tắc có ghi trong tài liệu (phát biểu bằng lời);
+GV tóm tắt nội dung các qui tắc và khái niệm, khắc họa những điểm cơ bản cho HS và chỉ dẫn cách vận dụng các nội dung vào văn bản nói và viết.
- Sử dụng phương pháp diễn giải sẽ tiết kiệm được thời gian. GV có thể cung cấp các mẫu lời nói cho HS (thông qua cách diễn giảng của GV).
- Một số vấn đề cần lưu ý:
+ Khi phân tích tài liệu mới cũng như khi khái quát hóa, việc diễn giảng của GV không nên chiếm nhiều thời gian (chừng 7 đến 10 phút/ một tiết học)
+ Việc diễn giảng chỉ đem lại kết quả khi GV biết sử dụng lời nói một cách chặt chẽ, có hệ thống, ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu, không mắc lỗi về ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp. Nói chung ngôn ngữ của GV cả về hình thức lẫn nội dung đều phải chuẩn mực để HS dễ tiếp thu kiến thức.
+ Phương pháp diễn giải nhất thiết phải có trong các tiết dạy TLV, càng quan trọng trong lớp học có học sinh KKVV.
- Phương pháp đàm thoại là phương pháp được sử dụng nhiều nhất trong các tiết học TLV. Khác với diễn giảng (chỉ có GV nói là chính), đàm thoại có sự tham gia tích cực của HS vào việc tìm hiểu, xây dựng bài. Phương pháp đàm thoại được xây dựng trên cơ sở các câu hỏi và các câu trả lời.
- Ưu điểm của phương pháp đàm thoại là ở chỗ thu hút được phần lớn HS trong đó có học sinh KKVV cùng tích cực làm việc để tiếp nhận tri thức.
- Để phương pháp đàm thoại có hiệu quả, GV cần nắm vững cách đặt vấn đề và cách nêu câu hỏi. Yêu cầu chung của các câu hỏi:
+ Câu hỏi phải được diễn đạt rõ ràng, sáng sủa. Nội dung câu hỏi vừa sức, các câu hỏi dành học sinh KKVV phải được chia nhỏ, giảm độ khó, các câu hỏi mang tính gợi ý để HS có thể trả lời, tạo sự tự tin và hứng thú học tập cho HS.
+ Không nên đặt câu hỏi trả lời theo nhiều cách đều đúng.
+ Tránh những câu hỏi chỉ cần trả lời “ có” hay “ không” .
- Bình thường đàm thoại được bắt đầu từ những câu hỏi có chủ định, xác lập mối quan hệ giữa tài liệu mới và cũ, giúp HS khôi phục trong trí nhớ những điều đã quên. Điều này rất quan trọng đối với học sinh KKVV. Cuộc đàm thoại được hoàn thành với những câu hỏi mà căn cứ vào đó có thể kiểm tra mức độ thu nhận nội dung kiến thức của HS.
- Muốn đàm thoại với học sinh KKVV có kết quả, GV và HS cần phải được chuẩn bị chu đáo. Tùy theo từng mục, từng bài, tùy theo mức độ hứng thú của HS mà phương pháp này có thể chiếm số lượng thời gian khác nhau trong một buổi học.
Phương pháp làm việc với sách giáo khoa và các tài liệu học tập
Sách giáo khoa (SGK) và các tài liệu học tập (TLHT) là một trong những nguồn cung cấp tri thức và kĩ năng TLVB của HS. Các tài liệu này chiếm một vị trí quan trọng trong quá trình dạy học TLV.
Trong một tiết học, SGK, TLHT được GV sử dụng để giải thích các kiến thức lí thuyết và làm các bài tập mẫu. SGK có thể được dùng ở đầu, giữa hoặc cuối tiết học, dùng để dạy bài mới, luyện tập và củng cố kiến thức.
Phương pháp làm việc với SGK được tiến hành như sau:
- GV/HS đọc nội dung SGK; có thể đọc kĩ từng dòng, từng phần và giải thích rồi đặt những câu hỏi để HS tìm hiểu, phát hiện kiến thức. Ở những phần khó (nhiều khái niệm mới, phức tạp) GV cần giải thích kĩ để HS lĩnh hội.
- HS có thể tóm tắt lại nội dung những phần đã đọc và trả lời các câu hỏi gợi ý của GV để tìm hiểu bài hoặc tìm ý tưởng, ý cho bài viết.
Lưu ý: Trong phương pháp làm việc với SGK, vẫn cần thiết GV có những câu hỏi gợi ý (sử dụng phương pháp đàm thoại). Tài liệu trong SGK càng ít thì sự giải thích của GV càng có vai trò quan trọng, nhất là đối với học sinh KKVV..
Phương pháp sử dụng các tài liệu trực quan
Các tài liệu trực quan được dùng nhiều trong giờ học dành cho việc giải thích khái niệm mới, củng cố và ôn tập. Sự kết hợp giữa đàm thoại và các tài liệu trực quan là điều kiện quan trọng để học sinh KKVV tiếp thu phần lí thuyết và rèn kĩ năng.
Các tài liệu trực quan thông dụng nhất là các sơ đồ, biểu bảng, mô hình, tranh ảnh minh họa.
Tác dụng của tài liệu trực quan là giúp HS có thể tiếp nhận bằng mắt , có thể hiểu được những đơn vị kiến thức bằng quan sát các sơ đồ, mặt khác nó củng cố, khái quát hóa tri thức cho HS.
Phương pháp tham quan, đi thực tế
Phương pháp tham quan, đi thực tế có vai trò quan trọng đối với HS KKVV. Nó có tác dụng rèn luyện khả năng quan sát, mở rộng vốn từ, phân tích ngôn ngữ cho các em. GV giao nhiệm vụ cho HS như sau:
-Tìm những từ tượng hình, tượng thanh mô tả những vấn đề quan sát.
- Viết đoạn VMT có sử dụng nhiều tính từ, câu trần thuật.
-Ghi chép và học thuộc những từ mới.
Những phương pháp đã trình bày ở trên là cơ sở tốt để HS bước vào hoạt động giao tiếp (nói hoặc viết).
HS phải tự thân giao tiếp bằng ngôn ngữ. Dạy TLV theo hướng giao tiếp tức là dạy phát triển lời nói cho từng cá nhân người học, đối với học sinh KKVV thì GV cần tăng cường dạy giao tiếp để HS có thể trình bày được ý tưởng của bài văn, nếu các em gặp khó khăn sẽ được GV hỗ trợ kịp thời. Đây là phương pháp ưu việt cho học sinh KKVV.
Để thực hiện tốt phương pháp này cần chú ý:
- Tạo cho học sinh KKVV có nhu cầu giao tiếp. Nhu cầu này nảy sinh khi có nhiều vấn đề sử dụng các kiến thức về ngôn ngữ mới giải quyết được hoặc cần trao đổi mới hiểu được.
- Tạo cho học sinh KKVV nội dung giao tiếp. Để thỏa mãn nhu cầu giao tiếp, GV cần phải có động tác chuẩn bị cho các em nội dung nói thông qua đàm thoại (chuẩn bị càng chi tiết càng tốt); tạo cho HS có môi trường giao tiếp: có đối tượng, hoàn cảnh, nội dung, mục đích giao tiếp; tìm kiếm phương tiện, các thao tác cơ bản khi giao tiếp.
Cũng như phương pháp đàm thoại, phương pháp giao tiếp có tác dụng tích cực đối với học sinh KKVV.
1.7.4.2. Phương tiện dạy học tập làm văn cho học sinh lớp bốn khó khăn về viết Trong dạy TLV cho HS tiểu học nói chung, học sinh KKVV nói riêng phải sử dụng đến phương tiện, tài liệu trực quan. Các tài liệu này được dùng nhiều trong các giờ học dành cho việc quan sát tìm ý, phát triển vốn từ theo chủ đề, viết câu, đoạn văn,…. Tác dụng của tài liệu trực quan, một mặt giúp HS có thể tiếp nhận bằng tri giác, có thể tìm kiếm kiến thức bằng quan sát, mặt khác củng cố, khái quát hóa tri thức cho HS.
Trong dạy TLV, GV có thể sử dụng các phương tiện là vật thật, tranh ảnh, các video, clip,… là các câu chuyện, bộ phim,… là các hoạt cảnh do các em xây dựng
Việc dùng các tài liệu trực quan giúp GV dạy học thuận lợi hơn, giúp HS có thể hoàn thành nhiệm vụ học tập dễ dàng hơn. Tuy nhiên, phương tiện dạy học phải phù hợp với mục đích dạy học, phù hợp với nội dung và đối tượng là học sinh KKVV. GV không nên dùng quá nhiều tài liệu trực quan trong một tiết học vì nó sẽ gây rối và phân tán sự chú ý của HS trong việc tiếp thu kiến thức và rèn kĩ năng.