Vai trò của kinh tế đối với việc xây dựng và củng cố quốc phòng trong thời kỳ đổi mới

Một phần của tài liệu LUẬN án TIẾN sĩ KINH tế mối QUAN hệ GIỮA KINH tế với QUỐC PHÒNG ở CỘNG hòa dân CHỦ NHÂN dân lào (Trang 24 - 35)

Là một thực tế dường như tính đặc thù của hai lĩnh vực hoạt động, kinh tế và quốc phòng luôn tồn tại, và phát triển nhờ vào quá trình tác động qua lại lẫn nhau giữa kinh tế với quốc phòng. Cái này là điểu kiện tồn tại và phát triển của cái kia và ngược lại, nhưng trong đó kinh tế đóng vai trò quyết định đói với sự phát triển và vững mạnh của quốc phòng. Bởi vì, kinh tế có vai trò quyết định đến bản chất, nguồn gốc của quốc phòng, quyết định đến sự thành bại của chiến tranh.

Một đất nước có nền kinh tế phát triển sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động quốc phòng bảo vệ Tổ quốc trong đó bao gồm cả việc ăn, ở, mặc, đời sống văn hóa, tinh thần của quân đội. Trình độ phát triển của kinh tế ảnh hưởng rất lớn đến sự lớn mạnh của quốc phòng, như sự duy trì số lượng quân đội, trang bị vũ khí, biên chế tổ chức lực lượng vũ trang, tác động đến chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật quân sự. "kinh tế có nhiệm vụ cung cấp nguồn nhân lực, kỹ thuật và công nghệ cho quốc phòng, quy định khả năng phòng thủ của đất nước và khả năng động viên kinh tế cho chiến tranh khi tình huống đòi hỏi" [64, tr. 8]. Như vậy vai trò của kinh tế đối với quốc phòng, thể hiện ở chỗ toàn bộ hoạt động quốc phòng từ việc tổ chức và phương pháp chiến đấu của quân đội, thắng lợi hay thất bại đều phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện vật chất, điều kiện kinh tế, vào nhân lực và vũ khí. Thực tiễn cho thấy, muốn hiện đại hóa quân đội thì cần phải chi đầy đủ về mặt kinh tế. Ví dụ hiện nay, để hiện đại hóa lực lượng vũ trang Mỹ chi ngân sách quốc phòng ra 4 tỷ đô la (năm 1999) dành để tăng lương cho quân đội, và hiện nay Mỹ có 100% quân nhân chuyên nghiệp đã tốt nghiệp cao đẳng, trong đó 3% có trình độ đại học, 98% sĩ quan có trình độ đại

học, trong đó 41% là thạc sĩ, 1,2% tiến sĩ, nghĩa là một sĩ quan Mỹ có từ 2-3 bằng đại học; Hàng năm Mỹ bổ sung thêm từ 6-12 tỉ đôla cho phát triển trang bị vũ khí công nghệ cao, cải tiến máy bay, tên lửa nhằm đảm bảo cho hoạt động quốc phòng trong thời kỳ mới [7, tr. 16]. Vậy, có thể nói vai trò của kinh tế đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh là rất to lớn trong việc trang bị vũ khí hiện đại cũng như đào tạo nhân lực cho đáp ứng nhu cầu quốc phòng - an ninh trong từng giai đoạn. Đối với các nước mà nền kinh tế còn nghèo nàn lạc hậu thì việc hiện đại hóa lực lượng quân đội là điều không thể làm được. V.I Lê nin viết:

Khó khăn chủ yếu của chúng ta trong cuộc chiến tranh này không phải là vấn đề về mặt nhân lực, cái đó chúng ta có đầy đủ, mà là về mặt tiếp tế. Khó khăn chủ yếu trên tất cả các mặt trận là tiếp tế không đủ, thiếu quần áo ấm và thiếu giầy, áo ca-pốt và cũng là những thứ mà quân lính của chúng ta thiếu nhiều nhất, chính vì thiếu những thứ đó mà nhiều lần những cuộc tấn công đã cầm chắc thắng lợi trong tay nhưng lại bị thất bại [25, tr. 379].

Kinh tế là một nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh của đất nước, nếu chính trị và tinh thần là một chỗ mạnh cơ bản, nhưng kinh tế lại chậm phát triển thì đó là một nhược điểm. Vì vậy, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng tiềm lực kinh tế cho quốc phòng là một vấn đề mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Đó là một thức tế chỉ rõ vai trò đặc biệt quan trọng của kinh tế đối với mọi lĩnh vực của xã hội nói chung, đối với lĩnh vực quốc phòng - an ninh nói riêng. Lênin đã từng nhấn mạnh rằng:

Hãy nói về kinh tế nhiều hơn, kinh tế rất cần thiết cho chúng ta, chúng ta phải thu thập, kiểm tra tỉ mỉ và nghiên cứu những sự kiện trong việc xây dựng nền kinh tế, các công xưởng

lớn, các công xã nông nghiệp, hội đồng kinh tế quốc dân địa phương, thực tế có những thành tựu nào không trong việc cung cấp kinh tế cho dân sự và quân sự [25, tr. 107].

Trong những năm gần đây do sự phát triển đáng kể của nền kinh tế Lào, nên nhu cầu về lương thực, thực phẩm và hàng công nghiệp tiêu dùng của lực lượng vũ trang được đáp ứng ngày càng tốt hơn. Việc sử dụng rộng rãi quan hệ hàng hoá - tiền tệ thay cho chế độ cấp phát bằng hiện vật trước đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo đảm hậu cần trong quân đội.

Cuộc cách mạng quân sự, đi kèm với việc làm cho kỹ thuật chiến đấu tinh vi, đòi hỏi phải mở rộng không ngừng cơ cấu sản xuất quân sự ra toàn bộ nền kinh tế quốc dân, và do đó phải có một nền kinh tế công - nông nghiệp hiện đại phát triển cao. Theo tính toán của một số chuyên gia quân sự Mỹ có tới một triệu tên gọi các phương tiện vật chất dùng cho quân đội từ đôi giầy đến tổ hợp tên lửa. Vào những năm 1950, để sản xuất xe tăng cần huy động 300 nhà máy, nay số nhà máy đó đã tăng lên gấp 5 ÷ 6 lần.

Ngay trong hòa bình, định suất một ngày của một người lính về vật chất kỹ thuật thuộc quân đội khối NATO đã lên đến 40 ÷ 48 kg [47, tr. 46].

Kinh tế, nếu đứng trên quan điểm chiến tranh thì nó là một mục tiêu huỷ diệt ngay từ đầu của đối phương, nên việc tích trữ lực lượng đảm bảo về kinh tế cho chiến tranh, việc động viên kinh tế và việc tiếp tục duy trì sản xuất theo nhu cầu và dưới điều kiện chiến tranh đòi hỏi phải được giải quyết ngay trong xây dựng kinh tế thời bình. Đi cùng với quá trình sản xuất những mặt hàng phục vụ dân dụng thì nền kinh tế còn có nhiệm vụ sản xuất ra những mặt hàng phục vụ quân sự như: sản xuất thiết bị, máy móc phục vụ chiến tranh, sản xuất đồ dùng cho quân đội như: chăn, màn, ga, bi đông, ba lô... và các mặt hàng y tế để sẵn sàng đáp ứng kịp thời nhu cầu quốc phòng khi có tình huống xảy ra. Như vậy trong điều kiện hiện đại, sự phụ

thuộc của quốc phòng và chiến tranh ngày càng đi sâu vào bên trong cơ cấu của nền kinh tế quốc dân. Sự phụ thuộc đó biểu hiện ở chỗ: muốn đảm bảo nâng cao không ngừng khả năng phòng thủ, sẵn sàng đối phó và thắng lợi với một cuộc chiến tranh bất cứ qui mô nào thì ngay trong thời bình, tiềm lực kinh tế của đất nước phải đồng thời và thực sự là tiềm lực kinh tế quân sự, ở tư thế sẵn sàng chuyển thành sức mạnh quân sự. Sự phát triển kinh tế trong thời bình phải có sự chuẩn bị để có thể đứng vững và tiếp tục sản xuất theo nhu cầu quốc phòng đảm bảo thắng lợi trong chiến tranh. Tuy nhiên khả năng kinh tế không biến hoá tự phát thành sức mạnh quân sự.

Muốn có điều đó, phải có sự lãnh đạo thống nhất và phải thông qua tác động của Nhà nước đối với nền kinh tế, dựa trên cơ sở tính toán kỹ càng đến các quy luật kinh tế và quy luật chiến tranh.

Lịch sử của các cuộc chiến tranh đã chứng minh rõ kinh tế có vai trò quyết định đối với quy mô, cường độ chiến tranh. Trong chiến tranh hiện đại đã được tổng kết, ở chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 -1918) nước Nga Sa Hoàng đã sử dụng 3900 khẩu pháo; 1500 súng cối; 130.000 khẩu súng trường; 1500 máy bay. Nhưng đến chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945) Liên xô đã sử dụng 120.000 khẩu pháo; 100.000 súng cối; 5.000.000 khẩu súng trường; 40.000 máy bay; 8.000.000 tấn đạn [6, tr. 24]. Sự tiêu dùng cần thiết cho một người lính trên chiến trường cũng thay đổi theo chiều hướng gia tăng nhanh chóng. Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, bình quân là 6 kg một người lính, đến chiến tranh thế giới thứ hai đã lên đến 20 kg cho một người lính, trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ tiêu dùng bình quân 90 kg cho một người lính và đến chiến tranh Vùng Vịnh (1991) giữa Mỹ liên quân và I-rắc, chiến tranh giữa NATO và Nam Tư con số này còn tăng gấp nhiều lần. Trong chiến tranh hiện đại ngày nay giá thành của một chiếc xe tăng FCS quân sự đã lên tới 5-7 triệu đô la, còn xe tăng M1A2 là 4,3 triệu đôla, trong đó nguyên chi phí nghiên cứu một loại xe tăng hiện đại là 3,25 tỉ

đôla [38, tr. 13]. Đó là một khối lượng kinh tế khổng lồ dành cho lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Ngày nay, thế giới càng đi vào chiều sâu về khoa học công nghệ hiện đại, thì chi phí dành cho sản xuất các phương tiện phục vụ quân sự càng tăng lên, ví dụ Mỹ sản xuất một chiếc tàu chiến để phục vụ hải quân, phải chi phí từ 2,1 - 2,3 triệu đôla [50, tr. 16]. Từ những số liệu qua tổng kết trên cho thấy rõ hơn vai trò, nhiệm vụ của kinh tế đối với chiến tranh, đối với quốc phòng, an ninh trong từng thời kỳ có chiều hướng gia tăng. Chiến tranh càng hiện đại, kinh tế càng có tầm quan trọng quyết định hơn về vấn đề này. "Không chuẩn bị hết sức đày đủ về kinh tế thì việc tiến hành chiến tranh hiện đại chống lại chủ nghĩa đế quốc tiên tiến là không thể làm được" [25, tr. 475].

Như vậy, hoạt động quốc phòng phụ thuộc vào khả năng và sức mạnh của nền kinh tế. Tiềm lực kinh tế của quốc gia quyết định tiềm lực quốc phòng. Nhà nước trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc bảo đảm kinh tế cho quốc phòng theo một kế hoạch thống nhất. Mỗi ngành kinh tế - kỹ thuật, mỗi địa phương, mỗi cơ sở sản xuất trực tiếp quản lý một bộ phận của nền kinh tế quốc dân và có trách nhiệm đóng góp vào việc xây dựng kinh tế quân sự; tiềm lực quốc phòng của đất nước. Vì thế, nhiệm vụ bảo đảm kinh tế cho quốc phòng phải được tổ chức thực hiện trên toàn quốc, ở từng địa phương, từng ngành kinh tế - kỹ thuật, từng đơn vị cơ sở sản xuất theo quy hoạch,

kế hoạch, chính sách, chế độ và luật pháp của nhà nước. Trong điều kiện mới, mỗi địa phương, mỗi ngành và từng cơ sở sản xuất cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống của người lao động, vừa góp phần nâng cao khả năng hoạt động quốc phòng, bảo vệ hoà bình, ổn định cho sự nghiệp lao động sáng tạo của nhân dân.

Trong thời kỳ chiến tranh, Nhà nước thực hiện cơ chế bao cấp đối với các lực lượng vũ trang. Với khẩu hiệu: "Tất cả cho tiền tuyến", Nhà nước phải bảo đảm các yêu cầu về nhân tài, vật lực cho các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng. Các cơ quan quân sự sử dụng các nguồn lực nói trên để xây dựng các đơn vị chiến đấu. Thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước, mỗi năm chúng tôi phải nhận viện trợ lương thực - thực phẩm các loại của Việt Nam từ 3.000 - 4.000 tấn [71, tr. 21]. Có thể nói trong cơ chế cũ vấn đề bảo đảm kinh tế cho quốc phòng là hoàn toàn thuộc vào nhà nước, nhà nước phải lo đến đời sống của lực lượng vũ trang kể từ lương thực - thực phẩm đến đôi giày, đến trang thiết bị vũ khí v.v...

Ngày nay, cơ chế ấy không còn phù hợp nữa, Đảng, nhà nước Lào đã từng bước đổi mới các chế độ chính sách bảo đảm kinh tế cho quốc phòng nhằm tạo ra sự thích ứng giữa củng cố quốc phòng với những biến đổi về kinh tế. Nhưng trong thực tế còn nhiều vấn đề vướng mắc cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết cho thỏa đáng để kết hợp chặt chẽ quá trình đổi mới hiện nay với việc bảo đảm kinh tế cho quốc phòng đạt kết quả cao. Do tính chất đặc điểm của nền kinh tế nước Lào còn gặp nhiều khó khăn, cho nên việc xác định một số chế độ, tiêu chuẩn về ăn, mặc, phụ cấp chiến sĩ, lương sĩ quan v.v... thấp hơn so với nhu cầu thực tế.

Ở khía cạnh khác, xây dựng, phát triển kinh tế phải gắn với bảo đảm nhu cầu cho quốc phòng, chuẩn bị tiềm lực, thế trận quốc phòng bảo vệ đất nước. Nhu cầu quốc phòng đối với kinh tế là nhu cầu thường xuyên và lâu dài. Hiện nay, CHDCND Lào đang mất cân đối giữa nhu cầu ngân sách của quốc phòng với khả năng có hạn của nền kinh tế. Những mâu thuẫn như vậy không thể một sớm, một chiều giải quyết được, mà phải giải quyết trong một khoảng thời gian khá dài. Trong tình thế hiện nay của đất nước, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc cũng đặt ra cho kinh tế những nhu cầu to lớn: nền kinh tế làm cơ sở vững chắc đáp ứng ngày càng

tốt hơn ba loại nhu cầu thiết yếu và khách quan nhất: cải thiện đời sống của nhân dân, tích lũy để xây dựng phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng và an ninh - nâng cao không ngừng khả năng bảo đảm kinh tế cho quốc phòng, tạo ra điều kiện cần thiết cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Đảm bảo kinh tế cho quốc phòng là quá trình kinh tế vì mục đích bảo vệ tổ quốc theo yêu cầu của quy luật vũ trang. Muốn nâng cao không ngừng khả năng bảo đảm kinh tế cho quốc phòng của nền kinh tế quốc dân thì phải đẩy mạnh phát triển kinh tế, cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân. Đồng thời phải thường xuyên giáo dục đường lối quốc phòng toàn dân của Đảng và nhà nước, xây dựng lòng tin trong nhân dân, làm cho nhân dân ủng hộ và yêu quý bộ đội, từ đó đông đảo quần chúng nhân dân, các đơn vị kinh tế cơ sở ở từng địa bàn, từng địa phương sẽ tích cực đóng góp một phần thu nhập của mình vào sự nghiệp xây dựng và củng cố nền quốc phòng.

Trong cơ chế mới nói chung, từ khi đất nước bước vào công cuộc đồi mới nói riêng, phương thức đáp ứng cho các nhu cầu quốc phòng đã có những biến đổi cho phù hợp với tình hình mới, nhất là vấn đề đáp ứng nhu cầu của quân đội thường trực về lương thực, thực phẩm mà trước đây thường nhờ Nhà nước cung cấp đầy đủ, nhưng đến nay chỉ cung cấp một phần còn một phần thì các đơn vị tự cung cấp, ví dụ: từ năm 1975 đến năm 1985 toàn quân thu hoạch được 180.000 tấn thóc, mỗi năm quân đội thường trực đã có dự trữ hàng chục tấn thóc [71, tr. 48], đến nay con số trên đã tăng lên nhiều lần.

Nói như thế không có nghĩa là bước sang cơ chế mới lại xem nhẹ công tác quốc phòng - an ninh, coi thường nhiệm vụ quốc phòng. Trong thời gian qua Đảng và Nhà nước Lào rất quan tâm đến quốc phòng - an ninh, Đại hội VI của Đảng NDCM Lào chỉ rõ: "Bổ sung và thực hiện tốt các chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội phù hợp với tính

chất lao động đặc thù của quân đội nhân dân kiểu mới" [64, tr. 123]. Trong quá trình tổ chức thực hiện đảm bảo kinh tế cho nhu cầu quốc phòng cũng được Đảng, Nhà nước Lào quan tâm, và từng bước giải quyết cho phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, những gì cần đáp ứng kịp thời và thường xuyên những gì cần phải cắt giảm.

Một trong những vấn đề quan trọng để cải tiến cơ chế đảm bảo kinh tế cho quốc phòng trong thời kỳ mới là việc xác định phần chi của Nhà nước cho ngân sách quốc phòng. Vì nó phản ánh tập trung của các chế độ, chính sách để xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng nền quốc phòng của đất nước. Quan điểm đúng chỉ có thể quán triệt và hình thành trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng, nắm vững nhiệm vụ chiến lược của đất nước và có tính toán đầy đủ đến những điều kiện về kinh tế - xã hội mà trong đó toàn bộ những nhu cầu về kinh tế của quốc phòng phụ thuộc ở phần chi ngân sách. "Mọi ý muốn cải thiện đời sống bộ đội, bảo quản, nâng cao, bổ sung trang thiết bị kỹ thuật mới cho lực lượng vũ trang đều sẽ là không tưởng nếu mức chi từ ngân sách của Nhà nước giành cho quốc phòng quá hạn hẹp" [50, tr. 22]. Trong cơ chế thị trường, với những quy luật của nó đòi hỏi phải có sự tính toán hợp lý chi phí cho quốc phòng, không thể bao cấp tràn lan như trong thời chiến tranh.

Hoạt động kinh tế của quân đội không nằm ngoài cơ chế hạch toán. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của kinh tế đối với quốc phòng là mỗi đơn vị sản xuất kinh doanh của nền kinh tế đều có nghĩa vụ đóng góp một phần thu nhập của mình vào việc củng cố quốc phòng, làm cho mọi hoạt động quốc phòng có tác động tốt nhất đến nền kinh tế, bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ nền độc lập dân tộc, đồng thời nền kinh tế có nhiệm vụ đóng góp tích cực về vật chất kỹ thuật cho nhu cầu quốc phòng trong bất cứ tình huống nào.

Trong giai đoạn mới, việc xây dựng cơ cấu kinh tế ở Lào cần phải tính đến những yêu cầu mới về tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh.

Một phần của tài liệu LUẬN án TIẾN sĩ KINH tế mối QUAN hệ GIỮA KINH tế với QUỐC PHÒNG ở CỘNG hòa dân CHỦ NHÂN dân lào (Trang 24 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(161 trang)
w