Trong điều kiện hiện nay, để đối phó với những nguy cơ xâm lược và xung đột vũ trang, sẵn sàng đánh thắng các cuộc chiến tranh với trình độ trang bị kỹ thuật cao, các nước đều chú ý xây dựng và phát triển nền công nghiệp quốc phòng theo hướng kết hợp công nghiệp quốc phòng với công nghiệp dân dụng.
Đối với CHDCND Lào, kết hợp công nghiệp quốc phòng với công nghiệp dân dụng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là đòi hỏi khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Con đường ngắn nhất, tiết kiệm và hiệu quả nhất để xây dựng nền quốc phòng hiện đại là phải kết hợp hai hệ thống công nghiệp quốc phòng và công nghiệp dân dụng nhằm tích lũy tiềm lực kinh tế - kỹ thuật của quốc phòng, để đẩy mạnh nhịp độ phát triển các ngành kinh tế quốc dân.
Công nghiệp quốc phòng là một bộ phận cấu thành của nền công nghiệp quốc gia, thuộc thành phần kinh tế Nhà nước. Ngoài chức năng chủ yếu sản xuất, sửa chữa và bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, hậu cần cho các lực lượng vũ trang công nghiệp quốc phòng còn có nhiệm vụ sản xuất ra một số sản phẩm dân dụng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Vì vậy công nghiệp quốc phòng phải được phát triển trong sự phát triển của công nghiệp dân dụng, mặt khác phải phát huy tác dụng trở lại góp phần thúc đầy sự phát triển của công nghiệp dân dụng trong nền kinh tế quốc dân. Mỗi bước phát triển của công nghiệp dân dụng phải chú ý kết hợp với yêu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng. Sự tồn tại của ngành này là cơ sở và tiền đề để phát triển ngành kia, hai bên hỗ trợ thúc đẩy nhau cùng phát triển. Công nghiệp quốc phòng là một ngành thiết yếu
không chỉ với nền quốc phòng, mà còn có mối quan hệ gắn bó hữu cơ và có tác động không nhỏ đối với sự phát triển khoa học và công nghệ cũng như đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng không chỉ là điều kiện quan trọng để bảo vệ hòa bình và ổn định đất nước, mà còn bảo đảm tính tự chủ và tạo điều kiện để phát triển một cách chủ động các vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, bắt kịp với nhịp độ phát triển khoa học và công nghệ của thế giới, hỗ trợ cho sự phát triển nền kinh tế quốc dân.
Thực chất của việc kết hợp công nghiệp quốc phòng với công nghiệp dân dụng trong quá trình xây dựng và phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng, là kết hợp yêu cầu trang bị kỹ thuật cho các ngành kinh tế quốc dân với yêu cầu hiện đại hóa lực lượng quốc phòng, trước mắt là hiện đại hóa lực lượng quân đội, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho mỗi bước phát triển của công nghiệp là một bước hiện đại hóa quốc phòng, tăng cường tiềm lực kinh tế - kỹ thuật cho quốc phòng, khi chiến tranh xảy ra có thể huy động mọi lực lượng, mọi khả năng công nghiệp sản xuất phục vụ chiến tranh.
Để thực hiện sự kết hợp công nghiệp quốc phòng với công nghiệp dân dụng có hiệu quả, cần chú ý những điểm chủ yếu sau:
Một là, ra sức xây dựng phát triển công nghiệp quốc phòng nòng cốt
Công nghiệp quốc phòng nòng cốt là ngành công nghiệp quân sự có trình độ kỹ thuật cao, chuyên môn hóa sâu, giữ vai trò nòng cốt trong quá trình phát triển nền công nghiệp quốc phòng hiện đại. Công nghiệp quốc phòng nòng cốt có nhiệm vụ đi sâu nghiên cứu chế tạo thử và sản xuất mẫu các loại vũ khí, và trang bị kỹ thuật quân sự mới cho quân đội và làm nòng cốt trong việc mở rộng sản xuất các loại sản phẩm quân sự ấy sang các
ngành công nghiệp khác khi có điều kiện thực hiện. Tuy nhiên, trong điều kiện hòa bình xây dựng đất nước, công nghiệp quốc phòng nòng cốt còn có nhiệm vụ tận dụng năng lực sản xuất còn lại của mình để sản xuất ra những hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho tiêu dùng sản xuất và đời sống xã hội theo yêu cầu của cơ chế thị trường, nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và văn hóa cho cán bộ, công nhân quốc phòng và tăng tích lũy để phát triển ngành.
Những năm tới, trong kế hoạch xây dựng nền công nghiệp quốc phòng của nước CHDCND Lào, cần ưu tiên phát triển công nghiệp quốc phòng nòng cốt, theo hướng đầu tư hợp lý về vốn và công nghệ mới, để ngày càng có thêm những sản phẩm quân sự mới với trình độ kỹ thuật cao, được sản xuất từ chính nền công nghiệp của nước nhà. Trong đầu tư phát triển phải tạo được những mũi nhọn cho công nghiệp quốc phòng trên cơ sở phát triển nền công nghiệp của cả nước trong một cơ cấu hợp lý theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Để phát huy vai trò của mình trong tình hình mới, công nghiệp quốc phòng nói chung và công nghiệp quốc phòng nòng cốt nói riêng, phải tiếp tục đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý, nâng cao trang bị kỹ thuật theo yêu cầu và nhiệm vụ mới về quốc phòng - an ninh và kinh tế. Hướng tổ chức sắp xếp lại các doanh nghiệp là hình thành các công ty theo ngành hoặc theo lãnh thổ cho phù hợp với cơ cấu kinh tế chung của cả nước.
Trong điều kiện nền kinh tế Lào đang còn khó khăn nhiều mặt (sản xuất và đời sống) như hiện nay, thì việc đầu tư xây dựng mới những cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là rất hạn chế. Vì vậy, trong những năm trước mắt, các cơ quan chủ quản cần có kế hoạch nghiên cứu, lựa chọn một số xí nghiệp công nghiệp đang làm kinh tế trong quân đội để tiến hành cải tạo, nâng cấp, bổ sung công nghệ mới để có thể đảm nhận thêm việc sản xuất một vài mặt hàng quân sự mới cho quân đội.
Hai là, việc xây dựng và phát triển công nghiệp dân dụng phải tính đến những yêu cầu về quốc phòng - an ninh.
Theo cơ chế thị trường, thì việc phân bố các cơ sở sản xuất công nghiệp càng gần vùng cung ứng nguyên liệu càng tốt, nhằm giảm được chí phí vận chuyển, do đó nâng cao được lợi nhuận. Nhưng, nếu đứng trên quan điểm quốc phòng - an ninh mà xét thì quy hoạch phân bố các cơ sở sản xuất công nghiệp lại phải theo những nguyên tắc: Thứ nhất, những chỗ có điều kiện bảo vệ tốt để có thể tiếp tục đứng vững và duy trì sản xuất khi xảy ra chiến tranh. Thứ hai, kết hợp được với các cơ sở sản xuất chuyên ngành của quốc phòng để sử dụng chung kết cấu hạ tầng, thực hiện chuyên môn hóa và hiệp tác hóa ngày càng cao trong việc sản xuất các sản phẩm quân sự. Thứ ba, tạo ra thế bố trí công nghiệp vừa vững chắc, vừa linh hoạt, có điều kiện dễ dàng chuyển hướng sản xuất thời bình sang thời chiến khi tình hình đòi hỏi. Thứ tư, góp sức hoàn chỉnh xây dựng các vùng chiến lược, chuẩn bị chiến trường của chiến tranh nhân dân trên cả nước cũng như ở từng địa phương.
Nhìn chung, điều kiện lãnh thổ của nước Lào có địa hình chủ yếu là vùng đồng bằng, vùng cao nguyên, vùng trung du ở miền Trung và miền Nam, còn miền Bắc chủ yếu là vùng núi cao. Do vậy, đòi hỏi phải có một chiến lược bố trí công nghiệp rất khoa học và hợp lý. Một trong những biện pháp quan trọng là bố trí phân tán khu công nghiệp, nhất là khu công nghiệp quốc phòng sản xuất trang thiết bị chủ yếu phục vụ quân đội, không nên tập trung quá dày đặc ở vùng đồng bằng, trừ những công nghiệp tất yếu như ngành công nghiệp sản xuất và chế biến gỗ xuất khẩu công nghiệp sản xuất và chế biến lương thực - thực phẩm phải gắn liền với đường giao thông thuận lợi. Sự bố trí phân tán có thể bảo đảm tránh được những tổn thất lớn trước mắt do những đòn tập kích chiến lược của địch, tăng cường
được tính linh hoạt, cơ động khi bị đánh phá cơ sở này có cơ sở khác thay thế. Nói như thế sẽ rất mâu thuẫn với những vấn đề đã đưa ra ở phần trước, nhưng đối với mục này tác giả nhấn mạnh riêng về công nghiệp quốc phòng nòng cốt phải có sự bố trí phân tán. Tuy nhiên, xét về hiệu quả kinh tế thì việc bố trí phân tán sẽ đẻ ra những điều không hợp lý như nơi sản xuất có thể xa vùng nguyên liệu và nơi tiêu thụ, không tận dụng hết cơ sở kết cấu hạ tầng và dịch vụ, khó cho việc tổ chức sản xuất theo hướng hiệp tác hóa và chuyên môn hóa ngày càng cao. Vì thế có thể đối với những cơ sở công nghiệp cần xây dựng nhanh, đưa vào sản xuất nhanh, nhiệm vụ sản xuất phục vụ trong điều kiện chiến tranh không lớn lắm và có thể thay thế được thì phải bố trí theo yêu cầu kinh tế nhằm đạt hiệu quả cao cả kinh tế và quốc phòng. Trong thế bố trí chiến lược, các tỉnh và thành phố có vai trò quan trọng, nơi cần phát huy các thế mạnh về tài nguyên, tổ chức, kết hợp công nghiệp với nông nghiệp, kinh tế Trung ương với kinh tế địa phương, nên việc phân bố các cơ sở sản xuất công nghiệp phải nhằm hình thành đơn vị chiến lược về kinh tế và quốc phòng.
Trong khi thực hiện chiến lược bố trí phân tán mạng lưới công nghiệp quốc phòng phải làm thế nào để sự phân tán đó vẫn bảo đảm được tính tập trung thống nhất của hệ thống công nghiệp của cả nước. Việc giải quyết phù hợp là tạo ra một số cơ sở công nghiệp nặng được bố trí trên những địa bàn có điều kiện bảo vệ tốt, đóng vai trò chủ đạo đối với kinh tế vùng. Trong thời bình phát huy thế mạnh của vùng phục vụ cả nước, khi chiến tranh xảy ra, ngay cả trong trường hợp bị chia cắt vẫn có đủ điều kiện duy trì và tiếp tục đẩy mạnh sản xuất bảo đảm các nhu cầu vật chất, kỹ thuật cho quân đội và nhân dân vừa chiến đấu, vừa sản xuất.
Một vấn đề quan trọng khác, là việc xây dựng và phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp dân dụng thời bình, phải tính toán và dự đoán trước những yêu cầu quốc phòng trong thời chiến. Quy mô, thời gian và cường độ của chiến tranh là những yếu tố làm tăng đột biến nhu cầu về các
sản phẩm quân sự cho các lực lượng vũ trang. Lúc đó cần phải huy động cả công nghiệp quốc phòng và công nghiệp dân dụng mới đáp ứng được những phương tiện vật chất kỹ thuật cho cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện và hiện đại để bảo vệ Tổ quốc. Để chủ động đáp ứng nhu cầu quốc phòng trong mọi tình huống, ngay trong điều kiện hòa bình xây dựng và phát triển kinh tế, cần phải làm tốt công tác chuẩn bị động viên công nghiệp cho quốc phòng khi có chiến tranh. Muốn vậy phải đặc biệt coi trọng ngay từ khâu thiết kế trang bị kỹ thuật và công nghệ đối với một số cơ sở sản xuất công nghiệp dân dụng có vị trí chiến lược quan trọng theo hướng chú trọng đầu tư kỹ thuật công nghệ mang tính lưỡng dụng, vừa sản xuất sản phẩm dân dụng vừa sản xuất sản phẩm quân sự khi có yêu cầu, làm cho sản xuất sản phẩm dân dụng và sản xuất sản phẩm quân sự ngày càng xích lại gần nhau để có thể chuyển hóa giữa kinh tế với quốc phòng, giữa thời bình sang thời chiến. Chẳng hạn, một nhà máy chế tạo cơ khí sản xuất các loại máy công cụ có thể chuyển sang sản xuất vũ khí, đạn dược;
nhà máy chế tạo máy kéo nông nghiệp có thể chuyển sang sản xuất xe tăng, xe xích; v.v...
Để tăng cường khả năng động viên công nghiệp cho quốc phòng, Nhà nước cần có cơ chế và chính sách phù hợp, coi trọng động viên cả công nghiệp trung ương và công nghiệp địa phương trên từng địa bàn tham gia sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật và hậu cần tại chỗ, bảo đảm mức độ cao nhu cầu sản phẩm quân sự cho các lực lượng vũ trang và toàn dân chiến đấu.
Ba là, tăng cường sự hợp tác liên doanh giữa công nghiệp quốc phòng và công nghiệp dân dụng
Trong thời đại ngày nay do sự phát triển nhanh chóng về khoa học và công nghệ đã làm cho ranh giới giữa kỹ thuật và công nghệ quân sự với kỹ thuật và công nghệ dân dụng, trong nhiều trường hợp, không có sự tách
bạch rõ ràng. Thực tiễn cho thấy, ngoài một số sản phẩm đặc thù, chuyên dùng trong lĩnh vực quân sự như các loại vũ khí, đạn dược, còn rất nhiều loại sản phẩm do công nghiệp dân dụng sản xuất ra được sử dụng một cách phổ biến trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng - an ninh như điện tử, tin học hóa chất, xăng dầu, may mặc, da dày, thuốc chữa bệnh, lương thực thực phẩm, v.v... Ngược lại, nhiều cơ sở công nghiệp quân sự mà sự hoạt động của nó có liên quan mật thiết với các ngành công nghiệp dân dụng như hàng không, sản xuất ôtô, máy kéo, tàu thủy, v.v... Từ đó vấn đề đặt ra sự cần thiết khách quan phải tăng cường sự hợp tác liên doanh giữa công nghiệp quốc phòng và công nghiệp dân dụng dưới nhiều hình thức như:
Huy động đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và các phương tiện vật chất cho nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và công nghiệp dân dụng để cùng nhau hợp tác nghiên cứu các đề tài khoa học phục vụ cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế và quốc phòng; chuyển giao các thành tựu khoa học từ lĩnh vực dân dụng sang lĩnh vực quân sự và ngược lại để mỗi bên có thể nghiên cứu ứng dụng, nhằm tạo ra những sản phẩm công nghiệp có chất lượng cao, với chi phí sản xuất ít nhất.
Tổ chức hội đồng liên ngành công nghiệp quân sự và công nghiệp dân dụng để xét duyệt hoặc thẩm định các đề án đầu tư, thiết kế, trang bị kỹ thuật khi xây dựng các công trình công nghiệp dân dụng và công nghiệp quốc phòng lớn, quan trọng, có ý nghĩa chiến lược. Lựa chọn công nghệ sản xuất và tiêu chuẩn hóa một số sản phẩm mang tính lưỡng dụng, để định hướng cho việc sản xuất những sản phẩm này. Thường xuyên thông báo cho nhau những nhu cầu cần đáp ứng, những phát minh sáng chế và kết quả ứng dụng.
Các doanh nghiệp công nghiệp dân dụng và công nghiệp quân sự có thể hợp tác cùng nhau sản xuất một số sản phẩm quân sự hay dân dụng nào đó, thậm chí có thể sản xuất một số chi tiết trong sản phẩm đó theo khả năng và trình độ chuyên môn hóa của mình. Đối với một số doanh nghiệp,
công nghiệp, dân dụng, nếu có điều kiện vật chất kỹ thuật, đội ngũ cán bộ công nhân kỹ thuật, cơ sở hạ tầng phù hợp với những đặc thù của việc sản xuất sản phẩm quân sự nào đó, thì nên bổ sung thêm một số thiết bị công nghệ chuyên dùng để sản xuất mặt hàng quân sự ấy, bên cạnh các dây chuyền sản xuất các sản phẩm dân dụng, và ngược lại.
Để đẩy mạnh sản xuất và lưu thông sản phẩm, trong điều kiện của cơ chế thị trường, các doanh nghiệp công nghiệp dân dụng và công nghiệp quân sự, cần có sự hỗ trợ nhau để giải quyết những khó khăn về vốn, kỹ thuật, công nghệ, máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, kinh nghiệm tổ chức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của mình.
Ở Inđônêxia, từ năm 1983 đến nay, chính phủ nước này không chủ trương xây dựng nền công nghiệp quốc phòng biệt lập về mặt công nghệ với công nghiệp dân dụng, mà kết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp quốc phòng với công nghiệp dân dụng thành một thể thống nhất, ưu tiên phát triển mạnh công nghệ lưỡng dụng, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm công nghiệp đáp ứng cả nhu cầu dân sự và quân sự cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Trước những thử thách mới của thời đại, đặc biệt là những biến động trong các mối quan hệ quốc tế còn chứa đựng những nguy cơ thôn tính, việc kết hợp kinh tế với quốc phòng trong chiến lược kết hợp công nghiệp quốc phòng với công nghiệp dân dụng càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.