Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TRÍ THÔNG MINH CỦA HỌC SINH LỚP 4
1.1. Lịch sử nghiên cứu trí thông minh
1.1.2. Những nghiên cứu ở Việt Nam
Ở Việt Nam, việc nghiên cứu trí thông minh nói chung và trí thông minh của trẻ em được nhiều tác giả quan tâm sâu sắc. Có thể kể đến một số đại diện tiêu biểu như:
Trần Trọng Thủy, Nguyễn Thạc, Ngô Công Hoàn, Nguyễn Ánh Tuyết, Nguyễn Huy Tú, Phan Trọng Ngọ,…Các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực này khá đa dạng, có thể chia thành các hướng chính sau:
* Hướng thứ nhất: Nghiên cứu lý luận về trí thông minh như bản chất, cấu trúc, sự hình thành và phát triển trí thông minh qua các giai đoạn, các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển trí thông minh,…
Ở hướng này có một số công trình nghiên cứu tiêu biểu sau:
- Tác giả Phạm Hoàng Gia nghiên cứu đề tài: “Bản chất trí thông minh và đường lối lĩnh hội khái niệm” (1979). Đề tài đã chỉ ra hạt nhân của trí thông minh của con người là phẩm chất chủ động, linh hoạt sáng tạo của tư duy, nhờ đó nó giải quyết được những tình huống mới mẻ trên cơ sở nhận thức bản chất của chúng [10].
- Tác giả Nguyễn Huy Tú cho rằng: Ngày nay, cần hiểu trí thông minh là một bộ phận trong trí tuệ con người (thuật ngữ Wisdom trong tiếng Anh) bên cạnh trí sáng tạo và trí tuệ cảm xúc [1, tr.26].
- Trong công trình nghiên cứu: “Trí tuệ và đo lường trí tuệ”, tác giả Trần Kiều (chủ biên) đã xem IQ là chỉ số thông minh cho biết mức độ năng lực nhận thức, xử lý thông tin [19, tr.29].
* Hướng thứ hai: Chuẩn hóa các trắc nghiệm và sử dụng các trắc nghiệm này để đánh giá trí thông minh của trẻ em nói chung và học sinh tiểu học nói riêng
Tác giả Nguyễn Kế Hào (1985) trong công trình nghiên cứu: “Sự phát triển trí tuệ của học sinh đầu tuổi học” đã khẳng định sự phát triển trí tuệ nhận thức của học sinh phụ thuộc vào nội dung và phương pháp dạy học [1, tr.25].
Tác giả Phan Trọng Ngọ (1994) với đề tài: “Sự phát triển trí tuệ của học sinh lớp 1 dưới ảnh hưởng của việc thay đổi cơ sở định hướng trong dạy học” đã cho thấy mối quan hệ giữa dạy học và sự phát triển trí tuệ nhận thức của học sinh. Kết quả thực nghiệm của đề tài nghiên cứu này cũng chứng tỏ: nhờ tác động của dạy học trên cơ sở định hướng khái quát, trí tuệ nhận thức của học sinh sẽ phát triển [1, tr.28].
Đề tài nghiên cứu cấp Bộ của tác giả Trần Trọng Thủy và tập thể (1998):
“Trình độ phát triển trí tuệ của học sinh tiểu học” là kết quả khảo sát chỉ số IQ của học sinh tiểu học trên diện rộng đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới giáo dục của đất nước [1, tr.28].
Tác giả Đoàn Văn Điều với đề tài: “Nghiên cứu trí lực và mối quan hệ của nó với khả năng học toán của học sinh trung học cơ sở” (2000) sử dụng trắc nghiệm Otis đã chỉ ra được hiện trạng trí lực, hiện trạng khả năng học toán và ảnh hưởng của trí lực đến khả năng học toán của học sinh lớp 8, 9 [1, tr.29].
Tác giả Huỳnh Văn Sơn với đề tài: “Nghiên cứu mức độ trí tuệ của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi” (2004). Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy đa số trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi có mức độ trí tuệ nhận thức trung bình trở lên, mức độ trí tuệ nhận thức ở trẻ nam và trẻ nữ là tương đồng nhau,…[28].
Đề tài: “Nghiên cứu mức độ phát triển trí tuệ của học sinh lớp 6 thị xã Bến Tre”
(2006) của tác giả Huỳnh Văn Chẩn đã chứng minh được đa số học sinh lớp 6, thị xã Bến Tre có mức độ trí tuệ nhận thức trung bình. Kết quả thực nghiệm của đề tài cũng cho thấy: nếu tăng cường khả năng khái quát hóa của học sinh lớp 6 kết hợp với hoạt động nhóm sẽ nâng cao mức độ phát triển trí tuệ nhận thức của các em [7].
Tác giả Đỗ Thị Nga với đề tài: “Khảo sát năng lực trí tuệ của học sinh lớp 5 tại thị xã Đồng Xoài – tỉnh Bình Phước năm học 2005 – 2006” (2006) đã khẳng định hoàn cảnh sống, cách giáo dục con cái của gia đình thuộc các giai tầng khác nhau trong xã hội đều có ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ nhận thức của học sinh [23].
Trong công trình nghiên cứu của Vũ Thị Lan Anh: “Trí tuệ và các chỉ số biểu hiện trí tuệ của học sinh lớp 5” (2011) đã đưa ra một cái nhìn khá đầy đủ về các công trình nghiên cứu trí tuệ trong và ngoài nước cũng như làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận liên quan về trí tuệ. Đề tài cũng chỉ ra, trí thông minh mà cụ thể là chỉ số IQ cho biết về mức độ năng lực nhận thức, xử lý thông tin. Trí thông minh cần thiết cho việc đạt được những thành tích học tập cao trong nhà trường [1, tr.71-72].
Ngoài ra còn có một số đề tài của nhóm tác giả trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến việc cải biên và định chuẩn Bộ trắc nghiệm trí tuệ của
Hans Eysenck dùng đo trí thông minh cho trẻ em từ 10 đến 15 tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh.
* Hướng thứ 3: Xây dựng một số bộ công cụ đánh giá trí thông minh; đề xuất một số phương pháp phát triển trí thông minh của trẻ em nói chung và học sinh tiểu học nói riêng.
Ở hướng nghiên cứu này, có một số công trình tiêu biểu sau:
- Tác giả Nguyễn Công Khanh nghiên cứu về phương pháp phát triển trí thông minh của trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học [18].
- Nhóm tác giả sách: “Trắc nghiệm trí thông minh đố vui trí tuệ” [37].
Ngoài một số hướng nghiên cứu với các đề tài tiêu biểu mà chúng tôi tiếp cận trên đây sẽ còn nhiều nghiên cứu khác về trí thông minh ở những đề tài luận án, luận văn, khóa luận,… Những kết quả nghiên cứu về trí thông minh của trẻ em nói chung và học sinh tiểu học nói riêng với những khía cạnh có liên quan đã cung cấp nhiều tài liệu có giá trị đóng góp vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của lĩnh vực nghiên cứu này.
Như vậy, kho tàng các công trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn đã làm sáng tỏ rất nhiều vấn đề về trí thông minh, sự phát triển trí thông minh của trẻ em nói chung và học sinh tiểu học nói riêng, trong đó có lứa tuổi học sinh lớp 4. Sau khi sơ lược về các công trình nghiên cứu có liên quan, có thể rút ra một số kết luận sau:
- Ở các hướng nghiên cứu chủ yếu nêu trên, số lượng công trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn về trí thông minh của con người nói chung cũng như các lứa tuổi nói riêng là rất lớn. Song, việc nghiên cứu trí thông minh của học sinh lớp 4 – khối lớp rất quan trọng để trẻ tiếp tục bước vào lớp 5 học tập và kết thúc cấp tiểu học – cấp học nền tảng trong hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục quốc dân còn ít.
- Khi nghiên cứu về trí thông minh của học sinh tiểu học nói chung thường các tác giả sử dụng phối hợp các trắc nghiệm nổi tiếng thế giới đã được chuẩn hóa tại Việt Nam với hệ thống các bài tập trắc nghiệm tự biên soạn để đo lường, đánh giá. Nhưng việc nghiên cứu trí thông minh của học sinh lớp 4 bằng việc kết hợp hai bộ công cụ là trắc nghiệm khách quan và hệ thống bài tập trắc nghiệm được xây dựng và chuẩn hóa chủ yếu qua môn Toán và Tiếng Việt còn khá ít.
- Nhiều công trình nghiên cứu về trí thông minh của học sinh tiểu học đã chỉ ra được thực trạng mức độ trí thông minh của trẻ nói chung, tìm hiểu nguyên nhân của thực trạng đó, từ đó đề xuất các biện pháp tác động nhằm phát triển trí thông minh cho trẻ. Tuy nhiên, tại Quảng Ngãi chưa có công trình nào nghiên cứu và thực nghiệm biện pháp tác động sư phạm: Tổ chức dạy học theo hướng tích cực hóa hoạt động nhận thức của học sinh kết hợp và rèn luyện kỹ năng giải quyết một số dạng bài tập cơ bản trong chương trình sách giáo khoa lớp 4 để nâng cao mức độ trí thông minh của học sinh khối lớp này.