3.2.2.1. Kết hợp kinh tế với quốc phòng trong việc đầu tư xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm
Để nền kinh tế phát triển nhanh và vững chắc trong bước đi ban đầu của giai đoạn chuẩn bị những tiền đề cần thiết để tiến hành công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời với mục tiêu của vùng kinh tế trọng điểm là khai thác tối đa mọi tiềm năng, thế mạnh vốn có của đất nước và đi trước một bước về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội làm đầu tầu cho sự phát triển phồn vinh của cả nước, trở thành cửa ngõ lớn, rộng, thoáng để CHDCND Lào hòa nhập với cộng đồng quốc tế. Các vùng kinh tế trọng điểm là động lực để thúc đẩy kinh tế các khu vực khác phát triển. Hiện nay, Đảng và Nhà nước Lào đã có kế hoạch tập trung đầu tư xây dựng ba địa bàn kinh tế trọng điểm trong cả nước. Đó là ba địa bàn kinh tế trọng điểm trực thuộc Trung ương, bao gồm; miền bắc là hai huyện Xiểng Hon - Hồng Xa tỉnh Xaynhabuly, miền Trung là đặc khu Xay Xổm Bun tỉnh Viêng Chăn và Mường Khăm Kợt, Viêng Thoong, Na Kai tỉnh Khăm Muộn và Bolỳ Khăm Xay. Nhìn chung trong cả nước, vùng kinh tế trọng điểm chiếm một không gian địa lý rộng, tổng hợp, cả đường bộ, đường sông và hàng không, nằm trong những khu vực kinh tế năng động nhất của đất nước. Đây cũng chính là nơi giữ một vị trí chiến lược quan trọng trong thế trận phòng thủ quốc gia về trước mắt cũng như lâu dài.
Trong chiến lược đầu tư xây dựng, phát triển nền kinh tế quốc dân, trong những năm tới, cần đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm trên địa bàn cả nước, gắn liền với việc xây dựng một thế trận quốc phòng - an ninh vững chắc sẵn sàng đối phó với mọi tình huống đặc biệt xảy ra. Muốn vậy, trong việc đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc và kết cấu hạ tầng của các vùng kinh tế trọng điểm, phải kết hợp chặt chẽ mục tiêu kinh tế và quốc phòng - an ninh trong mọi khâu, từ xây dựng quy hoạch tổng thể, quy hoạch đầu tư xây dựng, phát triển trên địa bàn cả nước, trong từng địa phương, từng khu vực, đến khâu xác định vị trí, địa điểm, thiết kế các công trình lớn đều có tính đến kinh tế và quốc phòng - an ninh.
Việc đầu tư xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm tạo thành vùng kinh tế động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội với tốc độ nhanh, đồng thời
tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, bảo đảm ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Việc kết hợp kinh tế với quốc pihòng trong việc đầu tư xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm phải được thấu suốt trong mọi cấp, mọi ngành kinh tế - kỹ thuật, đặc biệt là với những ngành có liên quan trực tiếp với quốc phòng như giao thông vận tải, thông tin, bưu điện, thuỷ lợi, y tế, các cơ sở công nghiệp, kỹ thuật, bố trí các cụm dân cư v.v... bảo đảm sao cho mỗi công trình được xây dựng lên, vừa góp phần tạo nên thế trận có lợi cho quốc phòng trong thời bình cũng như thời chiến, vừa bảo đảm khai thác có hiệu quả lao động, tài nguyên, ngành nghề, cơ sở vật chất kỹ thuật, đẩy mạnh tốc độ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Những vùng kinh tế trọng điểm là những nơi tập trung một khối lượng lớn về cơ sở vật chất kỹ thuật, một lực lượng lớn đội ngũ cán bộ, công nhân có trình độ tay nghề cao gắn liền với nền sản xuất máy móc, thiết bị hiện đại và đó cũng là khu dân cư đô thị đông đúc mới được hình thành. Để biến tiềm lực đó thành lực lượng hậu bị của nền quốc phòng toàn dân, cơ quan quân sự phải thường xuyên và kết hợp chặt chẽ với các cơ quan kinh tế, kỹ thuật, chính quyền địa phương các cấp làm tốt công tác thống kê, đăng ký, quản lý, tổ chức xây dựng các lực lượng đó trong nhân dân và chuẩn bị tốt kế hoạch chuẩn bị động viên để phục vụ quốc phòng - an ninh khi tình hình đòi hỏi. Mặt khác, nhà nước Lào phải trực tiếp giúp đỡ các tổ chức trên, tài trợ về tài chính, nguồn nhân lực để phát triển các hình thức giáo dục quốc phòng - an ninh trong nhân dân (ở các phố, phường, làng, xã), nhằm bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội để cho các đơn vị sản xuất kinh doanh ở các vùng kinh tế trọng điểm hoạt động có hiệu quả. Đây là bài học rất thành công của Inđônêsia trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng kinh tế trọng điểm. Hiện nay Chính phủ
Inđônêsia đặc biệt quan tâm và trực tiếp giúp đỡ về nguồn tài chính để thành lập các tổ chức quốc phòng trong nhân dân nhằm giáo dục nâng cao ý thức quốc phòng cho mọi đối tượng, mọi tầng lớp dân cư, tạo điều kiện, môi trường ổn định để các địa phương, các đơn vị sản xuất kinh doanh tập trung vào việc đầu tư phát triển kinh tế xã hội một cách tốt nhất.
Gắn liền quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên vùng kinh tế trọng điểm với quy hoạch xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, hữu hiệu ngang tầm với yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ vùng kinh tế trọng điểm trên địa bàn cả nước. Bộ Quốc phòng phải có một bộ phận chuyên trách làm nhiệm vụ tư vấn cho ban chỉ đạo quy hoạch phát triển vùng và các ngành kinh tế, kỹ thuật, các địa phương về công tác kết hợp kinh tế với quốc phòng trên địa bàn cả nước, trên cơ sở nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển tổng thể vùng kinh tế trọng điểm, chỉ đạo các quân khu, các tỉnh, thành phố về việc thực hiện nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng trên địa bàn của mình. Bộ phận chuyên trách này có thể giải quyết các vấn đề có liên quan thuộc thẩm quyền giữa quân đội và các bộ, ngành, địa phương, đồng thời nghiên cứu để đạt kế hoạch xây dựng các căn cứ quốc phòng, các cơ sở công nghiệp quốc phòng trên địa bàn, tìm ra phương hướng và hình thức làm kinh tế của quân đội trên địa bàn của vùng kinh tế trọng điểm.
Kết hợp kinh tế với quốc phòng ở các vùng kinh tế trọng điểm có mối quan hệ chặt chẽ vơi các vấn đề quốc phòng - an ninh trong việc xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung chủ yếu nằm trong các vùng kinh tế trọng điểm, nó là loại hình kinh tế có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế hàng hóa, thúc đẩy sự hình thành cơ cấu kinh tế mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Lào hiện nay.
Vùng kinh tế trọng điểm như một cửa ngõ quan trọng để CHDCND Lào hội nhập vào thị trường khu vực và thế giới. Bởi vì, vùng kinh tế trọng điểm là vùng kinh tế nông - công nghiệp tiêu biểu của cả nước, sản xuất ra các mặt hàng vừa hướng vào xuất khẩu, vừa phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội vừa góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng - an ninh của đất nước. Khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung thường được xây dựng ở những vùng chiến lược kinh tế, gắn các trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự, vùng dân cư đông đúc, gần các đầu mối giao thông thuận tiện. Bởi vậy, phải chú ý đầu tư xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm theo quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết và hoạch định kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ.
Thực trạng những năm qua ở Lào cho thấy, các nhà đầu tư trực tiếp ở nước ngoài (FDI) và các doanh nghiệp sản xuất tư nhân ở trong nước đều tìm cách đầu tư vào những khu, những lĩnh vực có khả năng thu hồi vốn nhanh nhất, thu lợi nhuận nhiều nhất. Trong số dự án đầu tư ấy, có dự án nếu xét về hiệu quả kinh tế thuần tuý thì không có vấn đề gì phải bàn, nhưng nếu xét về hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh thì lại là một dự án bất lợi, không thể chấp nhận được. Vì vậy, để đảm bảo phát triển kinh tế gắn liền với củng cố quốc phòng - an ninh, vấn đề quan trọng là ở chỗ, trong khi phê duyệt các dự án xây dựng những công trình lớn trong vùng kinh tế trọng điểm, phải xem xét cả bốn yếu tố: kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái.
Thực tiễn đòi hỏi việc đầu tư xây dựng, phát triển các khu chế xuất khu công nghiệp tập trung, nhất thiết phải gắn chặt với các vấn đề quốc phòng - an ninh. Nó phải được đặt ra và xem xét trong thế bố trí, chiến lược kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của từng địa phương và trong cả nước.
Đồng thời, phải khai thác hoạt động sản xuất kinh doanh của khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung phục vụ quốc phòng - an ninh thông qua việc
sản xuất các mặt hàng lưỡng dụng. Đây là một xu hướng phổ biến trong sản xuất, kinh doanh của các nước hiện nay. Mặt khác, phải ưu tiên cho các doanh nghiệp quốc phòng tham gia đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, kết hợp tốt lợi ích kinh tế với lợi ích quốc phòng - an ninh.
Trong tương lai, cần thiết phải có doanh nghiệp kinh tế quốc phòng đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung đã được Chính phủ Lào xác định như khu vực cây số 20, Mườn Khăm Kợt tỉnh Boli Khăm xay, cây số 13 Pác Sê, tỉnh Chăm Pa Sắc. Để sản xuất kinh doanh theo phương thức hợp đồng sản xuất kinh doanh, liên doanh hay đầu tư 100%
vốn để có thể hình thành lực lượng nòng cốt về quốc phòng - an ninh và kết hợp với quốc phòng - an ninh. Các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung sẽ là nơi có tiềm lực động viên với chất lượng cao. Nếu làm tốt công tác chuẩn bị động viên công nghiệp cho quốc phòng an ninh thì khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung sẽ là nơi động viên có hiệu quả cao về khoa học - công nghệ và cả nhân tài vật lực khi có chiến tranh. Cũng xin nhấn mạnh rằng, đây vừa là một giải pháp trước mắt, vừa là một giải pháp mang tính lâu dài trong quá trình hợp tác và hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
3.2.2.2. Phát triển kinh tế xã hội, tạo thế trận quốc phòng - an ninh ở các vùng biên giới, vùng núi, vùng sâu, vùng xa
Vùng biên giới, vùng núi của Lào đất rộng, dân cư thưa thớt lại là vùng căn cứ, vùng chiến lược quan trọng của đất nước. Vùng này chiếm 2/3 diện tích tự nhiên của cả nước, có số dân sinh sống chiếm từ 35 - 40%, là nơi tập trung nhiều dân tộc thiểu số, kinh tế kém phát triển, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân rất khó khăn [74, tr. 26]. Những năm qua Chính phủ Lào chưa có điều kiện tập trung đầu tư phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh tương xứng với nhiệm vụ mà nó phải gánh vác. Hiện nay còn rất nhiêu vùng vẫn rất hoang sơ, lạc hậu, thiếu hẳn sự tác
động chỉ đạo và đầu tư hỗ trợ của Nhà nước. Do vậy, trong những năm tiếp theo cần ưu tiên đầu tư đủ độ, hợp lý và tập trung dứt điểm cho từng địa bàn vùng biên giới, vùng cao, vùng sâu, vùng xa để sớm ổn định đời sống của nhân dân các bộ tộc, phát triển và làm đổi thay từng ngày, từng giờ bộ mặt kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở vùng này. Nhưng phải được quán triệt ngay từ đầu, sự đầu tư xây dựng và phát triển ở những vùng này không thể tính toán ngay hiệu quả kinh tế thuần tuý, trực tiếp được, mà phải lấy hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước làm mục tiêu chính trong quá trình thực hiện.
Để giải quyết một cách toàn diện các vấn đề kinh tế, quốc phòng - an ninh ở vùng biên giới, vùng núi, vùng sâu, vùng xa Nhà nước cần thực hiện chính sách hỗ trợ vốn cho các hộ nghèo bằng cách cho vay lãi suất thấp hoặc không lấy lãi, khuyến khích và hướng dẫn họ phát triển kinh tế hộ gia đình, tiến lên phát triển kinh tế trang trại. Mặt khác, Nhà nước cần đầu tư thích đáng vào việc phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội như xây dựng mạng lưới điện nông thôn; xây dựng các con đường hành lang biên giới, đường liên tỉnh, đường liên huyện đến các trung tâm cụm xã; xây dựng trường học, trạm xá, phát triển giáo dục và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân; mở rộng mạng lưới thông tin bưu điện, đẩy mạnh việc giao lưu văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa các vùng trong cả nước. Năm 1996 - 1997, Chính phủ Lào đã phối hợp với Bộ Quốc phòng đầu tư hơn 100 triệu kíp vào việc phát triển nông thôn, chủ yếu là xây dựng trường học, bệnh xá và trụ sở làm việc cho các Ủy ban nhân dân xã.
Nhà nước cần thường xuyên tác động, kiểm tra những chương trình, dự án đã được chính phủ phê duyệt để phát huy tính chủ động và tinh thần trách nhiệm của địa phương trong việc triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước về ổn định, phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, vùng núi, vùng cao, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp nhiều chương trình,
dự án chuyên ngành do các Bộ ngành chủ quản đưa ra và giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm thực hiện lồng ghép trên địa bàn. Phần lớn các chương trình dự án này nói chung chỉ giải quyết một số vấn đề trước mắt, cục bộ, chắp vá, và có tình trạng "dễ làm khó bỏ"; nhiều chương trình nhà nước đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội không được thực hiện một cách đồng bộ, tập trung dứt điểm để sớm đưa vào sử dụng, tình trạng tham nhũng, lãng phí còn khá phổ biến ở nhiều nơi.
Cần coi trọng việc đầu tư xây dựng các cụm kinh tế - xã hội ở các cửa khẩu. Hiện nay Lào có 17 cửa khẩu quốc gia và khoảng 8 cửa khẩu do tỉnh quản lý. Trong sáu tỉnh miền núi phía Bắc, có năm tỉnh có biên giới giáp ba nước bạn như tỉnh Phông Xa Lỳ, Bo Kẹo, Luổng Nậm Tha, Xay Nha Bu Ly và Hủa Phăn với 5 cửa khẩu quốc gia và 4 cửa khẩu do tỉnh quản lý; 7 tỉnh miền Trung có 7 cửa khẩu quốc gia và 2 cửa khẩu do tỉnh quản lý; còn 4 tỉnh phía nam có 5 cửa khẩu quốc gia và 2 cửa khẩu do tỉnh quản lý. Nhìn chung hầu hết các cửa khẩu của các tỉnh giáp với các nước bạn còn rất sơ sài, thương mại, dịch vụ yếu kém. Ngược lại, về phía các nước bạn thì hầu hết các cửa khẩu đã được xây dựng thành thị trấn biên giới buôn bán sầm uất, hàng hóa đủ các loại trên thị trường, giao thông vận tải, thương mại, dịch vụ, y tế, nhà nghỉ khá phát triển, như cửa khẩu Tây Trang, Chiêng Khương (Việt Nam); cửa khẩu Lan Thủy, Pha Khá (Trung Quốc); cửa khẩu Huổi Côn, Noong Phử (Thái Lan).
Do vậy, Nhà nước Lào phải có chính sách đầu tư thích đáng, thực hiện các dự án cụm kinh tế - xã hội cửa khẩu, mở rộng thị trường, tạo sức hút giao lưu hàng hóa về phía ta ngày càng nhiều, tăng thu ngân sách. Nội dung xây dựng theo dạng hình một thị trấn thương mại biên giới, vùng núi, vùng sâu, vùng xa gồm: chợ, kho bãi (nếu có), khu dân cư buôn bán, đường, điện, cấp thoát nước, nhà nghỉ, trường học, bệnh viện, đồn biên phòng. Cơ sở làm việc các cơ quan: hải quan, thuế, xuất nhập cảnh. Nhà
nước phải trực tiếp đầu tư và giao nhiệm vụ cho lực lượng bộ đội biên phòng, kết hợp với chính quyền địa phương các cấp cùng với nhân dân ra sức xây dựng và phát triển nông - lâm - công nghiệp, giao thông vận tải, thương mại - dịch vụ.
Kế hoạch đầu tư xây dựng phát triển nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa phải quán triệt hai yêu cầu sau đây:
Thứ nhất, phải khai thác tốt các vùng rừng núi biên giới, vùng sâu, vùng xa bằng sự tăng thêm lao động, đồng thời phải bố trí lực lượng ấy để làm thế nào cho ngay từ đầu vừa là lực lượng xây dựng kinh tế, vừa là lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Nói cách khác việc đưa dân đến sinh sống lập nghiệp ở những vùng này phải tính toán chính xác cả về số lượng và cơ cấu chất lượng. Tức là vừa có biện pháp tổ chức tốt, vừa có chế độ chính sách phù hợp cho họ, khuyến khích họ tham gia tích cực phát triển các ngành nghề chăn nuôi và trồng trọt ở các vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. Nhà nước cần thành lập ngân hàng giúp đỡ người nghèo ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa để giúp họ về vốn, khoa học - kỹ thuật canh tác v.v. Đây là một bài học rất thành công của Việt Nam trong quá trình thành thị hóa và công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn. Cũng là một bài học để Lào có thể tiếp thu và vận dụng vào sự nghiệp xây dựng kinh tế nông thôn Lào hiện nay.
Thứ hai, phải coi trọng việc xây dựng hậu cần tại chỗ cho chiến tranh nhân dân phù hợp với phương hướng sản xuất nông nghiệp của từng địa phương, trên từng địa bàn chiến lược, vừa bảo đảm và tạo ra lương thực - thực phẩm tại chỗ, vừa có khả năng phục vụ quốc phòng - an ninh tại địa phương, đồng thời phải chú ý mở rộng mạng lưới giao thông vận tải, điện, nước, thông tin liên lạc phục vụ kinh tế, đời sống và quốc phòng - an ninh.