Những chủ trương của Đảng, Nhà nước CHDCND Lào trong việc giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng trong thời kỳ

Một phần của tài liệu LUẬN án TIẾN sĩ KINH tế mối QUAN hệ GIỮA KINH tế với QUỐC PHÒNG ở CỘNG hòa dân CHỦ NHÂN dân lào (Trang 74 - 82)

Đại hội IV của Đảng NDCM Lào (13-4-1986), đánh dấu một bước ngoặt mới trong sự nghiệp tiếp tục xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng củng cố và tăng cường chế độ dân chủ nhân dân. Đại hội chủ trương: Triệt để xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; thức hiện chiến lược kinh tế mở thu hút vốn, khoa học - công nghệ, chuyên gia kinh tế, kỹ thuật nước ngoài để phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ đó đặt ra những nội

dung và yêu cầu mới cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế xã hội nói chung, cho nhiệm vụ kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng nói riêng.

Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước Lào rất coi trọng nhiệm vụ xây dựng, củng cố nền quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, nền kinh tế đất nước đang trong quá trình tổ chức sắp xếp lại nên các ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp và sửa chữa máy móc, trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu quốc phòng và dân sinh đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, các xí nghiệp, nhà máy và các ngành xây dựng cơ bản khác thuộc lĩnh vực quốc phòng dù đã dần dần xuất hiện nhưng còn rất non trẻ. Về mặt lượng thì sản phẩm làm ra còn rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội nói chung, cho nhu quốc phòng nói riêng. Về mặt chất thì cũng chưa có những tiến bộ đáng kể, tuy bước đầu các cơ sở sản xuất đã quan tâm đến chất lượng và chủng loại sản phẩm, kiên quyết thay đổi phương án sản xuất theo yêu cầu của thị trường.

Đứng trước những đòi hỏi và tình trạng trên, trong giai đoạn này, việc kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng được Đảng, Nhà nước Lào chủ trương như sau:

Văn kiện đại hội IV của Đảng NDCM Lào nêu rõ: "Ưu tiên chuyển hướng sản xuất của quân đội, tham gia sản xuất hàng dân dụng và làm kinh tế là nhu cầu nội tại của các xí nghiệp trong quân đội" [76, tr. 156]. Chủ trương đó của Đảng là nhằm sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có của quân đội vào hoạt động kinh tế, tạo nhiều việc làm tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Mặt khác đó là điều kiện để các xí nghiệp quốc phòng phát huy được thế mạnh vốn có của mình về năng lực sản xuất như yếu tố con người, trình độ tay nghề, thiết bị, công nghệ... đáp ứng yêu cầu của tình hình và điều kiện mới của đất nước. Nghĩa là bước vào thời kỳ đổi mới, các xí nghiệp, nhà máy

trong quân đội ngoài việc sản xuất các mặt hàng phục vụ nhu cầu quốc phòng là chủ yếu, còn phải tham gia sản xuất một số mặt hàng để phục vụ nhu cầu dân sinh như sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, các chất nổ phục vụ ngành xây dựng cầu đường... Một số xí nghiệp khác trong quân đội có thể chuyển sang hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường, tạo ra của cải vật chất cho tiêu dùng xã hội, tăng nguồn thu nhập cho mình và thực hiện nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước và ngân sách quốc phòng.

Tiếp đó, tại Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng NDCM Lào lần thứ tư khóa IV (28-10-1987) đã xác định: "Trong xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa và xây dựng nông thôn mới, phải thực hiện cùng với nhiệm vụ quốc phòng,an ninh và gắn chặt với quốc phòng an ninh" [76, tr.

102]. Đó là một chủ trương mang tính chất chiến lược lâu dài xuất phát từ đặc điểm: nông thôn Lào là những vùng đất đai rộng lớn, nông dân chiếm 90% dân số cả nước nhưng cuộc sống của họ còn nghèo nàn, lạc hậu về nhiều mặt cả kinh tế, văn hóa, xã hội... nên giai đoạn đầu của công cuộc xây dựng đất nước, Đảng và nhà nước quan tâm và coi trọng trước hết việc phát triển nông nghiệp xây dựng nông thôn mới, có sự phát triển toàn diện cả kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh... Trong đó quân đội phải thực hiện tốt hai nhiệm vụ chủ yếu là: tham gia lao động sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn, và tích cực xây dựng hậu phương chiến lược. Thực hiện sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn liền với quốc phòng - an ninh.

Nhằm cụ thể hóa nội dung chủ trương của Đảng thành hiện thực, bước vào những năm 90, Tổng cục xây dựng và quản lý kinh tế của quân đội đã được thành lập. Tổng cục này có nhiệm vụ giúp cho Nhà nước và bộ quốc phòng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các đơn vị quân đội làm kinh tế. Ngoài ra, Tổng cục còn có nhiệm vụ làm cầu nối giữa các

xí nghiệp, công ty trong quân đội với các doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài, để mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và hợp tác kinh doanh. Năm 1994 đến năm 1996 bốn doanh nghiệp thuộc quyền quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng đã được thành lập, cụ thể là: Năm 1994 thành lập công ty hàng không, năm 1995 thành lập công ty khai thác đá xây dựng xuất khẩu và công ty xăng dầu, năm 1996 thành lập công ty phát triển miền núi Xay Xổm Bun. Ngoài bốn công ty trên, trong những năm 90, còn thành lập được 13 công ty hợp tác liên doanh giữa Bộ Quốc phòng CHDCND Lào với nước ngoài. Đó là công ty sản xuất chất nổ Lào - Trung quốc thành lập năm 1994, trong đó Bộ Quốc phòng Lào góp 38%

vốn, Trung quốc 62%; xí nghiệp may số 1 Phôn Xay thành lập năm 1992, vốn của Bộ Quốc phòng 1/3, Pháp 2/3; công ty hợp tác Lào - Xudèn phát triển, vốn của Bộ Quốc phòng 25%, Malaisia 75%, thành lập năm 1996 v.v...

Các công ty và xí nghiệp này sau khi được thành lập đều được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đặc biệt quan tâm về chính sách phân phối thu thập đối với cán bộ, công nhân và các chính sách khác nhằm tạo môi trường kinh tế, môi trường pháp lý, để cho các xí nghiệp liên doanh có thể sử dụng tốt nhất năng lực sản xuất của mình, nhằm đạt được hai mục tiêu:

hiệu quả kinh tế cao, quốc phòng an ninh đảm bảo, trật tự và an toàn xã hội được giữ vững, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Đến Đại hội Đảng NDCM Lào lần thứ V năm 1991, Đảng chủ trương: "Trong công tác đẩy mạnh vận động quần chúng, nhiệm vụ quan trọng là kết hợp giữa xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng nông thôn, miền núi bộ tộc" [77, tr. 50]. Thực ra đây là nội dung kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng được Đảng NDCM Lào đề ra từ văn kiện Đại hội III năm 1982, nhưng do tình hình kinh tế, xã hội Lào lúc đó có những biến động phức tạp như đã trình bày ở điểm 2.1.2 trang 66, cho nên

chủ trương trên chưa được thực hiện một cách có hiệu quả. Từ năm 1991 đến nay, công cuộc đổi mới đất nước bước đầu đã đạt được những thành tựu nhất định, tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh đã có những chuyển biến tích cực, chủ trương vận động quần chúng xây dựng thế trận quốc phòng đi đôi với việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đã có những điều kiện để thực hiện.

Như chúng ta đã biết, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa của Lào là những vùng kinh tế nông, lâm nghiệp còn nghèo, trình độ dân trí thấp, địa hình bị chia cắt, sông suối, núi đồi hiểm trở, dân cư thưa thớt, nên những vùng đó có thể trở thành yếu điểm mà bọn đế quốc, tay sai có thể lợi dụng để tập trung lực lượng chống phá cách mạng. Do đó, khi nói đến việc tăng cường lực lượng quốc phòng bảo vệ tổ quốc, trước hết và quan trọng nhất là phải bắt đầu từ việc tuyên truyền giáo dục quan điểm của Đảng về quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân làm cho nhân dân những vùng này hiểu được âm mưu hành động phá hoại cách mạng của địch, để tổ chức họ vào lực lượng dân quân tự vệ, tạo ra thế trận quốc phòng an ninh vững chắc có thể đánh trả địch bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào.

Song, để thực hiện được yêu cầu trên, theo quan điểm của Đảng NDCM Lào là: cùng với việc hỗ trợ của kinh tế nhà nước, cần vận động, khuyến khích quần chúng tích cực phát triển mạnh kinh tế nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; thực hiện xóa đói giảm nghèo; mở mang sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế; từng bước cải thiện điều kiện ăn, ở, đi lại, học hành, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Chính vì vậy, nội dung cụ thể của việc kết hợp kinh tế với quốc phòng ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa là vận động quần chúng đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đồng thời ra sức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tại

chỗ, mà đội quân chủ lực không thể có đủ lực lượng thay thế họ để làm việc đó trên bình diện cả nước được.

Văn kiện Đại hội Đảng NDCM Lào lần thứ VI năm 1996, đã khẳng định lại chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng do Đại hội V đề ra:

"Tiếp tục thực hiện kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng với hình thức phong phú hơn, quy mô rộng hơn, lớn hơn" [78, tr. 49]. Trên tinh thần ấy, một lần nữa Đại hội VI nhấn mạnh đến công tác chuyển một bộ phận quân đội xuống tận cơ sở để cùng với cán bộ và nhân dân địa phương xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm, tiêu biểu là ở Mường Ngần, Mường Xiềng Hon, Mường Khoọp tỉnh Xay Nhạ Bu Ly; Mường Mòn, Mường Phẩng tỉnh Bò Kẹo; Mường Xỉng tỉnh Luổng Nậm Tha v.v... Trong quá trình xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm nói trên, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo nội dung, yêu cầu kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là: lấy phát triển kinh tế, hiệu quả kinh tế làm trung tâm, an ninh - quốc phòng là quan trọng, coi sự phát triển kinh tế ở vùng nông thôn là mục tiêu cơ bản của Đảng, nhằm cải thiện đời sống của nhân dân các bộ tộc ngày càng tốt hơn, phong phú hơn và văn minh hơn, xóa bỏ dần sự cách biệt quá xa giữa thành thị với nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Tại lễ kỷ niệm 46 năm thành lập Quân đội nhân dân Lào 20/1/1949 - 20/1/1995, Chủ tịch Khăm Tày Xi phăm đon đã nhấn mạnh: "quân đội nhân dân Lào trong thời kỳ này là quân đội lao động sản xuất, nhưng không có nghĩa là bỏ nhiệm vụ quốc phòng bảo vệ Tổ quốc" [20, tr. 21]. Nội dung trên của Chủ tịch đã chỉ rõ: Khi đất nước từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, quân đội nhân dân Lào phải thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược:

xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong xây dựng, quân đội là một trong những nguồn nhân lực trẻ của đất nước, có sức khoẻ, có trí sáng tạo, có tổ chức và kỷ luật, vì thế năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế trong các đơn vị sản xuất kinh doanh của quân đội có thể ngày càng nâng

cao. Cho nên làm kinh tế kết hợp với quốc phòng trong các lực lượng vũ trang là một nhiệm vụ chiến lược lâu dài, cần được tổ chức thực hiện một cách triệt để. Về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi lực lượng quân đội không ngừng củng cố và tăng cường, thường xuyên nâng cao tinh thần cảnh giác, theo dõi và phát hiện kịp thời mọi âm mưu phá hoại của địch trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội, tôn giáo... từ đó bố trí lực lượng sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Qua thực tiễn chỉ đạo quân đội tham gia lao động sản xuất, hội nghị Đảng ủy Bộ Quốc phòng họp ngày 6/2/1998, đã nhấn mạnh nhiệm vụ của các đơn vị quân đội làm kinh tế trong giai đoạn này là phải phát huy hơn nữa hiệu quả lao động sản xuất. Trong quá trình quân đội tham gia xây dựng kinh tế nói chung, phát triển nông thôn toàn diện nói riêng, cần thường xuyên tổng kết, đánh giá hiệu quả kinh tế đạt được. Đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường, hiệu quả kinh tế là năng suất lao động cao, chất lượng sản phẩm tốt, chi phí sản xuất thấp, giá trị sử dụng sản phẩm cao, và cuối cùng được biểu hiện ra chỉ tiêu khối lượng lợi nhuận thu được hàng quý, hàng năm của đơn vị cao hay thấp. Tuy nhiên, khi nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả kinh tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp quân đội, không có nghĩa là chạy theo lợi nhuận đơn thuần với bất cứ giá nào; mà phải tính đến lợi ích xã hội về các mặt kinh tế, chính trị, quốc phòng, ngoại giao. Nói cách khác là việc sản xuất kinh doanh trong quân đội phải phấn đấu nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội.

Tại Hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm về việc phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng của các công ty, doanh nghiệp toàn quân lần thứ nhất từ ngày 22-25 tháng 10 năm 1998, ngoài việc tổng kết, đánh giá những mặt đã làm được và những mặt chưa làm được trong việc thực hiện mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng, sau mười hai năm đổi mới, hội nghị còn thống nhất đưa ra những nhiệm vụ cần thực hiện từ năm 1998-2000 như sau:

- Quyết tâm chuyển một lực lượng quân đội xuống cơ sở một cách mạnh mẽ, đẩy mạnh phong trào vận động quần chúng - nhân dân lao động, nắm vững sức mạnh của quần chúng, cùng với quần chúng nhân dân xây dựng cơ sở vững mạnh về mọi mặt làm phá sản âm mưu "diễn biến hoà bình kết hợp bạo loạn lật đổ" của địch.

- Đẩy mạnh sản xuất và phát triển nông thôn toàn diện, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và bảo vệ an toàn các vùng kinh tế trọng điểm mà chính phủ đã giao cho quân đội như: vùng đặc khu Xay Xổm Bun tỉnh Viêng Chăn; vùng cây số 20 tỉnh Bò Lỉ Khăm Xay...

- Đẩy mạnh công tác xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn gắn liền với an ninh quốc phòng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở những vùng này một cách có hiệu quả làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng cải thiện.

- Trong sự nghiệp phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng - an ninh cần kết hợp chặt chẽ giữa ba vùng: thành thị, đồng bằng và khu vực miền núi. Trong đó, phải đặc biệt quan tâm đến vùng trọng điểm chiến lược. Đối với vùng dân tộc thiểu số, phải nắm vững phương châm kết hợp cả ba mặt:

chính trị làm gốc; kinh tế, văn hóa, y tế là mũi nhọn; quân sự là động lực;

vừa tranh thủ thu hút tộc trưởng, tù trưởng, vừa ra sức xây dựng cơ sở trong quần chúng lao động.

- Mở rộng quan hệ hợp tác về nhiều mặt, nhiều lĩnh vực đối với các nước trong khu vực và thế giới dưới nhiều hình thức trên cơ sở tính toán đầy đủ các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Trong những năm trước mắt, do tiềm lực kinh tế của Bộ Quốc phòng có hạn, nên Bộ quy định trong các xí nghiệp liên doanh giữa Bộ Quốc phòng với các đối tác nước ngoài thì phần vốn do quân đội góp khoảng 20%, phần còn lại thì nước ngoài 50% và các thành phần kinh tế trong nước 30%.

Đến nay, tuy đã qua 15 năm đất nước Lào tiến hành công cuộc đổi mới, song vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng vẫn là vấn đề mới mẻ, vừa làm vừa nghiên cứu. Đảng NDCM Lào và nhà nước CHDCND Lào đã đưa ra những quan điểm, những chủ trương định hướng cho việc thực hiện vấn đề này ngày càng đầy đủ và cụ thể. Những quan điểm và chủ trương đó thể hiện trong các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, và của Bộ Chính trị từ Đại hội IV của Đảng NDCM Lào đến nay. Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ quản, trong đó Tổng cục xây dựng và quản lý kinh tế của quân đội là cơ quan giúp việc của Bộ quốc phòng đã từng bước cụ thể hóa thành những kế hoạch, biện pháp và chính sách cụ thể để thực hiện đồng thời trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện này. Vấn đề còn lại trong thời gian tới là Đảng, Nhà nước và Chính phủ Lào sẽ tiếp tục hoàn thiện các chính sách và cơ chế cho việc kết hợp kinh tế với quốc phòng đạt được hiệu quả cao hơn.

Một phần của tài liệu LUẬN án TIẾN sĩ KINH tế mối QUAN hệ GIỮA KINH tế với QUỐC PHÒNG ở CỘNG hòa dân CHỦ NHÂN dân lào (Trang 74 - 82)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(161 trang)
w