Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và củng cố quốc phòng an ninh, thực hiện sự kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng - quốc phòng với kinh tế là chủ trương của Đảng và Nhà nước CHDCND Lào,
nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội phồn vinh, mọi người hạnh phúc. Nhưng trên thực tế con người là một chủ thể xã hội, tất cả những chủ trương, chính sách mà Đảng, Nhà nước đưa ra cho từng giai đoạn nhằm phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng đều xuất phát từ lợi ích của con người và do con người. Do vậy trong phương hướng kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng bao gồm những nội dung chủ yếu sau:
- Trước hết cần đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền giáo dục cho mọi người, mọi tầng lớp dân cư nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò và bản chất của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của Đảng và Nhà nước CHDCND Lào. Từ đó động viên mọi người tích cực tham gia thực hiện sự kết hợp đó một cách tự giác, có hiệu quả.
Tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế và quốc phòng, coi nhiệm vụ phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng an ninh là sự nghiệp chung của toàn dân. Mọi người đều có nhiệm vụ tham gia lao động sản xuất để tạo ra của cải vật chất cho mình và cho tiêu dùng xã hội, và vừa có nhiệm vụ tham gia thực hiện công tác quốc phòng - an ninh trong từng ngành, từng địa phương và từng cơ sở một cách tự nguyện, coi đó là nghĩa vụ và quyền lợi của mình.
- Tổ chức rộng rãi và có chất lượng việc giáo dục quốc phòng cho toàn dân, trước hết là cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng và nhà nước các cấp, các ngành, cho các đoàn thể và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhất là thế hệ thanh niên, học sinh và sinh viên trong các trường làm cho mọi người tích cực chủ động tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và củng cố thế trận quốc phòng an ninh. Mọi công dân đều có nhiệm vụ chăm lo sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân làm cho mọi đối tượng, nhất là cho lực lượng lao động xã hội đồng thời là lực lượng xây dựng quốc phòng; mỗi người lao động vừa là người có phẩm chất và
kỹ năng lao động ngày càng cao, vừa là một chiến sĩ kiên cường bảo vệ Tổ quốc:
- Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, cũng như quốc phòng an ninh phải đặt con người vào vị trí trung tâm nhằm phát huy năng lực lao động sáng tạo của từng người, từng tập thể để đóng góp ngày càng nhiều hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, thực hiện sự kết hợp kinh tế với quốc phòng là trách nhiệm của toàn xã hội và phải thông qua hoạt động tự giác của mỗi người. Việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện công tác quốc phòng an ninh trong giai đoạn mới, là làm cho công việc đó trở thành công việc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Trên cơ sở đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức cảnh giác cách mạng của mỗi người trước những âm mưu và hành động phá hoại của địch, vận dụng khéo léo các yếu tố chính trị, kinh tế, quân sự và ngoại giao, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương nhằm hạn chế, đẩy lùi sự phá hoại của địch trên lĩnh vực kinh tế.
Để kết luận về các phương hướng thực hiện mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng đã nói trên, chúng tôi muốn nhấn mạnh một phương châm chỉ đạo là: trong khi tập trung lực lượng phát triển kinh tế xã hội, cần nắm vững và thực hiện nghiêm chỉnh quan điểm đường lối của Đảng: Kiên quyết ngăn ngừa và đấu tranh chống lại việc tách rời hoạt động kinh tế với hoạt động quân sự chính trị, tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch có thể lợi dụng chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của chúng ta.
3.2. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM THỰC HIỆN TỐT MỐI QUAN HỆ GIỮA KINH TẾ VỚI QUỐC PHÒNG TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI Ở CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO