Hướng nghiên cứu về cơ chế, chính sách thúc đẩy KSKD ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ các yếu tố tác động đến dự định khởi sự kinh doanh của thanh niên việt nam (Trang 24 - 27)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ KHỞI SỰ KINH DOANH VÀ CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY KHỞI SỰ KINH DOANH

1.2. Tổng quan nghiên cứu về chính sách thúc đẩy khởi sự kinh doanh

1.2.1. Hướng nghiên cứu về cơ chế, chính sách thúc đẩy KSKD ở Việt Nam

Những năm gần đây hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam được nhà nước và xã hội quan tâm. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích tinh thần khởi nghiệp đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động KSKD của người trẻ. Tuy nhiên, hệ thống chính sách cho hoạt động khởi nghiệp của thanh niên nói riêng và khởi nghiệp nói chung vẫn còn những mặt hạn chế. Nhận định này phù hợp với kết quả nghiên cứu

của một số tác giả trong khi nghiên cứu về vấn đề môi trường, cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam như:

Bích Hạnh (2009) đề cập tới chủ đề thành lập doanh nghiệp và kinh doanh tại Việt Nam (Setting up enterprise and doing business in Vietnam), trong đó, tác giả làm rõ những vấn đề về môi trường đầu tư, pháp luật liên quan đến kinh doanh tại Việt Nam như luật doanh nghiệp, luật cạnh tranh, pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường, pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, khuyến khích đầu tư, pháp luật về lao động, hợp đồng chuyển giao công nghệ, thuế, báo cáo tài chính. Mặc dù không đề cập tới tới chủ đề hỗ trợ khởi nghiệp, những phân tích của tác giả cũng gợi ý các vấn đề về pháp lý có liên quan tới khởi nghiệp và các yếu tố của môi trường pháp lý cần tính tới để tạo thuận lợi cho người dân/thanh niên khởi nghiệp.

Hồ Sỹ Hùng (2010) đề cập tới chủ đề “Vườn ươm doanh nghiệp” (Business incubator). Đây một cách thức hỗ trợ rất hiệu quả cho các dự án khởi sự doanh nghiệp. Vườn ươm doanh nghiệp là một tổ chức liên kết giữa Trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học, chính quyền và các doanh nghiệp khởi sự (hay các nhóm, cá nhân có ý định thành lập doanh nghiệp). Tổ chức này có mục đích tạo một "lồng ấp", một môi trường "nuôi dưỡng" các doanh nghiệp khởi sự trong một thời gian nhất định để các đối tượng này có thể vượt qua những khó khăn ban đầu, khẳng định sự tồn tại và phát triển như những doanh nghiệp độc lập. Sự hình thành các doanh nghiệp mới và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thông qua hình thức ươm tạo doanh nghiệp dẫn trở thành công cụ phổ biến và hiệu quả ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đã phát triển. Tuy nhiên, ươm tạo doanh nghiệp ở Việt Nam còn tương đối mới cả trong nhận thức và thực tiễn.

Kỷ yếu Hội thảo quốc tế chủ đề “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” do Học viện Tài chính tổ chức năm 2018. Với nội dung nghiên cứu của chủ đề rộng và bao quát, hội thảo đã tập hợp được rất nhiều bài nghiên cứu có chất lượng về các vấn đề trọng tâm của khởi nghiệp – đổi mới, sáng tạo. Trong đó, một số bài viết có giá trị tham khảo cao với đề tài như: The effect of internal and external barriers on Vietnamese students’ entrepreneurial intention của tác giả Dương Công Doanh, bài nghiên cứu dựa trên việc điều tra 437 sinh viên ở Việt Nam và cho ra kết quả nhân tố

“Chính sách hỗ trợ” là nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất đến ý định khởi sự kinh doanh của sinh viên. Về kinh nghiệm hỗ trợ khởi nghiệp của các quốc gia trên thế giới thì có tác giả Nguyễn Minh Hạnh với bài viết “International experience on education training to promote startups” trình bày về kinh nghiệm đào tạo đối với người khởi sự kinh doanh trẻ của các quốc gia Mỹ, Phần Lan và Israel.

Hội thảo cũng tập hợp rất nhiều bài nghiên cứu liên quan đến nội dung hỗ trợ khởi nghiệp đối với các doanh nghiệp Việt nam như “Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam” - Trần Thị PhươngMai, Vũ Việt Ninh và “Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ - Thực trạng và giải pháp” – Nguyễn Đoàn Thảo Linh, Nguyễn Thị Thanh. Những nghiên cứu này chủ yếu trình bày và đánh giá thực trạng hỗ trợ đối với các loại hình doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) và doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam trên góc độ quản lý Nhà nước thông qua các tổ chức hỗ trợ kinh doanh (Accelerators); Các quỹ/ nhà đầu tư giai đoạn sơ khởi (Re-seed, seed, investors); Các quỹ nhà đầu tư giai đoạn series A, B; Quỹ/

vườn ươm của Chính phủ (incubators);.... Tuy nhiên, những bài viết liên quan đến thanh niên và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp còn rất hạn chế, chỉ có duy nhất nghiên cứu “Bàn thêm về việc hình thành quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong các trường đại học” của tác giả Trần Xuân Hải trao đổi về đề xuất chính sách hỗ trợ tài chính ở các trường đại học cho đối tượng sinh viên.

Kỷ yếu Hội thảo quốc gia chủ đề “Khởi nghiệp và đổi mới trong kinh doanh”

do Khoa Quản trị kinh doanh và Khoa Đào tạo quốc tế, trường Đại học Thương mại tổ chức năm 2018. Một trong những chủ đề của Hội thảo là hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp nên có khá nhiều bài viết tập trung vào nội dung này như Vườn ươm doanh nghiệp và các chính sách liên quan đến tạo lập môi trường pháp lý cho các vườn ươm doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay; Hỗ trợ từ gia đình và ý định khởi nghiệp của sinh viên;

Thúc đẩy khởi nghiệp thông qua phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia; Bàn về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp doanh nghiệp của các tác giả Vũ Văn Hùng, Vũ Thị Như Quỳnh, Trần Thị Hoàng Hà Và Đỗ Hạnh Nguyên. Mặc dù các tác giả đã trình bày được thực trạng và giải pháp liên quan hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam nhưng phạm vi mới chỉ hướng đến đối tượng là sinh viên hoặc các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung mà không tập trung vào thanh niên.

Bùi Nhật Quang và cộng sự (2018) trong nghiên cứu về “Chính sách khuyến khích khởi nghiệp doanh nghiệp của Việt Nam” đã làm sáng tỏ và cụ thể hóa các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến hoạt động khởi nghiệp. Bên cạnh việc tổng kết, đánh giá về các mô hình khởi nghiệp và khả năng vận dụng, nhân rộng các mô hình này ở Việt Nam, nhóm tác giả còn làm rõ về các cơ chế, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về khởi nghiệp, từ đó đề xuất các quan điểm, định hướng, mục tiêu đẩy mạnh khởi nghiệp của doanh nghiệp. Công trình nghiên cứu này có thể coi là tài liệu đầu tiên hệ thống hóa các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, các tác giả cũng nhấn mạnh sự thiếu

hụt về hệ thống chính sách cụ thể hỗ trợ khởi nghiệp hiện nay, chủ yếu chỉ tiếp cận được ở góc độ những chủ trương của Đảng và Nhà nước về khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp.

Nghiên cứu “Chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” của Nguyễn Anh Tuấn và cộng sự (2018). Kết quả từ nghiên cứu cho thấy, những rào cản trong quá trình khởi nghiệp của thanh niên hiện nay chủ yếu do hạn chế về năng lực bản thân gồm các yếu tố về tri thức, kinh nghiệm và nguồn tài chính. Ngoài ra chính sách hỗ trợ về khởi nghiệp trong thanh niên cũng là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến quá trình khởi nghiệp của thanh niên hiện nay. Có từ 37,7% đến 55,4% ý kiến cho rằng các chính sách hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay còn kém hiệu quả. Kết quả mô tả xu hướng đánh giá của thanh niên về mức độ tác động của một số chính sách trong lĩnh vực nghề nghiệp, việc làm cũng cho thấy các chính sách được đánh giá ở mức trung bình thấp. Các chính sách liên quan nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp chưa được thanh niên đánh giá cao về mức độ triển khai cũng như hiệu quả đạt được, nhất là trong việc đáp ứng nhu cầu khởi nghiệp của thanh niên. Hai nội dung được đánh giá là hạn chế trong việc triển khai chính sách hỗ trợ khởi nghiệp chiếm tỉ lệ cao nhất số người tham gia khảo sát đồng tình đó là: Động lực của chính sách (53%) và hiệu quả triển khai chính sách (51,7%). Các nội dung đánh giá hiện nay “thiếu chính sách” hoặc “chính sách đưa ra chưa cụ thể” chiếm khoảng 43% ý kiến đồng tình.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ các yếu tố tác động đến dự định khởi sự kinh doanh của thanh niên việt nam (Trang 24 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(188 trang)