CHƯƠNG 2 CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ DỰ ĐỊNH KHỞI SỰ KINH DOANH VÀ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN DỰ ĐỊNH KHỞI SỰ KINH DOANH
2.2 Các lý thuyết cơ bản liên quan đến dự định và khởi sự kinh doanh
2.2.3 Lý thuyết sự kiện khởi sự kinh doanh (The Entrepreneurial Event - SEE)
Mô hình sự kiện KSKD (SEE) được Shapero và Sokol (1982) phát triển dựa trên quan điểm là nếu một người đang làm việc gì đó, thì họ vẫn tiếp tục làm điều đó và chỉ bị gián đoạn khi bị tác động bởi yếu tố bên ngoài. Các tác động tiêu cực hoặc tích cực buộc cá nhân đó phải quyết định lựa chọn cơ hội sẵn có tốt nhất hoặc phải lựa chọn cơ hội khác. Quyết định của một cá nhân khi KSKD phụ thuộc vào những thay đổi trong cuộc sống của cá nhân đó và thái độ của cá nhân đó đối với việc KSKD, cũng như cảm nhận của cá nhân đó về tính khả thi và cảm nhận của các nhân đó về mong muốn KSKD (Shapero và Sokol, 1982).
Hình 2.3: Thuyết sự kiện khởi sự kinh doanh (The Entrepreneurial Event - SEE) Nguồn: Shapero và Sokol, 1982 Shapero và Sokol (1982) cho rằng mong muốn KSKD, cảm nhận về tính khả thi KSKD và khuynh hướng hành động KSKD là những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến dự định của một cá nhân để bắt đầu một doanh nghiệp mới. Trong đó, mong muốn KSKD sẽ ảnh hưởng đến thái độ, giá trị và cảm xúc của cá nhân đó; Cảm nhận về tính khả thi KSKD có liên quan đến nhận thức của một cá nhân về các nguồn lực sẵn có. Hay nói cách khác nó đo lường khả năng nhận thức của cá nhân khi thực hiện các hành vi nhất định; Khuynh hướng hành động của cá nhân theo quyết định của người đó, điều này phản ánh các khía cạnh tính quyết tâm, ý chí của dự định KSKD.
Bên cạnh đó, Lý thuyết SEE đã được nhiều nhà nghiên cứu lựa chọn làm khung lý thuyết khi nghiên cứu về dự định KSKD trong thanh niên, có thể kể đến một số nghiên cứu sau:
Mong muốn KSKD Cảm nhận về tính khả thi KSKD Khuynh hướng hành động KSKD
Dự định Khởi sự kinh doanh
- Walstad và Kourilsky (1998) đã điều tra thái độ và sự hiểu biết của người trẻ tuổi ở Mỹ. Kết quả của họ cho thấy, những người trẻ tuổi Mỹ mong muốn thực hiện các hoạt động kinh doanh; đồng thời, họ muốn được đào tạo về kinh doanh nhiều hơn.
- Nghiên cứu của Krueger và cộng sự (2000), các tác giả đã kiểm tra SEE và TPB (Lý thuyết hành vi dự định) với một mẫu của sinh viên đại học. Kết quả của họ cho thấy rằng cả hai mô hình đều có giá trị và cung cấp một cái nhìn sâu sắc có giá trị vào quá trình KSKD. Trong một cách tương tự, Audet (2002) đã thông qua một thiết kế theo chiều dọc để điều tra dự định KSKD của sinh viên đại học với cả TPB và SEE. Họ nhận thấy rằng một số yếu tố có ảnh hưởng tích cực đến thái độ và dự định KSKD. Những yếu tố này bao gồm tiềm lực tài chính, sự tự do, sự công nhận về cơ hội và trưởng thành hơn.
- Peterman và Kennedy (2003) đã nghiên cứu hiệu quả chương trình khởi sự kinh doanh (Young Achievement Australia, YAA). Họ nhận thấy rằng các sinh viên đã nhận thức cao hơn, mong muốn về tính khả thi để tạo ra doanh nghiệp mới sau khi kết thúc chương trình YAA. Ngoài ra, tính mong muốn và tính khả thi của sinh viên có liên quan đáng kể đến kinh nghiệm trước đó của họ về kinh doanh.
- Vecianne và cộng sự (2005) cũng sử dụng TPB và SEE để điều tra dự định KSKD của sinh viên đại học. Kết quả của họ cho thấy có sự tác động khác nhau của các yếu tố đến dự định KSKD ở các quốc gia khác nhau.
Mặt khác, quyết định của cá nhân khi lựa chọn để thành lập một doanh nghiệp mới phụ thuộc vào những thay đổi quan trọng trong cuộc sống và thái độ của cá nhân đó đối với việc khởi nghiệp (Shapero & Sokol 1982). Dự định hay ý định khởi nghiệp sẽ xuất hiện khi cá nhân phát hiện ra một cơ hội mà họ thấy có khả thi và mong muốn nắm lấy cơ hội đó. Tuy nhiên, để dự định biến thành hành động thành lập doanh nghiệp thì cần có chất xúc tác. Đó chính là những thay đổi trong cuộc sống con người, cũng như trong quá trình lao động và học tập hằng ngày. Cá nhân có hành vi thay đổi trong cuộc sống nếu xuất hiện các nhân tố kéo và đẩy, những thay đổi đó có thể dẫn tới dự khởi sự kinh doanh hay dẫn tới lựa chọn khác thì lại phụ thuộc vào những tác động môi trường xung quanh (chính sách về KSKD của chính phủ, giáo dục về KSKD trong nhà trường, truyền thống kinh doanh của gia đình…) (Shapero & Sokol 1982).
Do đó, nghiên cứu này sử dụng lý thuyết SEE là lý thuyết cơ sở.
Tựu chung lại, mô hình lý thuyết về dự định khởi nghiệp được tổng kết như sau:
Mô hình lý thuyết về dự định nói chung và dự định khởi nghiệp được nhiều nhà nghiên cứu đưa ra, tuy nhiên có hai mô hình dự định đã được sử dụng ngày càng phổ biến từ năm 1990 là Mô hình sự kiện khởi nghiệp (EEM) của Shapero và Sokol
(1982) và mô hình lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB) của Ajzen (1991) (ví dụ, Shook và cộng sự, 2003; Fayolle và cộng sự, 2006; và Gelderen và cộng sự, 2008).
Trong mô hình EEM, dự định KSKD bắt nguồn từ nhận thức nguyện vọng (tính hấp dẫn để một người mở công ty riêng), nhận thức khả thi (cá nhân nhận thấy có khả năng mở công ty riêng ở mức độ nào) và hình thành thiên hướng hành động khi có cơ hội (Krueger, Reilly và Carsrud, 2000). Tính trì trệ trong hành vi của con người được giả định sẽ thay đổi bởi một sự kiện tích cực hoặc tiêu cực bên ngoài. Sự kiện châm ngòi này làm thay đổi tình huống hoặc các kế hoạch tương lai của cá nhân (ví dụ., chọn lựa nghề nghiệp tương lai).
Mô hình TPB đã đem lại cho các nhà nghiên cứu hiểu biết và dự đoán tốt hơn về dự định khởi nghiệp bằng cách xem xét không chỉ các yếu tố cá nhân mà cả các yếu tố xã hội. Lin và Lee (2004) chỉ ra TPB đã được ứng dụng rộng rãi để dự đoán và giải thích hành vi dự định và hành vi thực tế trong nhiều lĩnh vực như tâm lý học, xã hội học, marketing và hệ thống thông tin.
Theo Krueger và cộng sự (2000); Krueger (2007), thuyết TPB và thuyết EEM trùng lặp bởi vì cả 2 thuyết này đều bao gồm một khía cạnh lý thuyết liên quan đến nhận thức tự hiệu quả - là nhận thức kiểm soát hành vi trong TPB và nhận thức khả thi trong EEM, hay thái độ đối với hành vi và chuẩn chủ quan trong TPB thì tương ứng với nhận thức nguyện vọng trong EEM. Ngược lại, Scholten và các cộng sự (2004) nhấn mạnh rằng TPB khác với EEM ở chỗ TPB không căn cứ trên sự xáo trộn của những thay đổi đột ngột mà trên những kinh nghiệm dài hạn và kỳ vọng trở thành người làm chủ.
Autio và các cộng sự (2001) chỉ ra rằng các thành tố trong TPB giải thích được 21% phương sai trong dự định trở thành người làm chủ, trong khi đó Linan và Chen (2009) cho rằng biến này giải thích được 55% phương sai. Những nghiên cứu trước đây xác nhận tính hợp lệ của việc ứng dụng TPB vào giải thích dự định khởi nghiệp trong nhiều nền văn hóa khác nhau.
Như vậy, kế thừa từ các mô hình lý thuyết được các tác giả đề cập đến trong các nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến dự định khởi sự kinh doanh, nghiên cứu này xây dựng mô hình lý thuyết nghiên cứu về yếu tố ảnh hưởng đến dự định khởi nghiệp của thanh niên dựa trên việc kế thừa các thành tố đã được kiểm định từ lý thuyết TPB và SEE. Theo đó, mô hình lý thuyết nghiên cứu của luận án kế thừa 3 yếu tố cơ bản (thái độ, chuẩn mực chủ quan, nhận thức kiểm soát hành vi) từ thuyết TPB; kế thừa từ mô hình SEE và các nhân tố được rút ra từ luận điểm lý thuyết của các nghiên cứu đi
trước (thái độ đối với tiền bạc, nhu cầu thành đạt, giáo dục KSKD, kinh nghiệm/trải nghiệm KSKD) và bổ sung nhân tố mới ít được kiểm chứng bằng các nghiên cứu thực nghiệm là môi trường kinh doanh (chính sách hỗ trợ của chính phủ).