Giới thiệu khái quát về tổ chức thực nghiệm

Một phần của tài liệu Trí thông minh của học sinh lớp 4 ở một số trường tiểu học (Trang 126 - 133)

Chương 3. BIỆN PHÁP NÂNG CAO MỨC ĐỘ TRÍ THÔNG MINH CỦA HỌC SINH LỚP 4 Ở MỘT SỐ TRƯỜNG TIỂU HỌC TẠI HUYỆN BA TƠ, TỈNH QUẢNG NGÃI

3.3. Thực nghiệm sư phạm

3.3.1. Giới thiệu khái quát về tổ chức thực nghiệm

- Thử nghiệm một số biện pháp tác động nhằm nâng cao mức độ trí thông minh và một vài biểu hiện trong trí thông minh của học sinh lớp 4.

- Khẳng định tính hiệu quả của các biện pháp được đề xuất trong thực nghiệm.

3.3.1.2. Khách thể thực nghiệm

Khách thể thực nghiệm chính thức được chọn là học sinh lớp 4A, trường tiểu học Ba Vì, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.

Khách thể của nhóm ĐC được chọn là học sinh lớp 4B, trường tiểu học Ba Vì, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi; nhóm ĐC này không chịu tác động thực nghiệm.

Ngoài ra, có khách thể thực nghiệm bổ trợ là giáo viên chủ nhiệm lớp 4A, 4B trường tiểu học Ba Vì, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.

* Cách chọn khách thể: Chúng tôi chọn trường, lớp thực nghiệm một cách ngẫu nhiên theo sự chỉ định của Phòng Giáo dục huyện Ba Tơ và Hiệu trưởng trường tiểu học Ba Vì. Cụ thể:

- Việc chọn trường thực nghiệm do Phòng Giáo dục huyện Ba Tơ chỉ định.

- Việc chọn lớp thực nghiệm do Hiệu trưởng Trường tiểu học Ba Vì chỉ định.

Số lượng học sinh ở nhóm TN và nhóm ĐC cũng được chọn một cách ngẫu nhiên theo danh sách lớp mà Trường Ba Vì cung cấp. Khách thể nghiên cứu được cụ thể hóa ở bảng sau:

Bảng 3.1. Phân bố khách thể thực nghiệm Nhóm

Khách thể Nhóm thực nghiệm 4A Nhóm đối chứng 4B Toàn mẫu

Học sinh 15 15 30

Giáo viên 1 1 2

Tổng 15 học sinh, 1 giáo viên 15 học sinh,1 giáo viên 32

3.3.1.3. Nhiệm vụ thực nghiệm

Thực nghiệm được thực hiện trong đề tài với các nhiệm vụ sau:

- Tiến hành thực nghiệm theo 2 biện pháp nâng cao mức độ trí thông minh cho học sinh lớp 4 được đề xuất và đánh giá hiệu quả dựa trên sự thay đổi mức độ trí thông minh ở học sinh nhóm TN trước và sau thực nghiệm.

- Tiến hành thực nghiệm 2 biện pháp nâng cao mức độ trí thông minh cho học sinh lớp 4 được đề xuất và đánh giá hiệu quả dựa trên sự so sánh giữa nhóm TN và nhóm ĐC.

- Khẳng định tính hiệu quả của hai biện pháp nâng cao mức độ trí thông minh cho học sinh lớp 4 được đề xuất.

3.3.1.4. Giới hạn thực nghiệm

Do khả năng và điều kiện không cho phép nên chúng tôi tiến hành thực nghiệm với giới hạn như sau:

- Thực nghiệm chỉ tập trung đánh giá mức độ trí thông minh của học sinh lớp 4 với 2 biện pháp tác động trong quá trình thực nghiệm.

- Ngoài ra, thực nghiệm cũng đánh giá mức độ các phẩm chất tư duy của học sinh lớp 4 như: Tính định hướng, tính khái quát hóa và tính tiết kiệm tư duy.

- Các biện pháp được sử dụng trong thực nghiệm tác động để nâng cao mức độ trí thông minh của học sinh lớp 4 chỉ được tiến hành trên môn Toán.

- Ngoài ra, thời gian thực nghiệm cũng giới hạn trong 2 tháng rưỡi nên kết quả đánh giá thực nghiệm chỉ tập trung dựa trên trắc nghiệm bài tập và hệ thống bài tập thứ 2 được sử dụng trong thực nghiệm.

3.3.1.5. Nội dung thực nghiệm

Trong phạm vi của đề tài này, chúng tôi chỉ tiến hành thực nghiệm hai biện pháp trong số các biện pháp được xây dựng để nâng cao mức độ trí thông minh của học sinh lớp 4 như đã trình bày ở phần trên. Hai biện pháp thực nghiệm được lựa chọn và được tiến hành trên môn Toán lớp 4 là:

- Tổ chức dạy học theo hướng tích cực hóa hoạt động nhận thức của học sinh lớp 4 thông qua phương pháp dạy học khám phá theo lý thuyết kiến tạo phối hợp với các phương pháp khác một cách hiệu quả.

- Hướng dẫn học sinh rèn luyện kỹ năng giải quyết một số dạng bài tập cơ bản nhất ở các môn học trong chương, sách giáo khoa lớp 4.

a. Biện pháp 1: Tổ chức dạy học theo hướng tích cực hóa hoạt động nhận thức của học sinh lớp 4 thông qua phương pháp dạy học khám phá theo lý thuyết kiến tạo phối hợp với các phương pháp khác một cách hiệu quả.

* Nội dung 1: Cung cấp tri thức về phương pháp dạy học khám phá theo lý thuyết kiến tạo một cách đầy đủ, chi tiết và rèn luyện kỹ năng sử dụng phương pháp dạy học này cho giáo viên tiểu học.

Thời gian thực hiện nội dung 1: 4 buổi Quy trình thực hiện nội dung 1 như sau:

- Bước 1: Tạo không khí chia sẻ thân thiện và cởi mở ở hiểu biết về phương pháp dạy học khám phá theo lý thuyết kiến tạo giữa người nghiên cứu và giáo viên chủ nhiệm của lớp thực nghiệm.

Phương pháp thực hiện:

- Người nghiên cứu trao đổi và thống nhất với giáo viên về địa điểm, thời gian diễn ra sự chia sẻ về phương pháp dạy học khám phá theo lý thuyết kiến tạo.

- Người nghiên cứu tiến hành chia sẻ về phương pháp dạy học khám phá theo lý thuyết kiến tạo (định nghĩa, đặc trưng, quy trình thực hiện phương pháp dạy học khám phá, cách thiết kế kế hoạch dạy học sử dụng phương pháp dạy học khám phá,....) với giáo viên chủ nhiệm lớp thực nghiệm. Qua chia sẻ, chúng tôi nhận thấy giáo viên chủ nhiệm lớp thực nghiệm đã có những hiểu biết nhất định về phương pháp dạy học này, nhưng việc thực hiện đôi lúc gặp khó khăn vì chưa nắm rõ quy trình của phương pháp và chưa phối hợp với các phương pháp dạy học khác một cách hiệu quả.

- Giáo viên chủ nhiệm lớp thực nghiệm trao đổi, thảo luận để hiểu rõ hơn về phương pháp dạy học này. (nếu có)

Thời gian thực hiện: 120 - 150 phút (1 buổi)

- Bước 2: Rèn luyện kỹ năng sử dụng phương pháp dạy học khám phá theo lý thuyết kiến tạo cho giáo viên tiểu học.

Phương pháp thực hiện

- Người nghiên cứu tìm hiểu chương trình sách giáo khoa môn Toán lớp 4, lựa chọn một bài học, thiết kế một kế hoạch dạy học (giáo án) trong đó có sử dụng phương pháp dạy học khám phá theo lý thuyết kiến tạo.

- Người nghiên cứu chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm lớp thực nghiệm về kế hoạch dạy học sử dụng phương pháp dạy học khám phá theo lý thuyết kiến tạo.

- Giáo viên chủ nhiệm lớp thực nghiệm phối hợp với người nghiên cứu lựa chọn bài học ở môn Toán và thiết kế kế hoạch dạy học sử dụng phương pháp dạy học khám phá và tiến hành dạy học theo kế hoạch ấy.

- Người nghiên cứu và giáo viên chủ nhiệm lớp thực nghiệm cùng trao đổi, rút kinh nghiệm về tiết dạy trên tinh thần nhìn nhận những thành công đã đạt được để cố gắng phát huy những ưu điểm và nhận thức sai sót (nếu có) để điều chỉnh, khắc phục.

- Giáo viên chủ nhiệm lớp thực nghiệm thiết kế nhiều kế hoạch dạy học môn Toán sử dụng phương pháp dạy học khám phá theo lý thuyết kiến tạo và tiến hành các hoạt động dạy học để rèn luyện kỹ năng sử dụng phương pháp dạy học này.

Thời gian thực hiện: 3 buổi

* Nội dung 2: Tổ chức dạy học theo phương pháp dạy học khám phá theo lý thuyết kiến tạo ở môn Toán lớp 4.

Thời gian thực hiện nội dung 2: 2 tháng

Việc tổ chức dạy học theo phương pháp dạy học khám phá theo lý thuyết kiến tạo ở môn Toán lớp 4 được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Giáo viên chủ nhiệm lớp thực nghiệm tiến hành lựa chọn các tiết học có thể tổ chức theo hướng dạy học khám phá trên cơ sở lý thuyết kiến tạo.

Vấn đề lựa chọn các tiết học ở môn Toán lớp 4 có thể tổ chức dạy học khám phá cần được tiến hành kỹ lưỡng, chi tiết. Đó là các tiết học có các tri thức mới cần được lĩnh hội (các tiết dạy bài mới, các tiết luyện tập có cung cấp tri thức mới,…).

Phương pháp thực hiện

- Sử dụng sách giáo khoa Toán lớp 4 để liệt kê các tiết Toán mà mục tiêu là cung cấp tri thức mới cho học sinh.

- Kết hợp với tài liệu “Chuẩn kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo ở lớp 4” do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để lọc ra hệ thống các tiết học Toán ở lớp 4 mà mục tiêu cung cấp tri thức mới cho học sinh.

- Lập danh sách các tiết học ở môn Toán lớp 4 theo kết quả lọc ra ở trên và chọn lựa các tiết học loại này ở học kỳ 2.

Bước 2: Giáo viên chủ nhiệm lớp thực nghiệm tiến hành thiết kế kế hoạch dạy học (giáo án) cho các tiết học đã được lựa chọn ở trên.

Phương pháp thực hiện

- Giáo viên chủ nhiệm lớp thực nghiệm tiến hành thiết kế 10 kế hoạch dạy học theo những chia sẻ, trao đổi về cách thức thiết kế kế hoạch dạy học sử dụng phương pháp dạy học khám phá giữa người nghiên cứu với giáo viên.

- Người nghiên cứu phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm lớp thực nghiệm trong quá trình thiết kế kế hoạch dạy học loại này, tạo tiền đề để việc thực hiện hoạt động dạy học được thành công.

Bước 3: Tiến hành tổ chức dạy học các tiết học đã được lựa chọn và thiết kế ở trên nhằm nâng cao mức độ trí thông minh cho học sinh lớp 4.

Phương pháp thực hiện

- Giáo viên chủ nhiệm lớp thực nghiệm tiến hành dạy học môn Toán theo các kế hoạch bài dạy đã được thiết kế.

- Người nghiên cứu quan sát cách sử dụng phương pháp dạy học khám phá của giáo viên, ghi phiếu quan sát để góp ý rút kinh nghiệm (nếu cần).

- Qua mỗi tiết dạy, người nghiên cứu cùng giáo viên chủ nhiệm lớp thực nghiệm sẽ trao đổi, chia sẻ về những kết quả đạt được và cả những thiếu sót (nếu có), những chỗ cần điều chỉnh trong quá trình sử dụng phương pháp dạy học khám phá để giáo viên rút kinh nghiệm và từ đó sử dụng phương pháp dạy học này ngày càng hiệu quả hơn.

b. Biện pháp 2: Hướng dẫn học sinh hình thành kỹ năng giải quyết một số dạng bài tập cơ bản nhất ở môn Toán lớp 4.

Việc hướng dẫn học sinh lớp 4 hình thành kỹ năng giải quyết các dạng bài tập cơ bản nhất ở môn Toán gồm những nội dung sau:

* Nội dung 1: Cung cấp tri thức cần thiết về kỹ năng giải quyết một số dạng bài tập cơ bản nhất ở môn Toán lớp 4 và một số chú ý trong quá trình hình thành kỹ năng này ở học sinh cho giáo viên.

Thời gian thực hiện nội dung 1: 3 buổi Quy trình thực hiện nội dung 1 như sau:

- Bước 1: Tạo không khí chia sẻ thân thiện, cởi mở ở hiểu biết về kỹ năng giải quyết một số dạng bài tập cơ bản nhất trong môn Toán lớp 4; những chú ý trong quá trình hình thành kỹ năng này ở học sinh giữa người nghiên cứu và giáo viên chủ nhiệm lớp TN.

Phương pháp thực hiện:

- Người nghiên cứu trao đổi và thống nhất với giáo viên về địa điểm, thời gian diễn ra sự chia sẻ về kỹ năng giải quyết một số dạng bài tập cơ bản nhất ở môn Toán lớp 4 và những chú ý trong quá trình hình thành kỹ năng này ở học sinh.

- Người nghiên cứu tiến hành chia sẻ về kỹ năng giải quyết một số dạng bài tập cơ bản nhất ở môn Toán lớp 4 và những chú ý trong quá trình hình thành kỹ năng này ở học sinh với giáo viên chủ nhiệm lớp thực nghiệm.

- Giáo viên chủ nhiệm lớp thực nghiệm trao đổi, thảo luận để hiểu rõ hơn về kỹ năng này.

- Bước 2: Đánh giá, nhận xét quá trình hướng dẫn học sinh hình thành kỹ năng giải quyết một số dạng bài tập cơ bản nhất ở môn Toán lớp 4 của giáo viên tiểu học.

Phương pháp thực hiện

- Người nghiên cứu dự giờ, quan sát quá trình giáo viên chủ nhiệm lớp TN hình thành kỹ năng giải quyết một số dạng bài tập cơ bản nhất ở môn Toán lớp 4 cho học sinh.

- Người nghiên cứu chia sẻ, trao đổi với giáo viên chủ nhiệm lớp TN về những ưu điểm, hạn chế (nếu có) trong quá trình hướng dẫn học sinh hình thành kỹ năng giải quyết một số dạng bài tập cơ bản nhất ở môn Toán lớp 4.

- Giáo viên chủ nhiệm lớp TN lắng nghe, rút kinh nghiệm những sai sót (nếu có) và điều chỉnh để quá trình hướng dẫn học sinh hình thành kỹ năng giải quyết một số dạng bài tập cơ bản nhất ở môn Toán lớp 4 đạt được hiệu quả cao hơn.

* Nội dung 2: Tổ chức hướng dẫn học sinh lớp 4 hình thành kỹ năng giải quyết một số dạng bài tập cơ bản nhất ở môn Toán lớp 4.

Thời gian thực hiện nội dung 2: 2 tháng

Việc tổ chức hướng dẫn học sinh hình thành kỹ năng giải quyết một số dạng bài tập cơ bản nhất ở môn Toán lớp 4 được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Giáo viên chủ nhiệm lớp TN tiến hành liệt kê một số dạng bài tập cơ bản nhất trong chương trình môn Toán lớp 4.

Vấn đề liệt kê một số dạng bài tập cơ bản nhất trong chương trình môn Toán lớp 4 cần được tiến hành kỹ lưỡng, chi tiết. Đặc biệt là các dạng toán về dấu hiệu chia hết cho 2, 3, 5, 9,…và các dạng bài tập liên quan đến các công thức tính diện tích, chu vi hình chữ nhật, các bài toán về tìm số trung bình cộng, tìm hai số khi biết tổng - hiệu;

tổng -tỉ,…

Phương pháp thực hiện

Sử dụng sách giáo khoa Toán lớp 4 kết hợp với một số tài liệu tham khảo như:

trắc nghiệm bài tập Toán lớp 4 (2 tập) để liệt kê một số dạng bài tập cơ bản nhất.

Bước 2: Giáo viên chủ nhiệm lớp TN soạn thảo hệ thống một số dạng bài tập cơ bản nhất trong chương trình Toán lớp 4 để hướng dẫn học sinh hình thành kỹ năng giải quyết các dạng bài tập ấy.

Phương pháp thực hiện

Giáo viên chủ nhiệm lớp TN tiến hành soạn một số bài tập thuộc các dạng toán cơ bản nhất ở lớp 4. Số lượng các bài tập cụ thể như sau:

+ Dạng 1: Các bài toán liên quan đến phép chia hết cho 2, 3, 5, 9,…: 5 bài + Dạng 2: Tìm số trung bình cộng của 2 hay nhiều số: 5 bài.

+ Dạng 2: Tìm 2 số khi biết tổng và hiệu của hai số đó: 5 bài + Dạng 4: Tìm 2 số khi biết tổng và tỉ của hai số đó: 5 bài + Dạng 5: Tìm 2 số khi biết hiệu và tỉ số của 2 số đó: 5 bài

- Người nghiên cứu phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm lớp TN trong quá trình thiết kế hệ thống bài tập thuộc các dạng toán cơ bản nhất ở lớp 4, tạo tiền đề để việc hướng dẫn học sinh hình thành kỹ năng giải quyết các dạng bài tập này được thành công.

Bước 3: Giáo viên chủ nhiệm lớp TN hướng dẫn học sinh hình thành kỹ năng giải quyết một số dạng bài tập cơ bản nhất ở chương trình môn Toán lớp 4.

Phương pháp thực hiện

- Giáo viên chủ nhiệm lớp TN tiến hành hướng dẫn học sinh hình thành kỹ năng giải quyết một số dạng bài tập cơ bản nhất ở chương trình môn Toán lớp 4 theo hệ thống bài tập đã được thiết kế.

- Người nghiên cứu quan sát cách hướng dẫn học sinh của giáo viên, ghi phiếu quan sát để góp ý, rút kinh nghiệm (nếu cần).

- Qua mỗi tiết dạy của giáo viên (tiết hướng dẫn học sinh hình thành kỹ năng giải quyết các dạng bài tập toán cơ bản nhất ở lớp 4), người nghiên cứu cùng giáo viên chủ nhiệm lớp TN sẽ trao đổi, chia sẻ về những kết quả đạt được và cả những thiếu sót (nếu có), những chỗ cần điều chỉnh để giáo viên rút kinh nghiệm và từ đó có cách hướng dẫn học sinh ngày càng hiệu quả hơn.

Một phần của tài liệu Trí thông minh của học sinh lớp 4 ở một số trường tiểu học (Trang 126 - 133)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(227 trang)