CHƯƠNG 5 BÀN LUẬN VỀ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY THANH NIÊN VIỆT NAM KHỞI SỰ KINH DOANH
5.1. Bình luận kết quả nghiên cứu
5.1.1 Các giả thuyết chưa được khẳng định
Giả thuyết 1: Thái độ đối với tiền bạc có ảnh hưởng tích cực đến dự định khởi sự kinh doanh của thanh niên Việt Nam
Trong phần tổng quan, nghiên cứu này đã giả định thái độ với tiền bạc có ảnh hưởng tích cực đến dự định khởi sự kinh doanh của thanh niên Việt Nam. Giả thuyết này được đưa ra là dựa trên quan điểm cơ bản từ nghiên cứu của Fishbein và Azjen (1975), Ajzen và Fishbein (2000), Trevelyan (2009), và Sagiri và Appolloni (2009) về mối quan hệ giữa thái độ và hành vi của một cá nhân. Thông thường một cá nhân có thái độ tích cực, họ sẽ có động lực thực hiện vấn đề đó. Trong cấu trúc thái độ có nhiều khía cạnh, trong đó khía cạnh về tiền bạc được nhấn mạnh và điều này cũng có vẻ hợp lý đối với một nền kinh tế đang phát triển và cũng mới bước vào cơ chế thị trường không bao lâu. Thu nhập đâu đó vẫn là yếu tố quan trọng đối với hầu hết mọi người trong xã hội này. Điều này lai càng đúng theo quan điểm của Maslow (…) là con người thường có xu hướng thỏa mãn nhu cầu từ bậc thấp, cơ bản cho đến bậc cao, tiền bạc hay thu nhập được xếp vào nhóm nhu cầu cơ bản. Thanh niên là đối tượng việc làm chưa ổn định và thu nhập thường thấp nên về mặt lý thuyết họ sẽ luôn có thái độ tích cực với tiền bạc và từ đó có động lực thúc đẩy họ thỏa mãn điều này. Một trong những cách thức thực hiện đó là khởi nghiệp kinh doanh theo quan niệm phổ biến là ‘phi thương bất phú’. Tuy nhiên, khác ngạc nhiên khi mà kết quả về mối quan hệ giữa Thái độ đối với tiền bạc của thanh niên Việt Nam với hành động khởi sự kinh doanh chưa được khẳng định rõ ràng. Điều này có thể giả định theo một hướng khác là mặc dù tiền bạc hay thu nhập quan trọng, nhưng với thanh niên Việt Nam có thể họ có những lý do khác. Ví dụ: việc đào tạo kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp tại Việt Nam cũng chỉ mới diễn ra trong những năm gần đây, do vậy, thanh niên Việt Nam có thể không đủ năng lực về mặt này để khởi nghiệp. Văn hóa Việt Nam cũng là một vấn đề đáng để bàn trong khía cạnh này, vì văn hóa Việt Nam không tạo ra sự độc lập và sự tự
tin nhất định cho con người từ khi họ sinh ra cho đến khi trưởng thành. Ngược lại văn hóa phụ thuộc bố mẹ và gia đình khá lớn khiến không nhiều người trẻ tuổi dám độc lập để tự khởi nghiệp. Do đó, mặc dù có thái độ tích cực về tiền bạc, nhưng thanh niên Việt Nam lại không chọn con được khởi nghiệp để thỏa mãn nhu cầu tiền bạc của họ.
Tuy nhiên, mọi sự giải thích trên cũng chỉ nằm ở sự giả định để lý giải cho việc mối quan hệ giữa thái độ tiền bạc và dự định khởi nghiệp. Để khẳng định sâu sắc hơn vấn đề này đòi hỏi cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu khác trong các bối cảnh khác nhau để xác định rõ hơn nguyên nhân của vấn đề trên.
Giả thuyết 3: Chuẩn chủ quan có ảnh hưởng tích cực đến dự định khởi sự kinh doanh của thanh niên Việt Nam
Tương tự, nghiên cứu này cũng đã giả định chuẩn chủ quan có tác động đến dự định khởi sự kinh doanh của thanh niên Việt Nam. Giả thuyết này đầu tiên được đưa ra dựa trên lý thuyết về hành vi có kế hoạch của Fishbein và Ajzen (1975) và Buchan (2005) là nhận thức và hành vi của một người thường bị chi phối bởi những người thân xung quanh. Đặc biệt là tầng lớp thanh niên thường dễ bị tác động bởi các nhóm xã hội như gia đình, bạn bè hay những người quan trọng xung quanh họ. Việc quyết định khởi sự kinh doanh của thanh niên cũng tương tự như vậy (Kolvereid và Tkachev, 1999, Autio và cộng sự, 2001; Krueger và cộng sự, 2000, Reynolds và cộng sự, 2004;
Kolvereid và Isaksen, 2006, Linan và cộng sự, 2011).
Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu này chưa ủng hộ quan điểm trên. Như vậy, quan điểm truyền thống văn hóa Việt Nam ‘Cha truyền con nối’ hay ‘Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó’ hầu như đã có sự thay đổi nhất định. Sự ảnh hưởng của bố mẹ hay người thân về quyết định chọn nghề nghiệp cuả thanh niên có lẽ không còn ở mức chi phối như trước đây. Việc con cái tiếp tục làm tại cơ quan bố mẹ công tác hay tiếp tục khởi nghiệp kinh doanh lĩnh vực bố mẹ đang thực hiện không còn phổ biến như trước. Điều này cũng có thể do nền kinh tế của Việt Nam có sự thay đổi nhanh chóng trong những thập niên gần đây. Ngành kinh doanh truyền thống bị thu hẹp lại, trong khi nhiều ngành nghề mới phát triển, đa dạng và hấp dẫn thế hệ trẻ như ngành công nghệ thông tin theo xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, quyết định khởi nghiệp kinh doanh của thanh niên trẻ Việt Nam có thể bị tác động lớn bởi các yếu tố khác như xu hướng nghề nghiệp và đặc tính cá nhân của từng thanh niên hơn là chịu sự tác động của gia đình hay người thân.
Ngoài ra, với sự mở cửa và hội nhập sâu rộng của Việt Nam trong những thập niên gần đây không chỉ dẫn đến sự bùng nổ về kinh tế mà còn sự thay đổi lớn về văn
hóa và quan điểm sống của thế hệ trẻ. Có thể dễ dàng quan sát thấy thế hệ 9X và 20X Việt Nam có tư duy độc lập và mức độ đưa ra các quyết định cá nhân ngày càng tăng lên. Bố mẹ họ cũng quen dần điều đó và ngày càng chấp nhận và tôn trọng các quyết định của con cái. Điều này cũng có thể là lý do dẫn đến việc việc thanh niên có quyết định khởi sự kinh doanh không không còn quá phụ thuộc vào nhận thức hay quan điểm của gia đình và những người xung quanh họ nữa, kể cả những người quan trọng như bố mẹ họ.
Một vấn đề nữa cũng có thể là yếu tố tác động đến mối quan hệ này đó chính là việc các công ty, doanh nghiệp Nhà nước trong hơn thập niên nay được cổ phần hóa nhiều, cho đến nay số doanh nghiệp Nhà nước còn lại khá khiêm tốn so với trước đây.
Điều này cũng khiến cho bố mẹ, những người đã từng công tác lâu năm trong các công ty Nhà nước không còn vị thế như trước đây, để thực hiện văn hóa thông lệ là bố mẹ thường mong muốn và với sự ‘quen biết’ của mình có thể xin con cái họ vào công tác tại cơ quan, công ty mà họ đã làm việc lâu nay. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi khi chủ mới xuất hiện sau cổ phần hóa và những ‘đặc ân’ có thể không được như trước đây. Và một khi bố mẹ không thể quyết định đến nghề nghiệp của thanh niên nữa, thì họ sẽ phải tự quyết định tương lai của họ, trong đó có việc dự định khởi sự kinh doanh.
Cũng giống như phần trên, các lập luận mang tính suy diễn chỉ để giúp giải thích trong bối cảnh Việt Nam nhưng chưa thể khẳng định độ chính xác hay tin cậy dựa vào cách lý giải như vậy. Do đó, điều này cần phải được tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới và tìm kiếm cụ thể hơn nguyên nhân của vấn đề này.
Giả thuyết 8: Giáo dục khởi nghiệp kinh doanh có ảnh hưởng tích cực đến dự định khởi sự kinh doanh của thanh niên Việt Nam
Trước đây rất nhiều người không được đào tạo nhưng vẫn khởi nghiệp thành công và trở thành những người nổi tiếng như Bill Gate hay những doanh nhân khác.
Tuy nhiên, đó là thời kì của nhiều người không cần đào tạo bài bản như vậy. Ngoài ra, những người đó là những người kiết xuất, tố chất thiên bẩm và kinh nghiệm thực tiễn đã giúp họ vượt qua các rào cản khác về kỹ năng hay kiến thức chuyên môn để thực hiện kinh doanh thành công.
Tuy nhiên, tính cạnh tranh ngày càng gay gắt, qui mô doanh nghiệp ngày càng lớn thì càng đòi hỏi tính chuyên nghiệp trong kinh doanh ngày càng cao. Một trong những cách thức tăng tính chuyên nghiệp đó là phải tăng cường được giáo dục và đào tạo. Dưới gốc độ nghiên cứu cũng đã chứng mình được rằng giáo dục tập trung vào khởi sự kinh doanh là một chất xúc tác đến sự phát triển dự định khởi sự kinh doanh
của thanh niên theo các nghiên cứu của Raposo và Do Paco, 2011, Bae và cộng sự, 2014, Fayolle và Gailly, 2015. Cũng chính điều đó mà nhiều chương trình đào tạo các cấp được xây dựng và cung cấp cho những người có nhu cầu. Cho đến nay rất nhiều trường học và chương trình học về khởi sự kinh doanh.
Ngược với suy nghĩ trên, giả định về điều này đã không được ủng hộ. Cụ thể giáo dục khởi nghiệp kinh doanh đã không có ảnh hưởng đến dự định kinh doanh của thanh niên Việt Nam. Kết quả này đầu tiên có lẽ do các Chương trình đào tạo về khởi nghiệp một cách bài bản và chuyên nghiệp chưa thật sự phổ biến nên tác động của những Chương trình này đến dự định khởi sự của thanh niên Việt Nam chưa cao. Điều này cũng có thể đúng hiện nay ở Việt Nam khi mà các Chương trình đào tạo chính quy chưa tạo nên một nền tảng thật sự cho việc khởi nghiệp kinh doanh mà việc này hầu như xuất phát từ các phong trào thi đua khởi nghiệp của Trung ương Đoàn, hay các cuộc thi trong và giữa các trường đại học, hoặc từ những Chương trình khởi nghiệp trên truyền hình…Do vậy, khi được hỏi hầu hết thanh niên Việt Nam đều có nhận thức việc dự định khởi nghiệp của mình hay không là do các yếu tố khác trong đó có từ các phong trào thi đua hơn là từ các chương trình giáo dục đào tạo về vấn đề này.
Tương tự, tất cả những lập luận trên cũng từ quan sát và lập luận logics. Do đó, cần phải thực hiện các nghiên cứu thêm để đưa ra các kết luận cụ thể hơn.
Giả thuyết 10: Hỗ trợ của chính phủ có tác động tích cực đến dự định khởi sự kinh doanh của thanh niên Việt Nam
Hỗ trợ từ chính phủ theo giả định ban đầu của nghiên cứu này cho rằng có ảnh hưởng đến dự định khởi sự kinh doanh của thanh niên Việt Nam. Hỗ trợ chính phủ có hai cách tiếp cận khác nhau. Cách hỗ trợ thứ nhất theo nghĩa hẹp là quá trình trợ giúp/giúp đỡ cá nhân hoặc nhóm cá nhân có dự án khởi sự kinh doanh, quá trình này bao gồm 3 giai đoạn: tiếp xúc ban đầu, hỗ trợ triển khai dự án khởi sự kinh doanh và theo dõi sau khi doanh nghiệp được thành lập (Levy-Tadjine, 2004). Theo nghĩa rộng, hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp đề cập tới một hệ thống các trợ giúp khác nhau dành cho người khởi nghiệp đến từ môi trường kinh doanh/khởi nghiệp của họ. Hệ thống các trợ giúp khởi nghiệp này có thể đến từ nhiều tổ chức/đơn vị khác nhau (trung ương/địa phương; tổ chức công/tư), với các hoạt động hỗ trợ khác nhau (hỗ trợ nhận thức, đào tạo, tài chính, hậu cần khởi nghiệp,…) đi theo quá trình từ hình thành ý tưởng kinh doanh tới thành lập và làm chủ doanh nghiệp trong thực tế (Bruyat, 1992). Những hỗ trợ này cùng với những hỗ trợ về chính sách và tạo môi
trường thuận lợi (Stephen và các cộng sự, 2005) có ảnh hưởng quan trọng đến dự định và khởi sự kinh doanh.
Tuy nhiên, giả thuyết này đã không được ủng hộ trong nghiên cứu này. Điều này ban đầu có vẻ cũng khó hiểu vì trong những năm qua Chính phủ Việt Nam mà cụ thể là Thủ tướng chính phủ đã vận động và tạo mọi điều kiện để thanh niên Việt nam khởi nghiệp. Do đó, theo tư duy thông thường sẽ thấy điều này sẽ là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy khởi nghiệp kinh doanh đối với thanh niên Việt Nam.
Nhưng kết quả đã cho thấy giả định này chưa có kết quả như vậy. Điều này khiến cho không chỉ khiến cho các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia thực tiễn mà cả những nhà nghiên cứu phải suy nghĩ thêm nguyên nhân để tìm giải pháp giải quyết hiệu quả. Dưới gốc độ nghiên cứu này, tác giả cho rằng mọi chính sách luôn có độ trễ về mức độ ảnh hưởng so với thời điểm ban hành. Do đó, mặc dù rất tích cực và chủ động từ hỗ trợ của Chính phủ trên mọi phương diện và gốc độ. Tuy nhiên, cần thêm thời gian để những hỗ trợ này thực sự có ảnh hưởng trong thực tế, đến thanh niên Việt Nam muốn thực hiện khởi sự doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng có thể những hỗ trợ của Chính phủ mới ở tầm vĩ mô mà chưa có giải pháp cụ thể đến việc thúc đẩy khởi sự kinh doanh của thanh niên nên mức độ tác động của nó chưa lớn và không thật sự có ảnh hưởng.