Sau chiến tranh lạnh, xu thế hòa dịu, hợp tác trong đấu tranh, hòa bình và phát triển là chủ đạo; mặt khác thế giới lại chưa yên ổn, chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền còn đe dọa cuộc sống bình yên của nhiều nước. Các mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo, tranh chấp đất đai, vùng trời, vùng biển ngày càng gay gắt, đã bùng nổ lên thành những cuộc xung đột vũ trang và chiến tranh cục bộ liên miên.
Trước tình hình đó, không một quốc gia nào lại coi nhẹ việc chăm lo xây dựng một nền kinh tế phát triển cao, một nền quốc phòng vững mạnh. Nhưng những phương hướng, giải pháp và cách đi cụ thể để xây dựng kinh tế và quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, cách giải quyết mối quan hệ đó lại tùy thuộc vào mục tiêu chính trị - quân sự, khả năng kinh tế - kỹ thuật và các yếu tố khác mà các quốc gia có kế hoạch xây dựng. Tuy nhiên, đứng trên bình diện khách quan mà nói, chúng ta có thể thấy những đặc điểm chung trong định hướng chiến lược, cách giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng của Trung Quốc như sau:
Chính phủ Trung Quốc xác định kinh tế là hàng đầu, là trọng tâm, xây dựng quốc phòng và hiện đại hóa quân đội là để bảo đảm an toàn, vững chắc cho sự nghiệp cải cách, mở cửa của Trung Quốc
Hiện nay, Trung Quốc thực hiện chính sách mở cửa với các nước trong khu vực và thế giới là nhằm mở rộng quan hệ hợp tác, thu hút vốn đầu tư và khoa học - công nghệ tiên tiến của thế giới để xây dựng, phát triển
nền kinh tế thị trường XHCN. Đồng thời Trung Quốc tranh thủ thời gian tham gia vào các tổ chức kinh tế quốc tế nhằm mở rộng vai trò kinh tế của mình trong khu vực và thế giới. Còn về quốc phòng, Trung Quốc chủ trương cải cách quân đội chính quy, hiện đại, hùng mạnh để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho, Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XII xác định: nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong thời kỳ mới là tập trung xây dựng kinh tế, hiện đại hóa quân đội nhằm biến Trung Quốc thành một nước XHCN hiện đại, dân chủ, văn minh, với nền kinh tế phát triển, an ninh quốc phòng hùng mạnh.
Trung Quốc cho rằng, dù môi trường an ninh quốc tế đã có những thay đổi, nhưng sức mạnh chủ yếu của quân đội vẫn không thay đổi, vẫn là công cụ của sự răn đe và ngăn chặn, phải luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng; Sức mạnh quân sự vẫn giữ vai trò thiết yếu và không thể thay đổi được trong sức mạnh tổng hợp của đất nước, vẫn là hậu thuẫn của an ninh quốc gia, là biện pháp cuối cùng để giải quyết vấn đề. Những năm gần đây, Trung Quốc chủ trương rút gọn quy mô, giảm số quân, nâng cao chất lượng, nhấn mạnh xây dựng lực lượng vũ trang cho phù hợp với yêu cầu tối ưu hóa tổ chức quân đội. Cắt giảm quân thường trực từ 4 triệu người còn 3 triệu người trong thời gian qua là nội dung chủ yếu của việc rút gọn quân đội của Trung Quốc. Tiếp theo là tổ chức quân đội một cách hợp lý trên cơ sở xác định rõ chức năng và các nhiệm vụ của từng loại quân.
Đặc biệt Trung Quốc rất chú trọng xây dựng lực lượng dự bị, coi đây là một chiến lược kinh tế quốc phòng quan trọng của Trung Quốc.
Người ta tính, kinh phí để nuôi một quân nhân dự bị chỉ bằng 1/4 đến 1/8 kinh phí nuôi một quân nhân thường trực, nên Trung Quốc cắt giảm quân số thường trực, còn lực lượng dự bị thì không những không cắt giảm mà còn tăng lên.
Từ những định hướng chiến lược đã được xác định trên, Trung Quốc đã có sự điều chỉnh ngân sách quốc phòng sao cho không ảnh hưởng đến xây dựng kinh tế, lại phải bảo đảm các nhu cầu cần thiết của quốc phòng.
Quan điểm chung là nên giữ ngân sách quốc phòng ở mức "thích hợp, vừa phải". Hiện nay, tỷ lệ ngân sáchquân sự của Trung Quốc so với giá trị tổng sản phẩm quốc dân là 1,1%. Theo chuyên gia quân sự của Trung Quốc cho rằng, một nước muốn có "quốc phòng tự chủ" thì phải duy trì ngân sách quân sự từ 3 - 6% giá trị tổng sản phẩm quốc dân là thích hợp [47, tr. 24].
Trung Quốc giải quyết thành công sự kết hợp giữa phát triển công nghiệp quốc phòng với công nghiệp dân dụng, trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ở Trung Quốc quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã thúc đẩy sự trưởng thành của công nghiệp quốc phòng, bởi vì ngày càng nhiều xí nghiệp dân sự thuộc các lĩnh vực luyện kim, hóa chất, chế tạo máy với quy mô khác nhau đều được kéo vào thực hiện chương trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang. Trong đó, việc nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống sản xuất quốc phòng;
đây là nơi đề xuất các chiến lược nghiên cứu, phát triển công nghệ, nó không chỉ dùng riêng cho lĩnh vực quốc phòng mà cho cả nền kinh tế quốc dân. Công nghiệp quốc phòng ở Trung Quốc là khối các ngành công nghiệp chiến lược, được tổ chức dưới hình thức các công ty quốc doanh, do đó mối quan hệ chủ yếu của khối này với các cơ quan cấp trên mang tính chất kinh tế là chính, thông qua các hợp đồng kinh tế, trừ lĩnh vực nghiên cứu và phát triển đặt dưới sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp từ Bộ Quốc phòng - An ninh.
Trong phát triển công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc, Chính phủ có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp quân đội liên doanh tiếp thu công nghệ tiên tiến của nước ngoài, và khuyến khích các cơ sở liên doanh thâm nhập vào thị trường trong nước bằng cách mua hàng hóa của họ. Trung Quốc đã công khai hóa kế hoạch công nghiệp hóa quốc phòng, kế hoạch này được xây dựng theo phương châm phòng thủ để phát triển.
Ngoài nhiệm vụ bảo đảm cung cấp cho quốc phòng các nhu cầu mà trước đây phụ thuộc vào nước ngoài; sự phát triển của công nghiệp quốc phòng phải được kết hợp với sự phát triển các ngành công nghiệp dân dụng, trong đó công nghiệp quốc phòng được giao trách nhiệm tạo ra các công nghệ mũi nhọn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, hiện đại hóa đất nước. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng phát triển khoa học kỹ
thuật quốc phòng theo hướng kết hợp công nghiệp quốc phòng với công nghiệp dân sự sẽ giúp giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước như tạo công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đó là hướng quan trọng tạo tiềm lực công nghệ cho đất nước, về lâu dài đáp ứng cả nhu cầu phát triển kinh tế, cả nhu cầu quốc phòng.
Trung Quốc coi trọng việc sử dụng công nghệ lưỡng dụng trong quá trình hiện đại hóa nền công nghiệp quốc phòng đất nước
Từ năm 1976 trở lại đây, Chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách khuyến khích và thu hút vốn, công nghệ tiên tiến từ bên ngoài, nhất là công nghệ cao và công nghệ lưỡng dụng vào quá trình sản xuất nhằm đưa nền kinh tế phát triển với quy mô lớn, đáp ứng mọi nhu cầu của xã hội. Về quốc phòng, Trung Quốc cho rằng tiềm lực vật chất và công nghệ có vai trò quan trọng đối với quốc phòng, vì vậy việc phát huy vị trí vai trò của công nghệ có hai tác dụng là hết sức cần thiết để chuyển từ sản xuất các mặt hàng quân sự sang sản xuất hàng dân dụng và ngược lại khi tình thế đòi hỏi. Ngày nay, Trung Quốc chú trọng điều chỉnh cơ cấu sản phẩm từ mô hình chuyên sản xuất sản phẩm quân sự sang mô hình lưỡng dụng "quân dân kết hợp" với tỷ trọng hàng dân dụng ngày càng cao nhằm thúc đẩy nền kinh tế quốc dân và tạo ra một vai trò mới, thành đạt cho quân đội trong khu vực kinh doanh. Để đạt mục đích trên, Trung Quốc sử dụng hai giải pháp: một là, chuyển các nguồn lực quân sự sang phục vụ dân sinh, tức là chuyển từ một lực lượng quân sự phi sản xuất sang lực lượng sản xuất vật chất; hai là, kết hợp sản xuất quân sự với sản xuất dân dụng. Năm 1987, nhà máy chế tạo xe xích Giang Lục đã sản xuất hơn 200 sản phẩm dân dụng, tăng 40% sản phẩm bán ra và có tới 20.000 doanh nghiệp quân đội với 2,5 triệu công nhân, sản xuất ra một lượng hàng hóa có tổng giá trị các mặt hàng dân dụng trong toàn bộ sản lượng của ngành công nghiệp quốc
phòng dưới 10% năm 1979 tăng vọt lên 70% năm 1993 và 80% năm 1995 [3, tr. 83]. Ở Trung Quốc, nhiều nhà máy sản xuất tivi, xe máy lớn nhất là các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng.
Bước vào những năm cuối của thập kỷ 90 này, nền kinh tế Trung Quốc có bước phát triển ổn định, có sự tăng trưởng khá cao làm cho đời sống cả vật chất lẫn tinh thần của quân dân Trung Quốc ngày càng phong phú. Nhìn chung, Trung Quốc có đủ tiềm lực kinh tế để giải quyết mọi vấn đề có thể xảy ra trên lãnh thổ Trung Quốc. Về quốc phòng, an ninh của Trung Quốc cũng khá mạnh và hiện đại với những phương tiện tiên tiến, đáp ứng đầy đủ và kịp thời mọi nhu cầu cho chiến đấu, chiến thắng. Đến nay nền kinh tế của Trung Quốc có bước phát triển cao, có đủ tiềm lực nuôi dưỡng và hiện đại hóa lực lượng quân đội. Cho nên, việc quân đội tham gia hoạt động kinh tế ở Trung Quốc có xu hướng giảm xuống.