CHƯƠNG 5 BÀN LUẬN VỀ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY THANH NIÊN VIỆT NAM KHỞI SỰ KINH DOANH
5.2. Đề xuất các giải pháp thúc đẩy thanh niên Việt Nam khởi sự kinh doanh 121
5.2.4 Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thúc đẩy KSKD phù hợp với sự phát triển của thị trường và nhu cầu hỗ trợ của các đối tường thanh niên tham gia KSKD
Mặc dù trong nghiên cứu này, việc ‘Hỗ trợ của Chính phủ’ chưa có sự tác động đến ‘Dự định khởi sự kinh doanh của Thanh niên Việt Nam’, nhưng đây vẫn nên là điều đáng quan tâm và đưa ra giải pháp để những hỗ trợ này thực sự có tác dụng. Nguyên nhân
có thể là do hoạt động khởi nghiệp mới được đề cập mạnh trong thời gian gần đây, dừng lại chủ yếu ở quyết tâm chính trị chưa có chính sách cụ thể, TNVN tham gia KSKD cũng chưa thực sự tích cực và sâu, nên đối tượng được hỏi không cảm nhận tích cực về môi trường kinh doanh là điều có thể giải thích được. Mặt khác, hệ thống chính sách chung về khuyến khích khởi nghiệp hiện nay được đánh giá là thiếu đồng bộ, chưa có văn bản thống nhất, gây khó khăn cho việc thực thi. Hơn nữa, chính sách đặc thù hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp dường như còn thiếu vắng, dẫn đến hiệu quả chính sách chưa cao hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của thanh niên khởi nghiệp. Qua thực tiễn phỏng vấn đối với các đối tượng đã KSKD thì họ thực sự rất cần các chính sách hỗ trợ cụ thể như: địa điểm, thuế, chế độ kế toán, chế độ quản lý lao động và bảo hiểm xã hội, vốn, mua sắm công… Yếu tố chính sách đóng vai trò khá quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của thanh niên đối với việc khởi sự kinh doanh, đồng thời, là hành lang pháp lý cần thiết để doanh nghiệp khởi nghiệp có tiền đề phát triển thuận lợi. Do đó, để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, việc rà soát, ban hành các chính sách khuyến khích khởi nghiệp, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho khởi nghiệp ở Việt Nam là điều cần thiết, mặc dù nhiều bộ luật, khung pháp lý đã được điểu chỉnh, sửa đổi bổ sung trong thời gian qua nhằm thúc đẩy hiệu quả văn hóa KSKD tới cộng đồng người trẻ và xã hội, tuy nhiên, sau quá trình khảo sát, nghiên cứu và phân tích thì một số vấn đề tồn tại cần được nhận diện như sau:
Thứ nhất, các quy định hỗ trợ KSKD chưa được thể hiện thống nhất trong một đạo luật riêng biệt mà nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau. Điều này gây khó khăn cho hoạt động tra cứu thông tin pháp luật của các chủ thể đầu tư, hỗ trợ KSKD, chưa kể đó lại là trở ngại rất lớn cho các quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Hệ quả là không ít doanh nghiệp KSKD không nắm được hết các ưu đãi, quyền lợi của mình khi tham gia thị trường. Do vậy, việc tạo dựng khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, đặc biệt là cần có đạo luật dành riêng cho các chủ KSKD là yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan lập pháp trong thời gian tới đây. Tất nhiên, trong thời gian này, các doanh nghiệp KSKD cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt rõ ràng các quy định pháp luật liên quan, đặc biệt là các chính sách ưu đãi của nhà nước để tránh trường hợp không được hưởng ưu đãi vì thiếu hiểu biết pháp luật.
Thứ hai, các quy định về sở hữu trí tuệ của Việt Nam đối với các doanh nghiệp KSKD chưa chặt chẽ và cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể này còn nhiều hạn chế khiến tình trạng “chảy máu chất xám” diễn ra phổ biến. Thực tế cho thấy, gần như 100% giá trị các doanh nghiệp KSKD là dựa vào tài sản trí tuệ nhưng họ lại bỏ qua hoặc chưa dành sự quan tâm đúng mức để bảo vệ các tài sản trí tuệ, dẫn đến
tình trạng bị công ty đối thủ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trước, mặc nhiên bị tước quyền sở hữu trí tuệ đối với chính sản phẩm của mình. Hơn nữa, việc đăng ký bảo hệ các tài sản sở hữu trí tuệ hiện nay mất khá nhiều thời gian, thủ tục rườm rà, phức tạp;
thời gian cấp phép đối với sáng chế, nhãn hiệu kéo dài… khiến cho nhiều doanh nghiệp e ngại khi phải thực hiện những thủ tục này. Đây là nút thắt lớn cần tháo gỡ từ cả hai phía, nhà nước cần có quy định và cơ chế thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ rõ ràng, minh bạch hơn, doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ mình trước nguy cơ quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm dễ dàng như hiện nay.
Thứ ba, Việt Nam chưa có một chính sách phù hợp cho nhóm nhà đầu tư thiên thần (là giai đoạn sớm nhất trong quá trình hoàn thiện ban đầu về kế hoạch KSKD).
Từ năm 2014 trở lại đây, tại Việt Nam xuất hiện nhiều tổ chức đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư thiên thần có nhu cầu góp vốn hình thành quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về việc hình thành quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo mà chỉ có quy định hình thành quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán sửa đổi 2010. Vấn đề là điều kiện để thành lập một quỹ đầu tư chứng khoán lại rất khắt khe, các chủ thể này rất khó đáp ứng được.
Chẳng hạn, Khoản 1 Điều 90 Luật Chứng khoán (sửa đổi 2010) quy định “Quỹ đại chúng được thành lập nếu có ít nhất 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua chứng chỉ quỹ và tổng giá trị chứng chỉ quỹ đã bán đạt ít nhất là 50 tỷ đồng Việt Nam”. Quy định này là một trong những rào cản lớn đối với các tổ chức và các nhà đầu tư thiên thần muốn thành lập quỹ tại Việt Nam để đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Do vậy, việc thành lập và hoạt động của các tổ chức này cần được cơ quan có thẩm quyền quy định để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam nhanh chóng tiếp cận được nhà đầu tư để phát triển sản phẩm, dịch vụ.
Những bất cập về chính sách liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo không chỉ dừng lại ở những vấn đề kể trên. Sự hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đất đai; hệ thống giáo dục hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo chưa được chú trọng đúng mức; khoảng trống của pháp luật trước những mô hình kinh doanh mới,… là những nút thắt cần được tháo gỡ trong thời gian tới nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Trong hệ thống chính sách khuyến khích thanh niên khởi nghiệp, cần quan tâm đến hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tại địa phương, nhất là ở khu vực nông thôn. Thực tế cho thấy, tình trạng thất nghiệp, sự thiếu việc làm và tình trạng di cư ra thành thị của thanh niên nông thôn đang là những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong quá trình dịch chuyển sang nền kinh tế có giá trị cao hơn. Với 17 triệu thanh
niên nông thôn có độ tuổi từ 15-30 (chiếm 70% số thanh niên và 60% lao động nông thôn), khuyến khích thanh niên nông thôn khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương là giải pháp then chốt để giúp thanh niên tự tạo việc làm, mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân, gia đình, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Để triển khai hiệu quả hoạt động này, ngoài những hỗ trợ về điều kiện sản xuất, Chính phủ cùng cần quan tâm vấn đề đào tạo cho thanh niên nông thôn những kiến thức cơ bản để khởi nghiệp, phát triển các ý tưởng kinh doanh và tận dụng các nguồn lực sẵn có từ địa phương. Đồng thời, các hoạt động đồng hành của tổ chức Đoàn, Hội đối với thanh niên nông thôn trong việc hỗ trợ, phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp cần được triển khai sâu, rộng, mang lại những giá trị thiết thực đối với hoạt động KSKD của thanh niên.