Bước sang giai đoạn cách mạng mới, mặc dù hoàn cảnh bên trong và bên ngoài có nhiều thay đổi, kẻ thù cũ và mới, các thế lực phản cách mạng cấu kết với nhau chống phá quyết liệt, nhưng nhân dân các bộ tộc Lào trong cả nước đoàn kết nhau xung quanh mặt trận Lào xây dựng đất nước. Thực hiện hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước. Đảng và Nhà nước Lào chủ trương "kiên trì phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng và củng cố quốc phòng -an ninh là quan trọng, thực hiện hai nhiệm vụ xây dựng kinh tế và củng cố sức mạnh quốc phòng là một" [27, tr.
45]. Đó là quan điểm về mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng, một lần nữa được Đảng nhấn mạnh khi đất nước chuyển từ thời chiến sang thời bình.
Quan điểm này đã trở thành chủ trương chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhiệm vụ của quân đội trong giai đoạn cách mạng mới cũng đã được Đảng, Nhà nước xác định khác với thời chiến. Trong thời bình quân đội nhân dân Lào, bất cứ đóng quân trên địa bàn nào cũng phải thực hiện hai nhiệm vụ là: làm nhiệm vụ quốc phòng bảo vệ Tổ quốc và tham gia lao động sản xuất, thực hiện kết hơp giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế.
Hai nhiệm vụ đó đã được thể hiện trong các chủ trương của Đảng như sau:
Tháng 3 năm 1980, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 51 về quân đội làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế. Trong đó nghị quyết có nhấn mạnh: nhiệm vụ làm kinh tế của quân đội trong giai đoạn này chủ yếu là tham gia lao động sản xuất quanh bếp, quanh vườn như: chăn nuôi, làm vườn, ruộng, rẫy để sản xuất thêm một phần lương thực, thực phẩm, góp phần giảm bớt những khó khăn của đơn vị về lương thực, thực phẩm đồng thời cũng làm giảm nhẹ đi gánh nặng của chính phủ về chi phí quốc phòng. Quân đội nhân dân Lào ngoài tăng gia lao động sản xuất, còn thường xuyên giúp nhân dân ở các vùng khó khăn, vùng miền núi, miền xuôi, vùng xa xôi, hẻo lánh làm đường, xây nhà cho nhân dân gặp khó khăn và giúp nhân dân lao động sản xuất, tăng cường hoạt động tuyên truyền vào trong phong trào quần chúng, để quần chúng nhân dân hiểu biết về chủ trương, đường lối của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới, làm sâu sắc hơn niềm tin giữa quân với dân, giữa Đảng với dân.
Tiếp đó, tháng 2 năm 1981, Đảng ủy Bộ Quốc phòng đã tổ chức hội nghị cán bộ trung - cao cấp toàn quân, để nghiên cứu, trao đổi và quán triệt về nội dung quân đội tham gia xây dựng kinh tế. Sau đó hội nghị đi đến thống nhất mục tiêu làm kinh tế của quân đội trong giai đoạn này là chuyển từ sản xuất mang tính chất tự túc, tự cấp trong quân đội, mở rộng sang sản xuất đáp ứng một phần nhu cầu của xã hội. Trong đó quân đội phải tham
gia xây dựng một số công trình của Nhà nước, xây dựng một số vùng kinh tế trọng điểm của Trung ương.
Đến văn kiện đại hội III của Đảng NDCM Lào năm 1982 cũng được đề cập đến "phải kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế" [27, tr. 145]. Nội dung chủ trương này của Đảng là trong những quy hoạch, kế hoạch kinh tế cần phải tính đầy đủ đến nhiệm vụ quốc phòng, trong việc kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng và an ninh phải có sự phấn đấu cao, ưu tiên cho cả hai lĩnh vực để làm cho hạ tầng cơ sở kinh tế được củng cố vững chắc, nhất là ở những vùng, những khu vực trọng điểm như vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số và thị trấn chiến lược.
Trong kết hợp, ưu tiên kết hợp chặt chẽ cả ba mặt như: Làm công tác quốc phòng - an ninh thật tốt, kết hợp với xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh và chăm lo cải thiện đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn, đầy đủ hơn.
Tháng 1 năm 1983, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 11 về việc xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng. Trong đó nghị quyết đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng hậu phương chiến lược và vùng kinh tế trọng điểm của trung ương, để làm chỗ dựa vững chắc cho sự nghiệp xây dựng đất nước lâu dài. Các vùng kinh tế trọng điểm và hậu phương chiến lược đó là:
đặc khu Xay Xổm Bun, mường Khăm Kợt, huyện Pắc Xế tỉnh Chăm Pa Sắc.
Để thực hiện các chủ trương, nghị quyết trên của Đảng nói chung, của bộ chính trị nói riêng, đến 29-8-1984, ba tổng công ty nhà nước thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ Chính trị và Bộ Quốc phòng đã được thành lập. Ba tổng công ty đó là Tổng công ty phát triển miền núi, Tổng công ty phát triển nông - lâm - công nghiệp và Tổng công ty phát triển nông - lâm và dịch vụ xuất nhập khẩu.
Nhưng sau khi bắt đầu triển khai kế hoạch phục hồi nền kinh tế sau chiến tranh, trước hết, tập trung sức thực hiện chương trình phát triển nông thôn, nhằm giảm bớt những khó khăn nhiều mặt của nhân dân các bộ tộc Lào ở vùng sâu, vùng xa đang sống di dân, di cư, thì chúng tôi lại phải đương đầu với những khó khăn phức tạp mới. Đó là liên tiếp vào những năm 1984 đến đầu năm 1988, ở biên giới phía tây bắc Lào - Thái Lan, đã xảy ra cuộc xung đột quân sự quyết liệt, các nhà cầm quyền Thái lan đã đưa lực lượng quân đội quân khu ba với hàng trăm khẩu pháo tiến công ồ át vào CHDCND Lào. Chúng đã tiến sâu vào địa phần Lào hàng chục cây số.
Trước tình hình đó, bộ phận quân đội của nước Lào bố trí, sắp xếp để làm kinh tế và các kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của nước Lào do Bộ Chính trị và Bộ Quốc phòng đưa ra đều phải tạm dừng, nhằm tập trung lực lượng quân chủ lực để đánh trả mọi cuộc tiến công xâm lược của địch.
Đất nước Lào mới vừa ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc lâu dài, kinh tế chưa kịp hồi phục, đời sống nhân dân các bộ tộc Lào đang còn nhiều khó khăn, vất vả nên ngân sách nhà nước dành cho quốc phòng trong thời điểm này rất ít. Trong khi đó yêu cầu bảo đảm hậu cần về lương thực, thực phẩm, hàng công nghiệp tiêu dùng và các phương tiện chiến tranh cho quân đội đòi hỏi với khối lượng lớn. Lúc này Đảng, Nhà nước và Chính phủ nước CHDCND Lào đã phải một lần nữa kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức quần chúng và mọi tầng lớp trí thức yêu nước, dồn sức người, sức của để phục vụ chiến đấu, nhằm đánh thắng bọn xâm lược bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình cho đất nước.
Có thể nói, tính đến năm 1985, những mục tiêu kinh tế - xã hội do Đại hội III năm 1982 của Đảng NDCM Lào đưa ra không thực hiện được.
Nền kinh tế vẫn đang trong tình trạng khủng hoảng, trì trệ. Từ năm 1980 - 1985, tổng sản phẩm xã hội tăng bình quân hàng năm chỉ có 2,25% so với
chỉ tiêu kế hoạch là 10%, thu nhập quốc dân bình quân hàng năm chỉ tăng 0,6% so với kế hoạch là (10 - 12)% [27, tr. 239].