Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TRÍ THÔNG MINH CỦA HỌC SINH LỚP 4
1.3. Trí thông minh của học sinh lớp 4
1.3.5. Đặc điểm tâm lý cơ bản của học sinh lớp 4
a. Tri giác
Nếu như ở đầu cấp tiểu học, tri giác của trẻ mang tính chất đại thể, ít đi vào chi tiết và không mang tính chủ động (trẻ khó phân biệt chính xác sự giống nhau hay khác nhau giữa các sự vật, mang nặng tính xúc cảm và đặc biệt trẻ muốn tri giác sự vật thường cần phải được cầm nắm, sờ mó sự vật ấy) thì khi bước sang các lớp cuối cấp học này (lớp 4 và lớp 5) dưới tác động của hoạt động học tập tri giác của học sinh phát triển mạnh, các em đã biết tìm ra các dấu hiệu đặc trưng của đối tượng, phân biệt được các chi tiết, tìm ra được các mối quan hệ, liên hệ giữa các đối tượng ấy. Điều đó có nghĩa là tri giác của trẻ lúc này đã mang tính mục đích và có phương hướng rõ ràng [15, tr.101 – 102].
b.Tư duy
Tư duy của học sinh tiểu học chuyển dần từ tính cụ thể trực quan sang tính trừu tượng, khái quát.
Nếu như ở các lớp đầu cấp tiểu học, khi tiến hành phân tích, tổng hợp, khái quát trẻ thường căn cứ vào những đặc điểm bề ngoài cụ thể, trực quan thì ở các lớp cuối cấp học này, trẻ đã dần thoát khỏi tính chất trực tiếp của tri giác, dần dần nhận thức được bản chất của hiện tượng, phản ánh những thuộc tính và dấu hiệu của bản chất vào tư duy.
Có thể thấy rõ hơn đặc điểm tư duy của học sinh các lớp cuối cấp tiểu học qua các thao tác tư duy sau:
- Thao tác phân tích - tổng hợp
Ở các lớp cuối cấp tiểu học, thao tác phân tích - tổng hợp ở trẻ đã có sự thay đổi nhiều so với trước. Biểu hiện ở chỗ, trẻ đã có thể phân tích đối tượng mà không cần đến hành động thực tiễn, trẻ cũng có khả năng phân biệt những dấu hiệu hay thuộc tính khác nhau của đối tượng dưới dạng ngôn ngữ, biết sắp đặt các thuộc tính, các dấu hiệu của đối tượng theo một hệ thống nhất định.
Nhìn chung, ở học sinh các lớp cuối cấp tiểu học, thao tác phân tích tổng hợp đã bước đầu phát triển nhưng thao tác ấy vẫn còn khó đối với trẻ.
- Thao tác so sánh
Ở các lớp cuối cấp tiểu học, khi so sánh trẻ đã biết tìm ra những điểm giống nhau, khác nhau của các đối tượng được so sánh. Trong quá trình so sánh, trẻ thường chỉ có thể tìm ra những điểm giống nhau hoặc những điểm khác nhau giữa các đối tượng còn việc thấy được mối quan hệ giữa các đối tượng này là vấn đề khá khó khăn với trẻ.
- Thao tác trừu tượng hóa và khái quát hóa
Trừu tượng hóa và khái quát hóa là các thao tác tư duy khá khó đối với học sinh tiểu học. Ở các lớp 4, 5 trẻ đã dần thoát khỏi sự lôi cuốn của những dấu hiệu trực quan, bề ngoài của sự vật hiện tượng nên đã dần biết phát hiện và tách ra được những dấu hiệu bản chất ở sự vật, hiện tượng nên việc khái quát chúng chính xác hơn.
- Thao tác phân loại và phân hạng
+ Phân loại là căn cứ vào các dấu hiệu chung để chia cá thể vào cùng một nhóm.
+ Phân hạng là sắp xếp các cá thể vào cùng một nhóm.
Dưới tác động của hoạt động học tập, trình độ nhận thức của trẻ phát triển hơn.
Vì vậy, học sinh ở các lớp cuối cấp tiểu học đã biết phân loại và phân hạng dựa trên dấu hiệu bản chất của đối tượng.
- Thao tác phán đoán
Ở các lớp cuối cấp tiểu học, trẻ đã biết dựa vào nhiều dấu hiệu (kể cả bản chất và không bản chất) để phán đoán. Do đó, phán đoán của học sinh các lớp cuối cấp học này đã có tính giả định.
- Thao tác suy luận
Ở lứa tuổi học sinh tiểu học, trẻ thường dựa vào những tài liệu trực quan, cụ thể để suy luận. Vì vậy, các em ít khi chấp nhận giả thuyết “nếu” cũng như gặp nhiều khó khăn trong việc xác định mối quan hệ nhân - quả.
Ở học sinh các lớp cuối cấp tiểu học, dưới ảnh hưởng của hoạt động học tập và các hoạt động khác như vui chơi, giao tiếp bạn bè,...trẻ đã tích lũy được vốn tri thức, mở rộng vốn ngôn ngữ,...nên suy luận của trẻ ngày càng hợp lý hơn. [15, tr.104 – 107]
c. Trí nhớ
Ở lứa tuổi học sinh tiểu học, trí nhớ trực quan hình tượng phát triển hơn so với trí nhớ từ ngữ - logic. Trẻ thường nhớ và giữ gìn chính xác trong trí nhớ những điều hiểu biết, những biến cố, những việc và sự kiện cụ thể nhanh hơn và tốt hơn là nhớ những định nghĩa và những lời giải thích. Nếu như học sinh ở các lớp đầu cấp tiểu học thường có khuynh hướng ghi nhớ máy móc, rập khuôn, không chủ định thì dưới ảnh hưởng của hoạt động học tập, trí nhớ của học sinh các lớp cuối cấp tiểu học dần mang tính có chủ định. Bên cạnh đó, trí nhớ ý nghĩa, trí nhớ từ ngữ - logic cũng được xuất hiện và phát triển. Do đó, ở trẻ đã có nhiều loại trí nhớ cùng tồn tại và có vai trò quan trọng đối với hoạt động học tập của trẻ.
d. Chú ý
Ở học sinh tiểu học, chú ý không chủ định phát triển mạnh và chiếm ưu thế. Do vậy, những sự vật, hiện tượng rực rỡ, mới mẻ, bất ngờ,...dễ dàng lôi cuốn sự chú ý của các em. Song chú ý của trẻ lứa tuổi này còn chưa bền vững.
Chú ý của học sinh tiểu học phụ thuộc vào nhịp độ học tập và hoạt động của các em. Nhịp độ làm việc quá nhanh hay quá chậm đều không thuận lợi cho sự bền vững và sức tập trung chú ý của trẻ. Với tuổi học sinh tiểu học, nhịp độ làm việc trung bình là tối ưu và học sinh càng nhỏ thì nhịp độ làm việc càng thấp.
Trong học tập, sự phân phối chú ý của trẻ cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ở các lớp cuối cấp tiểu học, chú ý có chủ định của học sinh được hình thành và phát triển, ở giai đoạn này trẻ cũng đã hình thành và phát triển động cơ học tập mang tính xã hội cũng như đã bắt đầu có ý thức trách nhiệm đối với kết quả học tập của bản thân [15, tr.116 – 117].
e. Tưởng tượng
Tưởng tượng của học sinh tiểu học đã phát triển và phong phú hơn nhiều so với trẻ mẫu giáo. Song, tưởng tượng của các em còn tản mạn, ít có tổ chức, hình ảnh của tưởng tượng còn đơn gản, hay thay đổi và chưa bền vững. Ở lứa tuổi học sinh tiểu học, tưởng tượng tái tạo vẫn chiếm ưu thế và ngày càng được hoàn thiện. Học sinh cuối cấp tiểu học đã biết khái quát nhiều sự vật hiện tượng để tưởng tượng, hình ảnh tưởng tượng ngày càng trọn vẹn rõ ràng hơn, các chi tiết của hình ảnh tưởng tượng phong phú, đa dạng và được sắp xếp hợp lý, sát thực tế hơn.
Về mặt cấu tạo hình tượng trong tưởng tượng: Học sinh lớp 4, 5 đã biết gọt giũa, nhào nặn những hình tượng cũ để sáng tạo ra những hình tượng mới. Nhờ vậy, trẻ đã biết tượng tượng sáng tạo và đưa vào ngôn ngữ để xây dựng hình tượng mang tính chất khái quát và trừu tượng hơn [15, tr.108 – 110].
f. Ngôn ngữ
So với trẻ tuổi mẫu giáo, học sinh tiểu học có ngôn ngữ phát triển hơn về cả ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp. Học sinh tiểu học phát âm ngày càng chuẩn hơn, vốn từ ngày càng phong phú hơn. Bên cạnh việc tiếp nhận số lượng các từ, trẻ đã biết biến chúng thành vốn từ của mình bằng khả năng hiểu nghĩa của từ và học cách sử dụng chúng trong từng huống cụ thể. Sự thông hiểu các quy tắc ngữ pháp đơn giản nhưng cơ bản này đã giúp trẻ nói và viết ngày càng đúng hơn. Nếu như ở lứa tuổi mẫu giáo, ngôn ngữ nói chiếm ưu thế hơn thì ở trẻ tiểu học việc đọc và viết chiếm ưu thế. Ngôn ngữ viết bắt đầu ở tuổi tiểu học và sau đó phát triển mạnh [15, tr.114 – 115].
1.3.5.2. Các hoạt động cơ bản của học sinh lớp 4
Ở tuổi học sinh tiểu học nói chung và học sinh lớp 4 nói riêng có nhiều loại hoạt động. Mỗi hoạt động có những đặc điểm riêng. Ở đây, chúng tôi xin chỉ ra những đặc điểm cơ bản nhất của một số hoạt động ấy.
a. Hoạt động học tập
Theo Tâm lý học hoạt động: Học tập là hoạt động chủ đạo của lứa tuổi học sinh tiểu học trong đó có tuổi học sinh lớp 4.
Hoạt động học tập của học sinh lớp 4 có một số đặc điểm cơ bản sau:
- Chủ thể của hoạt động là học sinh lớp 4.
- Đối tượng của hoạt động là tri thức, kỹ năng kỹ xảo,..theo chuẩn kiến thức, kỹ năng kỹ xảo cho học sinh lớp 4 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
- Sản phẩm của hoạt động là những năng lực mới được hình thành ở trẻ (theo mục tiêu của chuẩn kiến thức, kỹ năng kỹ xảo cho học sinh lớp 4 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành).
- Hoạt động học tập của học sinh lớp 4 được tiến hành theo phương thức nhà trường, trong đó có vai trò chủ đạo của người thầy trong việc tổ chức, hướng dẫn, điều khiển quá trình lĩnh hội tri thức, kỹ năng kỹ xảo của trẻ nhằm đạt tới sản phẩm của hoạt động ấy.
- Học tập là hoạt động chủ đạo của học sinh lớp 4. Dưới ảnh hưởng của hoạt động học tập đã tạo ra những biến đổi cơ bản trong đời sống tâm lý của học sinh lớp 4 mà đặc biệt đó là tính chủ định, kỹ năng làm việc trí óc và sự phản tỉnh [15, tr.162 – 163].
Như vậy: Hoạt động học tập đã làm xuất hiện các phẩm chất tâm lý mới ở học sinh lớp 4, làm biến đổi đời sống của trẻ, giúp trẻ chủ động, tự tin, tích cực, linh hoạt hơn trong học tập và trong đời sống.
b. Một số hoạt động khác
* Hoạt động vui chơi
Ở tuổi học sinh lớp 4, hoạt động vui chơi dù không còn giữ vai trò chủ đạo nhưng vẫn hết sức quan trọng, cần thiết đối với trẻ vì vui chơi là hình thức nghỉ ngơi tích cực giúp trẻ không bị ức chế, giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi trong quá trình học tập; nó có khả năng tác động đến sự phát triển trí thông minh của học sinh đồng thời cũng giúp trẻ bộc lộ những năng khiếu, sở thích,…qua đó giáo viên có thể phát hiện và tạo điều kiện, bồi dưỡng phát triển những năng khiếu, sở thích ấy [15, tr.170 – 172].
* Hoạt động lao động
Ở tuổi học sinh lớp 4, hoạt động lao động thường nhẹ nhàng, đơn giản, phù hợp với lứa tuổi của các em, đó là các hình thức lao động tự phục vụ (vệ sinh cá nhân; dọn dẹp sách vở, đồ dùng học tập,…); lao động phụ giúp gia đình những việc đơn giản (rửa chén bát, quét dọn nhà cửa, trông em,…); lao động công ích (vệ sinh trường lớp, trồng cây, nhổ cỏ,…ở khuôn viên trường);…. [15, tr.172 – 174].
Như vậy: Hoạt động của học sinh lớp 4 rất đa dạng, phong phú; trong đó, học tập là hoạt động chủ đạo của tuổi này, nó có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động khác và tạo ra những chuyển biến cơ bản trong đời sống tâm lý của trẻ. Do vậy, người giáo viên cần biết rõ đặc điểm của từng loại hoạt động, đặc điểm tâm lý của từng học sinh cũng như điều kiện thực tế của trường lớp để tổ chức hoạt động học tập và các hoạt động khác một cách khoa học, đa dạng để các em được học tập, vui chơi và tham gia vào các hoạt động khác một cách hứng thú, thoải mái, vui vẻ từ đó tăng hiệu quả mỗi loại hoạt động đó.