Khoảng trống nghiên cứu

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ các yếu tố tác động đến dự định khởi sự kinh doanh của thanh niên việt nam (Trang 33 - 37)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ KHỞI SỰ KINH DOANH VÀ CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY KHỞI SỰ KINH DOANH

1.3. Khoảng trống nghiên cứu

Kết quả tổng quan các nghiên cứu của quốc tế và trong nước cho thấy dự định khởi sự kinh doanh bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó, tập trung vào các nhân tố như: thái độ khởi sự kinh doanh, chuẩn chủ quan, nhận thức kiểm soát hành vi, giáo dục khởi sự kinh doanh, các đặc điểm cá nhân, kinh nghiệm khởi sự, các yếu tố thuộc môi trường. Bên cạnh những yếu tố có tính đồng nhất về kết quả nghiên cứu như thái độ và nhận thức (Elfving và cộng sự, 2009; Shariff và Saud, 2009), chuẩn chủ quan (Linan và Chen, 2009); thì các yếu tố khác vẫn chưa có sự thống nhất về kết quả nghiên cứu như: nhận thức kiểm soát hành vi (Ruhle và cộng sự, 2010; Paco và cộng sự, 2011), giáo dục khởi sự kinh doanh (Johansen và Schanke, 2013; Gorman và cộng sự, 1997), đặc điểm cá nhân (Tong và cộng sự, 2011), kinh nghiệm khởi sự kinh doanh (Basu và Virick, 2008; Davidsson, 1995), Chính sách hỗ trợ từ Chính phủ đối với khởi sự kinh doanh (Lüthje và Frank, 2003), giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn (BarNir và Watson, 2011; và Shinnar và Giacomin, 2012). Sự khác biệt này cũng có thể do yếu tố bối cảnh như sự khác biệt về văn hóa của từng quốc gia (Okamuro và cộng sự, 2011;

Saeed và cộng sự, 2014). Với những mối quan hệ chưa được kết luận thống nhất thì nên tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu thêm nguyên nhân.

Mặt khác, kết quả tổng quan các nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy chưa có nghiên cứu nào thực hiện một cách có hệ thống để đánh giá tác động của các yếu tố thuộc về bản thân, yếu tố liên quan đến giáo dục KSKD, yếu tố thuộc về môi trường (Hệ thống pháp luật, hỗ trợ từ chính phủ, truyền thống kinh doanh của gia đình) đến dự định KSKD trong môi trường văn hóa, kinh tế, xã hội có nhiều nét đặc thù như ở Việt Nam. Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, do đó, những đặc điểm khởi nghiệp ở thanh niên Việt Nam chắc hẳn sẽ bị chi phối bởi các yếu tố trên ở mức độ

khác nhau. Điều này chưa được kiểm chứng đầy đủ trong các nghiên cứu học thuật ở trong nước.

Với đặc điểm là những người trẻ năng động, sống trong môi trường xã hội có đang có nhiều thay đổi và chịu ảnh hưởng của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, thái độ đối với khởi sự kinh doanh của thanh niên sẽ có ảnh hưởng nhất định đến quyết định KSKD của họ. Mặt khác, ở Việt Nam, tính cộng đồng được đánh giá cao, bên cạnh những điểm thuận lợi, nó đồng thời cũng mang đến những trở ngại nhất định cho người có ý định KSKD nhất là đối với việc dám chấp nhận thử thách, chấp nhận thất bại hay thay đổi bản thân để bắt đầu hoạt động KSKD. Nói cách khác, thái độ đối với KSKD hay thái độ đối với tiền bạc trong suy nghĩ của TNVN chắc hẳn có sự khác biệt so với thanh niên ở các nước phương Tây và các nước phương Đông có nền văn hóa không tương đồng. Điều đó giúp dự báo rằng thái độ đối với KSKD hay đối với tiền bạc có thể mang lại hiệu ứng nhất định đến dự định KSKD của TNVN.

Từ đặc điểm môi trường văn hóa, con người Việt Nam, có thể nhấn mạnh sức ảnh hưởng, chi phối của chuẩn chủ quan đến dự định KSKD của TNVN. Xã hội Việt Nam đã thay đổi khá nhiều, nhất là về mặt quan niệm, nhận thức trong việc định hướng nghề nghiệp cho con cái. Các nghiên cứu trong nước cũng đã chỉ ra sự thay đổi lựa chọn nghề nghiệp từ các cơ quan nhà nước sang lĩnh vực tư nhân nhiều hơn, cùng với thái độ cởi mở hơn của xã hội với doanh nhân, thậm chí, những người thành đạt trong kinh doanh được xã hội tôn vinh ngày càng nhiều. Những điều đó cho thấy sự khác biệt rất lớn trong quan niệm của người Việt đối với hoạt động KSKD so với quan niệm truyền thống. Tuy vậy, tính cách “ăn chắc, mặc bền” cũng có thể trở thành rào cản trong tâm lý của người Việt khi lựa chọn việc KSKD. Liệu rằng điều này sẽ tạo nên sự khác biệt gì trong chuẩn chủ quan của TNVN và sự khác biệt ấy có ảnh hưởng tích cực đến dự định KSKD của họ hay không?

Các nghiên cứu nhấn mạnh đến vai trò của yếu tố nhận thức kiểm soát hành vi đến dự định KSKD ở cả hai chiều tích cực hoặc tiêu cực, tuy nhiên, ở khách thể nghiên cứu là TNVN với những đặc điểm khu vực sinh sống khác nhau (nông thôn và thành thị) và tình trạng việc làm khác nhau (sinh viên và người đi làm), điều này chưa được kiểm chứng trong các nghiên cứu đi trước. Mặt khác, bối cảnh khởi nghiệp ở Việt Nam có xuất phát điểm khác với so với các quốc gia đã khởi nghiệp thành công trên thế giới, sức lan tỏa từ thông điệp xây dựng quốc gia khởi nghiệp của chính phủ cùng hệ thống các chính sách liên quan tạo hành lang pháp lý hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp vẫn còn chưa hoàn thiện, điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến nhận thức của thanh niên đối với hoạt động KSKD. Do vậy, liệu rằng nhận thức kiểm soát hành

vi có ảnh hưởng tích cực đến dự định KSKD của TNVN hay không? Đây là vấn đề cần được làm sáng tỏ về mặt khoa học.

Về yếu tố nhu cầu thành tích, các nghiên cứu ngoài nước đều khẳng định vai trò tích cực của yếu tố này đối với dự định KSKD. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào nhấn mạnh nhu cầu thành tích của thanh niên có ảnh hưởng đến dự định KSKD khác so với các nhóm xã hội khác hay không? Đặc biệt đối với TNVN, các nghiên cứu hiện nay chưa đề cập vấn đề này một cách rõ ràng, trong khi trên thực tế khảo sát những người trong độ tuổi thanh niên thường có xu hướng mong muốn khởi nghiệp cao hơn so với các đối tượng khác. Do vậy, việc kiểm chứng vấn đề ảnh hưởng của nhu cầu thành tích đến dự định KSKD của TNVN là điều phù hợp.

Trong đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến dự định KSKD, một số tác giả đề cập đến yếu tố kinh nghiệm KSKD. Ở Việt Nam, ngoài bằng cấp, yếu tố kinh nghiệm làm việc luôn là một trong các yếu tố được các nhà tuyển dụng ưu tiên. Vì vậy, dễ dàng thấy thực trạng ở các trường đại học hiện nay, sinh viên tham gia làm thêm khá nhiều, ngoài mục đích về kinh tế, việc tích lũy kinh nghiệm cũng là mục đích của họ trong quá trình làm thêm. Vậy đối với hoạt động KSKD, liệu rằng dự định KSKD của TNVN có chịu ảnh của kinh nghiệm KSKD hay không? Với câu hỏi này, ở Việt Nam chưa có minh chứng nào rõ ràng trong các nghiên cứu học thuật. Đó cũng là cơ sở để đặt ra vấn đề kiểm định trong nghiên cứu này.

Một yếu tố không kém phần quan trọng trong mô hình nghiên cứu về dự định KSKD đó là giáo dục KSKD. Ở Việt Nam, hoạt động này còn khá mờ nhạt, thậm chí cả ở trong các trường đại học. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thúc đẩy giáo dục KSKD lại là chìa khóa mở ra cơ hội thúc đẩy hoạt động KSKD trong xã hội.

Do đó, vai trò của giáo dục KSKD đối với dự định KSKD của TNVN được thể hiện như thế nào là điều rất cần được kiểm chứng.

Ngoài ra, kết quả tổng quan nghiên cứu cho thấy, yếu tố sự hỗ trợ của chính phủ ít được đưa vào kiểm chứng trong các mô hình nghiên cứu trước đây. Một số nghiên cứu đề cập đến vấn đề này nhưng trong các bối cảnh xã hội khác nhau, dẫn đến những kết luận khoa học mang tính riêng biệt phụ thuộc vào hoàn cảnh xã hội. Ở Việt Nam, chính phủ rất quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp thông qua việc lan truyền thông điệp xây dựng quốc gia khởi nghiệp qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, về mặt chính sách cụ thể cho hoạt động khởi nghiệp, Việt Nam cần một thời gian nhất định để hoàn thiện cơ chế, chính sách. Điều này liệu rằng có tác động như thế nào đến dự định KSKD của TNVN? Đây là vấn đề rất đáng quan tâm, xem xét với

kỳ vọng mang đến những khuyến nghị phù hợp để tăng cường niềm tin, thái độ tích cực của TNVN đối với hoạt động KSKD trong nước.

* Tiểu kết chương 1

Vấn đề thúc đẩy khởi nghiệp hướng đến xây dựng quốc gia khởi nghiệp ở Việt Nam đang là vấn đề thời sự, được nhà nước và xã hội quan tâm. Tuy nhiên, các nghiên cứu mang tính học thuật ở trong nước còn rất hạn chế về mặt số lượng cũng như bị giới hạn bởi phạm vi nghiên cứu. Các nhà khoa học từ kết quả nghiên cứu của mình đã đi đến sự thống nhất rằng dự định KSKD là tiền đề trực tiếp của hành vi KSKD, đây chính cơ sở để tiếp cận thiết kế nghiên cứu về dự định KSKD của TNVN. Mặt khác, kết quả tổng quan nghiên cứu chỉ ra khá nhiều quan điểm lý thuyết khác nhau đề cập đến ảnh hưởng của các yếu tố đến dự định KSKD, tuy nhiên, việc lựa chọn mô hình nghiên cứu phù hợp với TNVN chưa được nghiên cứu nào đề cập đến.

Đây là vấn đề thực tiễn đặt ra đòi hỏi cần nghiên cứu, làm rõ về mặt khoa học để cung cấp luận cứ chính xác nhất về các nhân tố ảnh hưởng đến dự định khởi sự kinh doanh của thanh niên hiện nay, đồng thời có những giải pháp can thiệp để thúc đẩy hoạt động khởi sự kinh doanh của thanh niên trong bối cảnh hiện nay.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ các yếu tố tác động đến dự định khởi sự kinh doanh của thanh niên việt nam (Trang 33 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(188 trang)