CHƯƠNG 4 PHÂN TÍCH CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN THỰC TRẠNG DỰ ĐỊNH KHỞI SỰ KINH DOANH CỦA THANH NIÊN VIỆT NAM
4.1 Thực trạng khởi sự kinh doanh của thanh niên Việt Nam
Khởi sự kinh doanh là hoạt động có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế và xã hội của một quốc gia. Các doanh nghiệp là một trong những thành phần kinh tế chủ lực đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế, giảm đói nghèo và tạo ra công ăn việc làm (Davidsson, 1995), trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp khởi sự kinh doanh thường tạo ra nhiều việc làm mới với mức gia tăng giá trị lớn mặc dù rủi ro khá cao.
Một nền kinh tế phát triển tốt phải dự trên sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa khởi sự kinh doanh với tăng trưởng kinh tế của quốc gia và địa phương. Những khu vực có tỷ lệ thành lập doanh nghiệp cao thường có tốc độ phát triển kinh tế cao hơn, do đó chính phủ các nước phát triển cũng như các quốc gia đang phát triển đều dành nhiều chính sách hỗ trợ và thúc đẩy việc khởi sự kinh doanh, đặc biệt trong giới trẻ, tự khởi sự kinh doanh để tạo việc làm cho bản thân và người khác thay vì đi làm thuê, qua đó làm gia tăng số lượng doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước.
Để thúc đẩy hoạt động khởi sự kinh doanh, điều quan trọng là cần khơi dậy được tinh thần khởi nghiệp. Theo nghiên cứu của Lee và Cộng sự (2006) cho rằng tinh thần khởi nghiệp được chú trọng ở nhiều quốc gia và được xem là cách thức để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Nghiên cứu của Sobel & King (2008) nhận định khởi nghiệp là chìa khóa quan trọng để tăng trưởng kinh tế, chính vì vậy việc thúc đẩy giới trẻ khởi nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhà chính sách.
Để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp thì chương trình giáo dục có tác động hết sức quan trọng. Astebro và cộng sự (2012) cung cấp bằng chứng ở Mỹ cho thấy đào tạo về khởi nghiệp không chỉ là chương trình dành riêng cho sinh viên ngành kinh doanh mà nó còn là chương trình hết sức quan trọng đối với sinh viên thuộc khối khoa học tự nhiên, kỹ thuật và cả trong lĩnh vực nghệ thuật. Rae & Woodier-Harris (2013) cho rằng muốn doanh nghiệp có một nền tảng kiến thức tốt và quản lý doanh nghiệp thành công thì cần phải xây dựng chương trình học khởi nghiệp rộng rãi cho sinh viên, cung cấp cho họ kiến thức cần thiết để khởi nghiệp thành công và định hướng con đường sự nghiệp đúng đắn. Huber và công sự (2014) phân tích hiệu quả của việc giáo dục khởi nghiệp sớm cho các trẻ em tiểu học ở Hà Lan và chứng minh rằng việc đầu tư sớm giáo dục khởi nghiệp cho trẻ em 11 hoặc 12 tuổi mang đến hiệu quả trong việc nâng cao kiến
thức, kỹ năng khởi nghiệp. Ở mỗi quốc gia khác nhau đều có những nét đặc trưng riêng về văn hóa, kinh tế, chính trị, vì thế nghiên cứu giáo dục khởi nghiệp dựa trên những nét đặc trưng này sẽ góp phần đóng góp quan trọng cho lý thuyết và thực tiễn giáo dục đại học hướng đến thúc đẩy hoạt động khởi sự kinh doanh.
Thúc đẩy tinh thần kinh doanh được coi là hạt nhân cho tăng trưởng kinh tế ở Mỹ và châu Âu. Các trường đại học ở Mỹ luôn đi tiên phong trong đào tạo khởi sự kinh doanh và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Ở nhiều trường đại học, mỗi năm có hàng trăm công ty mới được thành lập và là nơi sản sinh ra hàng nghìn công ty đồng thời tạo ra hàng triệu việc làm. Tiêu biểu trong số đó như MIT, mỗi năm có khoảng 150 công ty mới thành lập, hiện có khoảng 5000 doanh nghiệp đã được thành lập và ra hơn 1 triệu việc làm cùng doanh thu hơn 200 tỷ đô la mỗi năm. Nhiều quốc gia khác trên thế giới đều có các chính sách và kế hoạch hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ để hướng đến hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi sự kinh doanh trong nền kinh tế.
Với quốc gia đang phát triển như Việt Nam, khởi sự kinh doanh có vai trò quan trọng trên nhiều phương diện, không chỉ về kinh tế mà còn cả về xã hội, và trên nhiều mục tiêu, không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong dài hạn. Vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế ngày càng được nhìn nhận và đánh giá cao dựa trên đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế thông qua số liệu thống kê cho thấy mức đóng góp khoảng 45% GDP và chiếm khoảng 90% việc làm mới tạo ra mỗi năm. Chính phủ Việt Nam cũng đã nhìn nhận tầm quan trọng của việc định hướng tinh thần doanh nhân cho sinh viên và giới trẻ nước ta, đồng thời triển khai các chương trình, hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy khởi sự kinh doanh trong cả nướcTrong vòng 5 năm từ khi thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2018 được cải thiện 13 bậc so với năm 2016, từ thứ 82 lên thứ 69 trong tổng số 190 nền kinh tế được khảo sát (Ngân hàng Thế giới, Doing Business, 2019). Theo số liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 714.755 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 9,2% so với cùng thời điểm năm 2017. Năm 2018 số doanh nghiệp thành lập mới cả nước đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay với 131.275 doanh nghiệp, tăng 3,5% so với năm 2017. Khu vực dịch vụ là khu vực có số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất với 94.703 doanh nghiệp, tăng 4,1% so với năm 2017. Khu vực doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào quy mô phát triển của nền kinh tế, chiếm trên 60% trong GDP của toàn bộ nền kinh tế. Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, doanh
nghiệp nước ta đã phát triển nhanh. Bình quân giai đoạn 2011-2017, số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả SXKD tăng 9,5%/năm, số lao động thu hút làm việc trong khu vực doanh nghiệp tăng 5%/năm, vốn sản xuất kinh doanh tăng 14,2%/năm, doanh thu tăng 12,3%/năm, lợi nhuận tăng 17,4%/năm (Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019:53).
Thực tế cho thấy, quy mô của các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam vẫn còn khá nhỏ và phần lớn ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Theo báo cáo của VCCI (2018), 63% doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam có quy mô dưới 10 lao động, 30% từ 10 đến 49 lao động và chỉ có khoảng 7% trên 50 lao động. Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ mới ở giai đoạn định hình doanh nghiệp (36%) và bắt đầu có doanh thu(50%).
Hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội (45%), Thành phố Hồ Chí Minh (29%), Đà Nẵng (15%) (Viettonkin Consulting (2019), Startup Market Research Report, Vietnam). Điều này có thể lý giải bởi lợi thế về vị trí địa lý và sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ở các thành phố này, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, trong việc cung cấp những sự hỗ trợ về mạng lưới, vốn, nhân sự tài năng, các chương trình ươm tạo và tăng tốc khởi nghiệp,…
Cùng với các định hướng và chính sách của Chính phủ, xã hội và cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam cũng đã tích cực tham gia vào quá trình hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp. Theo số liệu thống kê, đến năm 2017, đã có hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động tại Việt Nam, tăng gấp đôi so với 2015; hơn 40 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh và hơn 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước;
nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp được hình thành như Mạng lưới kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chương trình "Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam".
Năm 2018, các tập đoàn kinh tế lớn tăng cường đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST: Vinacapital thành lập quỹ đầu tư Vinacapital Ventures (100 triệu USD);
Vingroup thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu KH&CN có mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, Quỹ Đầu tư mạo hiểm có mức 300 triệu USD… để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đột phá về công nghệ.
Với những định hướng và sự hỗ trợ đó, hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam đã có nhiều khởi sắc với những kết quả bước đầu khá ấn tượng. Năm 2018 đã ghi nhận sự thành công của các startup Việt với những khoản gọi vốn đầu tư lớn như: Foody, nền tảng kết nối ẩm thực trực tuyến, gọi vốn thành công thu về 64 triệu USD; Tiki.vn,
trang thương mại điện tử nhận được khoản đầu tư 44 triệu USD từ quỹ đầu tư của Hàn Quốc, Trung Quốc; Sendo.vn, sàn giao dịch điện tử gọi vốn thành công 51 triệu USD từ các nhà đầu tư châu Á. Không chỉ có start-up Việt hoạt động ở trong nước mà cả start-up Việt được thành lập ở nước ngoài cũng gặt hái thành công như Misfit, GotIt hay Kyber Network. Trí tuệ Việt, sức sáng tạo Việt, ý chí người Việt đã và đang từng bước khẳng định và vươn ra thế giới, xóa nhòa khoảng cách địa lý. Những con số ấn tượng này đã bước đầu khẳng định sự đúng đắn và đầy tiềm năng của hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay.
Hoạt động khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam luôn có sự đồng hành của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp, tổ chức tập huấn, đào tạo kiến thức khởi nghiệp cho thanh niên. Các cuộc thi về ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên được chỉ đạo tổ chức từ cấp Trung ương đến các tỉnh, thành điển hình như Hà Nội, Đồng Tháp, Bắc Ninh và Nghệ An. Một số tỉnh, thành đoàn đã tham mưu triển khai hiệu quả Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp như Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Trung ương Đoàn cũng đã tổ chức các cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” nhằm tìm kiếm, phát hiện các ý tưởng sáng tạo để tuyên truyền, hỗ trợ, nhân rộng, đồng thời, ký kết chương trình phối hợp với một số bộ, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, ngân hàng để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Co.opmart, VinEco, Vinmart, Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao. Thanh niên nông thôn khởi nghiệp được hỗ trợ vốn thông qua nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm, Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; sử dụng nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân trong Quyết định 1600 /QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Các hoạt động hỗ trợ thanh niên nông thôn được cụ thể hóa qua Kế hoạch số 15-KH/TWĐTN-TNNT ngày 22 tháng 02 năm 2018 như: xây dựng ứng dụng điện thoại để giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm cho thanh niên; hỗ trợ thanh niên về kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh. Thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong liên kết sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh việc thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên. Hỗ trợ thanh niên tiếp cận tín dụng; hỗ trợ thanh niên xây dựng chuỗi giá trị; tổ chức cho thanh niên tham gia chuỗi “5S”; thành lập Câu lạc bộ
Thanh niên nông thôn khởi nghiệp tham gia sanytuongkhoinghiep.com do Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn quản lý.
Gần đây nhất, Trung ương Đoàn đã ban hành Đề án “Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019-2022” kèm theo Quyết định số 223-QĐ/TWĐTN-ĐKTHTN ngày 10 tháng 4 năm 2019. Đề án này tập trung hỗ trợ ba nhóm đối tượng thanh niên với các nội dung trọng tâm hỗ trợ như: Hỗ trợ các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp cho sinh viên ở các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng; đối với thanh niên nông thôn có nhu cầu khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ thông qua các dự án, đề án trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; doanh nhân trẻ, chủ doanh nghiệp, thanh niên đô thị, cơ sở sản xuất kinh doanh trong độ tuổi thanh niên mới đăng ký kinh doanh sẽ được hỗ trợ về quản trị doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo, tiên phong hội nhập.
Tuy vậy, Việt Nam hiện vẫn đang được đánh giá là quốc gia có tỷ lệ KSKD rất thấp so với các nước trong khu vực (Phan Anh Tú và Giang Thị Cẩm Tiên, 2015).
Theo đánh giá của GERA (2013) tỉ lệ người trưởng thành ở Việt Nam có ý định KSDN trong thời gian năm tới cũng ở mức rất thấp (24,1%), thấp hơn mức trung bình là 44,7% so với các nước phát triển. Kết quả nghiên cứu của Huỳnh Thanh Điền (2014) cho thấy một thực trạng về trình độ của người khởi sự kinh doanh ở Việt Nam hiện nay là: phần lớn người KSKD có trình độ học vấn thấp trong khi những người có cơ hội khởi sự kinh doanh với trình độ cao hơn lại hướng đến việc đi làm thuê. Số liệu khảo sát về tình trạng việc làm của thanh niên ở Việt Nam được Tổng cục thống kê công bố qua các năm cho thấy: năm 2010 số lượng người có trình độ đại học ở độ tuổi 21–29 thất nghiệp chỉ chưa đầy 60.000 người, nhưng đến năm 2013 số người thất nghiệp có trình độ đại học ở độ tuổi dưới 30 đã tăng lên thành 101.000 người. Còn theo các kết quả thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam, tính đến tháng 7 năm 2014, số lượng người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp trên cả nước đã tăng lên khoảng 162.400 người, trong đó tỉ lệ lao động từ 20 - 24 tuổi có trình độ đại học thất nghiệp trên cả nước lên tới 20%. Điều này cho thấy tình trạng thất nghiệp ở sinh viên nói riêng và thanh niên nói chung đang ngày càng gia tăng. Thực trạng này phản ánh mức độ chưa cao trong hoạt động khởi sự kinh doanh của thanh niên ở Việt Nam nhưng đồng thời cũng chỉ ra cơ hội cho việc thúc đẩy hoạt động KSKD không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trường và phát triển kinh tế mà còn giải quyết việc làm cho nền kinh tế, đặc biệt là đối tượng thanh niên.
Số liệu khảo sát về tinh thần KSKD trong Báo cáo khởi nghiệp toàn cầu của Amway1 cho thấy Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có quan điểm rất tích cực đối với hoạt động khởi nghiệp. Theo như số liệu thống kê của Amway, chỉ số tinh thần khởi nghiệp (AESI) của Việt Nam liên tục tăng từ mức 77% (2015) lên 81% (2016) và 84% (2018).
Bảng 4.1: Mức độ sẵn sàng khởi nghiệp của Việt Nam
Nội dung các phát biểu
Tỉ lệ số người tham gia trả lời đồng ý (%) Năm
2015
Năm 2016
Năm 2018 Bắt đầu hoạt động kinh doanh riêng là một cơ hội nghề
nghiệp đáng mong ước 89 91 92
Gia đình hoặc bạn bè không bao giờ ngăn cản tôi bắt
đầu hoạt động kinh doanh riêng 67 74 83
Tôi có đủ kỹ năng và nguồn lực cần thiết để bắt đầu
hoạt động kinh doanh riêng 75 79 77
AESI 77 81 84
Nguồn: Defining the Entrepreneurial Spirit, Amway Global Entrepreneurship Report 2015, 2016, 2018, tác giả tự tổng hợp.
Số liệu trên cho thấy mức độ sẵn sàng về KSKD ở Việt Nam khá cao với xấp xỉ trên dưới 90% số người được khảo sát cho rằng bắt đầu hoạt động kinh doanh riêng là một cơ hội nghề nghiệp đáng mong ước. Sự tự tin ở người Việt cũng ở mức khá cao khi đánh giá về tiềm năng KSKD với khoảng 80% số người được phỏng vấn cho rằng bản thân họ có đủ kỹ năng và nguồn lực cần thiết để bắt đầu hoạt động kinh doanh riêng, tỉ lệ này tăng qua các năm khảo sát, trong khi đó, con số trung bình toàn cầu là dưới 50% và liên tục giảm (năm 2015: 47%, năm 2016: 46% và năm 2018: 43%).
Nhìn về bức tranh chung tình hình khởi nghiệp ở Việt Nam theo số liệu điều tra của VCCI và USAID năm 2016, có thể thấy phần lớn chủ doanh nghiệp khởi nghiệp trong độ tuổi 30 với tỉ lệ 72% chủ doanh nghiệp có độ tuổi từ 30 trở lên. Trong khi đó, tỉ lệ người trẻ dưới 30 khởi nghiệp chỉ chiếm 28%. Về trình độ học vấn, đa phần các chủ doanh nghiệp khởi nghiệp trong vòng 3 năm đều có bằng đại học với tỉ lệ đạt 84%.
Khát vọng làm chủ là động lực khởi sự kinh doanh lớn nhất của người Việt, trong đó có 59% muốn độc lập tài chính và 41% muốn tự làm chủ.
1 Khảo sát tại 44 quốc gia, với các cuộc phỏng vấn trực tiếp và qua điện thoại được thực hiện với gần 50.000 đàn ông và phụ nữ trong độ tuổi 14-99.