Khó khăn về viết

Một phần của tài liệu Dạy tập làm văn cho học sinh lớp bốn khó khăn về viết học hòa nhập (Trang 39 - 42)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA DẠY TẬP LÀM VĂN CHO HỌC SINH LỚP BỐN KHÓ KHĂN VỀ VIẾT HỌC HÒA NHẬP

1.2. Một số khái niệm cơ bản

1.2.2. Khó khăn về viết

Thuật ngữ

KKVV là một trong những nghiên cứu mới tại Việt Nam. Các thuật ngữ hiện nay đều được chuyển ngữ từ tiếng Anh. Những liên quan đến KKVV được các nghiên cứu trên thế giới sử dụng các thuật ngữ khác nhau. Writen expression disorders: Rối loạn ngôn ngữ viết; Handwriting diffculties: Khó khăn với chữ viết tay; Writing disabilities: Khuyết tật viết; Dysgraphia: Khó khăn về TLVB.

Như vậy, trong các nghiên cứu, các tác giả sử dụng thuật ngữ phù hợp với nghiên cứu của mình.

Trong khuôn khổ luận án, tác giả sử dụng thuật ngữ Dysgraphia.

Dysgraphia được biết đến từ những năm 40 của thế kỷ trước.

Dysgraphia xuất phát từ tiếng Hy Lạp. Dys- có nghĩa là khó khăn, - graphia có nghĩa bằng văn bản. Người đầu tiên phát hiện ra Dysgraphia là bác sĩ người Áo Josef Gerstmann Horacek. Ban đầu ông dùng thuật ngữ Agraphia để chỉ những trường hợp không có khả năng viết, thường xuất hiện bởi một cơn đột quỵ hoặc chấn thương não nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong thực tế, những trường hợp mắc chứng Agraphia thực sự không có nhiều. Sau đó, ông mở rộng đối tượng nghiên cứu về những trường hợp được ông gọi là Dysgraphia.

Không giống như Agraphia, Dysgraphia chỉ những rối loạn về văn bản liên quan đến chữ viết tay (sự chuyển động của các cơ) và mã hoá chữ viết.

Horacek nghi ngờ những KKVV xuất phát từ não bộ. Ông đi sâu vào nghiên cứu não bộ và những ảnh hưởng của não bộ đến ngôn ngữ, đặc biệt là vấn đề dysgraphia. Những nghiên cứu của ông đã đánh dấu sự mở đầu cho những nghiên cứu KKVV ở trẻ và nhanh chóng giành được sự quan tâm của giới nghiên cứu.

Thuật ngữ này đến nay vẫn được dùng để chỉ KKVV.

Khái niệm

Cũng như vấn đề thuật ngữ, tùy theo các nghiên cứu khác nhau mà các nhà khoa học sử dụng các khái niệm khác nhau. Một số khái niệm KKVV được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay như:

Meese, Nicolson RI, Faweett AJ (2001) sử dụng: Dysgraphia là một rối loạn tâm lý liên quan đến sự hiểu biết hoặc sử dụng ngôn ngữ thể hiện bằng văn bản. Rối loạn này có thể biểu lộ khả năng không hoàn hảo trong nghe, suy nghĩ, nói, đọc, viết. Nội dung của khái niệm chỉ ra KKVV do rối loạn tâm lí dẫn đến rối loạn ngôn ngữ trong đó có nói, đọc, viết.

Chiver (2008) thì có cách nhìn khác về KKVV: Dysgraphia là một khó khăn với chữ viết do khó khăn với vận động tinh mặc dù có trí thông minh bình thường. Khái niệm này cho thấy, học sinh KKVV có trí tuệ hoàn toàn bình thường, các em chỉ gặp khó khăn với chữ viết tay do có vấn đề với vận động tinh. Như vậy, có thể nói, khái niệm chưa đưa ra một bức tranh hoàn hảo về dysgraphia. Bởi trong thực tế, dysgraphia không chỉ khó khăn với vận động tinh mà còn khó khăn với vấn đề chính tả và sản xuất ý tưởng để TLVB.

Trung tâm khuyết tật học tập (NCLD) đưa ra một khái niệm khá đầy đủ về KKVV: Dysgraphia một khuyết tật học tập có nguồn gốc từ não bộ ảnh hưởng đến văn bản, đòi hỏi một tập hợp các kỹ năng xử lý kĩ thuật viết và xử lí thông tin thu thập được. Dysgraphia có thể dẫn đến các vấn đề khó khăn với chữ viết tay, lỗi chính tả và sản xuất ý tưởng để tạo lập văn bản [61].

KKVV cho đến nay vẫn có nhiều các nghiên cứu và nhiều cách nhìn nhận khác nhau mà chưa có một khái niệm chung, một thống nhất. Như các dạng khó khăn khác của KTHT, dysgraphia là một thách thức lâu dài, mặc dù nó có những biểu hiện thay đổi theo thời gian nếu có sự can thiệp và hỗ trợ kịp thời.

Ở Việt Nam hiện nay, các khái niệm được tổng hợp và lựa chọn từ các khái niệm KKVV khác nhau trên thế giới với điều kiện phù hợp mục đích nghiên cứu và hướng tiếp cận của các nghiên cứu đó tại Việt Nam.

Khi nghiên cứu về một số biện pháp hỗ trợ trong dạy học viết cho học sinh KKVV ở TH, Nguyễn Thị Cẩm Hường đã đưa ra khái niệm sau:

Khó khăn về viết là trạng thái khiếm khuyết về chữ viết tay (handwriting) và đôi khi là chính tả (spelling/orthographia). Thể hiện thành những khó khăn đặc thù trong việc lĩnh hội và vận dụng kĩ năng viết (đặc biệt là trong kĩ năng sao chép gồm kĩ năng tạo chữ và kĩ năng viết chính tả) biểu hiện ở những dạng và mức độ khác nhau, bao gồm việc viết những chữ rất khó đọc, tốc độ viết chậm, độ trôi chảy, độ chuẩn xác của chữ kém hơn so với yêu cầu chung của độ tuổi. Những khó khăn đặc thù này do những bất thường trong năng lực nhận thức gây nên. Căn nguyên sinh học của khó khăn về viết là do sự khiếm khuyết nào đó trong chức năng hoạt động của hệ thần kinh. Những khuyết tật khác về thính giác, thị giác, trí tuệ, cảm giác, những điều kiện hoàn cảnh – môi trường không phải là nguyên nhân trực tiếp gây khó khăn về viết.

Trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Cẩm Hường, KKVV được cho là do sự bất thường trong năng lực nhận thức. Nguyên nhân được xác định bởi sự khiếm khuyết trong chức hoạt động của hệ thần kinh. Với khái niệm trên, đối tượng loại trừ không phải KKVV là các khuyết tật khác như: thị giác, thính giác, trí tuệ, cảm giác, những điều kiện, hoàn cảnh – môi trường. Vấn đề tác giả loại trừ là hoàn toàn xác đáng vì KKVV là một rối loạn phát triển, rối loạn với não bộ, cụ thể là vùng ngôn ngữ.

Khái niệm tập trung vào kĩ năng tạo chữ: Kĩ thuật nắm bắt các con chữ, kĩ thuật cầm bút; tốc độ viết; độ chính xác, rõ ràng của chữ viết và các lỗi chính tả.

Trong phạm vi luận án, chúng tôi có một cách tiếp cận khác, phối hợp liên ngành, nhấn mạnh những ảnh hưởng của não bộ tới vấn đề TLVB viết, bao gồm: Tạo chữ, chính tả và tạo lập văn bản. Cụ thể KKVV được khái niệm như sau:

Khó khăn về viết là khả năng làm việc không hiệu quả của não bộ trong việc chuyển các kí tự thành chữ viết và sản sinh ý tưởng để tạo lập văn bản.

(Kí tự là chữ cái,dấu thanh và các kí tự đặc biệt (@, #, &,…).

Khái niệm này được sử dụng là “kim chỉ nam” cho các vấn đề nghiên cứu trong luận án.

1.2.3. Học sinh khó khăn về viết

Học sinh KKVV được hiểu như sau:

Học sinh khó khăn về viết là học sinh không có vấn đề với năng lực nhận thức. Các em gặp những khó khăn đặc thù trong việc vận dụng các kĩ năng viết để tạo lập văn bản. Các khó khăn này được biểu hiện ở những kĩ năng khác nhau như: Tạo chữ, viết chính tả và làm bài tập làm văn.

Một HS có thể khó khăn với việc tạo chữ nhưng không khó khăn với chính tả và làm văn hoặc ngược lại; Cũng có những HS gặp khó khăn với cả ba kĩ năng trên. Về mức độ, không phải HS nào cũng gặp khó khăn như nhau.

Chất lượng của chữ viết và chất lượng của văn bản hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ khó khăn của các em. Những học sinh KKVV có thể không có khuyết tật/khó khăn đi kèm nhưng cũng có thể đi kèm các khuyết tật/khó khăn khác.

Như vậy, học sinh KKVV là HS không có vấn đề với năng lực nhận thức. Các em gặp những khó khăn đặc thù trong việc vận dụng các kĩ năng viết để TLVB. Các khó khăn này đều có nguyên nhân từ não bộ.

Một phần của tài liệu Dạy tập làm văn cho học sinh lớp bốn khó khăn về viết học hòa nhập (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(217 trang)
w